Trầm hơn, nhưng không dừng hẳn - Daegu chống dịch khác hẳn Vũ Hán

Thành phố Daegu sầm uất vẫn yên lặng, sau khi mọi người được đề nghị ở nhà. Nhưng một số hàng quán vẫn cố mở cửa. Cuộc sống trầm lại, nhưng không “phong thành” như Vũ Hán.

Một quán mì đặt biển bên ngoài: “Xin mời vào! Chúng tôi tẩy trùng kỹ nhà hàng hai lần một ngày”. Ngoài một tiệm Starbucks khác, bốn nhân viên đeo khẩu trang đồng thanh “Xin chào” khi có khách. Bình thường vẫn kín chỗ, nhưng nay không có khách nào bên trong.

Daegu, tâm dịch của Hàn Quốc, đang có cách tiếp cận bớt cứng nhắc và rộng mở, minh bạch hơn so với Vũ Hán để chống dịch: vừa cảnh báo người dân để họ phòng bệnh, nhưng vẫn cố gắng duy trì hoạt động. Ngược lại, chính quyền Vũ Hán ra lệnh “phong thành”, tức giới hạn đi lại chặt chẽ để cô lập hoàn toàn thành phố.

“Mọi người đều sợ và không muốn ra ngoài”, Park Seon Gyu, 58 tuổi, một tài xế taxi, nói với New York Times, chỉ về phía con đường vắng lặng. “Nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Tôi vẫn phải ra đường để kiếm miếng ăn”.

Nếu thành công, cách tiếp cận của Daegu - theo dõi, phát hiện ca bệnh một cách quyết liệt, đồng thời vẫn để người dân duy trì hoạt động - có thể trở thành hình mẫu mới cho các thành phố khác ở phương Tây có hệ thống chính quyền tương tự Hàn Quốc.

Trầm hơn, nhưng không dừng hẳn - Daegu chống dịch khác hẳn Vũ Hán-1

Đường phố vắng lặng của Daegu nhìn từ trên cao. Ảnh: Yonhap.

Duy trì hoạt động thay vì “phong thành”
Cách tiếp cận trên phản ánh hệ thống chính trị đặc thù của Hàn Quốc, một đất nước có nhiều thành phố đông đúc và nhộn nhịp, nơi việc tụ tập đông người, biểu tình diễn ra thường xuyên mỗi cuối tuần ở thủ đô Seoul, và người dân lên tiếng mạnh mẽ về các chính sách.

Cựu tổng thống Park Gyun Hye đã mất chức sau các bê bối và nhiều tuần biểu tình. Gần đây, khi đảng cầm quyền nhắc đến khả năng phong tỏa hoàn toàn Daegu và khu lân cận, họ gặp phải phản ứng dữ dội từ phe đối lập.

Lãnh đạo Hàn Quốc cũng có cách tiếp cận khác so với lãnh đạo Trung Quốc, lựa chọn cách hiện diện nhiều và sớm hơn. Tổng thống Moon Jae In tới thăm Daegu ngày 25/2 sau khi công khai số ca nhiễm.

Đến tối 26/2, Hàn Quốc ghi nhận 1.146 ca nhiễm, đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc, với ít nhất 540 ca nhiễm là người Daegu. Khoảng nửa số ca nhiễm là các tín đồ giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa). Cho tới nay, 12 ca tử vong được ghi nhận ở Hàn Quốc. Ca tử vong mới nhất là một tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa ở Daegu.

Đứng trước một kẻ thù vô hình, Daegu giờ đây im lặng một cách kỳ lạ.

Tại ga tàu chính, các nhân viên đo thân nhiệt mọi hành khách, và khử trùng mọi ngọc ngách của ga.

Thay vì đóng cửa cả thành phố như Trung Quốc đã làm, Hàn Quốc không áp đặt các lệnh giới hạn đi lại ở các vùng dịch như Daegu, thậm chí cũng chưa cấm khách đến từ Trung Quốc.

