Vụ án gã tình nhân lãng tử máu lạnh: Người yêu mất tích dưới biển vẫn rất thong thả, ung dung trên tàu bởi một âm mưu đen tối

Khi mọi người hối hả nhảy xuống biển để tìm cô gái mất tích, gã người yêu lãng tử vẫn ung dung ngồi trên tàu quan sát...

Khi mọi người hối hả nhảy xuống biển để tìm cô gái mất tích, gã người yêu lãng tử vẫn ung dung ngồi trên tàu quan sát. Tất cả xuất phát từ một âm mưu đen tối do chính hắn ta dựng lên.

Mối tình sét đánh của gã thanh niên lãng tử và người mẹ trẻ hai con

Sunny Ang Soo Suan (còn có tên Anthony Ang, sống ở Singapore) xuất thân từ một gia đình trung lưu. Hắn ta thông minh và cũng rất liều lĩnh. Năm 1957, Sunny Ang bỏ học đào tạo làm giáo viên để trở thành một phi công. Tuy nhiên, Sunny Ang đã bị đuổi vì cố tình lờ đi những quy định an toàn. Đến năm 1961, Sunny Ang tham gia cuộc đua Singapore Grand Prix ở Old Thomson Road và giành được vị trí thứ 10 nhưng sau đó đã bị phạt vì phóng nhanh vượt ẩu, tông chết người đi bộ. Năm 1962, Sunny Ang bị bắt trong một vụ trộm và đã bị quản thúc. Cũng trong năm đó, Sunny Ang trở thành sinh viên khóa luật bán thời gian và muốn sang Anh để du học. Tuy nhiên, Sunny Ang lại phá sản vào năm này sau khi không thể đáp ứng được khoản nợ từ bản án, khoảng 2.000 USD khi đó.

Trong khi đó, Jenny Cheok Cheng Kid là một nữ phục vụ tại nhà hàng và bar Odeon ở North Bridge Road, Cô chỉ học đến lớp 3 mà thôi. Mỗi tháng, cô được trả 90 USD và thu nhập chính của cô chính là 10 USD tiền tip mỗi ngày của khách hàng. Jenny đã từng kết hôn, có 2 con nhưng sau khi ly hôn, con của cô đã sống cùng bố chứ không sống cùng mẹ. Cô chỉ làm việc tại quán này đến năm 1963 rồi nghỉ việc.
 

Jenny Cheok Cheng Kid (Ảnh: straitstimes)

Cũng trong năm này, Jenny đã gặp Sunny Ang và hắn ta nói đã yêu Jenny từ cái nhìn đầu tiên. Jenny khi đó 22 tuổi còn Sunny Ang 24 tuổi. Chẳng bao lâu sau, Jenny và Sunny Ang hẹn hò. Cả hai nắm tay nhau đi dạo khắp các phố phường Singapore, khám phá những nơi ít người biết đến, cùng đi ăn kem, cùng dạo biển Sentosa ngắm mặt trời lặn. Trông họ vô cùng lãng mạn, quấn quýt bên nhau như thể chẳng thể nào xa cách được. Hẹn hò được vài tháng, tháng 8/1963, Sunny Ang ngỏ ý muốn đưa Jenny đi du lịch xa và họ đã chọn quần đảo Chị Em ở Singapore làm điểm đến. Cả hai đã cùng nhau đi lặn biển - môn mà Sunny Ang rất giỏi - và đó là chuyến đi Jenny đã mãi mãi chẳng quay trở về.

Chuyến lặn biển định mệnh và hành vi bình tĩnh bất ngờ của gã tình nhân khi bạn gái mất tích

Vào buổi chiều ngày 27/8/1963, Sunny Ang đã thuê một chiếc thuyền nhỏ trong 3 giờ để đưa hắn ta và Jenny đến hòn đảo Chị Em. Sunny Ang nói với chủ tàu - Yusuf Bin Ahmad - rằng họ muốn đi ngắm san hô. Đáng chú ý, trước chuyến đi này 2 tháng, Sunny Ang và Jenny đã từng thuê thuyền của Yusuf để đi lặn ở một hòn đảo khác và theo Yusuf, khả năng lặn của Jenny không phải xuất sắc, cũng không phải là một người bơi lội giỏi. Sau khi đi được 30 phút, Sunny Ang yêu cầu Yusuf dừng lại, thả neo ở giữa biển. Một sợi dây dẫn đường đã được thả xuống biển, Sunny Ang trong bộ đồ lặn, mang theo 3 thùng chứa khí, 2 cặp chân vịt, 2 con dao, 1 cái rìu nhỏ, thiết bị thở dưới nước và một đài phát thanh bán dẫn. Trong khi đó, Jenny đeo một chiếc đai lặn có gắn rìu, dao, và một khối kim loại. Sử dụng dây dẫn, Jenny xuống nước trước một mình dù cho cô không có kinh nghiệm lặn biển còn Sunny vẫn ngồi trên thuyền trong bộ đồ lặn với mớ dụng cụ.

