Tâm sự gan ruột của y tá ở tâm dịch Covid-19 tại Ấn Độ

Làn sóng Covid-19 thứ hai đang càn quét Ấn Độ. Các nhân viên y tế luôn đi đầu chống dịch, đối diện với cái chết và sự tàn phá hàng ngày.

Trong một bài viết gửi BBC, Viveki Kapoor, một nữ y tá làm việc ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã chia sẻ việc virus corona chủng mới đã làm thay đổi cuộc đời cô như thế nào cũng như những thành công, thất bại của cô cho đến hiện tại trong cuộc chiến chống mầm bệnh nguy hiểm như sau:

Y tá Viveki Kapoor. Ảnh: BBC

Tôi là y tá phụ trách phòng chăm sóc tích cực (ICU) của khoa Covid tại một bệnh viên tư nhân ở New Delhi và giám sát công việc của 25 y tá khác. Kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, nhiều nhân viên đã nghỉ việc. Họ nói rằng lương của chúng tôi quá thấp và không đáng để mạo hiểm.

Đợt lây nhiễm thứ hai đã dẫn đến tình trạng tăng vọt số bệnh nhân. Giống như tất cả các bệnh viện khác ở New Delhi, bệnh viện của chúng tôi cũng phải từ chối tiếp nhận nhiều bệnh nhân sau khi đã kín chỗ.

Khối lượng công việc của chúng tôi đã tăng gấp 5 lần. Tất cả các y tá hiện đang phải làm thêm giờ. Chúng tôi luôn đến đúng giờ, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có thể về đúng giờ.

Tôi đã làm y tá được 22 năm và từng làm việc trong các đợt thảm họa trước kia với lượng lớn bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu, nhưng chưa từng chứng kiến những gì khủng khiếp như đang xảy ra. Hiện, tôi rất mệt mỏi vào cuối ngày, đến mức tôi có thể ngủ ở bất kỳ đâu. Tôi thậm chí không cần một chiếc giường nữa.

Tâm sự gan ruột của y tá ở tâm dịch Covid-19 tại Ấn Độ-1

Các bác sĩ vật lộn cứu bệnh nhân Covid-19 trong phòng cấp cứu tại một bệnh viện ở Ấn Độ. Nguồn: BBC

Điều dưỡng được mô tả là nghề cao quý nhất trên thế giới và chúng tôi được gọi là "chị" là có lý do. Các bệnh nhân coi chúng tôi như người trong gia đình.

Bất cứ khi nào một bệnh nhân mới nhập viện, y tá là người đầu tiên họ gặp và họ hình thành mối quan hệ đặc biệt với chúng tôi.

Những bệnh nhân đến viện sau khi mắc Covid rất sợ hãi, vì vậy chúng tôi luôn cố gắng động viên họ.

Tôi kể cho họ nghe câu chuyện về con sư tử và con nai. Tôi nói với họ rằng, một con nai chạy nhanh hơn, nhưng vẫn có thể bị con sư tử vồ được vì nó vấp ngã khi sợ hãi. Do đó, tôi khuyến các bệnh nhân của mình phải suy nghĩ tích cực vì nếu họ suy nghĩ tiêu cực, virus sẽ chiến thắng.

Trước đó, đôi khi bệnh nhân phàn nàn rằng, họ đã gọi y tá nhưng không ai đến gặp họ ngay lập tức. Song, bây giờ họ đang rất hợp tác. Họ có thể nhìn thấy chúng tôi đang làm việc rất vất vả. Đôi khi, họ thậm chí hỏi liệu chúng tôi đã được nghỉ dùng bữa trưa chưa hoặc mời chúng tôi uống chút nước hay trà.

Trong đợt bùng phát dịch đầu tiên, chúng tôi đã tiếp nhận rất nhiều người lớn tuổi, nhưng giờ thực sự rất buồn khi chứng kiến những người trẻ tuổi, thậm chí mới 15 hoặc 17 tuổi phải nhập viện vì nhiễm virus.