Người đưa thư của Daegu vẫn đi khắp các ngõ ngách, lên các cầu thang đưa thư. Chợ Seomun lớn nhất của Daegu mở cửa trở lại ngày 24/2 sau một ngày tẩy trùng. Tất nhiên, hàng trăm cửa hàng vẫn đóng cửa, che phủ bằng vải bạt màu xanh oliu. Nhưng một số mở cửa trở lại, bày bán giày dép giá rẻ.

Trầm hơn, nhưng không dừng hẳn - Daegu chống dịch khác hẳn Vũ Hán-2
Một chợ ở Daegu được tẩy trùng ngày 23/2. Ảnh: Yonhap.

Thị trưởng Daegu Kwon Young Jin nói mục tiêu của ông là xét nghiệm toàn bộ cư dân có triệu chứng trong vòng một tháng, mở các trạm theo dõi tạm thời trên khắp thành phố, và nhờ “chi viện” đội ngũ y tế và giường bệnh từ các vùng khác.

Bên ngoài bệnh viện Đại học Keimyung ở Daegu, được chỉ định là nơi điều trị bệnh nhân virus corona, xe cứu thương chờ xếp hàng, nhân viên mặc kín mít phun tẩy trùng xung quanh xe.

Các bệnh viện khác ở Daegu đã được lệnh tự cô lập để bảo vệ bệnh nhân mình, phòng ngừa cụm lây nhiễm nổ ra như thị trấn Cheongdo gần Daegu, nơi một bệnh viện có 100 bệnh nhân nhiễm virus.

Hàng quán vẫn cố bán, tiếp thị cố đi từng nhà
Một số người cố gắng tận dụng thời buổi căng thẳng để kiếm chút tiền. Những người giao thức ăn vẫn đi qua các khu vực của Daegu trên xe máy. Nhà hàng, quán cafe nhanh chóng đăng ký các nền tảng gọi đồ qua mạng để tiếp tục bán hàng.

Thậm chí ở khu dân cư đằng sau nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa, nhân viên lắp Internet vẫn đến từng nhà dán quảng cáo Internet tốc độ cao.

“Chúng tôi không định phong tỏa toàn bộ khu vực như Trung Quốc làm với Vũ Hán”, Kim Gang Lip, Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc, cho biết.

Quanh Daegu, tất cả trầm lắng hơn, nhưng không dừng hẳn.

Trầm hơn, nhưng không dừng hẳn - Daegu chống dịch khác hẳn Vũ Hán-3
Người bán hàng đợi khách ở khu mua sắm Dongseong-ro ngày 21/2. Ảnh: Reuters.

“Tôi e ngại ra ngoài, nên ăn ở nhà càng nhiều càng tốt, gọi đồ ăn”, Park Hae Il, 24 tuổi, sinh viên đại học, nói với New York Times.

“Phòng tập của tôi đã đóng cửa, và tôi đã hủy các bữa tiệc với bạn bè từ ngày 18/2”, anh nói. “Bạn bè của tôi đã rời Daegu về nhà cũng gọi tôi hỏi xem đã OK để về chưa, và tôi bảo họ cứ ở ngoài Daegu thì tốt hơn”.

Anh cũng thấy mọi người tích trữ mì ăn liền. Anh cũng phải xếp hàng 1 giờ để mua một gói 30 khẩu trang - số lượng tối đa mà một tiệm có thể bán cho khách.

Tất cả thư viện công cộng, bảo tàng, nhà thờ, nhà trẻ, tòa án đã đóng cửa. Thành phố ra lệnh trường học các cấp hoãn nhập học trở lại tới tháng 3, đồng thời đề nghị làm nhỏ đám cưới, đám tang.

Tàu điện ngầm chỉ có một nửa lượng khách, tất cả đều đeo khẩu trang, và ngồi cách xa nhau. Thông báo trên loa đề nghị khách hãy gọi đường dây nóng nếu cảm thấy ốm.

