Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ trẻ tại Hàn Quốc muốn tự tử?

Áp lực từ công việc, bị người thân bạo hành, cô đơn, không tìm được lối thoát trong cuộc sống, nhiều phụ nữ ở độ tuổi 20-30 tại Hàn Quốc chọn cách kết liễu cuộc đời.

Khi nghỉ làm đầu bếp ở khách sạn, Jin-ah đã hy vọng được giải thoát khỏi nạn bắt nạt và kỳ thị giới tính đang khiến cuộc sống của cô trở nên khốn khổ. Nhưng thất nghiệp khiến nỗi đau đớn và thất vọng càng thêm nghiêm trọng. Cuối cùng, Jin-ah chọn thắt cổ tự tử bằng dây của máy sấy tóc.

Jin-ah, 31 tuổi, ở Jeju, Hàn Quốc, thất bại trong sự nghiệp. Nhưng trong sâu thẳm, giữa ranh giới sự sống và cái chết, bản năng sinh tồn trỗi dậy. Cô đã kịp dừng lại trước khi quá muộn.

Kể từ ngày đó, Jin-ah bắt đầu tìm hiểu động cơ muốn kết liễu mạng sống của mình và căn bệnh trầm cảm đã đeo bám nhiều năm. Cô gặp bác sĩ tâm lý và tham gia các khóa học. Trên mạng xã hội, Jin-ah liên lạc với những phụ nữ khác có thể đang gặp khó khăn tương tự.

“Phụ nữ thường bị đánh giá dựa trên ngoại hình và kỹ năng, khó được thăng tiến hơn nam giới. Cuối cùng, họ gặp phải nhiều định kiến, mang lại sự chán nản và cảm giác trống rỗng”, Jin-ah chia sẻ.

Khi không được lắng nghe, cảm giác này ngày càng đè nén. Người phụ nữ 31 tuổi nói thêm: “Tôi mắc chứng rối loạn ăn uống và rất khó để kiểm soát cảm xúc của mình. Sau đó, sự nghiệp 10 năm của tôi kết thúc. Tôi cũng bắt đầu tránh ra ngoài nhiều nhất có thể”.

Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ trẻ tại Hàn Quốc muốn tự tử?-1Ngày càng nhiều phụ nữ trẻ tại Hàn Quốc chọn cách tự tử vì áp lực kinh tế, bất bình đẳng giới. Ảnh minh họa: AP.

Jin-ah là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc có dự định hoặc đã tự kết liễu cuộc đời mình. Quốc gia này từ lâu cũng phải đối mặt tỷ lệ tự tử cao. Con số này cao gấp đôi mức trung bình mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra. Tự tử cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho những người ở độ tuổi thanh, thiếu niên hay trong khoảng 20-30 tại Hàn Quốc. Trong năm qua, vấn đề này tăng vọt ở phụ nữ trẻ và giảm ở nhóm nam giới.

Theo cơ quan Cảnh sát sát Quốc gia, trong nửa đầu năm 2020, 1.924 phụ nữ đã tự sát, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự gia tăng thậm chí tới hơn 40% ở phụ nữ trong độ tuổi 20. Đặc biệt, giai đoạn đỉnh điểm có 296 phụ nữ tự tử. Trong khi đó, tỷ lệ nam giới tự tử từ tháng 6 đến 9 năm nay giảm.

Tháng 11, Hàn Quốc chấn động sau thông tin 4 phụ nữ ở Seoul tự tử. Một người là tiếp viên hàng không, 27 tuổi, tự sát sau khi mất việc vì Covid-19. Ba người còn lại trong độ tuổi 20, cùng chọn cách kết liễu cuộc đời sau “giao ước máu” từ phòng chat trên mạng xã hội.

Vấn đề này trở nên nghiêm trọng đến mức chính phủ Hàn Quốc phân loại nhóm phụ nữ ở giai đoạn 20-30 tuổi là những người có nguy cơ tự tử cao. Năm ngoái, Ủy ban Chính sách Phòng chống Tự tử cũng được thành lập với nhiều chuyên gia về giới tính, sức khỏe, giáo dục, do Thủ tướng Chung Se-kyun đứng đầu.

Đại dịch Covid-19 làm nghiêm trọng tình hình
Một số chuyên gia cho rằng đại dịch Covid-19 và tình trạng thất nghiệp là thủ phạm gây thêm áp lực cho giới trẻ tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, vấn đề của họ phức tạp hơn nhiều.

Thủ tướng Chung Se-kyun nhận định tỷ lệ tự tử đã tăng lên trong nhiều thập kỷ và không có dấu hiệu dừng lại từ sau cuộc khủng hoảng ngoại hối châu Á năm 1997-1998 và khủng hoảng tài chính năm 2003. Do đó, “thật khó để nói rằng Covid-19 sẽ có tác động như thế nào với quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới”.

Một cuộc khảo sát diễn ra vào tuần trước tại Hàn Quốc cho thấy cứ 4 thanh niên có một người đã nghĩ đến tự tử ít nhất một lần kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Con số này cao gấp 10 lần so với hai năm trước.

Nhà nghiên cứu Nam Jae-wook, Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo nghề Hàn Quốc, cố vấn cho cuộc khảo sát trên, cho biết: “Chứng trầm cảm và ý định tự tử ở thanh niên đang ở mức báo động. Các vấn đề sức khỏe tâm thần ở giới trẻ đòi hỏi sự quan tâm khẩn cấp của mọi người trong bối cảnh đại dịch”.

