Thấy gì từ trò chơi khăm khiến sao nhí Malaysia liệt nửa người?

Những trò chơi khăm tưởng chừng vô hại có thể để lại hậu quả khôn lường và lâu dài cho nạn nhân.

Thấy gì từ trò chơi khăm khiến sao nhí Malaysia liệt nửa người?-1Diễn viên nhí Puteri Rafasya (12 tuổi) bị liệt nửa người sau trò chơi rút ghế của một cậu bé trên phim trường. Ảnh: @puterirafasya1.

Tháng 2, một diễn viên nhí người Malaysia gặp chấn thương nặng sau khi bị một cậu bé giật ghế và ngã ngửa ra phía sau.

Cú ngã khiến cô bé 12 tuổi bị gãy xương hông và chấn thương đốt sống, dẫn đến liệt nửa người. Hiện nạn nhân chỉ có thể nằm một chỗ trên giường hoặc ngồi xe lăn đi lại dưới sự hỗ trợ của cha mẹ, theo Channel News Asia.

Gia đình diễn viên nhí cho biết người nhà cậu bé kia tỏ ra thờ ơ, không một lời xin lỗi hay đề nghị bồi thường. Lời chia sẻ này khiến công chúng bất bình, gọi cậu bé rút ghế là kẻ bắt nạt, đồng thời kêu gọi trừng phạt thích đáng.


Thấy gì từ trò chơi khăm khiến sao nhí Malaysia liệt nửa người?-2Vợ chồng Chris Hemsworth và Elsa Pataky bị chỉ trích vì trò chơi khăm dịp sinh nhật các con. Ảnh: @chrishemsworth.

Cùng trong tháng 3, vợ chồng diễn viên Chris Hemsworth và Elsa Pataky bị chỉ trích vì ấn đầu một trong hai cậu con trai sinh đôi vào chiếc bánh ngọt nhân dịp sinh nhật 9 tuổi của chúng. Một số người cho rằng trò chơi khăm này mang tính bạo lực, trong khi một số khác khẳng định đây chỉ là trò vui vô hại.

Nhưng khi nào chơi khăm “vô hại” trở thành một dạng bắt nạt? Và ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi một trò đùa vô hại vượt quá giới hạn và dẫn đến hậu quả nghiêm trọng?

Lý do trò chơi khăm phổ biến
Mọi người có thể thích chơi khăm vì nhiều lý do. Đó có thể là một cách để giải tỏa sự nhàm chán, hoặc nhằm tìm kiếm sự chú ý hay đạt được sự chấp thuận của xã hội.

Một tìm kiếm đơn giản về #prank (chơi khăm) cho thấy hơn 1 triệu bài đăng gắn hashtag này trên Instragram và 70 tỷ lượt xem về chủ đề ở TikTok.

Giải thích về lý do trẻ em thích chơi khăm, bác sĩ tâm thần kinh Daniel Siegel, tác giả cuốn The Whole-Brain Child, đã mô tả bộ não của trẻ em giống như một ngôi nhà 2 tầng.

Bộ não “tầng dưới” của trẻ được xây dựng hoàn chỉnh từ khi mới sinh và kiểm soát các chức năng nguyên thủy, như hít thở và phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”.

Trong khi đó, bộ não “tầng trên” kiểm soát tư duy cấp cao hơn, như việc đưa ra quyết định, và sự đồng cảm vẫn đang được xây dựng ở độ tuổi này đến hết giai đoạn thanh thiếu niên.

Thấy gì từ trò chơi khăm khiến sao nhí Malaysia liệt nửa người?-3Sarah Platt (sinh năm 2004, Anh) bị gãy cổ khi thực hiện thử thách Skull Breaker Challenge. Ảnh: Mirrorpix.

Bởi vậy, trẻ em và thanh thiếu niên khó quan sát và đánh giá mọi thứ từ quan điểm của người khác.

