Số phận những căn hộ từng xảy ra án mạng ở Hong Kong đi về đâu?

Những căn nhà từng có người tự tử hoặc bị sát hại thường bị gắn mác 'ma ám' hoặc chứa năng lượng xấu, vì thế mà đa phần người dân đều sẽ rất tránh né cho dù giá nhà có giảm rất nhiều.

Dragon Lodge là một tòa nhà từng có giá trị bất động sản lớn nhất Hong Kong. Vào năm 1997, Dragon Lodge đáng giá 15,3 triệu đô (gần 364 tỷ VND). Nhưng một ngày nọ, toàn bộ người trong tòa nhà chuyển đi, và căn biệt thự bỗng chốc lạnh lẽo khác thường.

Từ lúc căn hộ bị bỏ mặc, dân mạng đã thêu dệt không ít truyền thuyết và bí ẩn xoay quanh nó. Vì gắn với nhiều truyền thuyết đô thị, tòa nhà như thỏi nam châm thu hút không ít kẻ tò mò, nghịch ngợm, ưa khám phá mạo hiểm - nhiều đến nỗi mà người chủ hiện tại buộc phải phong tỏa khu vực bằng dây thép gai để hạn chế tối đa sự phá hoại. 

Gerard Blitz, sinh năm 1951 và hiện đang sống ở Philippines, từng trải qua thời thơ ấu tại căn Dragon Lodge. Anh không nhớ bất kỳ một câu chuyện kỳ bí nào về ngôi nhà, và anh chị em của anh, Francis và Julia, cũng vậy. Thực ra cũng có một vụ tự sát nhưng xảy ra ở một căn hộ gần đó. 

Một đại diện của công ty sở hữu Dragon Lodge cho biết không có bằng chứng nào về những câu chuyện được đồn đại trong quá khứ, và công ty có kế hoạch bảo tồn ngôi nhà hơn là cho thuê. Các quan chức di sản Hong Kong cũng cho biết họ đang xem xét danh sách các tòa nhà để bảo tồn và trùng tu, bao gồm cả Dragon Lodge.

Tòa nhà bỏ trống không phải vì nhà đó khó cho thuê lại mà đôi khi do truyền thống. Nhiều người không nỡ bán căn hộ của cha mẹ, ông bà vì muốn tỏ lòng kính trọng với tổ tiên.

Số phận những căn hộ từng xảy ra án mạng ở Hong Kong đi về đâu?-1

Phía bên ngoài Dragon Lodge, có thể thấy tường đã bị bôi vẽ bậy bạ

Số phận những căn hộ từng xảy ra án mạng ở Hong Kong đi về đâu?-2

Một con đường ngay bên cạnh tòa nhà

Số phận những căn hộ từng xảy ra án mạng ở Hong Kong đi về đâu?-3

Một góc chụp khác của tòa nhà

Ở Hong Kong, dường như mọi khu vực đều có người sinh sống. Sau đại dịch, nhiều người đã rời khỏi đất nước và chuyển đến sống ở Anh, tuy nhiên đây vẫn là thị trường bất động sản đắt đỏ bậc nhất thế giới. Theo công ty bất động sản Savills, trên mỗi feet vuông, chi phí trung bình của các căn hộ cao cấp đã tăng 3,8% trong quý đầu tiên của năm 2021 lên 36.256 đô Hong Kong (109.857.405 VND).

Mê tín ảnh hưởng đến giá nhà

Ngôi nhà từng xảy ra án mạng thường rất khó bán. Mọi người đồn bất cứ ai sống ở nhà đó đều không gặp thuận lợi trong cuộc sống. Nếu một căn hộ từng xảy ra một vụ giết người hay có ai đó chết bất thường, căn hộ sẽ bị gắn mác “ma ám”, kéo theo đó là giá thuê nhà giảm xuống khoảng 20%. Không chỉ vậy mà căn bên cạnh cũng có thể bị ảnh hưởng theo, giá giảm trung bình từ 7-10%.

Ở Hong Kong, có rất nhiều địa điểm được xem là bị “ma ám” nổi tiếng và gắn liền với nhiều truyền thuyết đô thị, ví dụ như căn hộ Dragon Lodge. Một số người cố tình giấu chuyện án mạng trong quá khứ để căn nhà bán được giá. Về phía người thuê, họ sẵn sàng kiện tụng chủ nhà nếu không thông báo trước cho họ về lịch sử ngôi nhà, bởi luật pháp đã quy định đại lý bất động sản phải tiết lộ thông tin này. Vào năm 2001, một đơn vị môi giới bất động sản đã bị kiện vì không thông báo cho khách hàng về cái chết của một cậu bé bốn tuổi. Đứa bé này ngã từ ban công căn hộ một năm trước đó.

Khi định giá tài sản để cho vay thế chấp, các ngân hàng ở Hong Kong cũng cần phải tính toán đến sự cố tương tự. Các đại lý bất động sản ở địa phương thì nắm giữ danh sách của các tòa nhà đặc biệt, phòng trường hợp có người cần tìm hoặc cần tránh những tòa nhà này.

