Nguy hiểm từ mẹo nhét tỏi trị nghẹt mũi trên TikTok

Các chuyên gia cảnh báo việc nhét tỏi vào mũi có thể gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm như kích ứng, chảy máu, bỏng khoang miệng và nhiễm trùng xoang nghiêm trọng.

Nguy hiểm từ mẹo nhét tỏi trị nghẹt mũi trên TikTok-1Nhiều TikToker chia sẻ mẹo nhét tỏi vào mũi để trị nghẹt mũi.

Thời gian gần đây, những video chia sẻ mẹo nhét tỏi vào mũi để trị chứng nghẹt mũi đang lan truyền trên TikTok. Nhiều chuyên gia cảnh báo cách làm này có thể gây nguy hiểm cho người thực hiện, SportKeeda đưa tin.

Ý tưởng đằng sau việc nhét tỏi để trị nghẹt mũi xuất phát từ thực tế tỏi được cho có tác dụng trong việc hạn chế các triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm.

Trong một video nổi bật, cô gái nhét tép tỏi vào mũi, đợi khoảng 10-15 phút, sau đó lấy tép tỏi ra và chất nhầy chảy ra từ mũi. Cô gái khẳng định đây là bằng chứng cho thấy nhét tỏi vào mũi giúp làm thông thoáng, giảm nghẹt mũi.

Theo những người dùng TikTok đã thử mẹo này, bạn chỉ cần nhét một miếng tỏi nhỏ vào lỗ mũi và để yên khoảng vài phút. Những lợi ích nhận lại được giới thiệu bao gồm giảm tình trạng tắc nghẽn, cải thiện hơi thở và tăng cường hệ thống miễn dịch.

Trào lưu nguy hiểm
Có nhiều lý do cho thấy trend nhét tỏi vào mũi có khả năng gây hại cho sức khỏe.

Thứ nhất, tỏi là một chất kích thích mạnh. Khi nghiền hoặc băm tỏi, nó sẽ giải phóng một hợp chất gọi là allicin, có thể gây kích ứng và bỏng rát. Khi hợp chất này tiếp xúc với lớp niêm mạc nhạy cảm của lỗ mũi, nó có thể gây đau, viêm và thậm chí làm tổn thương các mô mỏng manh bên trong mũi.

Đưa vật lạ vào lỗ mũi có thể gây nguy hiểm. Lớp niêm mạc mũi rất mỏng manh và nhạy cảm, việc nhét bất cứ thứ gì vào đó có thể gây chấn thương, chảy máu hoặc nhiễm trùng. Hơn nữa, nếu tỏi bị kẹt trong lỗ mũi có thể dẫn đến tắc nghẽn, khó thở.

Hơn nữa, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho tuyên bố nhét tỏi vào mũi có thể cải thiện sức khỏe. Mặc dù tỏi có đặc tính kháng khuẩn, không có bằng chứng nào cho thấy nó giúp chống lại virus cảm lạnh, cúm hoặc tăng cường hệ thống miễn dịch.


Nguy hiểm từ mẹo nhét tỏi trị nghẹt mũi trên TikTok-2Các chuyên gia cảnh báo nhiều nguy cơ sức khỏe khi nhét tỏi vào mũi.

Erich Voigt, phó giáo sư Khoa Tai Mũi Họng tại NYU Langone Health, lên tiếng cảnh báo về trào lưu này. "Thật khủng khiếp. Khi nhét tỏi vào mũi, nó sẽ gây kích ứng, khiến cơ thể tiết ra một lượng nước mũi lớn hơn. Và vì lỗ mũi bị bịt kín, lượng chất nhầy đó không thể thoát ra ngoài".

Ngoài việc tạo ra một lớp nước mũi dư thừa không cần thiết, nhét tỏi vào lỗ mũi còn có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe lâu dài như kích ứng da, bỏng, chảy máu, bỏng khoang miệng và nhiễm trùng xoang nghiêm trọng.

