Phụ nữ Việt giữa tâm dịch Covid-19 ở Hàn Quốc: Làm dâu, về sao được?

“Mình đi rồi còn gia đình chồng ở lại, không nỡ chút nào. Đã lấy chồng thì phải có trách nhiệm gánh vác cùng nhau chứ không phải thấy khó khăn là bỏ về quê được", chị Lan tâm sự.

Căn hộ nhỏ của chị Hoàng Mai Anh ở Busan mấy ngày nay đã không có tiếng mở cửa ra vào. Khi giờ điểm tin thời sự đến, căn hộ nào ở chung cư của chị cũng phát ra tiếng tivi đưa tin về tình hình bệnh dịch ở Hàn Quốc. Khu phố không một bóng người, các cửa hàng ăn đóng cửa hàng loạt vì không có khách.

Lấy chồng và định cư ở Hàn Quốc 6 năm nhưng chị chưa bao giờ chứng kiến sự im lặng đáng sợ như vậy từ khu phố nhà mình. Những bản tin liên tục thông báo về số người nhiễm Covid-19, người tử vong và các ca nhiễm mới leo thang hàng giờ khiến chị hoang mang.

Nhưng chị không thể trở về Việt Nam vào lúc này. “Mình về thì được nhưng lo nhất là con nhỏ, kinh tế cũng không vững vàng để chi trả phí đi lại. Mình không thể trở về Việt Nam”, chị Mai nói với Zing.vn.

Không thể về nước vì không có tiền
Chị Mai đã ly hôn chồng và trở thành mẹ đơn thân từ 5 tháng nay. Trước khi dịch bệnh bùng phát, chị đối mặt với việc thất nghiệp và cố gắng xoay xở cho con đi học bằng số tiền chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ cho những phụ nữ nuôi con một mình.

Một tháng trở lại đây, chị tìm được một công việc làm thêm ở quán ăn với mức lương 19.000 won/giờ (tương đương 365.000 đồng). Mỗi ngày làm 5 giờ, dù không phải thu nhập cao cũng đủ giúp chị trang trải cuộc sống của 2 mẹ con.

Gần 1 tuần nay, đứa con 5 tuổi của chị cũng không thể đến lớp. Hai mẹ con mua đồ ăn về tích trữ và ở trong nhà suốt những ngày này, không dám ra ngoài. Cửa hàng trước đây chị xin làm thêm cũng đã đóng cửa. Toàn bộ chi tiêu của chị nay phụ thuộc vào tiền trợ cấp.

“Không ra ngoài thì không phải chi tiêu quá nhiều, nhưng mình cũng không đủ tiền để đặt vé máy bay về nước”, chị Mai ngậm ngùi.

Phụ nữ Việt giữa tâm dịch Covid-19 ở Hàn Quốc: Làm dâu, về sao được?-1Người Việt tại Hàn Quốc phải dự trữ đồ ăn trong những ngày dịch bệnh bùng phát tại quốc gia này. Ảnh: NVCC.


Một lý do khác khiến chị ngần ngại việc trở về Việt Nam tránh dịch, là sự kỳ thị của những người xung quanh dành cho gia đình. Từ khi chị trở thành mẹ đơn thân nơi xứ người, nhiều người ở nhà đàm tiếu.

Vì vậy, dù bố mẹ lo lắng và liên tục giục về chị vẫn quyết định ở lại ở Busan - nơi đã có 3 ca nhiễm bệnh. Trong khi đó, một số người bạn của chị trong nhóm người Việt ở Hàn Quốc đã trở về ngay khi nước này công bố dịch.

Sau khi chính quyền nơi chị sống khuyến cáo người dân nên ở trong nhà và hạn chế ra ngoài, chị phải đến siêu thị gần nhà để mua nhiều thực phẩm dự trữ. Những thứ được ưu tiên là gạo, rau củ và thịt, số lượng đủ dùng trong khoảng 1 tuần.

Những bữa tiệc cuối tuần với nhóm bạn Việt Nam ở Hàn Quốc cũng khép lại. Các nhóm chat được bạn bè chị lập ra cập nhật liên tục về tình hình bệnh dịch ở cả 2 quốc gia.

“Mẹ con cứ ở trong nhà suốt như vậy, không biết làm gì ngoài loanh quanh với mấy bữa ăn rồi lên mạng đọc tin tức”, chị Mai chia sẻ.

Sợ bị kỳ thị
Cách Busan 300 km, chị Nguyễn Phương Lan (sống tại quận Iksan, Hàn Quốc) những ngày này dành nhiều thời gian để lên mạng. Nhưng điều khiến chị chú ý là một số ý kiến kỳ thị dành cho những phụ nữ Việt lấy chồng Hàn.

