Tại sao Quang Hải, Công Phượng chưa phải giảm lương như Ronaldo, Messi trong mùa Covid-19?

Hàng loạt các giải đấu trên thế giới hoãn vô thời hạn kéo theo tình hình tài chính nhiều CLB gặp khó khăn. Giảm lương cầu thủ được xem như một cách để cân bằng thu chi, giúp duy trì hoạt động của đội trong giai đoạn khó khăn.

Về vấn đề này, bóng đá thế giới tuần qua xuất hiện hai trường hợp điển hình. Theo báo chí Italia, siêu sao Cristiano Ronaldo chấp nhận giảm 11,4 triệu USD (khoảng 268 tỷ đồng) trong 35 triệu USD (821 tỷ đồng) tiền lương sau thuế mỗi mùa, tương đương giảm lương từ tháng 3 đến tháng 6. Tất cả cầu thủ Juventus đều làm như Ronaldo.

Trong khi đó, một siêu sao khác là Lionel Messi cùng nhiều đồng đội tại Barcelona lại không chấp nhận giảm lương. Tuy nhiên, phía lãnh đạo CLB Tây Ban Nha vẫn dự kiến sẽ cắt giảm 70% lương của mỗi thành viên CLB.

Tại sao Quang Hải, Công Phượng chưa phải giảm lương như Ronaldo, Messi trong mùa Covid-19?-1

Ronaldo và Messi đều đã tự nguyện hoặc bị CLB cắt giảm lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hai ngôi sao lớn nhất của thế giới bóng đá đương đại đã đối mặt với câu chuyện này. Câu hỏi đặt ra là liệu các cầu thủ Việt Nam như Quang Hải (Hà Nội FC), Công Phượng (CLB TPHCM) cùng nhiều cầu thủ ở V.League đang phải đối mặt với câu chuyện này thế nào?

Tính tới lúc này, chưa CLB nào ở V.League 2020 phải kêu gọi các cầu thủ giảm lương dù mới chỉ trôi qua được 2 vòng. Động thái này chỉ ra nhiều yếu tố khác biệt giữa giải đấu số 1 Việt Nam với các giải đấu lớn trên thế giới.

Thứ nhất, dịch Covid-19 ở Việt Nam được đánh giá vẫn ở mức độ nhẹ hơn so với các nước châu Âu như Italia, Tây Ban Nha. Chính vì vậy, V.League 2020 vẫn ở chế độ tạm hoãn theo từng mốc cụ thể. Trong khi đó, các giải VĐQG hàng đầu thế giới đang bị hoãn vô thời hạn do dịch bệnh bùng phát mạnh ở nước sở tại. Vì vậy, các đội bóng dự báo sẽ phải nghỉ dài hơn nhiều các CLB tại V.League.

Tại sao Quang Hải, Công Phượng chưa phải giảm lương như Ronaldo, Messi trong mùa Covid-19?-2

Tại sao Quang Hải, Công Phượng chưa phải giảm lương như Ronaldo, Messi trong mùa Covid-19?-3

Những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam vẫn chưa phải cắt giảm lương do có nhiều yếu tố khác biệt trong ngân sách hoạt động của CLB. Ảnh: Hiếu Lương - CLB TPHCM.

Thứ hai, về ngân sách hoạt động, các CLB lớn trên thế giới có nguồn thu gắn chặt với nhà tài trợ, tiền bán vé, bản quyền truyền hình, bán vật phẩm lưu niệm,… Khi giải đấu bị hoãn, các nguồn thu đều bị ảnh hưởng nặng nề trong khi lương tính riêng các cầu thủ mỗi mùa đã chiếm một nửa ngân sách. Giảm lương vì thế là bắt buộc để đảo bảo cân bằng tài chính cuối mùa, tránh rủi ro pháp lý về luật công bằng tài chính ở Liên đoàn bóng đá châu lục.

Việt Nam thì khác. Các CLB có ngân sách hoạt động từ 40 – 60 tỷ đồng/năm. Lương cầu thủ chỉ chiếm từ 20 – 30% khoản ấy. Chưa kể, các CLB thường đảm bảo ngân sách hoạt động có sẵn từ đầu mùa vì là tiền của ông bầu hoặc nhà tài trợ chính. Các mối quan hệ tài trợ khác hầu hết là thân thiết với ông chủ của đội. Chuyện lỗ, lãi ở bóng đá Việt Nam là điều rất mập mờ trong suốt 20 năm lên chuyên.

Từ đây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi vậy liệu tiền bản quyền truyền hình (BQTH), bán vé, vật phẩm lưu niệm,… của các đội đâu cả rồi?

Câu trả lời là các CLB V.League chưa có nguồn thu ổn định thật sự từ BQTH hay vật phẩm lưu niệm, còn doanh số bán vé chỉ hỗ trợ một phần. Như CLB Nam Định, "nhà vô địch" về bán vé tại V.League 2019 cũng chỉ thu được khoảng 4 tỷ đồng tiền vé. Con số này không nhỏ nhưng chắc chắn lãnh đạo đội bóng chỉ coi đây là nguồn bổ trợ so với những khoản thu cứng khác tạo nên ngân sách.

Vấn đề thứ 3 cần nhấn mạnh là lương cầu thủ. Lương tối thiểu cầu thủ nội V.League nhận được là 10 triệu đồng/tháng. Cầu thủ nội nhận lương cao nhất lúc này đạt mức 50 triệu đồng/tháng. Con số trung bình một cầu thủ nội ở V.League nhận được là khoảng 25 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, cầu thủ ngoại nhận từ 4.000 – 10.000 USD/tháng (khoảng 92 – 230 triệu đồng/tháng) tùy vào trình độ.

Tính như ở Hà Nội FC, họ phải chi khoảng 6 tỷ đồng tiền lương cho 22 cầu thủ nội và 4 tỷ đồng cho 4 ngoại binh. Con số này chỉ bằng 1/8 ngân sách hoạt động của CLB cả mùa giải. Lương cầu thủ vì thế được cho không ảnh hưởng quá lớn đến ngân sách các CLB.

Bên cạnh đó, tiền lương chỉ là thu nhập cứng của cầu thủ mà thôi. Tiền thưởng mới là thu nhập thêm đáng giá sau mỗi trận đạt thành tích tốt. Nếu khó khăn, họ sẽ bị CLB cắt khoản này thay vì là tiền lương. Mức lương ấy cao so với mặt bằng xã hội nhưng chưa phải quá cao đến mức cần cắt giảm như nhiều CLB trên thế giới. Chính vì vậy, các CLB V.League chưa giảm tiền lương là điều có thể hiểu được vào lúc này.

Trong bối cảnh dịch bệnh, các CLB cũng sử dụng phương án để các cầu thủ về quê hoặc nhà riêng nghỉ ngơi một thời gian, chờ thông báo tiếp theo. Đây cũng là cách để giảm thiểu một số khoản tiền liên quan đến thuê sân, ăn uống tập trung hay di chuyển,…

Theo Trí thức trẻ

Xem link gốc Ẩn link gốc http://ttvn.toquoc.vn/tai-sao-quang-hai-cong-phuong-chua-phai-giam-luong-nhu-ronaldo-messi-trong-mua-covid-19-220203031203786.htm

Công Phượng

Quang Hải


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.