Số phận của những người mang dòng máu quý nhất thế giới

Sở hữu dòng máu hiếm, những người này đối mặt hàng loạt nguy hiểm đe dọa tính mạng khi sinh con hay gặp tai nạn giao thông.

Theo Hội Chữ thập đỏ Mỹ, máu con người được chia làm nhiều nhóm dựa theo một số chất cacbohydrat và protein đặc thù trên hồng cầu. Thế giới hiện có khoảng 40 nhóm máu khác nhau với hơn 600 loại kháng nguyên.

Bề mặt của mỗi tế bào hồng cầu có tới 342 kháng nguyên, trong đó, khoảng 160 loại là phổ biến. Sự hiện diện hay thiếu khuyết của một số kháng nguyên nào đó sẽ quyết định nhóm máu.

Thông thường, các kháng nguyên được phân chia, nằm trong 35 hệ thống nhóm máu. Hệ thống Rhesus được xem là đa dạng nhất, với 61 kháng nguyên. Trong đó, 5 kháng nguyên D, C, c, E và e đóng vai trò quan trọng.

Trên thế giới, Rh-null được ví là nhóm máu hiếm số một. Bởi đây là nhóm máu duy nhất không chứa bất kỳ kháng nguyên nào trong hệ Rh. Chính vì thế, nhân loại thường ví nó là “máu vàng” hay "dòng máu quý hơn vàng".

Trên thế giới, ở nhiều nơi, huyết thanh của những người mang nhóm máu hiếm được bảo quản trong ngân hàng riêng. Nhiều người mang máu hiếm được ca ngợi, nhưng cũng có trường hợp trở thành “nô lệ máu”.

Chọn cống hiến cho y khoa

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Pakistan, nhóm máu Rh-null lần đầu được phát hiện vào năm 1961.

Người đầu tiên được xác định có nhóm máu Rh-null là một phụ nữ thuộc tộc người thổ dân Aboriginal ở Australia. Thời điểm đó, người này sống một mình nên các bác sĩ không thể tìm ra dấu vết huyết hệ của bà.

Trải qua hơn 50 năm, thế giới ghi nhận tổng cộng 43 người mang nhóm máu Rh-null. Tuy nhiên, chỉ 9 người đồng ý hiến tặng. Họ sống rải rác ở Brazil, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ và Ireland.

Số phận của những người mang dòng máu quý nhất thế giới-1
Nhiều người mang dòng máu quý hơn vàng lựa chọn sống ẩn giật, không dám mạo hiểm. Ảnh: Shutter Stock.

Thomas (59 tuổi, ở Thụy Sỹ) là một trong số đó. Tình cờ trong một tai nạn khi nhỏ, Thomas được phát hiện mang trong mình nhóm máu hiếm nhất thế giới Rh-null. Điều đó khiến cuộc sống của ông thay đổi hoàn toàn.

Ví của Thomas luôn có chiếc thẻ tên kèm thông tin nhóm máu Rh-null phòng trường hợp ông phải nhập viện. Các bác sĩ khuyên Thomas không nên có con.

Mang trong mình dòng máu quý hơn vàng, Thomas chọn cách cống hiến cho y khoa. Người đàn ông này đi đến những nơi xa xôi như Pháp, Tây Âu hay một số quốc gia châu Âu để hiến máu. Nhiều lần trong số đó, Thomas không được tài trợ chi phí đi lại nhưng ông đều rất sẵn lòng.

Những lần hiến máu khiến Thomas đối mặt thêm tình trạng thiếu hồng cầu nhẹ. Vì vậy, ông chỉ được hiến máu 2 lần/năm để đảm bảo sức khỏe. Người đàn ông này chia sẻ mang trong mình dòng máu quý hiếm là đặc ân và việc dùng nó để cứu người khiến Thomas thấy hạnh phúc.

“Người đàn ông có cánh tay vàng”

Đây là biệt danh mà nhiều người dùng để gọi ông James Harrison (59 tuổi, ở Australia), bởi ông đã hiến máu hơn 1.000 lần trong cuộc đời từ năm 18 tuổi.

Nhóm máu của người đàn ông đến từ Australia chứa thành phần đặc biệt chữa được bệnh Rhesus. Bệnh Rhesus (hay huyết tán trẻ sơ sinh) là tình trạng người mẹ có nhóm máu âm nhưng mang thai đứa con có nhóm máu dương.

Số phận của những người mang dòng máu quý nhất thế giới-2
Ông James Harrison và những đứa trẻ mình đã cứu giúp. Ảnh: CNN.

Ông James là một trong 50 người Australia có loại kháng thể đặc biệt này trong máu. Trung bình 3 tuần ông hiến máu một lần, liên tục hơn 60 năm. Theo Dịch vụ máu của Hội Chữ thập đỏ Australia, lượng máu này ước tính đã được sử dụng để cứu sống hơn 2 triệu trẻ sơ sinh còn trong bụng mẹ khỏi căn bệnh trên.

