Thượng đỉnh Trump - Kim: Lịch sử sẽ được viết lại ở Singapore?

Cuối cùng, sau rất nhiều trắc trở, Kim Jong Un và Donald Trump sẽ gặp nhau thật.

Cuối cùng, sau rất nhiều trắc trở, Kim Jong Un Donald Trump sẽ gặp nhau thật. Hai cựu thù sẽ có cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo cao nhất sau nhiều thập kỷ đối đầu. Họ đều sẵn sàng viết lại lịch sử nhưng kết quả thực sự vẫn còn là một dấu hỏi.

Thuong dinh Trump - Kim: Lich su se duoc viet lai o Singapore? hinh anh 1 Thuong dinh Trump - Kim: Lich su se duoc viet lai o Singapore? hinh anh 2

Ngày 10/6, cả 2 người đều đã đáp xuống sân bay ở Singapore, một người đi trên Air Force One của tổng thống Mỹ và một người trên chiếc Boeing 747 của Air China. Đêm hôm đó, họ nghỉ lại trong 2 khách sạn cách nhau chỉ khoảng 800 m, ngăn giữa bằng con đường Orchard, khu phố mua sắm xa hoa và là biểu tượng cho sự thịnh vượng của Singapore.

Trump và Kim vừa khác nhau như trời vực vừa tương đồng một cách kỳ lạ so với hình ảnh một nhà lãnh đạo thường thấy trong thế giới chính trị hiện đại. Một người là tổng thống của đất nước hùng mạnh nhất thế giới; một người là nhà lãnh đạo của đất nước bí ẩn và thu mình nhất. Một người sở hữu nền kinh tế có thể tuyên chiến về thương mại với bất kỳ quốc gia nào, khiến cả thế giới lo ngại vì cuộc chiến đó (và ông đã làm thật); một người đứng đầu nền kinh tế vốn đã nhỏ bé lại lao đao vì những lệnh cấm vận.

Nhưng họ cũng giống nhau không ít. Họ kỳ lạ, khó lường. Họ thích xây nên hình ảnh những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, dứt khoát. Họ xung đột với nhau suốt một năm bằng những vụ thử tên lửa và cả dòng "tweet" lúc sáng sớm, bằng những lệnh trừng phạt và lời đe dọa tấn công. Rồi họ lại hẹn gặp nhau trong một cuộc gặp mà cả thế giới không thể ngờ được trước đó vài tháng. Họ hủy hẹn, rồi lại hẹn gặp nhau.

Dù ngày diễn ra cuộc gặp đã đến rất gần, người ta vẫn không biết phải trông đợi gì vào sự kiện "thế kỷ" này. Một phần, đó là cuộc gặp chưa hề có tiền lệ trong lịch sử. Không lãnh đạo đương nhiệm nào của Triều Tiên và Mỹ, 2 nước cựu thù, từng gặp nhau trong lịch sử. Một phần, cuộc gặp lần này lại diễn ra giữa những nhà lãnh đạo khó đoán vào bậc nhất. 

Thuong dinh Trump - Kim: Lich su se duoc viet lai o Singapore? hinh anh 3

Trái với sự cứng rắn của Trump khi ông hủy cuộc gặp vì "sự giận giữ và thái độ thù địch" của Triều Tiên, không nhiều nhà quan sát, tổng thống Mỹ sẽ bước vào bàn đàm phán ở thế kèo trên.

"Không. Thật sự là Trump muốn cuộc gặp này hơn Kim, để chứng tỏ với thế giới rằng chính sách Triều Tiên của ông thành công. Ông ấy cũng nói rằng mình chấp nhận tiến trình phi hạt nhân hóa cho Triều Tiên diễn ra từ từ", ông Trương Bảo Huy, giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Lĩnh Nam (Hong Kong).

Nói chuyện với các phóng viên ở Nhà Trắng ngày 1/6 sau gặp gỡ quan chức số 2 của Triều Tiên Kim Yong Chol, Trump nói rằng Singapore sẽ chỉ là điểm khởi đầu cho mối quan hệ của 2 quốc gia đã trải qua 7 thập kỷ thù địch.

"Đó là một quá trình", tổng thống nói. Chúng tôi sẽ không ký gì vào ngày 12/6 tới. Chúng tôi chưa từng định làm thế. Tôi nói ông ấy (Kim Yong Chol), 'Hãy đi từ từ. Chúng ta có thể đi nhanh. Chúng ta cũng có thể đi từ từ'".

