Những ngày cuối của chiếc khẩu trang

Trong khi nhiều quốc gia vẫn yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, một số lại gần như xóa sổ nó.

Hai năm trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Từ đó, chiếc khẩu trang trở thành một phần trong cuộc sống.

Khi trở lại bình thường mới, người dân khắp thế giới phải học cách sống chung với dịch. Quy định liên quan đến khẩu trang cũng dần thay đổi.

Nhiều nơi nới lỏng

Từ ngày 29/3, Singapore nâng quy mô tụ tập nhóm từ 5 lên 10 người và cho phép lựa chọn đeo khẩu trang hoặc không khi ở ngoài trời. Đây được coi là một phần trong “bước tiến quyết định” của đất nước đối với việc sống chung với Covid-19, theo CNA.

Những thay đổi khác đối với biện pháp chống dịch bao gồm cho phép 75% nhân viên trở lại văn phòng và các sự kiện lớn được hoạt động với 75% công suất.

Người dân vẫn phải đeo khẩu trang trong không gian kín vì nguy cơ lây truyền bệnh ở ngoài trời “thấp hơn đáng kể”. Một số yêu cầu như giữ khoảng cách 1 m giữa các nhóm có khẩu trang vẫn được áp dụng.

“Tiếp tục cuộc sống bình thường hơn, tận hưởng những buổi tụ họp đông hơn với gia đình và bạn bè, ra ngoài trời mà không đeo khẩu trang hoặc đoàn tụ với người thân ở nước ngoài. Tuy nhiên, đừng gạt hết đi sự cẩn trọng”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói.

Ông khuyến cáo: “Nếu cảm thấy không khỏe, hãy tự test Covid-19. Nếu có kết quả dương tính, hãy tự cách ly ở nhà. Nếu âm tính và quyết định ra ngoài, vui lòng đeo khẩu trang để bảo vệ những người khác, ngay cả khi ở ngoài trời”.


Những ngày cuối của chiếc khẩu trang-1
Từ ngày 29/3, người dân Singapore có thể tháo khẩu trang khi ở ngoài trời. Ảnh: Edgar Su/Reuters.


Ngày 1/4, Hàn Quốc cho biết sẽ nới lỏng hơn nữa các quy định về giãn xa xã hội vào tuần sau đó và có thể loại bỏ hầu hết quy định liên quan đến Covid-19 vào cuối tháng này, bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang khi ra ngoài trời, theo Reuters.

Bộ trưởng Bộ Y tế Kwon Deok-cheol cho biết từ 4/4, lệnh giới nghiêm đối với các quán ăn và cơ sở kinh doanh khác sẽ được lùi lại đến 23h. Những cuộc tụ tập riêng tư được nâng lên 10 người.

Đây là bước đi mới nhất của Hàn Quốc trong việc nới lỏng các biện pháp chống Covid-19. Chính phủ sẽ xem xét loại bỏ các hạn chế, ngoại trừ việc đeo khẩu trang trong không gian kín, nếu ca mắc mới hàng ngày tiếp tục giảm và hệ thống y tế cho bệnh nhân nặng được quản lý ổn định trong 2 tuần tới.

Tại Vương quốc Anh, các quy tắc về khẩu trang đang được nới lỏng nhưng vẫn được yêu cầu tại một số cơ sở, theo BBC. Sân bay và một số hãng hàng không có quy định bớt khắt khe hơn về việc che mặt.

Bộ trưởng Thứ nhất Nicola Sturgeon của Scotland cho biết do sự gia tăng số ca mắc Covid-19, người dân vẫn phải đeo khẩu trang trong không gian kín như phương tiện giao thông công cộng, cửa hàng, phòng gym, nhà hàng, quán rượu ít nhất đến tháng 4. Người vi phạm có thể bị phạt tới 60 bảng Anh.

Trong khi đó ở Anh, đeo khẩu trang không còn là yêu cầu bắt buộc tại hầu hết không gian công cộng, nhưng được khuyến cáo đeo ở một số nơi như bệnh viện, tàu điện, xe buýt, sân bay.

Tại xứ Wales, việc đeo khẩu trang là tùy chọn ở lớp học, bảo tàng, rạp chiếu phim nhưng bắt buộc trong cửa hàng, salon, nơi chăm sóc sức khỏe hay phương tiện giao thông công cộng. Nếu vi phạm, người dân có thể bị phạt 60 bảng Anh trong lần đầu tiên và cứ thế nhân lên sau đó (mức phạt tối đa là 1.920 bảng Anh). Ai tái phạm nhiều lần có thể phải hầu tòa với mức phạt không giới hạn.

Bắc Ireland đã gỡ bỏ hoàn toàn quy định khẩu trang và chỉ khuyến cáo người dân đeo ở một số không gian đông đúc.

Những ngày cuối của chiếc khẩu trang-2
Quán bar Emporium ở Chicago (Mỹ) không còn yêu cầu đeo khẩu trang hay giấy chứng nhận tiêm chủng. Ảnh: Jamie Kelter Davis/The New York Times.

Sau khi biến chủng Omicron suy yếu ở Mỹ, các thành phố và tiểu bang có biện pháp phòng ngừa Covid-19 nghiêm ngặt nhất cũng dần nới lỏng.

Ở các bang Florida và Texas, người dân đã sống với rất ít hạn chế trong nhiều tháng nay. Thành phố Chicago (bang Illinois) đã dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang trong nhà cho các doanh nghiệp vào cuối tháng 2.

