Cái giá của chiến thắng và nỗi lo tuyển Việt Nam ‘hai trong một’

Nếu đánh bại đội Bình Dương, Quang Hải và CLB Hà Nội sẽ mở ra trang sử mới ở AFC Cup nhưng đồng thời cũng phải đối diện lịch thi đấu khốc liệt trong thời gian tới

Nếu đánh bại đội Bình Dương, Quang Hải và CLB Hà Nội sẽ mở ra trang sử mới ở AFC Cup nhưng đồng thời cũng phải đối diện lịch thi đấu khốc liệt trong thời gian tới.

Tối 7/8, Nguyễn Quang Hải và đồng đội ở CLB Hà Nội sẽ bước vào trận chung kết lượt về AFC Cup với đối thủ Bình Dương trên sân Hàng Đẫy. Đó là trận cầu mà họ đang nắm quá nhiều lợi thế với chiến thắng 1-0 trên sân khách, 2 trận thắng liên tiếp trước chính đối thủ trong ít ngày cùng sự vượt trội nhìn thấy rõ cả về lực lượng, phong độ tới tham vọng.

Nếu vượt qua đội Bình Dương, CLB Hà Nội, với gần đủ một đội hình tuyển thủ quốc gia và U23 Việt Nam, sẽ bước tiếp vào giai đoạn thi đấu dày đặc, qua đó kéo dài lịch trình cho nhóm tuyển thủ quốc gia trong năm 2019.

Cái giá của chiến thắng và nỗi lo tuyển Việt Nam ‘hai trong một’-1

Lịch thi đấu dày đặc là kẻ thù lớn của tuyển Việt Nam và U23 trong mùa giải này.

Tháng 11 đầy bão tố

Sau chung kết AFC Cup Đông Nam Á, Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Đỗ Hùng Dũng, Phạm Đức Huy, Đỗ Duy Mạnh, Trần Văn Kiên sẽ bước vào giai đoạn knock-out kế tiếp với các CLB thuộc Inter-zone (vùng trung tâm châu Á). Ở đó, những đội bóng tới từ Bangladesh, Turkmenistan hay CHDCND Triều Tiên khó có thể ngăn họ lại. CLB Hà Nội có thể vượt qua những đối thủ ấy để tiếp tục đi tới trận chung kết toàn châu Á đồng thời tự đặt mình vào tháng 11 đầy bão tố.

Nhóm tuyển thủ quốc gia của CLB Hà Nội có thể khởi đầu tháng 11 bằng trận chung kết toàn châu Á với đại diện tới từ phía Tây lục địa vào ngày 2/11. Đến ngày 14/11 và 19/11, họ sẽ lần lượt gặp UAE và Thái Lan tại Mỹ Đình. Sau đó chưa đầy một tuần, nội dung bóng đá nam SEA Games 30 dự kiến khởi tranh từ ngày 25/11. Đó là chưa kể trận chung kết cúp quốc gia, giải đấu mà CLB Hà Nội và Bình Dương đều đang ở bán kết. Trận này chưa thể xếp lịch vì VPF chưa biết phải nhét nó vào đâu trong bối cảnh tất cả đang quá tải.

3 mặt trận ấy đều là những đấu trường họ không thể thua cuộc. CLB Hà Nội cần thắng ở AFC Cup vì sau khi xưng hùng V.League, châu Á trở thành đấu trường quan trọng nhất mà bầu Hiển nhắm tới. Họ phải thắng ở vòng loại World Cup vì đây là mục tiêu lớn nhất của HLV Park Hang-seo. Họ không được thua tại SEA Games nhằm kết thúc 3 thập kỷ mòn mỏi chờ đợi của bóng đá Việt Nam.

