Sự thật về những cơn mưa máu gắn với điềm báo chết chóc, hủy diệt

Từ thời cổ đại cho đến ngày nay, xoay quanh những cơn mưa máu vẫn còn vô số những câu chuyện kỳ bí và giả thiết bất ngờ. Ngoài màu đỏ thẫm rùng rợn, mưa máu đôi khi còn mang theo cả mô cơ bầy nhầy, chẳng khác gì trận mưa máu được mô tả trong sử thi của Plutarch và Homer thời Hy Lạp cổ đại.

Từ thời cổ đại cho đến ngày nay, xoay quanh những cơn mưa máu vẫn còn vô số những câu chuyện kỳ bí và giả thiết bất ngờ. Ngoài màu đỏ thẫm rùng rợn, mưa máu đôi khi còn mang theo cả mô cơ bầy nhầy, chẳng khác gì trận mưa máu được mô tả trong sử thi của Plutarch và Homer thời Hy Lạp cổ đại.

Mưa máu báo điềm gở?

Quan sát bằng mắt thường, hiện tượng thời tiết này chẳng khác gì một cơn mưa, nhưng những hạt nước từ trên trời rơi xuống lại có màu đỏ tươi như máu. Mặc dù hiện tượng này phổ biến tại Tây Ban Nha và miền nam nước Pháp, mưa máu giờ đây đã lan tới các vùng xa hơn như Scandinavia.

Một số cơn mưa được xác nhận là mang máu thật của động vật, một số không hề có cấu tạo ADN như máu thường theo kết quả phân tích nhưng những giọt nước màu đỏ đó lại vẫn tồn tại ngay cả trong môi trường có nhiệt độ lên tới 300 độ C. Điều này khiến nhà vật lý học Godfrey Louis tại đại học Mahatma Gandhi cho rằng có thể nó là các dạng sống ngoài hành tinh.

Thực chất, có những ghi chép rất sớm về mưa máu trong lịch sử. Thông thường, mưa máu được sử dụng trong văn học để báo trước các sự kiện xấu sắp xảy ra, chẳng hạn như cái chết và sự hủy diệt. Theo BBC, Homer - một trong những nhà thơ Hy lạp cổ đại xuất sắc nhất đã đề cập đến hiện tượng này trong Iliad, tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến văn chương hiện đại phương Tây, được viết vào khoảng thế kỷ 8 trước Công nguyên.  

 

Sự thật về những cơn mưa máu gắn với điềm báo chết chóc, hủy diệt-1

Trận mưa máu tại Ấn Độ năm 2001. Ảnh: Trí thức trẻ.

Vào thế kỷ 12, nhà văn Geoffrey xứ Monmouth, người đã phổ biến các truyền thuyết của vua Arthur và nhà sử học William vùng Newburgh cũng đã nhắc đến cơn mưa máu. Xa xưa, đại đa số người chứng kiến cảnh tượng kỳ lạ đều tin rằng nước mưa là máu thật và xem đây là một điềm xấu.

Một trong những cơn mưa máu kỳ lạ nhất xảy ra vào năm 1841 tại một nông trại ở vùng Lebanon, Wilson County, Tennessee, nước Mỹ. Trả lời phỏng vấn, các nông dân ở đây cho biết họ nghe thấy những tiếng lộp độp rồi nhìn thấy những giọt máu rơi xuống từ một đám mây có màu đỏ đang lơ lửng trên bầu trời. Kinh dị hơn, cơn mưa này không chỉ có “máu” mà còn đem theo cả bắp cơ và mô mỡ - gợi nhớ đến những cơn mưa máu được mô tả trong sử thi của Plutarch và Homer thời Hy Lạp cổ đại.

Thị trấn Calabria ở Italia cũng hứng chịu một trận mưa màu đỏ trút xuống vào năm 1890. Các nhà khoa học sau đó kết luận nước mưa mang máu chim và nhiều người cho rằng thủ phạm khiến chúng bị xé toạc trên không trung là những cơn gió dữ.

Vấn đề duy nhất chỉ là không có giông bão trong ngày hôm đó và chẳng ai tìm thấy “phần” nào khác của những con chim ngoài những giọt máu tươi của chúng. Trước đó theo tờ VTC, người Ý đã ghi lại một sự kiện kỳ lạ xảy ra tại thị trấn Catanzaro vào ngày 14/3/1813: “Một đám mây đen dày đặc kéo tới từ phía biển. Đến trưa, đám mây bao phủ những ngọn núi quanh vùng và bắt đầu che khuất Mặt trời. Lúc đầu, mây có màu hồng nhạt, sau đó chuyển sang màu đỏ lửa. Trời đất trở nên tối om, trong nhà phải thắp đèn...

Bóng tối mỗi lúc một thêm dày, bầu trời thì đỏ như sắt nung. Sấm sét nổ đùng đùng, rồi từ trên trời bắt đầu rơi xuống những giọt lớn chất lỏng màu đỏ mà một số người nghĩ là máu, số khác thì cho là kim loại nóng chảy...”.