Tuy nhiên, cư dân của các thành phố cẩn trọng với Covid-19 như New York, Los Angeles, Chicago và San Francisco vẫn đang cố gắng tìm ra các quy tắc mới sau 2 năm luôn nâng cao cảnh giác.

Theo New York Post, đầu tháng 4, Thị trưởng New York Eric Adams và ủy viên y tế Ashwin Vasan thông báo rằng trẻ em 2-4 tuổi phải đeo khẩu trang ở nhà trẻ và trong không gian kín. Điều này gây ra phản ứng tiêu cực vì không có nhóm tuổi nào khác phải chịu yêu cầu tương tự.

Chưa tự tin tháo khẩu trang

Sau 2 năm đại dịch, việc chuyển sang trạng thái bình thường mới khiến nhiều người Mỹ lo lắng. Họ là nhóm luôn đeo khẩu trang và giãn cách xã hội ngay cả khi phần lớn đất nước dở bỏ các biện pháp phòng dịch, theo New York Times.

Lindsey Liss (47 tuổi), nghệ sĩ và mẹ 4 con ở Chicago, cho biết: “Tôi bối rối về cách chúng ta đi rất nhanh từ thái cực này sang thái cực khác. Không đeo khẩu trang, tôi cảm thấy như mình đang thiếu thứ gì đó”.

Một số phụ huynh Mỹ cho biết họ vui mừng vì con cái cuối cùng cũng có thể đến trường mà không cần đeo khẩu trang. Trong khi đó, số khác lo lắng rằng trẻ em chưa được tiêm chủng có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Tính đến giữa tháng 3, khoảng 65% người Mỹ được tiêm vaccine đầy đủ. Trẻ em dưới 5 tuổi vẫn không đủ điều kiện để được tiêm chủng.

Marcel Moran, giảng viên tại Đại học California, Berkeley, luôn cảm thấy phiền phức khi phải giảng bài trong 3 tiếng với chiếc khẩu trang. Vì vậy, ông vui mừng có thể tháo nó ra. Tuy nhiên, phần lớn trong số 70 sinh viên của Moran vẫn đeo khẩu trang khi ngồi thảo luận nhóm với cửa lớp học được mở ra để thông gió.


Những ngày cuối của chiếc khẩu trang-3
Bình thường mới nhưng nhiều người Mỹ vẫn chưa tự tin tháo khẩu trang, nhất là nhóm cao tuổi, khuyết tật, suy giảm miễn dịch. Ảnh: Jamie Kelter Davis/The New York Times.


Nhiều người Mỹ lo ngại về việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch sẽ gây nguy hiểm cho người lớn tuổi, khuyết tật và hệ miễn dịch suy yếu.

Elizabeth Kestrel Rogers, nhà văn ở California, cho biết: “Cảm giác như chúng tôi bị bỏ rơi. Mọi người dường như bỏ cuộc vì họ không muốn bị làm phiền nữa. Tôi và bạn bè sẽ tiếp tục đeo khẩu trang”.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết khoảng 98% người Mỹ sống trong các cộng đồng mà họ không cần đeo khẩu trang nữa. Hành khách vẫn phải đeo khẩu trang trên máy bay, xe buýt và phương tiện công cộng ít nhất đến ngày 18/4 nhưng CDC đang xem xét việc đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng.

Việc nới lỏng quy định cũng gây khó khăn cho các quan chức y tế công cộng như Thomas LaVeist, Trưởng khoa y tế công cộng tại Đại học Tulane.

“Mọi người đều mệt mỏi và kiệt sức. Tôi cũng vậy. Nhưng thực tế, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn người chết vì Covid-19. Tôi không thấy căn cứ nào để dỡ bỏ quy định về vaccine và khẩu trang”, LaVeist nói.

Trong 2 năm, Patti LuPone, nghệ sĩ của sân khấu Broadway ở New York, đã thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa. Nhưng khi biến chủng Omicron suy yếu, cô bắt đầu đi ra ngoài và lơi lỏng việc đeo khẩu trang.

Cuối tháng trước, LuPone có kết quả dương tính trước buổi biểu diễn. Trong 10 ngày, cô phải cách ly, ăn trưa một mình trong căn hộ khi vật lộn với các triệu chứng sốt và mệt mỏi.

“Tôi sẽ không lỏng lẻo về việc đeo khẩu trang nữa. Tôi đã đặt những người khác vào tình thế rủi ro”, cô ân hận nói.

Những ngày cuối của chiếc khẩu trang-4
Nhiều cá nhân chọn đeo khẩu trang ở ngoài trời để đảm bảo an toàn cho người xung quanh khi dịch bệnh vẫn chưa kết thúc. Ảnh: Reuters.

Với Annie Tan, nhà văn tự do sống tại Singapore, sau giai đoạn đầu bối rối và bị cô lập, cô đã quen với việc đeo khẩu trang cùng hàng loạt hạn chế khác. Khi đi dạo trong công viên yên tĩnh, Tan bỏ khẩu trang ra vài phút nhưng tự giác kéo lên nếu ai đó đi ngang qua, theo CNA.

Ngay cả khi chính phủ nới lỏng các biện pháp chống dịch hay dịch bệnh qua đi, Tan cho rằng vẫn có thể duy trì việc giữ khoảng cách với người lạ. Cô tự nguyện đeo khẩu trang ở những nơi đông người, ngay cả ngoài trời, để đảm bảo an toàn.

Theo ZIng

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/nhung-ngay-cuoi-cua-chiec-khau-trang-post1307749.html?fbclid=IwAR12A-yR72Czv3oEnLI53hSlAw_zhk4kPlD9qyC0QvcVsqAx--2K8QJiguQ

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.