Vấn đề là cả ba đấu trường ấy đều khốc liệt, phải dốc sức. Họ không thể nâng bên này, hạ bên kia mà buộc phải dốc toàn lực cho từng trận. Việc lựa chọn và xác định điểm rơi cho nhóm cầu thủ này không chỉ ảnh hưởng tới số phận của CLB Hà Nội mà còn tác động tới 2 đội tuyển. Sẽ thế nào nếu Quang Hải cùng đồng đội chơi tốt ở AFC Cup, nhưng thua đau tại vòng loại World Cup hay SEA Games?

Phương án lý tưởng nhất đương nhiên là CLB Hà Nội hy sinh, giữ sức cho Quang Hải, Đoàn Văn Hậu để phục vụ đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, khả năng xảy ra điều đó rõ ràng rất thấp căn cứ trên quyết tâm mà đội bóng thủ đô đã thể hiện trong 2/3 mùa giải.

Điều cần làm lúc này có lẽ là cầu nguyện để những tuyển thủ ấy vượt qua được giai đoạn khốc liệt trên và bình an có mặt khi tuyển Việt Nam hội quân trở lại.

Cái giá của chiến thắng và nỗi lo tuyển Việt Nam ‘hai trong một’-2

Càng thành công, bóng đá Việt Nam càng mở ra những đấu trường mới và càng đối diện lịch thi đấu căng thẳng hơn.

Quá tải chưa từng có trong lịch sử

Nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải nơi các tuyển thủ quốc gia, thật trớ trêu chính nằm ở phong độ tuyệt vời mà họ đã thể hiện trong hơn một năm qua. Do Đông Nam Á và châu Á đều sở hữu hệ thống bóng đá có phần riêng biệt so với thế giới (AFF Cup, SEA Games hay Asian Cup đều không nằm trong lịch FIFA), tuyển Việt Nam thậm chí phải chơi nhiều trận hơn so với những đội tuyển mạnh nhất thế giới.

Trong quá khứ, việc đó không tạo ra vấn đề vì tuyển quốc gia và U23 Việt Nam hiếm khi tiến xa tại đấu trường châu lục. Tuy nhiên, dưới thời Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam thường xuyên có mặt ở tứ kết, bán kết hay chung kết châu Á. Số trận vì thế bị đội lên, áp lực vì thế cũng đè nặng nơi các tuyển thủ.

Quang Hải là ví dụ. Tính từ đầu năm tới trước chung kết lượt về với Bình Dương, đương kim Quả bóng vàng Việt Nam đã chơi tổng cộng 37 trận trên mọi đấu trường cả ở cấp CLB và đội tuyển. So với Son Heung-min, người cũng phải dự Asian Cup và đã vào tới trận đấu cuối cùng của mùa giải châu Âu là chung kết Champions League, Quang Hải vẫn đá nhiều hơn một trận.

Đồng đội của Hải cũng không hề kém cạnh. Đỗ Hùng Dũng đã có 37 trận, Đỗ Duy Mạnh đã chơi 33 trận còn Văn Hậu gây kinh ngạc khi vừa chạm mốc 38 trận trong cuộc đối đầu với Bình Dương đúng vào ngày 3/8. Nếu cần ví dụ thú vị hơn, siêu sao người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo mới chơi 26 trận trong khoảng thời gian này.

Cái giá của chiến thắng và nỗi lo tuyển Việt Nam ‘hai trong một’-3

Cường độ thi đấu của nhóm tuyển thủ này là chưa từng thấy trong suốt chiều dài lịch sử bóng đá Việt Nam. Trong quá khứ, nếu tuyển thủ chơi đủ cả 26 trận mỗi mùa V.League, cộng thêm các trận cúp quốc gia và đội tuyển, anh ta có thể cán mốc 40 trận mỗi mùa. Ngày nay, cột mốc ấy đã bị bỏ rất xa.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa Quang Hải, Văn Hậu với Son Heung-min hay Ronaldo không chỉ là số trận. Họ vẫn đang phải thi đấu trong môi trường bóng đá Việt Nam, hưởng các điều kiện chăm sóc sức khỏe, y tế, dinh dưỡng kém xa đồng nghiệp. Bản thân họ chưa được chuẩn bị cả về thể chất lẫn tâm lý cho cường độ thi đấu này. Bởi thế, họ đối diện với hàng loạt nguy cơ chấn thương.

