Phụ nữ Hàn không yêu, không tình dục, không cưới, không đẻ con

Phong trào “4 không” phản đối mạnh mẽ chế độ gia trưởng ở Hàn Quốc - quốc gia có mức chênh lệch tiền lương lớn nhất trong nhóm nước phát triển.

Phụ nữ Hàn không yêu, không tình dục, không cưới, không đẻ con-1
Nhiều phụ nữ trẻ Hàn Quốc không còn coi kết hôn, sinh con là diều hiển nhiên. Ảnh: VCG.

Nhiều phụ nữ ở xứ sở kim chi chán ngấy chế độ gia trưởng đến mức trong những năm gần đây, họ có lập trường cực đoan: từ chối kết hôn, hẹn hò với đàn ông, quan hệ tình dục và sinh sản.

Phong trào này, được gọi là “4 không”, bắt đầu vào năm 2019. Kể từ đó, nó lan rộng với hy vọng chính phủ bảo thủ của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ áp dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, theo EL PAÍS.

Bất chấp nền tảng học thuật vững chắc của phụ nữ Hàn Quốc, khoảng cách về thu nhập giữa hai giới là rất rõ rệt: đàn ông kiếm được nhiều hơn 30% so với phụ nữ, nghiên cứu của Statista chỉ ra. Theo Korea Herald, điều này làm cho Hàn Quốc trở thành quốc gia bất bình đẳng giới nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Thêm vào đó là sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống kém ở Hàn Quốc, cũng như sự chênh lệch trong việc phân chia nhiệm vụ trong gia đình. Phụ nữ thường gánh vác trách nhiệm nuôi dạy con cái, khiến họ phải lựa chọn giữa đi làm hoặc ở nhà làm mẹ. Tại Hàn Quốc, tuần làm việc kéo dài 52 giờ.

“Đình công sinh đẻ”

“4không” được cho là tiếng kêu tuyệt vọng xuất hiện sau khi tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm bắt đầu nhiệm kỳ của mình. Ông từng tuyên bố ý định bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình.

Hậu quả của việc “đình công sinh đẻ” rất nặng nề đối với Hàn Quốc. Ba năm liên tiếp, đất nước này có tỷ suất sinh thấp nhất thế giới, trung bình 0,78 con/phụ nữ.

Lee Sang-lim, nhà nhân khẩu học tại Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc, nói với The New York Times: “Cuộc sống không suôn sẻ đối với nhiều người trẻ tuổi. Họ không còn coi việc kết hôn hoặc sinh con là điều hiển nhiên”.

Hàn Quốc đang trong tình trạng báo động vì ước tính trung bình 2,1 trẻ em/phụ nữ là cần thiết để giữ cho dân số ổn định. Năm 2020, số người chết vượt quá số ca sinh ở đây. Nhiều thành phố có nguy cơ biến mất trong những năm tới.


Phụ nữ Hàn không yêu, không tình dục, không cưới, không đẻ con-2
Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc giảm đến mức báo động trong những năm gần đây. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Hawon Jung, tác giả sách về phong trào nữ quyền ở Hàn Quốc, nói rằng phong trào này được khơi dậy bởi các chính sách của chính phủ ở quốc gia mà cô cho là rất bảo thủ.

“Các bà mẹ đơn thân bị kỳ thị. Bác sĩ từ chối thụ tinh trong ống nghiệm cho phụ nữ không có bạn đời là nam giới, mặc dù điều đó không phạm pháp. Tỷ lệ sinh con ngoài giá thú chỉ chiếm 2% trong tổng số, so với tỷ lệ trung bình là 41% của phụ nữ ở các quốc gia OECD. Hôn nhân và sinh con gắn bó chặt chẽ với nhau. Phụ nữ bị áp lực phải hy sinh sự nghiệp sau khi có con hoặc kết hôn”, cô nói.

Jung tin rằng nguồn gốc của vấn đề nằm ở vai trò của phụ nữ kể từ Nho giáo - hệ tư tưởng thịnh hành trước những cải cách của thế kỷ 20. Triết lý ủng hộ những cô gái phục tùng, người vợ trong trắng và bà mẹ hy sinh. Những niềm tin này được duy trì do xã hội quân sự hóa, nơi khái niệm nam tính hiếu chiến đã phổ biến trong suốt lịch sử. Điều này đã được áp dụng từ Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) trở đi.

Theo Jung, những quốc gia nơi có chính sách gia đình tốt, như Thụy Điển, hoặc công nhận sự đa dạng của các cặp vợ chồng, như Pháp, thành công hơn trong việc ổn định hoặc thậm chí tăng tỷ lệ sinh.

