New York 'mất chất' vì cuộc sống quá đắt đỏ

Đang có một làn sóng di cư của những người da màu đã từng đóng góp rất nhiều cho văn hóa New York, như sự ra đời của hip hop...

New York mất chất vì cuộc sống quá đắt đỏ-1
Tình cảnh chật vật của người da đen ở New York

Athenia Rodney là sản phẩm của làn sóng dịch chuyển ở thành phố New York, nơi từng được xem là mảnh đất hứa hẹn với người Mỹ da màu.

Cô lớn lên trong những khu dân cư chủ yếu là người da đen ở Brooklyn, tốt nghiệp trường công lập và theo học trường đại học với học bổng toàn phần. Rodney cũng thành lập công ty tổ chức sự kiện của riêng mình tại thành phố này

Nhưng khi Rodney lập gia đình, gia đình cô phải sống trong căn nhà thuê một phòng ngủ chật chội, nơi ba đứa con ngủ chung trên chiếc giường tầng trong phòng khách.

New York mất chất vì cuộc sống quá đắt đỏ-2
Athenia Rodney cùng gia đình trong ngôi nhà ở mới ở Georgia. Cô đã quyết định rời New York mùa hè năm ngoái. Ảnh: NYT.

Những đứa con của cô thậm chí còn khó tiếp cận được các lớp học bơi. Khi nhìn thấy các bài đăng trên mạng xã hội của bạn bè khoe sân vườn rộng rãi ở Georgia, giải pháp trở nên rõ ràng hơn: Rời đi.

Mùa hè năm ngoái, gia đình cô đã mua một căn nhà năm phòng ngủ ở Snellville, Georgia.

Rodney nói: “Tôi cảm thấy việc nuôi dạy một gia đình ở New York ngày càng trở nên khó khăn”.

Rodney không phải là trường hợp cá biệt, cô là một phần của làn sóng di cư của cư dân da đen khỏi New York. Từ năm 2010 đến 2020, một thập kỷ cho thấy số lượng cư dân da đen ở thành phố đã giảm xuống.

Ruth Horry, một bà mẹ da đen đã sống trong các căn hộ ở Brooklyn đầy gián và chuột trong nhiều năm, đã nhiều lần phải chuyển nhà do giá thuê tăng cao.

Cuối cùng, Horry, 36 tuổi và ba cô con gái đã buộc phải tìm đến các khu tạm trú xã hội. Tại một nơi như vậy ở Queens, bồn rửa quá nhỏ đã buộc Horry phải gội đầu cho các con mình trong phòng tắm của một cửa hàng McDonald's gần đó.

"Tôi đã quá mệt mỏi”, cô nói. Vào cuối năm 2019, Horry chuyển đến thành phố Jersey. Horry cho biết, chi phí sinh hoạt giảm đã thay đổi cuộc sống và cô đang cân nhắc chuyển đến miền Nam để tiết kiệm nhiều hơn.

Sự suy giảm trên phản ánh xu hướng trên khắp nước Mỹ, khi các trí thức da đen trẻ tuổi, các gia đình trung lưu và những người về hưu rời các thành phố ở Đông Bắc và Trung Tây để đến miền Nam.

Dân số da đen của thành phố đã giảm gần 200.000 người trong hai thập kỷ qua, tương đương khoảng 9%. Số lượng trẻ em và thanh thiếu niên da đen sống trong thành phố giảm hơn 19% từ năm 2010 đến năm 2020.

New York mất "chất" và thiệt hại cả kinh tế

Có vô số yếu tố thúc đẩy những gia đình như Rodney rời khỏi thành phố, bao gồm lo ngại về chất lượng trường học, mong muốn được gần người thân hơn và điều kiện sống chật chội ở đô thị. Nhưng nhiều người trong số này chỉ ra một nguyên nhân chính: chi phí sinh hoạt của một gia đình ở New York ngày càng tăng.

Nhà làm phim Spike Lee cho biết ông lo lắng về việc thành phố trở nên đắt đỏ hơn và khó tiếp cận hơn với người da màu nói riêng, những người đã đóng góp rất nhiều cho văn hóa thành phố, từ sự ra đời của hip hop ở South Bronx cho tới các nghệ sĩ như Alvin Ailey và Jean-Michel Basquiat.

Lạm phát cao và thị trường cho thuê nhà trở nên hỗn loạn khi đại dịch lắng xuống đã gây tổn hại cho người dân New York trên diện rộng.

Ngoài ra, vẫn còn khoảng cách xa giữa các gia đình da đen và da trắng về khả năng tài chính. Các hộ gia đình da đen có thu nhập trung bình là 53.000 USD, so với khoảng 98.000 USD đối với các hộ gia đình da trắng, theo dữ liệu điều tra dân số gần đây nhất.

Các gia đình da đen bị thu hút bởi các cơ hội ở những nơi có nhiều việc làm và nhà ở hơn đang tìm kiếm những cơ hội mới cho tương lai.

Cuộc di cư có thể biến đổi kết cấu của New York. Điều này đã báo động các nhà lãnh đạo da đen, cũng như các nhà kinh tế chỉ ra tình trạng thiếu lao động trong các ngành như điều dưỡng, nơi người da đen thường chiếm đa số.

Việc tiếp tục mất người New York da đen cũng có thể làm gián đoạn thị trường việc làm của thành phố. Melva Miller, giám đốc điều hành của Hiệp hội phi lợi nhuận Vì một New York tốt đẹp hơn, đã chỉ ra tình trạng thiếu lao động trong các ngành từ lâu đã dựa vào tỷ lệ lớn nhân viên da đen, như ngành xây dựng và dịch vụ dân sự.

Một số gia đình đã rời đi nói rằng có những điều họ nhớ về thành phố, nhưng những cơ hội mà họ tìm thấy ở nơi khác đã khiến việc chuyển đi trở nên xứng đáng.

Alisha Brooks, 36 tuổi, người gốc Bronx, luôn hình dung về việc nuôi dạy con cái của mình trong thành phố, bám lấy gốc rễ rằng bản thân là người New York. Nhưng là một bà mẹ trẻ da đen, đôi khi cô cảm thấy lạc lõng trong khu phố Brooklyn Heights, nơi chủ yếu là người da trắng và có thu nhập cao hơn.

“Thằng bé bắt đầu cảm thấy khác biệt. Nó cần ở môi trường đa dạng hơn với nhiều đứa trẻ giống mình”.

Sau chuyến đi đến Bắc Carolina vào mùa xuân năm 2020 cho thấy cuộc sống ở nơi khác có thể rẻ hơn nhiều, gia đình Brooks đã chọn chuyển đến Charlotte, nơi dân số da đen ngày càng tăng và chiếm hơn một phần ba cư dân. Hầu hết giáo viên mới của các con trai cô và nhiều bạn cùng lớp của chúng là người da đen.

Theo Nhịp sống thị trường

Xem link gốc Ẩn link gốc https://markettimes.vn/new-york-mat-chat-vi-cuoc-song-qua-dat-do-15701.html

New York


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.