Hành trình trở về gian nan của trung vệ Việt kiều và những bài học đắt giá từ Đặng Văn Lâm

Adriano Schmidt (Hải Phòng) từng có lúc rơi vào thất vọng tột cùng và muốn từ bỏ tất cả bởi việc trở về Việt Nam gặp quá nhiều khó khăn với liên tiếp những lần thử việc thất bại

Adriano Schmidt (Hải Phòng) từng có lúc rơi vào thất vọng tột cùng và muốn từ bỏ tất cả bởi việc trở về Việt Nam gặp quá nhiều khó khăn với liên tiếp những lần thử việc thất bại.

CUỘC BÉN DUYÊN KÌ LẠ VỚI HẢI PHÒNG VÀ NHỮNG LẦN ĐỔ VỠ ĐẦU TIÊN

Sinh ra và lớn lên ở Augsburg (Đức) trong một gia đình đông con, lại có bố là người nhập cư, Adriano Schmidt chia sẻ mình không có nhiều cơ hội để học tiếng Việt bởi những khó khăn của cuộc sống khiến bố anh phải tập trung vào việc học và sử dụng tiếng Đức.

Trong tâm thức của Adriano, dù bắt đầu chơi bóng từ năm 6 tuổi nhưng cậu bé lai Việt – Đức cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ có một ngày mình trở về quê hương của bố để lập nghiệp. Tất cả mọi thứ đến với Adriano Schmidt một cách hoàn toàn bất ngờ.

"Tôi bắt đầu chơi bóng vào năm 6 tuổi cho một CLB nhỏ ở địa phương. Tôi chơi ở đó trong 7 năm rồi chuyển sang một CLB ở cấp cao hơn một chút. Sau đó 1 năm, tôi chuyển sang Asel School cho đến năm 16 tuổi. Đây là thời điểm tôi bắt đầu cuộc sống tự lập, xa gia đình khi tới Ingolstadt để chơi bóng, nơi cách nhà tôi hơn 1 tiếng rưỡi đi tàu.

Mọi người cũng biết tôi chơi cho đội Schwabmunchen ở giải hạng 5 Đức trước khi chuyển đến Việt Nam, nhưng hành trình để tôi trở lại với quê hương của bố mình kể ra cũng khá thú vị.

Ban đầu, có một người trên Facebook nhắn tin cho tôi. Người đó ở Hải Phòng. Ông ấy nói rằng: Tôi thấy cậu là người Việt Nam, tôi đã xem hồ sơ của cậu, một số clip cậu chơi bóng và thấy cậu là một hậu vệ tốt. Cậu nghĩ thế nào về Việt Nam và bóng đá ở Việt Nam?

Tôi trả lời ông ấy rằng: "Thú thực là tôi chưa từng nghĩ đến việc tới Việt Nam chơi bóng đá". Ông ấy nói: "Sao cậu không thử? Nếu thành công thì tốt, còn không thì nó là sự thử nghiệm và sẽ cho cậu thêm kinh nghiệm".

Vậy là tôi nghĩ: "Tại sao mình lại không thử nhỉ?"

Hành trình trở về gian nan của trung vệ Việt kiều và những bài học đắt giá từ Đặng Văn Lâm-1

Lúc đó tôi đang ở Augsburg nên đã kể với bố mẹ mình về điều này. Mẹ tôi bảo: "Sao con không thử sức xem sao? Nếu không làm điều đó thì sau này già đi con sẽ tự hỏi sao mình lại không thử cơ chứ?"

Vậy là người bạn qua Facebook kia bảo tôi gửi CV để ông ấy đưa cho một số CLB ở Việt Nam. Sau hai tháng, tôi nhận được một tin không thể tuyệt vời hơn, đó là Hải Phòng liên hệ với tôi qua email. Lúc đó anh Phương phiên dịch cũ còn ở đây, cùng với giám đốc nữa, họ liên hệ với tôi và nói rằng có thể dành cho tôi cơ hội".

Đó là vào thời điểm tháng 5 năm 2017. Khi đó, đặt chân tới Việt Nam với Adriano Schmidt chẳng khác nào một chuyến phiêu lưu bởi anh chưa biết nhiều về nơi đây và một yếu tố quan trọng khác được dự báo sẽ trở thành rào cản với trung vệ này để được ký hợp đồng: anh chưa có quốc tịch Việt Nam.

Và quả đúng như vậy, dù có tới 6 tuần thử việc ở Hải Phòng nhưng Adriano Schmidt vẫn không được nhận. Lý do được đưa ra rất đơn giản: V.League lúc đó chỉ cho phép sử dụng hai ngoại binh và Hải Phòng đã ổn định với cặp tiền đạo Stevens – Fagan.