Gần đây, một số trận mưa máu từng được ghi nhận tại Ấn Độ. Ngày 25/7/2001, trận mưa màu đỏ thẫm trút xuống nhiều khu vực thuộc bang Kerala, Ấn Độ và tiếp tục xuất hiện hôm 23/9 cùng năm đó. Sáng ngày 5/7/2012, trận mưa kỳ lạ xuất hiện tại thành phố Kannur và kéo dài trong 15 phút. Khi đó, người dân địa phương hoảng sợ thấy các khoảng sân của họ chuyển sang màu đỏ như máu sau trận mưa. Tờ Times Of Indian dẫn lời bà Shaija M, người đứng đầu hội đồng làng Puzhati ở ngoại ô thành phố Kannur cho biết: "Sau một thời gian lưu giữ mẫu nước mưa này, tôi thấy nước mưa chuyển sang màu đen như cà phê và có mùi như rễ cây củ cải đường". Một cơn mưa máu khác cũng đã trút xuống tại chính bang này vào năm 2013.

Vào năm 2008, tại cụm dân cư La Sierra, Choco (Columbia) đã diễn ra một cơn mưa kỳ lạ kéo dài gần nửa giờ đồng hồ. Mẫu nước mưa có màu đỏ như máu đã được đem về phòng nghiên cứu ở thị trấn gần đó để phân tích và một nhà vi khuẩn học địa phương cho rằng thành phần của chất lỏng này gần giống máu. Điều này khiến nhiều giáo sĩ trong làng khẳng định đây là lời cảnh báo cho tội lỗi của loài người. Nhưng trên thực tế, không ai biết nguồn gốc của nó từ đâu mà ra.

Năm 2015, một cơn mưa rào nhuộm màu đỏ máu đã ào xuống nước Anh sau nhiều ngày nắng nóng. Được biết, đây không phải lần đầu tiên mưa máu xuất hiện tại Anh.  

Giải mã cơn mưa màu đỏ

Không tin vào những lập luận mê tín dị đoan, nhiều nhà khoa học đã nỗ lực tìm ra câu trả lời cho các hiện tượng bí ẩn này. Với sự phát triển của phương pháp nghiên cứu hiện đại, nó dần được giải thích bằng các nguyên nhân hợp lý hơn.  Một trong số đó là lốc xoáy – cột không khí quay tròn có thể hút vào mình chất lỏng, nhiều đồ vật nhất định ngay cả khi chúng có trọng lượng đáng kể và bốc chúng lên không trung. Đến một lúc nào đó, lực xoáy của nó suy yếu dần, không thắng nổi lực hút của trái đất thì tất cả mọi thứ lại đổ ào xuống mặt đất như mưa.

 

Sự thật về những cơn mưa máu gắn với điềm báo chết chóc, hủy diệt-2

Cơn “mưa máu” trên đất Anh mang theo cát đỏ từ sa mạc Sahara. Ảnh: Trí thức trẻ.

Về cơn mưa máu rơi xuống các khu vực thuộc bang Kerala, cơ quan khí tượng bang này khẳng định, mưa màu đỏ là hiện tượng thiên nhiên hiếm thấy song không nguy hiểm. “Tôi nghĩ màu đỏ của nước mưa là hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí. Những chất gây ô nhiễm bị hòa tan trong nước mưa khiến nước chuyển sang màu đỏ”, ông M Santhosh, Giám đốc Cơ quan Khí tượng bang Kerala, giải thích. Trong khi nguyên nhân gây ra hiện tượng tương tự vào năm 2013 được cho là do gió mạnh có thể đã cuốn những bào tử tảo đỏ ngoài biển lên những đám mây gây mưa. Hiện tượng này khiến quần áo bị nhuộm đỏ, những nơi nước mưa đọng lại thì trông giống các vũng máu.

Còn cơn mưa máu xuất hiện trên đất Anh được lý giải do nước mưa trộn lẫn bụi từ sa mạc Sahara khiến nó có màu đỏ giống như máu. Điều này được chứng thực ở những nơi có mưa nhẹ, khi người ta có thể tận mắt trông thấy đám bụi rơi xuống và phủ lên kính chắn gió và thân xe ô tô.

Thời điểm này, các chuyên gia thời tiết liên tục cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng mà các khu vực của nước Anh phải đối mặt. Các quan chức y tế cũng khuyến cáo những người có vấn đề về tim, phổi, người già nên tránh các hoạt động quá sức và mọi người nên giảm hoạt động thể lực, đặc biệt ở là bên ngoài. Trước đây đã có nhiều lần hiện tượng này xảy ra và đều khiến người dân Anh “mệt mỏi” rửa xe, dọn nhà cho sạch sẽ.

Thực ra, mưa trên trái đất không chỉ có màu đỏ mà còn có thể mang màu sắc hơn như vàng, đen và trắng đục như sữa. Các cách giải thích phổ biến nhất về những màu mưa bất thường bao gồm sự xuất hiện bào tử của tảo trong không khí; bụi và một số hóa chất gây ô nhiễm hòa tan trong nước.Chẳng hạn, phấn hoa tạo ra mưa màu vàng, bụi mỏ than gây mưa màu đen.

Dù đã được không ít các nhà khoa học khẳng định không ẩn chứa sức mạnh siêu nhiên, huyền bí nhưng hiện tượng “mưa máu” vẫn là lời cảnh báo đầy sức nặng về những vết thương chằng chịt trên mình trái đất. Và “điềm xấu” nếu có, sẽ là cái giá mà con người phải trả cho những hành động tàn phá thiên nhiên bao năm qua.
 


Theo Khám Phá


chuyện lạ thế giới


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.