Buổi tối, Daegu yên lượng và tối hơn mọi khi, mọi nơi đóng cửa sớm hơn bình thường.

“Virus cứ lẳng lặng đi tới, không một động tĩnh rồi làm chúng tôi giật mình”, Ryu Ho Sang, một hưu trí 63 tuổi, nói với New York Times khi ngồi trong công viên có những cây hoa mơ. Ông phê phán Tổng thống Moon Jae In vì đã không phong tỏa Daegu một tuần trước để kiềm tỏa dịch bệnh.

Trầm hơn, nhưng không dừng hẳn - Daegu chống dịch khác hẳn Vũ Hán-4
Người dân Daegu mua khẩu trang ngày 25/2 ở Daegu. Ảnh: AFP.

Daegu nguy cơ bị kỳ thị
Lệnh phong tỏa sẽ khiến Daegu bị kỳ thị hơn. Nhưng dù chưa có lệnh phong tỏa, cái tên Daegu đã bị ảnh hưởng.

Bệnh viện lớn ở Seoul đang từ chối nhận bệnh nhân từ Daegu. Hãng hàng không, hãng xe đã cắt giảm số chuyến đi tới Daegu, lấy lý do lượng khách giảm.

“Chị họ của tôi ở Seoul nói tôi không cần đến đám cưới cháu trai tôi”, ông Park, người lái taxi, nói. “Họ nói một cách lịch sự, nhưng tôi biết là vì họ không muốn có virus đến từ Daegu”.

Nhưng cư dân Daegu vẫn cố trở lại cuộc sống bình thường.

Kim Hee Sook, 78 tuổi, chưa rời nhà trong 5 ngày nay, vì lo sợ virus. Ngày 24/2, cuối cùng bà cũng ra ngoài để lấy ánh nắng.

“Tôi chán vì phải ở trong nhà cả ngày xem tivi”, bà nói với New York Times. “Vì không tập luyện, tôi mất vị giác và bị mất ngủ, khó tiêu. Nếu ở nhà nữa thì tôi nghĩ sẽ chết vì mất ngủ thay vì virus”.

Nhiều người Daegu trở nên giận dữ với giáo phái Tân Thiên Địa. Giáo phái này tự cho là một dòng Cơ đốc giáo, nhưng bị coi là dị giáo bởi các nhánh chính của Cơ đốc giáo vì cách họ diễn giải Kinh thánh. Trong những ngày qua, giới chức y tế vẫn đang cố liên hệ với hàng trăm tín đồ chưa liên hệ được.

“Tôi không quan tâm họ có phải dị giáo hay không”, Park Ji Hyok, 25 tuổi, sinh viên đại học, nói với New York Times. “Điều làm tôi tức giận là nhiều tín đồ đã trốn đi thay vì hợp tác với chính phủ” nhằm ngăn virus lây lan.

Xung quanh tòa nhà 10 tầng của nhà thờ Tân Thiên Địa đã đóng cửa, các quán cà phê, nhà hàng, ngân hàng, Burger King, 7-Eleven cũng đều đóng cửa. Nhưng một bưu điện và tiệm bán đồ cho thú cưng vẫn mở.

Từ trước dịch bệnh, nhà thờ đã gây phiền toái cho những người hàng xóm. Một số người đặt biển báo bên ngoài nhà thờ, đề nghị các tín đồ không dùng chỗ đỗ xe của họ làm nơi tụ tập.

“Họ luôn ồn ào khi cầu nguyện và hát cùng nhau”, Cho Sook Je, 62 tuổi, sống ở khu chung cư đằng sau nhà thờ, nói với New York Times. “Kể từ dịch bệnh, cuộc sống của tôi bị ảnh hưởng, tôi không ra ngoài được để đi chợ, đi xông hơi hay đi cắt tóc. Sếp bảo tôi không đi làm cho tới ngày 8/3”.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/tram-hon-nhung-khong-dung-han-daegu-chong-dich-khac-han-vu-han-post1051962.html

virus corona

Viêm phổi cấp

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.