Khi tháng 11 bão tố vẫn còn cách xa, tuyển Việt Nam đã chắc chắn mất Phan Văn Đức và Trần Đình Trọng. Trước họ, Văn Hậu, Quang Hải, Duy Mạnh, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Tuấn Anh, Lương Xuân Trường đều đã trải qua những chấn thương ở các mức độ khác nhau trong năm 2019. Mới đây thôi, Nguyễn Huy Hùng và Nguyễn Phong Hồng Duy đều phải di chuyển ra PVF điều trị còn Hà Đức Chinh chỉ vừa trở lại.

Không sai khi nói tuyển Việt Nam đang phải gánh chịu phản ứng phụ từ con virus mang tên “thành công”.

Các CLB đều biết rõ điều này. Cũng như các đội tuyển quốc gia, họ đều có cuộc chiến của riêng mình và phải làm tất cả để tồn tại. HLV Lê Huỳnh Đức từng nói ông buộc phải dùng Đức Chinh vì “không còn ai nên phải dùng”. HLV Chu Đình Nghiêm thừa nhận Quang Hải chán bóng đá, nhưng vẫn liên tục phải đưa anh vào sân. Ngay đến HLV Park Hang Seo cũng buộc phải sử dụng Đình Trọng dù cầu thủ này chưa bình phục hoàn toàn ở vòng loại U23 châu Á.

Cái giá của chiến thắng và nỗi lo tuyển Việt Nam ‘hai trong một’-4

Tính toán về nhân sự là thách thức lớn của HLV Park Hang Seo.

Lo cho U22 Việt Nam ở SEA Games 30

Lần tập trung mới nhất của U22 Việt Nam là đợt hội quân ngắn hạn thứ 3 trong kế hoạch 4 đợt của HLV Park Hang-seo. Tổng thời gian cho 4 đợt này là 16 ngày. Cộng thêm 9 ngày tập trung vào tháng 9 và 45 ngày tập trung dài hạn trong tháng 10, 11, U22 Việt Nam sẽ có tổng cộng 70 ngày chuẩn bị trước thềm SEA Games.

Trong 70 ngày ấy, ông Park nhiều khả năng không có sự phục vụ của nhóm trụ cột thuộc biên chế tuyển quốc gia gồm Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu, Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh, Nguyễn Thành Chung.

Chưa tính thời gian di chuyển, khoảng cách giữa trận Việt Nam - Thái Lan hôm 19/11 và trận mở màn SEA Games hôm 25/11 chỉ cách nhau đúng 6 ngày. 6 ngày ấy là khoảng thời gian ông Park đủ toàn bộ lực lượng U23 Việt Nam.

Làm sao để hòa hợp 2 nhóm cầu thủ, giúp họ hiểu nhau trong từng ấy thời gian?

HLV Park Hang Seo từng nói ông sẽ trao đổi chéo cầu thủ giữa U23 và tuyển quốc gia trong thời gian các đợt tập trung song song. Tuy nhiên, lịch thi đấu căng thẳng của CLB Hà Nội và tính chất khốc liệt của bảng G vòng loại World Cup sẽ khiến dự định ấy bị ảnh hưởng.

Một năm trước, ông Park từng giải quyết rất tốt bài toán 2 giải đấu liên tiếp là AFF Cup và Asian Cup. Tuy nhiên, với 3 giải đấu và đợt tập trung song song cuối năm nay, thử thách còn lớn hơn đang chờ lời giải từ HLV trưởng tuyển Việt Nam.

Theo Zing.vn


U23 Việt Nam

Quang Hải


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.