Thuong dinh Trump - Kim: Lich su se duoc viet lai o Singapore? hinh anh 4

New Yorker nhận định rằng sự đổi giọng của tổng thống cho thấy ông cuối cùng đã nhận ra ngoại giao là một quy trình phức tạp và đa sắc thái ra sao so với việc đàm phán một hợp đồng thương mại. Cũng có thể nó cho thấy bầu không khí thực tế hơn tại Nhà Trắng và sự thất sủng của các cộng sự "diều hâu" bên cạnh tổng thống, vốn khăng khăng rằng Triều Tiên phải chấp nhận phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác tín và không thể đảo ngược (CVID) trước khi các lệnh trừng phạt bị dỡ bỏ.

Khi Tổng thống Trump gặp Kim Yong Chol, cựu trùm tình báo Triều Tiên, tại Nhà Trắng, tháp tùng ông không còn là cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, người từng làm Bình Nhưỡng nổi giận khi đề xuất "mô hình Libya" cho Triều Tiên. Thay cho Bolton là Ngoại trưởng Mike Pompeo, người chủ trương hướng tiếp cận mềm mỏng hơn với Triều Tiên và đã đến Bình Nhưỡng 2 lần trong vài tháng qua để gặp lãnh đạo Kim Jong Un.

"Tôi không biết đó là sự dịch chuyển suy nghĩ hay đơn giản là tiến trình nhận thức bình thường khi (tổng thống) hiểu về ngoại giao", Patrick McEachern, cựu chuyên viên của Bộ Ngoại giao Mỹ về Triều Tiên và hiện làm việc cho Trung tâm Woodrow Wilson, nói với New Yorker. "Có lẽ là hướng thứ 2".

Bản thân tổng thống Mỹ không còn cứng giọng về điều ông muốn từ phía Triều Tiên, cũng không có vẻ gì là Trump và Kim Yong Chol đã được đồng thuận về định nghĩa "phi hạt nhân hóa" trong cuộc gặp của họ.

"Tôi nghĩ họ muốn làm thế", tổng thống nói với các phóng viên. Nhưng 'làm thế' là làm gì? Có rất nhiều phương án cho việc phi hạt nhân hóa".

Trong phiên điều trần trước quốc hội vào tháng trước, Ngoại trưởng Pompeo nói rằng phi hạt nhân hóa phải bao gồm việc giải giáp cả hệ thống di chuyển tên lửa và tách rời các vật liệu chứ không chỉ giải trừ bom hạt nhân. Tuy nhiên, ông không trả lời về việc có cho phép Triều Tiên duy trì chương trình hạt nhân dân sự để đáp ứng nhu cầu năng lượng hay không.

Thuong dinh Trump - Kim: Lich su se duoc viet lai o Singapore? hinh anh 5

Đó là từ Nhà Trắng, với vị tổng thống có vẻ đã thực tế hơn về triển vọng cuộc gặp và thỏa thuận mà ông có thể đạt được lần này (dù sự khó đoán của ông vẫn luôn còn đó). Từ phía Bình Nhưỡng, triển vọng của giới quan sát đối với thành ý của chính quyền ông Kim Jong Un còn ít ỏi hơn.

"Không có khác biệt lớn giữa những người đàn ông họ Kim, họ luôn bị chi phối bởi động lực phải duy trì chế độ. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những khó khăn vì sự giúp đỡ bị cắt đứt và cô lập quốc tế đã đeo đẳng Triều Tiên từ thập niên 1990 đến nay", ông Nah Liang Tuang, nghiên cứu viên của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam, Singapore, nói với Zing.vn.

"Nếu chính quyền Kim đồng ý phi hạt nhân hóa, họ sẽ đảm một hướng tiếp cận theo từng giai đoạn, mỗi bước giải trừ sẽ đi kèm với các lợi ích hữu hình".

Phi hạt nhân hóa theo lý tưởng của Washington, tức một quy trình không thể đảo ngược, đồng nghĩa với việc Bình Nhưỡng chỉ có cơ hội này là lần cuối để sử dụng lá bài hạt nhân trên bàn đàm phán và gây dựng vị thế trên trường quốc tế.

"Ông ấy (Kim Jong Un) không khác gì cha và ông nội mình. Họ đều cố gắng sử dụng vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh và biến nó thành lợi thế đàm phán", giáo sư Trương nhận định.

Tiến sĩ Peter Hayes, giám đốc Viện An ninh và Bền vững Nautilus, Australia, lưu ý rằng các bước tiến quan trọng dẫn đến cuộc gặp Mỹ - Triều đều là do tác động trước từ phía Triều Tiên. Sự bị động của Mỹ phô bày từ thái độ của Phó tổng thống Mike Pence khi ông ngồi im trên khán đài trong lễ khai mạc Olympics mùa đông ở Hàn Quốc và để Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong Un, chiếm hết hào quang của cả buổi lễ lẫn kỳ thế vận hội đó.