“Họ bảo chúng tôi lấy chồng thì phải theo chồng, có chết cũng phải làm ma ở đây. Dù biết chỉ là ý kiến thiểu số, tôi vẫn thấy buồn. Chúng tôi không làm gì sai để nhận sự kỳ thị như vậy”, chị Lan nói.

Nhưng đó không phải lý do duy nhất khiến chị Lan quyết định không trở về Việt Nam tránh dịch. Yếu tố quan trọng hơn là chị không muốn để mặc gia đình chồng ở lại khi tình hình dịch bệnh còn nhiều phức tạp.

“Mình đi rồi còn gia đình chồng ở lại, không nỡ chút nào. Đã lấy chồng thì phải có trách nhiệm gánh vác cùng nhau chứ không phải thấy khó khăn là mình bỏ về quê được. Suy đi tính lại, không về thì hơn”, chị Lan tâm sự.

Phụ nữ Việt giữa tâm dịch Covid-19 ở Hàn Quốc: Làm dâu, về sao được?-2Tại các thành phố lớn ở Hàn Quốc, nhiều nhà máy đóng cửa vì lo ngại dịch bệnh. Đường phố trở nên vắng vẻ những ngày này. Ảnh minh họa: WSJ.

Cùng suy nghĩ, chị Nguyễn Bích Hồng ở phố Gimcheon, một con phố ở Bắc Gyeongsang, cũng quyết định không đặt vé máy bay về Việt Nam.

Một số nhà máy xung quanh thành phố của chị đã đóng cửa và cho nhân viên nghỉ làm vì không có việc. Chồng chị, một công chức Nhà nước, vẫn đi làm trong lúc dịch lan rộng, dù khối lượng công việc không nhiều.

Chồng chị cũng gạt ngay ý định trở về Việt Nam của vợ khi cho rằng việc di chuyển ra sân bay có rủi ro rất lớn, số lượng người ở sân bay quá đông. Cách tốt nhất mà chị và đứa con gái 3 tuổi có thể làm trong lúc này là ở yên trong nhà.

Trước đây, cứ cuối tuần là chị có thể ra ngoài tụ tập với bạn bè ở Việt Nam trong cùng thành phố. Kể từ khi dịch bùng phát, đến ra ngoài chị cũng thấy ngại. Chung cư nơi gia đình chị ở được khử trùng hàng ngày. Người già, phụ nữ và trẻ em chỉ ở trong nhà.

Lo lắng và bí bách, chị Hồng không biết đến khi nào thì cuộc sống ở Hàn Quốc ổn định trở lại khi số người nhiễm Covid-19 vẫn liên tục tăng lên mỗi ngày.

"Về nước tôi có thể chấp nhận cách ly nhưng những người làm dâu xứ Hàn như chúng tôi phải chịu nhiều điều tiếng khác của người ngoài. Tốt hơn hết, tôi ở lại Hàn Quốc cùng gia đình chồng và chờ đợi dịch bệnh đi qua", chị Hồng chia sẻ.

Tính đến chiều 28/2, Hàn Quốc ghi nhận thêm 571 người nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 2.337 ca, 13 ca tử vong. Daegu và Bắc Gyeongsang tiếp tục là 2 khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới nhiều nhất.

Theo Bộ LĐTB&XH, hơn 4.000 lao động Việt Nam trên tổng số 25.000 người Việt đang sinh sống, làm việc tại 2 thành phố tâm dịch của Hàn Quốc. Bộ LĐTB&XH khuyến cáo người lao động yên tâm làm việc, hạn chế đi lại, không đến các vùng có dịch và không rời khỏi quốc gia, vùng lãnh thổ đó khi không cần thiết. Việc này nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

(*) Tên các nhân vật trong bài đã thay đổi.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/phu-nu-viet-giua-tam-dich-covid-19-o-han-quoc-lam-dau-ve-sao-duoc-post1053066.html?fbclid=IwAR3wOt_nhnzyEz1uvK0pozNpgWE6RZts58uFchNzPXLdvECuYN0wKTM4TnA

virus corona

Viêm phổi cấp

dịch bệnh

virus


Bệnh 'tử' viêm màng não do não mô cầu và lưu ý phòng tránh cho bé yêu
Viêm màng não do não mô cầu còn được gọi là bệnh "tử" bởi có đến 1 trong số 10 người sẽ tử vong dù được điều trị tích cực. 1 trong 5 người còn sống phải chịu các di chứng nặng nề như cắt cụt tay chân, điếc, thiểu năng trí tuệ…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.