Khoảng 10 phút sau, Jenny nổi lên. Sunny Ang thay thùng chứa khí cho người yêu và cô lại xuống nước một lần nữa. Vẫn trong bộ đồ lặn, Sunny Ang lại kiểm tra thùng chứa khí của mình một lần nữa và phát hiện ra nó đã bị rò rỉ. Dù Yusuf đã cố gắng sửa chữa nhưng nó vẫn không thể hoạt động được và trong lúc đó, Jenny vẫn ở dưới nước. Sunny Ang kéo sợi dây 3 lần và hỏi: “Cô ấy đâu rồi?”. Sunny Ang lại giật dây 3 lần nữa và vẫn không có dấu hiệu nào từ bạn gái. Hắn ta kéo dây lên và bảo Yusuf tìm bọt khí ở dưới nước nhưng không thấy gì cả. “Chúng ta sẽ làm gì đây?”, Sunny Ang lên tiếng hỏi chủ tàu. Yusuf quyết định sẽ đến hòn đảo St John gần đó để báo cảnh sát. Yusuf nhổ neo, lái theo vài vòng theo hình tròn để tìm những bọt khí của Jenny thở ra nhưng không thấy rồi mới rời khỏi hòn đảo.
 

Yusuf Bin Ahmad (Ảnh: straitstimes)

Trên đường đến đảo St John, Sunny Ang không hề yêu cầu tăng tốc hay tỏ vẻ khẩn trương. Hắn ta cũng không vội vã lên đảo khi họ cập bến - một điều vô cùng kì lạ đối người bạn trai khi bạn gái mình mất tích. Sunny Ang quay trở ra với người bảo vệ. Họ khuyên Sunny Ang và Yusuf nên đi cùng vài ngư dân ở một hòn đảo gần đó trên đường quay trở lại nơi Jenny mất tích để hỗ trợ tìm kiếm. Vậy là Sunny Ang và Yusuf đã quay trở lại chỗ cũ với 5 ngư dân. Tất cả bọn họ đều nhảy xuống nước, lặn tìm Jenny nhưng Sunny Ang vẫn ngồi yên trên tàu, dù hắn ta biết lặn và lặn rất giỏi.

Jenny đã mất tích mặc cho những nỗ lực tìm kiếm của 5 ngư dân cùng nhiều người nhái của Hải quân Hoàng gia vào thời gian sau đó.

Con tàu tìm kiếm Jenny. (Ảnh: straitstimes)

Gã bạn trai thông minh, liều lĩnh và động cơ gây án khiến mọi người bất bình

Vật duy nhất người ta tìm thấy chính là một chiếc chân vịt mà Jenny đã mang vào ngày hôm đó nhưng nó không phải là một chiếc chân vịt lành lặn. Phần dây đeo gót chân đã bị cắt bằng một dụng cụ sắc bén như dao, lưỡi dao cạo hoặc kéo. Theo một chuyên gia ở buổi xét xử, việc mất một bên chân vịt sẽ khiến người lặn bị mất cân bằng, ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của họ. Trong khi đó, Jenny là một người thiếu kinh nghiệm về lặn, nước ở gần quần đảo Chị Em lại rất nguy hiểm với dòng chảy mạnh, nó có thể khiến Jenny lo sợ và chắc chắn chết đuối.

Ngày 5/9/1963, cảnh sát đã phân loại sự mất tích của Jenny là vụ án giết người. Mọi nghi ngờ của các điều tra viên lập tức đổ dồn vào Sunny Ang. Vì sao họ lại nghi ngờ Sunny Ang? Tất cả đến từ số tiền bảo hiểm của Jenny.

Ngược dòng thời gian, quay lại thời điểm Sunny Ang và Jenny vừa hẹn hò. Ngay sau khi gặp Jenny, Sunny Ang bắt đầu mua vài hợp đồng bảo hiểm cho Jenny và tiền được chi trả sẽ chuyển đến mẹ hắn ta hoặc đến Jenny. Không chỉ vậy, 3 tuần trước khi chuyến đi chơi, Sunny Ang còn đưa Jenny đến luật sư để soạn thảo văn bản để lại tất cả tài sản của cô cho mẹ của Sunny Ang - người cô chưa biết rõ. Với tất cả những yêu cầu này của Sunny Ang, Jenny đều làm theo. 1 ngày trước khi Jenny mất tích, một trong những hợp đồng bảo hiểm của Jenny hết hạn và chỉ trong vòng 3 giờ trước chuyến lặn biển định mệnh, Sunny Ang đã gia hạn được bảo hiểm đó thêm 5 ngày. Tổng số tiền thanh toán cho các hợp đồng bảo hiểm lên đến khoảng 900.000 USD nếu các công ty bảo hiểm không có bất kì nghi ngờ nào về tai nạn.