Vị bác sĩ khuyên người bị nghẹt mũi nên dùng các biện pháp an toàn như xịt nước muối an toàn vào mũi để rửa sạch chất nhầy, hoặc dùng máy xông hơi cá nhân để làm loãng chất nhầy.

Ông nói thêm với những người muốn phục hồi chức năng giác quan sau khi mắc Covid-19, các mùi hương hiệu quả bao gồm cam, chanh, bã cà phê hoặc hoa oải hương, nhưng chắc chắn không phải tỏi.

Mohan Kameswaran, bác sĩ phẫu thuật trưởng, Tổ chức Nghiên cứu Tai mũi họng Madras, phản đối trào lưu này. "Nhét tỏi vào mũi chẳng có ích lợi gì cho mũi hay xoang ngoài việc tạo ra mùi khó chịu cho người thực hiện nó", ông nói.

Thực tế, tỏi là một chất gây dị ứng phổ biến, vì vậy nếu một người có tiền sử dị ứng hoặc nhạy cảm với tỏi, tốt nhất nên tránh trào lưu này.

Các phản ứng dị ứng có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm ngứa hoặc nóng ran trên da; sưng môi hoặc mặt; nổi mề đay; đau bụng và tiêu chảy; ho hoặc thở khò khè do lên cơn hen (nếu bệnh nhân bị hen).

Mối nguy từ "bác sĩ TikTok"
Trên TikTok, không thiếu những "bác sĩ online" chia sẻ mẹo trị bệnh thiếu cơ sở khoa học, có thể gây nguy hiểm cho người làm theo.

Cuối năm 2022, thời điểm mùa cúm ở Mỹ trở nên trầm trọng, nhiều người nghe theo "phương thuốc" hành củ ngâm nước lan truyền trên TikTok thay vì tới bệnh viện và tìm gặp bác sĩ.

Những video chia sẻ cách thực hiện hỗn hợp cay nồng - được làm bằng cách ngâm hành sống xắt nhỏ trong nước - đã thu hút hàng chục triệu lượt xem trên mạng xã hội.

Nguy hiểm từ mẹo nhét tỏi trị nghẹt mũi trên TikTok-3Trend uống nước ngâm hành trị cảm cúm từng bị bác sĩ cảnh báo có thể gây nguy hiểm.

Trong video thu hút 2,5 triệu lượt xem, một phụ nữ, người mô tả bản thân là “đứa con của mẹ thiên nhiên” ở trang cá nhân, đã nhiệt tình quảng cáo phương thuốc tự chế bằng hành.

Để nâng cao hiệu quả chữa bệnh, cô hướng dẫn người xem ngâm hành trong nước nhiều giờ đồng hồ.

Các video nhận được sự quan tâm lớn trong bối cảnh Mỹ phải đối mặt cùng lúc “bộ 3” dịch bệnh gồm cúm, Covid-19 và RSV. Hệ thống y tế nước này đang trong tình trạng căng thẳng và quá tải.

Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng những video như trên có thể thúc đẩy niềm tin mù quáng vào những liệu pháp chữa trị tại nhà, từ đó gây hại cho sức khỏe cộng đồng.

“Những củ hành vô hại. Nhưng nếu người nào đó ốm, họ nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế thực sự. Tôi sợ rằng mọi người sẽ chỉ uống nước hành mà không đi khám, để rồi lây lan Covid-19 hoặc virus trong cộng đồng”, Katrine Wallace, một nhà dịch tễ học và trợ lý giáo sư tại Đại học Illinois Chicago, nói.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nguy-hiem-tu-meo-nhet-toi-tri-nghet-mui-tren-tiktok-post1424707.html

TikTok


Hà Nội: Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhồi máu cơ tim vì lý do bất ngờ
Các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E vừa can thiệp cấp cứu và thành công cứu sống một nam thanh niên nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng nói, nam thanh niên này chỉ mới 32 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, thường xuyên luyện tập thể hình nhưng vẫn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và có thể để lại những di chứng nặng nề.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.