Utpal Bhattacharya, một giáo sư tài chính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, đã nghiên cứu tác động của những nhận thức mê tín đối với giá bất động sản tại đất nước này. Người nước ngoài thường ít bị ảnh hưởng bởi những niềm tin về nhà ma ám so với người Hong Kong, nhưng Bhattacharya cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy giá nhà ở Mỹ, Anh và Úc giảm 25% nếu ngôi nhà có liên quan đến giết người và tự sát. Né tránh nhà có năng lượng xấu là một tâm lý rất phổ biến.

Tại sao nhà bỏ trống thường dính tin đồn ma ám?

Khả năng là do tâm lý mê tín của một số người, họ thích thêu dệt chuyện kỳ bí và gắn chuyện đó với những căn nhà trống. Có những phụ huynh kể chuyện tâm linh cho trẻ em để ngăn chúng phá phách, nghịch ngợm. 

Ngoài ra cũng có thể là câu chuyện có liên quan đến danh tiếng và lòng tham muốn sở hữu bất động sản có giá trị. Từ năm 2008 đến 2013, một nhà đầu tư có trụ sở tại Quần đảo Virgin, Anh đã cố gắng mua ngôi nhà Dragon Lodge nhưng không thành. Nhà đầu tư này bị nghi ngờ là đã lan truyền tin đồn thất thiệt về ngôi nhà để giảm giá trị tòa nhà xuống.

Ở Hong Kong, số lượng nhà bỏ hoang nhiều đến mức người ta lập nhóm Facebook riêng cho để lưu lại những ngôi nhà này, vì thế mà các câu chuyện ma lại “có đất” để phát triển. 

Số phận những căn hộ từng xảy ra án mạng ở Hong Kong đi về đâu?-4

Dãy nhà Nam Koo ở Quận Loan Tể

Lật ngược thế cờ 

Hồi đầu năm nay, một công ty khởi nghiệp tại Hong Kong, spacious.hk đã tận dụng nỗi sợ văn hóa để xây dựng một mô hình kinh doanh độc nhất: bán hoặc cho thuê tòa nhà được cho là bị “ma ám” cho người trẻ hoặc người nước ngoài - nhóm người ít e ngại hơn so với người lớn tuổi ở Hong Kong. Nhà sáng lập Asif Ghafoor và nhóm của anh đã lưu giữ cơ sở dữ liệu và bản đồ về những nơi xảy ra những cái chết thương tâm tại các khu nhà ở Hong Kong, đồng thời hạ giá cho thuê những căn hộ bị ma ám này để bán hoặc cho thuê.

Ghafoor nói: “Chúng tôi tin rằng dịch vụ của chúng tôi có lợi cho cả chủ nhà và người thuê nhà. Chủ nhà vẫn có thể cho thuê với giá thấp hơn hoặc bán lại căn hộ, trong khi người thuê nhà có thể tiết kiệm chi phí thuê nhà”. Ghafoor cũng cho biết, đối với người trẻ tuổi thì đây là cơ hội để mua được nhà với một món hời, nhưng với những người Trung Quốc lớn tuổi, đây vẫn là điều nên tránh. 

Một cuộc khảo sát mới của Citibank cho thấy có nhiều người sẵn sàng gác niềm tin mê tín dị đoan sang một bên nếu họ có được một thỏa thuận giá rẻ. Hơn 40% sẽ cân nhắc một cách nghiêm túc việc mua một ngôi nhà mang hơi hướng tâm linh, hơn 70% tin rằng mức chiết khấu nên là 30%.

Spacious.hk đã thu hút được sự chú ý ở Hong Kong và trên toàn thế giới, nhiều người khen ngợi công ty khởi nghiệp này vì cách tiếp cận sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề văn hóa. Công ty khởi nghiệp dự định mở rộng dịch vụ của họ sang các thành phố khác ở châu Á, những nơi mà niềm tin về không gian bị cho là ma ám vẫn còn phổ biến. 

Bên cạnh loại hình dịch vụ như Spacious.hk thì các công ty bất động sản cũng “ra tay” cải tạo lại bất động sản được cho là bị "ma ám". Vào tháng 7, gã khổng lồ bất động sản Hong Kong Hopewell Holdings đã lên kế hoạch chuyển đổi một trong những bất động sản này của thành phố, Nam Koo Terrace, thành một dự án khu dân cư hạng sang. 

 

Theo Phụ Nữ Việt Nam

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://phunuvietnam.vn/so-phan-nhung-can-ho-tung-xay-ra-an-mang-o-hong-kong-se-di-ve-dau-20230228140010942.htm?fbclid=IwAR2czzQ6UMoYTz3hKJWxHh8t8egJzHjgic3M-tum5lBnN9m4Eqw-gr4OZzM

ma ám


Hà Nội: Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhồi máu cơ tim vì lý do bất ngờ
Các bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E vừa can thiệp cấp cứu và thành công cứu sống một nam thanh niên nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp. Điều đáng nói, nam thanh niên này chỉ mới 32 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, thường xuyên luyện tập thể hình nhưng vẫn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và có thể để lại những di chứng nặng nề.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.