Phong trào “4 không” phản ánh sự cực đoan hóa của nỗi thất vọng khiến phụ nữ thậm chí lựa chọn từ bỏ tình dục. Jung nhận định phụ nữ trẻ không cho rằng việc đầu tư thời gian và sức lực vào việc hẹn hò với đàn ông là điều đáng làm. Họ cảm thấy mệt mỏi khi cố gắng tìm kiếm người không tuân theo các chuẩn mực gia trưởng.

Chặng đường dài

Trong lịch sử, các phong trào nữ quyền rất hiệu quả ở Hàn Quốc khi đạt được không ít cột mốc quan trọng như phi hình sự hóa việc phá thai vào năm 2021, chấp nhận những thay đổi trong quan niệm về vẻ đẹp của phụ nữ.

Ví dụ, phong trào “thoát khỏi áo ngực” bác bỏ những khuôn mẫu cứng nhắc của Hàn Quốc về phụ nữ như phải để tóc dài, đẹp chuẩn Kpop, làn da trắng sứ, trang điểm hoàn hảo và trải qua phẫu thuật thẩm mỹ. Ngày càng có nhiều phụ nữ và bé gái Hàn Quốc để tóc ngắn, đeo kính thay vì mang kính áp tròng. Đây là cuộc cách mạng thực sự.

Tuy nhiên, vẫn còn chặng đường dài phía trước ở đất nước mà bạo lực giới không phải lúc nào cũng dẫn đến buộc tội hoặc ly hôn. Theo cuộc khảo sát do Viện Tội phạm học và Tư pháp Hàn Quốc công bố, cứ 10 người đàn ông thì có 8 người thừa nhận đã bạo hành bạn tình.

Jennifer Jung-Kim, giáo sư Lịch sử Hàn Quốc ở Đại học California tại Los Angeles (UCLA), chỉ ra để giải quyết các vấn đề bắt nguồn từ khoảng cách giới ở Hàn Quốc, bạo lực trên cơ sở giới phải được công nhận và truy tố.

“Đối với chính phủ cũng như các doanh nghiệp, luật pháp và chính sách phải cấm phân biệt đối xử, đảm bảo trả lương, cơ hội bình đẳng cho phụ nữ,… đặc biệt là các bà mẹ đang đi làm. Về mặt xã hội, cần có hệ thống hỗ trợ lớn hơn cho các bậc phụ huynh đang đi làm, để cha hoặc mẹ có thể nghỉ phép nếu con bị ốm, tham dự cuộc họp, sự kiện của trường. Cha mẹ đơn thân, dù là nam hay nữ, không nên bị kỳ thị”, bà giải thích.

Phụ nữ Hàn không yêu, không tình dục, không cưới, không đẻ con-3
Theo chuyên gia, nhiều đàn ông cần thay đổi tư tưởng gia trưởng để san sẻ gánh nặng chăm sóc gia đình, con cái với phụ nữ. Ảnh: AP.

Đối với Jung-Kim, điều quan trọng nhất là thay đổi tư tưởng của đàn ông. “Họ phải bước lên và đảm nhận công việc gia đình, chăm sóc con cái một cách bình đẳng, hỗ trợ vợ trong lựa chọn nghề nghiệp”.

GS Judy Han, Phó chủ tịch phụ trách các vấn đề đại học thuộc Khoa Nghiên cứu Giới tính tại UCLA, chỉ ra rằng phong trào “4 không” là lời mời gọi để xây dựng lại xã hội.

“Liệu chúng ta có thể hình dung một thế giới nơi phụ nữ không phải gánh vác toàn bộ gánh nặng sinh sản, công việc nội trợ và không bị bóc lột? Nơi họ có thể có sự bình đẳng trong hôn nhân mà không phải từ bỏ sự nghiệp của mình? Liệu phụ nữ có thể hình dung ra một thế giới không có lạm dụng, hãm hiếp và bạo lực không?”, bà tự hỏi.

Cách tiếp cận này có thể hiệu quả ở nhiều quốc gia dân chủ khác - nơi bất bình đẳng giới ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh.

Đối mặt với hệ thống gia trưởng dường như không thể đánh bại, ngày càng có nhiều phụ nữ trên khắp thế giới chọn từ bỏ việc sinh con vì không thể dung hòa cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp. Hậu quả có thể thúc đẩy các chính phủ hành động và định hình toàn bộ xã hội.

Theo Judy Han, bất kỳ ai (nam/nữ/thẳng/đồng tính/chuyển giới,...) sẽ được hưởng lợi từ việc xem xét những lời chỉ trích này một cách nghiêm túc và tạo ra xã hội công bằng hơn.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/phu-nu-han-khong-yeu-khong-tinh-duc-khong-cuoi-khong-de-con-post1418550.html?fbclid=IwAR1JGTEoh-fyDjXR7b27gd6c_JhAf-N0I6ndzJahpP3aJYKObqyG6SZ3DmY

Hàn Quốc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.