Số đột biến của Omicron lớn bất thường, nhưng chưa chắc đáng ngại

Dù Omicron khiến giới khoa học lo ngại về số lượng đột biến lớn, mức độ nguy hiểm của chủng virus này vẫn phụ thuộc vào khả năng kết hợp và hoạt động cùng nhau của từng đột biến.

Khi các quốc gia bắt đầu áp đặt hạn chế đi lại với miền Nam châu Phi do lo ngại về làn sóng Covid-19 mới, giới khoa học đang chạy đua để thu thập các dữ liệu liên quan đến chủng mới của virus SARS-CoV-2 - biến chủng Omicron.

Với khoảng 50 đột biến, trong đó ít nhất 26 đột biến là duy nhất, biến chủng Omicron nhận được sự quan tâm lớn về mức độ gây bệnh cũng như khả năng kháng vaccine. Các nghiên cứu ban đầu chỉ ra nhiều đột biến trong chủng này liên quan đến khả năng né tránh các phản ứng miễn dịch của cơ thể và dễ lây lan hơn so với các phiên bản virus trước đó.

Số đột biến của Omicron lớn bất thường, nhưng chưa chắc đáng ngại-1

Dù vậy, một số chuyên gia cho rằng sự kết hợp các đột biến đôi khi khiến virus đáng sợ hơn, nhưng có trường hợp chúng cũng phát triển và tự tiêu diệt lẫn nhau. “Về lý thuyết, các đột biến của virus có thể chống lại nhau", ông Jesse Bloom, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle (Mỹ), cho biết.

New York Times nhận định chính đặc điểm nói trên, hay còn gọi là quá trình tương tác gene, giải thích việc giới khoa học đến nay vẫn chưa đưa ra kết luận về thuộc tính thực sự của biến chủng Omicron, bất chấp một vài đột biến nguy hiểm trong chủng virus này đã được xác nhận rộng rãi.

Khả năng kết hợp các đột biến có trong Omicron

“Điều quan trọng là phải nhận thức được toàn bộ virus", bà Penny Moore, Chuyên gia virus học tại Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm ở Nam Phi, khẳng định.

Nhóm của bà Moore là một trong số hàng chục đơn vị trên thế giới cố gắng tìm hiểu về khả năng chống chủng Omicron của vaccine Covid-19. Thay vì đưa ra phán đoán dựa trên nhiều đột biến riêng lẻ, nhóm nghiên cứu tập trung tạo ra các phiên bản virus chứa tất cả đột biến của Omicron.

Cách làm nói trên có được từ kinh nghiệm đối phó với biến chủng Beta ở Nam Phi vào năm 2020. Khi đó, các chuyên gia chú trọng đánh giá đột biến E484K với khả năng né tránh hệ miễn dịch. Tuy nhiên, ngoài E484K, biến chủng Beta còn có hai đột biến khác ảnh hưởng tới độ nhạy của virus đối với vaccine Covid-19.

“Ba đột biến này kết hợp tạo ra khả năng kháng vaccine cao hơn so với loại virus chỉ có đột biến E484K", bà Moore nói. Như vậy, nghiên cứu về một đột biến đơn lẻ "hóa ra thành sai lệch", bà cho biết.

Khả năng lây lan của một biến chủng phụ thuộc vào mức độ liên kết của virus với các thụ thể trên tế bào người. Đặc điểm này còn liên quan đến tính ổn định của virus, vị trí virus nhân lên trong các cơ quan hệ hô hấp cũng như mức độ chúng thoát ra theo đường thở.

Dù Omicron có một nhóm đột biến tác động đến khả năng liên kết của virus, “khi hoạt động cùng nhau, ảnh hưởng tổng thể của virus có thể hơi khác”, ông Bloom khẳng định.

Tác động ban đầu của Omicron

Biến chủng Omicron mang đột biến N501Y, được cho giúp virus liên kết chặt chẽ hơn với tế bào con người. Đột biến này cũng xuất hiện trong biến chủng Alpha và ảnh hưởng đến mức độ lây lan của nó.

“Tuy nhiên, cuối cùng (chủng virus phổ biến) lại là Delta - biến chủng không hề có đột biến nói trên. Delta có các đột biến khác giúp tăng cường khả năng lây nhiễm. Thậm chí chúng còn dễ lây lan hơn biến chủng Alpha”, ông Bloom nói.

Hôm 29/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo nguy do biến chủng Omicron gây ra ở mức "rất cao". Dù vậy, trong khi câu hỏi về tác động thực sự của biến chủng mới còn bỏ ngỏ, nhiều quốc gia đã vội áp đặt các biện pháp hạn chế biên giới để ngăn chặn sự lây lan.

Scotland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, trong khi giới chức ở Đức cũng báo cáo về trường hợp dương tính của một người đàn ông 39 tuổi - người này chưa từng đến Nam Phi hay ra khỏi nước Đức.

Đáp lại, Nhật Bản, Israel, Marocco và một số quốc gia khác đã ngừng tiếp nhận du khách quốc tế, dù mức độ nguy hiểm của biến chủng Omicron vẫn chưa sáng tỏ hoàn toàn.

Cần thêm các nghiên cứu

Theo ông Bloom, thật khó để dự đoán biến chủng Omicron sẽ hoạt động như thế nào trong cơ thể. Việc đưa ra kết luận còn phụ thuộc vào kết quả các nghiên cứu đang tiến hành trên toàn cầu.

Cùng với một số chuyên gia khác, ông Anthony Fauci, Cố vấn y tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden, cho rằng thế giới sẽ cần khoảng hai tuần hoặc lâu hơn nữa để có thêm thông tin về khả năng lây lan và mức độ nguy hiểm của Omicron.

Các nhà sản xuất vaccine như Pfizer/BioNTech và Moderna cho biết đã chuẩn bị cải tiến các mũi tiêm trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, một số quốc gia đang hướng tới mở rộng tiêm chủng liều tăng cường để có thể bảo vệ nhiều người hơn.

Trong bối cảnh đó, WHO nhấn mạnh các nước cần đẩy nhanh tiêm chủng càng sớm càng tốt, nhất là đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, những người chưa tiêm chủng hay mới tiêm một liều. Đồng thời, cơ quan này cũng kêu gọi ngành y tế các quốc gia tăng cường theo dõi và đánh giá để xác định rõ hơn các đặc điểm của biến chủng Omicron.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/so-dot-bien-cua-omicron-lon-bat-thuong-nhung-chua-chac-dang-ngai-post1280578.html?fbclid=IwAR1VzlXzc10jr_jvtpXf0SAIhF4ph8mVjBsetV5Xpg_OmM-6zDXSPqJGsdw

Covid-19


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.