Năm 14 tuổi, James phải cắt bỏ phổi và cần truyền 13 lít máu. Giọt máu của những người mà James không biết tên đã cứu sống người đàn ông này. Kể từ đó, James quyết định sẽ hiến máu cứu người khi tròn 18 tuổi. Năm 2015, Guinness World Records ghi nhận ông là “người đàn ông có cánh tay vàng”.

Bị bắt cóc, trở thành “nô lệ máu”

Đây là tình huống đáng tiếc mà Li Yayuanlun (gọi tắt là Li Ya), 31 tuổi, quê ở Giang Tô, Trung Quốc, gặp phải.

Li Ya cho biết tháng 6/2021, anh bị bắt cóc và đưa sang Campuchia khi đang tìm việc. Khi bị bán sang Campuchia, Li sống như “nô lệ máu” trong suốt 6 tháng trước khi được giải cứu. Từ tháng 8/2021, Li bị rút máu tổng cộng 7 lần. Mỗi lần cách nhau 1-1,5 tháng và bị rút tới 1,5 lít máu.

Số máu này được tổ chức lừa đảo đem bán ở chợ đen bởi Li mang nhóm máu gấu trúc Rh (-).

Theo Beijing Youth Daily, khi trốn thoát khỏi nơi bắt cóc, Li nhập viện trong tình trạng tiên lượng rất xấu. Bệnh nhân không thể ngẩng đầu, phải ngồi xe lăn, thở khó nhọc, cơ thể sưng tấy, không thể đứng và thiếu máu trầm trọng. Người bệnh còn bị xơ gan và nhiều biến chứng nội tạng khác. Các dấu vết của việc lấy máu cũng xuất hiện dày đặc trên cánh tay, đầu người bệnh.

Để cứu bệnh nhân thoát khỏi cơn nguy kịch, các bác sĩ đã truyền 8 túi máu, tương đương 2,8 lít. Hiện tại, Li vẫn phải nằm viện trong thời gian dài để chờ hồi phục.

Số phận của những người mang dòng máu quý nhất thế giới-3
Li Yayuanlun bị bắt cóc và rút máu trong 6 tháng vì anh mang trong mình nhóm máu hiếm.

Gặp nguy hiểm vì dòng máu hiếm

Những người mang dòng máu hiếm thường dễ bị đe dọa tính mạng khi họ sinh nở, gặp tai nạn. Vì nhóm máu của họ không có sẵn.

Một trong 4 nhóm máu quý hiếm nhất thế giới là Boombay, được tiến sĩ Bhende tại Ấn Độ phát hiện lần đầu tiên vào năm 1952. Đặc trưng của kiểu hình nhóm máu này là thiếu các kháng nguyên A, B và H.

Những người mang loại máu hiếm này chỉ có thể chấp nhận máu từ một cá nhân nhóm máu Bombay khác. Trong xét nghiệm lâm sàng hàng ngày, các nhóm máu hiếm như Bombay cũng dễ bị xét nghiệm nhầm thành nhóm máu O. Nếu xét nghiệm sai và truyền nhóm máu O cho bệnh nhân có thể gây ra phản ứng truyền máu tán huyết nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng.

Ước tính, chỉ 1/10.000 người Ấn Độ và 1/1.000.000 người châu Âu sở hữu nhóm máu này. Tại Trung Quốc mới phát hiện 100 người có nhóm máu hiếm nói trên.

Trường hợp khác là nhóm máu Rh (-) hay Rh âm tính. Đây là bí ẩn khoa học. Không ai có thể giải thích được những người có nhóm máu âm tính Rh nguồn gốc từ đâu. Nhiều nhà nghiên cứu về yếu tố máu cho rằng những người này là kết quả của một đột biến ngẫu nhiên, nếu không phải là hậu duệ của một tổ tiên khác.

Trong cuộc sống, những người có nhóm máu này khi cần truyền máu gấp (bị tai nạn, phẫu thuật cấp cứu) có nguy cơ đối mặt nhiều nguy hiểm vì ngân hàng dự trữ không có sẵn.

Trường hợp mẹ có nhóm máu Rh (-), cha có nhóm máu Rh (+) có thể xảy ra sự cố nghiêm trọng do bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con. Nó có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc đứa trẻ sinh ra bị thiểu năng trí tuệ.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/so-phan-cua-nhung-nguoi-mang-dong-mau-quy-nhat-the-gioi-post1297172.html?fbclid=IwAR34lJbagFK0_3iJQ0l6VxEAaQfRjVMQrmeTrcYMk6w7ELkQoZZjK-HyMWA

Nhóm máu hiếm

chuyện lạ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.