Thất bại ở Hải Phòng, Adriano Schmidt được giới thiệu tới Than Quảng Ninh (khi ấy đang còn trống 1 suất ngoại binh) thử việc trong vòng 5 ngày. Tuy nhiên, chuyến đi đã không thành công. Điều này khiến cho trung vệ sinh năm 1994 quyết định trở lại Đức để hoàn thành thủ tục xin quốc tịch Việt Nam. Thế nhưng mọi việc sau đó cũng không hề dễ dàng.

"Vào thời điểm tháng 10 năm 2017, khi mọi thứ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tôi cảm thấy rất thất vọng và muốn từ bỏ việc đến Việt Nam chơi bóng. Thật may khi tôi có hai người bạn ở Đức đã giúp đỡ mình rất nhiều.

Họ là người Việt Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở Đức, một nam, một nữ. Họ truyền cho tôi rất nhiều động lực, động viên tôi mỗi ngày. Tôi rất biết ơn họ vì họ đã luôn tin tưởng tôi, họ vẫn luôn tin rằng tôi sẽ thành công.

Đến tháng 1 năm 2018, tôi đến Quảng Nam trong 6 tuần vì họ nói có thể giúp tôi xin hộ chiếu nhưng rồi cuối cùng vẫn không được. Nếu bạn đã kết hôn hoặc cư trú lâu, họ có thể giúp bạn làm hộ chiếu. Đối với tôi mọi chuyện lại khác và họ cũng đã có 2 ngoại binh cho mình rồi. Thậm chí tôi còn dính chấn thương khá nặng trong thời gian này nữa. Mọi chuyện thật tệ.

Hành trình trở về gian nan của trung vệ Việt kiều và những bài học đắt giá từ Đặng Văn Lâm-2

Cuối cùng, tôi phải tự lo chuyện hộ chiếu cho mình và rồi thật vui khi đến tháng 6 năm 2018, tôi đã có thể chính thức gia nhập Hải Phòng.

Một lần nữa, những người bạn Việt Nam ở Đức kể ở trên lại hỗ trợ tôi rất nhiều. Anh bạn là hướng dẫn viên du lịch nên đã giúp tôi ký hợp đồng vì có thể đọc, nói tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp và nhiều ngoại ngữ khác.

Anh ấy giúp đỡ tôi rất nhiều, dạy tôi về giao thông, đồ ăn, về mọi thứ ở Việt Nam, giống như một người giáo viên, một cổ động viên của tôi, mỗi ngày đều hỏi tôi thế nào, có ổn không, chăm sóc tôi như một người anh trai. Anh ấy là một trong những người bạn thân nhất của tôi.

Ngày đặt chân tới Việt Nam, tôi có quyết tâm rất lớn, tôi hiểu điểm yếu của mình, biết cách điều chỉnh bản thân. Tôi hi vọng mình có thể làm được điều mình mong muốn và tôi cũng muốn báo đáp những gì họ đã làm cho tôi".

CHUYỆN HÒA NHẬP Ở HẢI PHÒNG VÀ TÌNH BẠN ĐẶC BIỆT VỚI VĂN LÂM, FAGAN

Với cầu thủ bóng đá, gia nhập đội bóng là một chuyện, hòa nhập và thi đấu tốt được hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Bóng đá thế giới vẫn luôn không thiếu những bản hợp đồng ngôi sao bỗng biến thành "bom xịt" vì không hòa nhập được với đội bóng mới như Torres (Liverpool sang Chelsea), Kaka (AC Milan sang Real Madrid), Andriy Shevchenko (AC Milan sang Chelsea), Di Maria (Real Madrid sang Man Utd)…

Trong trường hợp của Adriano Schmidt, mọi việc càng trở nên khó khăn hơn khi anh quyết định trở về Việt Nam chơi bóng trong khi không hề biết nói tiếng Việt.

Thậm chí với các trường hợp cầu thủ từ nước ngoài tới Việt Nam thi đấu, thời tiết cũng là thử thách không hề nhỏ. Chẳng ít ngoại binh tới từ châu Âu hay Bắc Mỹ đã phải khăn gói rời Việt Nam không lâu sau khi đặt chân tới vì không chịu được thời tiết và thích nghi được với đồ ăn bản địa.

Tuy nhiên, thật may cho anh chàng Việt kiều Đức khi lúc đó trong đội hình Hải Phòng đã có một cầu thủ Việt kiều khác có rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này. Không ai khác, đó chính là Đặng Văn Lâm.

Hành trình trở về gian nan của trung vệ Việt kiều và những bài học đắt giá từ Đặng Văn Lâm-3

"Lần đầu tới Việt Nam, tôi đến Nghệ An vì đội đang tập luyện ở đó. Lúc đó là tháng 6, trong buổi tập đầu tiên, tôi nghĩ nắng ở đây chắc cũng giống như ở Đức thôi, không có vấn đề gì.