Chúng tôi luôn cố gắng hết sức, cố gắng cứu bệnh nhân cho đến hơi thở cuối cùng.

Tâm sự gan ruột của y tá ở tâm dịch Covid-19 tại Ấn Độ-2

Viveki Kapoor và các đồng nghiệp đang phải làm việc quá giờ vì bệnh viện quá tải bệnh nhân. Ảnh: BBC

Tôi cảm thấy rất vui khi một bệnh nhân hồi phục. Tôi cảm thấy mình có thể giúp đỡ mọi người và tất cả những nỗ lực của tôi đã được đền đáp.

Tuy nhiên, khi một bệnh nhân tử vong, tôi cảm thấy như bị nghiền nát. Tôi đặc biệt day dứt về cái chết của những người trẻ tuổi, nó khiến trái tim tôi tan nát mỗi khi một trong số họ không qua khỏi.

Gần đây, cha của một người bạn con gái tôi thiệt mạng vì dịch. Anh ấy còn trẻ. Tôi cảm thấy đau lòng, nhưng tôi có thể làm gì ngoài việc an ủi gia đình anh ấy?

Tuần trước, 25 bệnh nhân đã qua đời tại bệnh viện của tôi sau khi giảm áp suất oxy. Tôi cảm thấy vô cùng bất lực và tức giận.

Tôi luôn tự hào mình là một người Ấn Độ, nhưng tôi đau lòng khi chứng kiến những gì đang xảy ra ở đất nước này và tôi quy lỗi đó do các lãnh đạo của chúng tôi. Tất cả những gì họ quan tâm là chiến thắng các cuộc bầu cử.

Tâm sự gan ruột của y tá ở tâm dịch Covid-19 tại Ấn Độ-3

Số bệnh nhân tử vong vì dịch tăng mạnh khiến các lò hỏa táng hoạt động suốt ngày đêm mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Ảnh: BBC

Covid-19 không chỉ biến công việc của tôi trở thành khoảng thời gian căng thẳng không ngừng mà còn kéo căng cuộc sống tại gia đình tôi.

Chồng tôi, một bác sĩ làm việc ở bệnh viện công, đã bị ốm 2 tuần qua, nên tôi đang phải xoay sở vừa đi làm vừa hoàn thành việc nhà, chăm sóc cả 3 đứa con.

Ngoài ra, tôi rất lo lắng vì mẹ tôi 90 tuổi, đang sống ở thị trấn Mathura đã có kết quả xét nghiêm dương tính với Covid-19. Mẹ tôi nhập viện ở đó và đã phải thở máy.

Song, bà đã bình phục và hiện đã trở về nhà. Hãy tưởng tượng một cụ già 90 tuổi đánh bại virus chết người? Tôi coi đó là nhờ chúa trời đã ban thưởng cho tất cả những việc làm tốt đẹp của tôi cũng như phước lành của các bệnh nhân.

Chính tình yêu thương của gia đình và những người hàng xóm đã giúp tôi vững bước. Họ nói, họ lo lắng cho tôi nhưng họ cũng hiểu những gì chúng tôi đang làm là quan trọng. Họ chia sẻ rằng: "Chúng tôi sợ mắc virus corona đến mức chúng tôi đã ngừng bước ra khỏi nhà, nhưng các bạn đang phải ra ngoài mỗi ngày để đối diện với nó".

Một người hàng xóm gần đây kể với tôi, trước đây cô thường thắp một ngọn đèn đất sét mỗi ngày vào lúc chạng vạng để cầu cho gia đình mình được sống lâu. Kể từ khi dịch bùng phát, cô ấy đã thắp thêm một ngọn đèn nữa để cầu cho tôi bình an. Và điều đó làm cho công việc và cuộc sống của tôi trở nên đáng giá.

 

Theo VietNamNet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/the-gioi-do-day/tam-su-gan-ruot-cua-y-ta-o-tam-dich-covid-19-tai-an-do-731981.html

Covid-19

Ấn Độ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.