Washington phản ứng chậm chạp sau đó bằng cách cử con gái Ivanka của Tổng thống Trump đến Hàn Quốc để tạo một hình ảnh mềm mại hơn. Không lâu sau đó, Tổng thống Trump lại bất ngờ nhận lời gặp Kim Jong Un sau khi được hai đặc phái viên của Hàn Quốc chuyển lời mời.

Trong một thời gian ngắn ngủi, người ta nhìn thấy Tổng thống Trump từ việc gọi ông Kim là "ngài tên lửa" đã tin tưởng vào sự "chân thành" của chính quyền Bình Nhưỡng.

"Ông ấy (Trump) đã luôn ở thế bất lợi. Ông ấy bị ép phải đáp lại Triều Tiên thông qua sự ngoại giao khôn khéo, với kênh truyền tải là Hàn Quốc và Tổng thống Moon Jae In, sau đó là thông qua kênh tình báo, bao gồm cả việc gửi Kim Yong Chol đến gặp Trump tại Nhà Trắng", ông Hayes nói với Zing.vn.

Thuong dinh Trump - Kim: Lich su se duoc viet lai o Singapore? hinh anh 6

Trong suốt quá trình Triều Tiên tìm kiếm cơ hội đàm phán với phương Tây, Trung Quốc luôn xuất hiện phía sau. Đều đặn trước cuộc gặp liên Triều lần đầu tiên và cuộc gặp Mỹ - Triều, ông Kim luôn đến Trung Quốc để gặp Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ngày 7/6, tờ Korea JoongAng Daily dẫn một nguồn tin cho biết trong cuộc gặp thứ 2 ở Đại Liên, ông Kim đã đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Triều Tiên, cụ thể là nhằm phát triển 4 đặc khu kinh tế ở nước này. Nguồn tin này nói thêm nếu cuộc gặp thượng đỉnh ngày 12/6 này thành công, chi tiết cho kế hoạch đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên sẽ được bàn thảo. Gần đây nhất, Kim đã đến Singapore trên một chiếc máy bay của Air China.

Không chỉ Trung Quốc, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều đã kéo theo một loạt nước cố vận động hành lang với phía Bình Nhưỡng để không bị bỏ ra bên lề của sự kiện thế kỷ và những diễn biến sẽ thay đổi cơ bản địa chính trị Đông Á. 

"Bình Nhưỡng luôn có những sự tính toán không thể tin được và họ sẽ từ chối bỏ đi quân bài đàm phán chủ lực của mình trước nếu không có đảm bảo gì về đền bù", theo ông Nah.

Thuong dinh Trump - Kim: Lich su se duoc viet lai o Singapore? hinh anh 7

Sau tất cả, khi Trump và Kim bước vào phòng họp vào ngày 12/6, đó không chỉ là cuộc gặp của lãnh đạo 2 đất nước chưa từng đối thoại thượng đỉnh trong 7 thập kỷ, mà còn là sự va chạm của 2 nhà lãnh đạo khó đoán bậc nhất thế giới.

Một người là Donald Trump, vị tổng thống luôn xem mình là một nhà thương thuyết vĩ đại và, dù các quy trình ngoại giao có khiến ông "mở mắt" ra ít nhiều. Trump vẫn là ông với tất cả sự bất ngờ. Khi Trump đến Singapore vào ngày 12/6, hành trang của ông còn là thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ vừa rút khỏi với lý do đó là một "thỏa thuận tồi tệ", bằng chứng cho thấy tổng thống Mỹ có thể bất chấp mọi lời cảnh báo bất ổn mà rút khỏi một thỏa thuận.

Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng thỏa thuận Iran là thỏa thuận đạt được dưới thời chính quyền Barack Obama và một thỏa thuận với Triều Tiên, nếu sụp đổ, sẽ tổn hại đến tiếng tăm của ông Trump nhiều hơn. Một mặt, Trump cần thành tựu gì đó để chứng tỏ rằng chính sách của ông hiệu quả hơn những người tiền nhiệm. Một mặt khác, những sự chú ý dồn vào cuộc gặp và hào quang của nó có thể che lấp những vấn đề đối nội và sự lộn xộn vẫn đang bao phủ Nhà Trắng.