Tôi ra sân, chạy chạy chạy và rồi bắt đầu cảm thấy cái nắng này hóa ra rất khác ở Đức, thậm chí là khi cùng nhiệt độ thì ở Việt Nam vẫn nắng nóng khó chịu hơn. Vậy nên tất nhiên là những ngày đầu tiên tôi thấy có chút khó khăn.

Đội lúc ấy xếp cho tôi ở với Văn Lâm vì anh ấy đang ở một mình. Tôi khi đó không biết nhiều về anh ấy, chỉ biết Lâm cũng có một nửa dòng máu Việt Nam như tôi.

Lúc đó Lâm và Fagan đã thân thiết với nhau rồi. Sau buổi tập, họ đưa tôi đi chơi, giới thiệu với tôi về cuộc sống ở Việt Nam", Adriano bồi hồi nhớ lại những ngày đầu tiên tại Việt Nam của mình.

Trung vệ Việt kiều kể tiếp: "Khi bạn gia nhập một đội bóng mới, những ngày đầu tiên có thể hơi khó khăn để làm quen, nhưng họ đã giúp đỡ tôi ngay từ giây phút đầu tiên. Văn Lâm và Fagan luôn bảo tôi rằng: "Cậu không cô đơn đâu. Nếu cậu cần điều gì, có vấn đề gì, chúng tôi có thể giúp đỡ và phiên dịch cho cậu."

Tôi cảm thấy mình có người để nói chuyện. Một mình đến một đất nước mới không dễ dàng gì. Thật tốt khi có người bên cạnh biết mọi thứ, có thể dạy bạn về văn hóa ở đây. Thời gian đầu tôi hơi lo lắng, vì mọi thứ đều mới mẻ, nhưng họ đã giúp đỡ tôi rất nhiều.

Hành trình trở về gian nan của trung vệ Việt kiều và những bài học đắt giá từ Đặng Văn Lâm-4

Tôi thấy họ đối xử với tôi như người nhà. Chúng tôi đi café với nhau, họ chỉ cho tôi mọi thứ, không chỉ về bóng đá, rằng tôi nên làm điều này, điều kia; bảo tôi hãy cẩn thận với thời tiết nắng nóng; đừng ra ngoài vào buổi trưa – chiều trước giờ tập, nếu đói thì đi gần thôi vì trời nóng lắm. Họ cho tôi nhiều lời khuyên trong cuộc sống.

Ở cùng với Lâm, hàng ngày tôi làm mọi thứ cùng anh ấy. Anh ấy đi tập gym vào buổi sáng, bảo tôi "hãy đi tập cùng nhau", "cùng đi ăn nào, tôi sẽ chỉ cho cậu một món mới". Anh ấy vừa như một người bạn, vừa như một hướng dẫn viên du lịch.

Fagan thì bảo "tôi có thể hướng dẫn cậu về đường phố, đồ ăn đường phố, cuộc sống ở đây, đưa cậu đi siêu thị mua sắm…". Họ có xe máy và họ đưa tôi đi khắp nơi.

Khi tôi về Đức, chúng tôi vẫn nhắn tin, họ hỏi "Cậu thế nào? Bao giờ cậu quay lại?". Tôi cảm nhận được tình bạn thực sự và giờ vẫn thế. Đó cũng là lý do mà giờ đây mỗi khi Lâm được về Việt Nam, nếu có thể chúng tôi lại tụ tập cùng nhau".

Hành trình trở về gian nan của trung vệ Việt kiều và những bài học đắt giá từ Đặng Văn Lâm-5

ĐỘNG LỰC TO LỚN TỪ GIA ĐÌNH VÀ GIẤC MƠ KHOÁC ÁO ĐTQG

Giống như nhiều cầu thủ Việt kiều khác, ngoài tên tiếng Đức trên giấy tờ, Adriano Schmidt cũng có cho mình một cái tên Việt Nam là Bùi Anh Duy. Kể về gia đình đông đúc của mình với bố mẹ và 5 anh chị em (Adriano có 2 anh trai và 3 em gái), trung vệ sinh năm 1994 luôn bày tỏ đây là nguồn động lực lớn lao để bản thân mình cố gắng và vượt qua những giai đoạn khó khăn trong suốt thời gian qua.

"Khi trở về Đức nghỉ ngơi và kể lại những trải nghiệm của mình ở Việt Nam, mọi người ở nhà đều phản ứng rất tích cực. Tôi từng lo lắng và nghĩ rằng mọi người ở Việt Nam sẽ không giúp tôi, nhưng thực tế là tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, tôi thấy người Việt Nam rất thân thiệt, tôi có những người bạn tuyệt vời.