Đó là lý do những người chơi khăm nhỏ tuổi chỉ quan tâm ở hiện tại và không xem xét chuỗi hậu quả có thể xảy ra khi mải tập trung vào việc vui chơi. Trong khi đó, thanh thiếu niên luôn khao khát được thuộc về xã hội và được công nhận.

Tai hại khôn lường
Ngày nay, người trẻ tìm kiếm sự công nhận đó thông qua những lượt thích và theo dõi trên mạng xã hội. Nhưng những tương tác ảo này có thể che mờ khả năng phân biệt hành vi tốt và xấu của trẻ. Một nội dung nguy hiểm có thể nhanh chóng được chấp nhận và lan rộng khi nhiều người thích chúng.

Năm 2020, một thử thách lan truyền trên TikTok có tên “Skull Breaker Challenge” - thử thách bật ngửa để cố tình ngã ra đằng sau nhằm đập hộp sọ - đã khiến nhiều người trẻ phải nhập viện. Không ít trường hợp bị chấn thương cột sống hoặc vùng đầu nghiêm trọng.

Năm 2019, 3 học sinh ở bang Ohio (Mỹ) đã chơi khăm một giáo viên bị dị ứng nặng với chuối. Dù biết rõ về chứng bệnh này của cô giáo, họ vẫn bôi chuối lên tay nắm cửa phòng học và ném trái cây vào người phụ nữ này, khiến cô bị sốc phản vệ và không thở được. Rất may, cô được tiêm EpiPen và đến bệnh viện kịp thời, nhờ đó hồi phục hoàn toàn.

Tại Singapore, theo lời kể của một số gia đình bị dị ứng thực phẩm, con cái họ thường gặp tình huống bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt bằng cách cố tình giơ thức ăn gây dị ứng trước mặt hoặc bỏ chúng vào suất cơm. Thật không may, những hành động chơi khăm đó thường không được giáo viên chú ý, quan tâm.


Thấy gì từ trò chơi khăm khiến sao nhí Malaysia liệt nửa người?-4Một số người trưởng thành trở nên không còn thích các trò đùa, chơi khăm do khả năng đồng cảm đã phát triển. Ảnh minh họa: Rodnae Production/Pexels.

Yong Qiao Qing (Singapore), người mẹ có 2 con gái bị dị ứng nhiều loại thực phẩm, rùng mình khi nghĩ đến những hậu quả chết người có thể xảy ra nếu con cô phải hứng chịu những trò đùa với thực phẩm “vô hại”.

"Những câu chuyện này khiến tôi thức trắng đêm. Đứa con ba tuổi của tôi từng phải nhập viện chỉ vì nó liếm một lát bánh mì mà nó bị dị ứng", cô chia sẻ.

Khi trưởng thành, nhiều người trong chúng ta sẽ không còn thích chơi khăm nữa vì đã học được cách cảm thông với người khác. Nhưng đối với trẻ em - đối tượng chưa hiểu đầy đủ về sự đồng cảm, chúng cần được chỉ dạy bởi cha mẹ và gia đình.

Theo Jacinth Liew, huấn luyện viên nuôi dạy con cái và người sáng lập Our Little Play Nest, thay vì nói cho trẻ biết chúng nên hoặc không nên làm gì, cha mẹ và gia đình có thể yêu cầu chúng suy nghĩ về hậu quả hành động.

Bằng cách cho trẻ thực hành tư duy phản biện, việc học cách phân biệt giữa các trò mang lại niềm vui và những hành vi chơi khăm có thể gây hại sẽ trở thành một thực hành tốt cho chúng.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/thay-gi-tu-tro-choi-kham-khien-sao-nhi-malaysia-liet-nua-nguoi-post1417665.html?fbclid=IwAR0PW2vvS0rvjloaRuzNCBHXA-o6QWPsGqXSiScEWVUkR8Vk4RrlzmosGeM

trò chơi


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.