Những cuộc điều tra đã diễn ra suốt từ khi Jenny mất tích và cuối cùng, Sunny Ang đã bị bắt giam vào ngày 21/12/1964 sau khi các cơ quan có thẩm quyền thu thập đủ chứng cứ. Ngày hôm sau, hắn ta bị buộc tội giết người. Ngày 25/2/1965, Sunny Ang chính thức bị đưa ra xét xử và vụ xét xử kéo dài đến tận ngày 18/5/1965 mới đưa ra được kết tội cuối cùng cũng như hình phạt thích đáng cho kẻ thủ ác. Vụ án này không bình thường vì thi thể nạn nhân không bao giờ được tìm thấy và những lời cáo buộc của công tố viên chỉ dựa trên bằng chứng gián tiếp, sự liên hệ giữa các chứng cứ.
 

Sunny Ang xuất hiện tại một trong những buổi xét xử. (Ảnh: straitstimes)


(Ảnh: straitstimes)

Những chứng cứ đó chính là chiếc chân vịt bị cắt, bảo hiểm của Jenny, tình hình tài chính của Sunny Ang và thái độ ung dung của Sunny Ang vào lúc xảy ra tai nạn cũng như sau đó. Hắn ta không nhảy xuống nước để tìm kiếm Jenny và không có chút lo lắng khi người yêu không nổi lên mặt nước hay thể hiện bất kì sự khẩn trương nào khi nhờ sự giúp đỡ từ đảo St John. Tuy nhiên, chưa đầy 24 giờ sau vụ tai nạn, hắn ta đã thông báo đến công ty bảo hiểm của Jenny về sự mất tích của cô và tìm đầy đủ bằng chứng để lấy đủ tiền bảo hiểm. Khi bị hỏi vì sao thấy người mình yêu không nổi lên mặt nước lại không nhảy xuống biển để tìm, Sunny Ang bình thản đáp: “Tôi không chắc cô ấy đang gặp khó khăn gì. Tôi nghĩ rằng cô ấy bị cá mập tấn công”. Thậm chí, khi Thẩm phán Buttrose hỏi rằng vì sao Sunny Ang lại không đi xuống nước trước mà lại để Jenny xuống đấy trước và ở dưới một mình, hắn ta trả lời: “Luôn phải nhường phụ nữ trước mà”.

Sau nhiều ngày xét xử, điều tra, cuối cùng Sunny Ang đã nhận tội. Ngày 18/5/1965, bồi thẩm đoàn chỉ mất 2 giờ đồng hồ để đưa ra phán quyết. Thẩm phán Buttrose phát biểu: “Bị cáo đã giết cô gái trẻ Jenny, người có một lỗi duy nhất là đã yêu bị cáo, cho bị cáo tất cả mọi thứ cô ấy có. Tất cả mọi thứ. Bị cáo đã giết cô ấy vì lợi ích cá nhân. Đó là một tội ác, thủ đoạn xảo quyệt, dàn xếp cho một tai nạn, được thực hiện với một sự lạnh lùng, một sự bình tĩnh. Cuối cùng, đã đến lúc bị cáo phải trả giá”. Sunny Ang đã bị kết tội giết người và phải chịu án tử hình.

Bên ngoài phòng xử án, Juliet Ang - em của Sunny Ang, một sinh viên trường luật - đã ngã quỵ với bản án. Đám đông vây quanh nhìn Sunny Ang bị giải đến xe tù. Cuối cùng, hắn ta đã bị treo cổ vào ngày 6/2/1967.

Vụ án về gã tình nhân lãng tử máu lạnh Sunny Ang đã trở thành đề tài cho các nhà làm phim khai thác. Năm 1979, Harvesters Film Distribution and Production - nhà sản xuất Đài Loan - đã thông báo họ sẽ sản xuất một bộ phim tiếng Quan Thoại dựa trên những tình tiết trong vụ án của Sunny Ang. Tên các nhân vật trong phim đã được thay đổi hoàn toàn. Không chỉ vậy, vụ án cũng xuất hiện trong một tập phim của series phim tài liệu có tên True Files và được phát sóng vào tháng 6/2002.




Theo Helino


người yêu

vụ án giết người


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.