Tôi nói với gia đình rằng tôi cần quay trở lại Việt Nam. Mẹ luôn ủng hộ tôi, cả gia đình tôi và hai người bạn thân của tôi ở Đức cũng vậy, tôi có được sự ủng hộ lớn.

Hành trình trở về gian nan của trung vệ Việt kiều và những bài học đắt giá từ Đặng Văn Lâm-6

Adriano Schmidt và cha. (Ảnh: NVCC)

Mẹ tôi luôn nói "Không sao, nếu có niềm tin con sẽ làm được". Mẹ tôi hiện đang làm 3 công việc, bà ấy làm mọi thứ vì chúng tôi. Bà nói: "Hãy cố gắng, nếu con không thành công thì vẫn có thể làm việc ở Đức. Nhưng hãy nỗ lực vì đó là ước mơ của con. Sau này con có thể nhìn lại và nói rằng mình đã cố gắng hết sức rồi".

Thực ra thì bà ấy muốn tôi ở Đức cho gần gũi gia đình, nhưng tôi đã nói rằng tôi muốn ở Việt Nam và tôi có cơ hội tại đây.

Bản thân tôi từng có bạn gái ở Đức trước khi sang Việt Nam nhưng hiện tại thì độc thân. Có người cũng hỏi tôi về chuyện có nghĩ đến việc lấy một cô vợ Việt Nam và có một cuộc sống lâu dài ở đây, nhưng tôi sẽ tính đến điều đó khi chắc chắn về sự nghiệp.

Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong tương lai, tôi có thể ở đây hay đi đâu. Chẳng hạn như Lâm, anh ấy từng ở Việt Nam, rồi bây giờ lại đang ở Thái Lan. Hãy xem điều gì sẽ đến trong tương lai, vì trong bóng đá mọi thứ đều có thể xảy ra".

Hành trình trở về gian nan của trung vệ Việt kiều và những bài học đắt giá từ Đặng Văn Lâm-7

Với Adriano Schmidt, sau hơn 1 năm chơi bóng ở Việt Nam, tương lai vẫn còn là một câu chuyện chưa thể nói quá xa vào lúc này. Tuy nhiên có một điều mà anh, cũng như biết bao cầu thủ Việt kiều khác khi trở về nước đều ấp ủ trong mình. Đó là được khoác áo ĐTQG.

"Đối với tôi, được khoác ĐT Việt Nam luôn là mong muốn, ước mơ bùng cháy. Nó cũng có thể xảy ra, nhưng tôi không phải là người quyết định, đó là quyết định của HLV, tôi chỉ có thể tập trung luyện tập, cải thiện những điểm chưa tốt, nỗ lực hết sức.

Tôi nghĩ các hậu vệ của Việt Nam tại ĐTQG rất giỏi và giờ họ đều có nhiều kinh nghiệm. Tôi có thể học hỏi nhiều điều từ họ.

Tôi đang hòa nhập tốt ở V.League thì khi có cơ hội ở ĐTQG tôi nghĩ mình cũng có thể làm được. Mọi người đều có thể học hỏi từ nhau. Họ đều rất giỏi, ai cũng thấy được họ đã cải thiện khi chơi cùng nhau như thế nào và tôi cũng muốn được trở thành một thành viên của đội tuyển".

Hành trình trở về gian nan của trung vệ Việt kiều và những bài học đắt giá từ Đặng Văn Lâm-8

"Bóng đá Việt Nam đang dần thay đổi. Trước đây tôi từng nghĩ các CLB chơi nhiều bóng dài, nhưng giờ nhiều đội bóng ở Việt Nam bắt đầu chơi chuyền nhanh, ban bật như lối đá tikitaka vậy, ví dụ như Sài Gòn, Hà Nội, Quảng Ninh chẳng hạn.

V.League cũng cho phép mỗi đội có thêm 1 ngoại binh và bạn có thể thấy được sự khác biệt. Ngoài ra, tôi nghĩ HLV ĐTQG đã làm nhiều điều cho Việt Nam vì ông ấy cho chúng ta thấy chúng ta có thể chơi tốt và giờ mọi thứ đã thay đổi.

Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam đã cải thiện nhiều trong vài năm qua. Có điều ĐTQG Việt Nam hiện tốt hơn Thái Lan nhưng Thai League vẫn chuyên nghiệp hơn. Từ sân vận động đến mọi thứ xung quanh. Nhưng tôi nghĩ bóng đá Việt Nam sẽ tốt hơn nữa thôi"./.

Theo Trí Thức Trẻ


V.League


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.