Ông Paik Jong-woo, người đứng đầu Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc, đồng quan điểm: “Covid-19 cướp đi mạng sống của nhiều người già nhưng gây đau khổ về tinh thần cho những người trẻ”. Ông cũng cho rằng người trẻ dễ bị mất việc trong các ngành dịch vụ, bán thời gian khiến cuộc sống xã hội của họ bị gián đoạn, nhất là khi các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng.

Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ trẻ tại Hàn Quốc muốn tự tử?-2Một bức ảnh trong các tác phẩm của nhiếp ảnh gia Nina Ahn, khám phá hiện tượng "honjok" - thế hệ chấp nhận sự cô độc và độc lập. Ảnh: Nina Ahn.

Phụ nữ có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi đa phần họ làm việc bán thời gian trong ngành dịch vụ khách sạn, bán lẻ và thực phẩm. Đây đều là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều phụ nữ cũng phải đối mặt thêm gánh nặng nuôi dạy con cái hay bị chồng bạo hành.

Nhà nghiên cứu Kim Young-taek, Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, là số ít chuyên gia tìm hiểu về vấn đề tự tử ở phụ nữ trẻ. Ông cho biết kinh tế, tài chính là yếu tố lớn nhất gây ra các vụ tự tử ở nữ giới. Một nghiên cứu của vị chuyên gia này cho thấy phụ nữ Hàn Quốc có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Mọi cuộc suy thoái kinh tế đều khiến họ dễ bị tổn thương.

Kết luận của ông Kim phù hợp với phát hiện mà ủy ban phòng chống tự tử của chính phủ đưa ra. Cơ quan này kết luận thất nghiệp và cạn kiệt tài chính trong đại dịch là yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng đột biến các ca tự tử ở phụ nữ trẻ tại Hàn Quốc trong thời gian gần đây.

Định kiến của xã hội khiến nhiều người không dám lên tiếng
Nhưng một số chuyên gia đưa quan điểm có những vấn đề nghiêm trọng hơn là đại dịch Covid-19. Nhà nghiên cứu Kim Young-taek cho rằng kiệt quệ tài chính đi kèm cảm giác họ không thể đóng góp nhiều cho xã hội là rào cản khiến phụ nữ ngày càng tự ti, rơi vào trầm cảm.

Moon Ha-eun là nghệ sĩ trang điểm, 24 tuổi, sống tại Seoul. Cô nằm trong số nhiều phụ nữ trẻ phải chịu nhiều bất công trong môi trường làm việc gia trưởng tại Hàn Quốc. “Ngay từ ngày đầu tiên đi làm, tôi đã ước mình sinh ra là một người đàn ông. Sếp yêu cầu tôi phải giảm cân, luôn xinh đẹp và cho rằng phụ nữ bắt buộc phải trang điểm khi đi làm”, Moon chia sẻ.

Người phụ nữ này phải đối mặt bệnh trầm cảm, gặp bác sĩ tâm lý vì chứng cuồng ăn và mất ngủ. Moon tâm sự: “Một trong những đồng nghiệp của tôi thường đi tàu điện ngầm vào mỗi sáng để ngăn cảm giác thôi thúc nhảy xuống đường ray xe lửa và kết liễu cuộc đời”.

Vì sao ngày càng nhiều phụ nữ trẻ tại Hàn Quốc muốn tự tử?-3Nhiều người tại Hàn Quốc vẫn có định kiến về trầm cảm và những vấn đề về sức khỏe tâm lý. Đó chính là rào cản cho những phụ nữ cần được giúp đỡ khi có ý định tự tử. Ảnh: Korean Herald.

Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy hơn 50% phụ nữ có ý định tự tử đã không nhận được sự giúp đỡ hoặc tư vấn. Chính phủ Hàn Quốc đã cam kết tăng cường các dịch vụ tư vấn cho phụ nữ đồng thời thêm trợ cấp với những nữ thanh niên nghỉ việc không lương, làm việc tự do hoặc thực tập sinh. Ngoài ra, họ cũng có kế hoạch về chăm sóc trẻ em để tạo điều kiện, thêm thời gian nghỉ ngơi cho các bà mẹ.

Tuy nhiên, ông Kim cho rằng cần có cuộc cách mạng trong cách nhìn nhận về vấn đề tự tử tại quốc gia này. Không ít trường hợp tự sát với những hành động bắt chước từ những vụ tự tử của người nổi tiếng.

Trở lại với trường hợp của Jin-ah, cô cho hay bản thân đã không gặp bác sĩ tâm lý từ lâu vì sợ bị xã hội kỳ thị. “Tôi giấu sự thật mình tới gặp bác sĩ tâm lý vì nhiều người luôn cho rằng chỉ những bệnh nhân chậm phát triển mới làm điều đó. Rất nhiều người mắc chứng trầm cảm nhưng bỏ lỡ thời điểm điều trị thích hợp do nhận thức về sức khỏe tâm thần của công chúng không đúng về nó”, Jin-ah nói.

Cô muốn sử dụng kinh nghiệm của mình để thay đổi cách nhìn nhận của xã hội về bệnh tâm thần và giúp những người đau khổ không còn phải chật vật, lo ngại khi tìm ai đó chia sẻ. Jin-ah hy vọng khi làm như vậy, bằng đóng góp nhỏ bé của mình, có thể cứu những người khác, như cô đã từng tự cứu chính mình.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/vi-sao-ngay-cang-nhieu-phu-nu-tre-tai-han-quoc-muon-tu-tu-post1162937.html

tự tử


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.