"Chúng ta hãy trông đợi nhiều cuộc gặp hơn giữa Donald Trump và Kim Jong Un, chừng nào Trump còn cần một chính sách đối ngoại chủ lực và vấn đề cận kề chiến tranh để ngăn chặn Mueller công bố một báo cáo, có thể khiến lợi ích của nước Mỹ nguy hiểm bằng việc ngăn chặn quyền lực chính trị của Trump", ông Hayes nói, ám chỉ cuộc điều tra nội bộ của công tố viên Robert Mueller nhằm vào nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và có thể đã có liên hệ với đội ngũ tranh cử của Trump.

Lúc Hayes trả lời phỏng vấn của Zing.vn là vào đầu tuần trước, khi Trump vẫn chưa đến Canada để dự hội nghị thượng đỉnh G7 và "gây sự" với 6 đồng minh còn lại trong khối rồi bỏ về sớm. Lúc tổng thống Mỹ đáp xuống Sinagapore vào tối 9/6, trên vai ông là áp lực của việc phải "cứu rỗi hòa bình thế giới" và làm lu mờ những lời chỉ trích đang nhằm vào ông, vì cả chính sách thuế lẫn thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ở phía đối diện ông Trump đương nhiên là một nhà lãnh đạo mà thế giới không biết nhiều về. Kim Jong Un, dù có cùng áp lực sinh tồn như cha và ông nội mình, tỏ ra rằng ông muốn xây dựng một hình ảnh bình thường và hiện đại hơn cho Triều Tiên. Kể từ khi lên nắm quyền, Kim đã nỗ lực tạo dựng hình ảnh trước người dân là một lãnh đạo với sức hút tương tự cố chủ tịch Kim Nhật Thành, ông nội ông, nhưng cũng cởi mở và hiện đại hơn.

Trong bài viết đăng trên Texas National Security Review, ông Patrick McEachern nói rằng "không ai hai lần tắm trên một dòng sông", ám chỉ đàm phán Mỹ - Triều lần này đã rất khác so với những nỗ lực trong thập niên 1990 và 2000 của chính quyền Bill Clinton hay George W. Bush. Không những vậy, hai người đàn ông sắp gặp gỡ nhau có thể là hai người mà dòng sông cũng lần đầu được thấy. Các nỗ lực ngoại giao đã được tiến hành cấp tập trong vài tuần qua để đưa cuộc gặp trở thành một sự kiện ngoại giao có thể kiểm soát được, nhưng rủi vẫn luôn còn.

Bản thân Trump cũng nói rằng ông đã chuẩn bị tốt và không có nhiều việc phải lo lắng cho cuộc gặp. Và điều quan trọng là “thái độ”, Trump nói.

"Cuộc gặp thượng đỉnh là một cơ hội nhiều rủi ro, nhưng phần thưởng cũng cao. Về mặt lý thuyết, hai nhà lãnh đạo có thể dịch chuyển khỏi quan điểm đã được đàm phán trước ở cấp thấp hơn. Tuy nhiên, cả 2 đã gửi các đại diện cấp cao và gần gũi với họ đến để chuẩn bị cho cuộc gặp để loại bỏ bớt sự bất định cho lần gặp gỡ thật sự", ông McEachern, người từng tham gia cuộc đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên, nói với Zing.vn

Mỹ đã cử Ngoại trưởng Pompeo đến Triều Tiên 2 lần để gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Trở về với Nhà Trắng, có vẻ cuối cùng Pompeo giành được "cái tai" của tổng thống và loại bỏ những đối thủ bất đồng quan điểm như Bolton, đảm bảo rằng quan điểm của ông sẽ là quan điểm mà Mỹ mang đến Singapore lần này. Về phía Triều Tiên, Kim cũng đã gửi đến Nhà Trắng quan chức quyền lực bậc nhất của ông, đảm bảo rằng không có gì "lạc lối giữa chừng" trước cuộc gặp.

"Phản ứng hóa học giữa 2 nhà lãnh đạo luôn có thể cải thiện hoặc làm tổn hại một cuộc gặp thượng đỉnh và chúng ta không biết liệu Trump và Kim có hòa hợp hay không. Sẽ còn thứ để xem vào tuần tới", ông nói.

Cuối cùng thì chúng ta có thể chờ đợi gì?

Có lẽ họ sẽ bắt tay, hoặc ôm hôn lẫn nhau. Phía sau họ có thể là một phông nền không chữ cạnh những đóa hoa lan của Singapore được chở vào khách sạn Capella vài ngày trước đó.
 


Theo Zing


Tổng thống mỹ Donald Trump

Kim Jong Un


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.