Nhật Bản "buông kiếm", HLV Park Hang Seo sẽ phải hi sinh để "mở đường sống" cho Việt Nam?

Bóng đá Nhật Bản chấp nhận từ bỏ lối đá sở trường để mưu cầu cứu cánh duy nhất - chức vô địch Asian Cup 2019

Bóng đá Nhật Bản chấp nhận từ bỏ lối đá sở trường để mưu cầu cứu cánh duy nhất - chức vô địch Asian Cup 2019. Đối đầu với tham vọng của đối thủ, có cơ hội nào cho Việt Nam.

Nhật Bản buông kiếm, HLV Park Hang Seo sẽ phải hi sinh để mở đường sống cho Việt Nam?-1

1. Hơn 5 năm về trước, trong niềm hân hoan của người hâm mộ cả nước về một lứa U19 Việt Nam đầy tài năng và hứa hẹn sẽ là thế lực khuynh đảo bóng đá châu lục, với nòng cốt là lứa cầu thủ U19 HAGL như Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh... bóng đá Việt Nam nhận một "gáo nước lạnh" không thể "buốt tim" hơn, từ người Nhật.

Trên sân Thống Nhất, với lối chơi tương đồng với U19 Việt Nam - tấn công đẹp mắt, kỹ thuật và đập nhả một chạm ăn ý, nhưng ở một đẳng cấp khác biệt hoàn toàn, U19 Nhật Bản đã giã cho Công Phượng và các đồng đội đến 7 bàn không gỡ. Từ vị thế được tung hô lên tận mây xanh, U19 Việt Nam biết thế nào là bất lực...

Trận tứ kết Asian Cup 2019 giữa Việt Nam và Nhật Bản lần này sẽ chứng kiến khá nhiều cuộc tái ngộ giữa những cầu thủ U19 ngày ấy của hai đội. Nhưng cuộc gặp gỡ này, lối chơi hai đội đã hoàn toàn khác.

Nhật Bản buông kiếm, HLV Park Hang Seo sẽ phải hi sinh để mở đường sống cho Việt Nam?-2

Công Phượng hẳn vẫn chưa quên được trận thua "buốt tim" ngày ấy.

Nếu như hơn 5 năm về trước, U19 Nhật Bản "chém" tan nát lứa "con cưng" của bầu Đức bằng katana - thanh kiếm Nhật huyền thoại, với lối chơi tấn công chóng mặt dựa vào kỹ thuật cá nhân và sushi-taka (sự kết hợp giữa sushi - món ăn đặc trưng của Nhật Bản và tiki-taka), thì ngày hôm nay, đội tuyển Nhật Bản đã buông thanh kiếm ấy, dùng judo - môn võ được sản sinh bởi người Nhật, để mộng vô địch châu Á lần thứ 5.

Lối chơi mà Nhật Bản chọn ở Asian Cup lần này nguy hiểm và hiệu quả đến thế nào? Để hình dung, hãy nhìn vào nhận định của các nhà cái châu Á. Nhật Bản được đánh giá là chấp Việt Nam 1 1/4 quả, có nghĩa là cũng tương đương với tỷ lệ chấp của Iraq dành cho Việt Nam ở trận đấu vòng bảng. Nhưng nếu người chơi chọn cửa Nhật Bản sẽ vượt qua Việt Nam để vào bán kết, tỷ lệ chi trả của nhà cái sẽ là 10 ăn 1.

Nói nôm na, Nhật Bản rất khó thắng Việt Nam với cách biệt lớn, nhưng việc "Samurai Xanh" vượt qua Việt Nam để vào bán kết gần như là điều không phải bàn cãi.

Nhật Bản buông kiếm, HLV Park Hang Seo sẽ phải hi sinh để mở đường sống cho Việt Nam?-3

Không khó để lý giải cho nhận định ấy của các nhà cái châu Á. Nhìn lại trận đấu mà Nhật Bản vượt qua Saudi Arabia thì rõ. Nhật Bản chơi phòng ngự tiêu cực, với chỉ 23,7% sở hữu bóng, nhưng họ chơi phòng ngự với tư cách là đội mạnh hơn, chứ không giống U23 Việt Nam hơn 1 năm về trước ở giải U23 châu Á. Nhìn Saudi Arabia tuyệt vọng trước Nhật Bản, người ta mới thấy lối chơi ấy lợi hại đến nhường nào.

2. Judo chưa chắc đã có điểm yếu. Nhưng có một điều, môn võ ấy không thể phát huy được khi không có điểm tựa. Judo bắt buộc phải có điểm tựa, để quật ngã đối phương.

"Điểm tựa" ấy, trong lối chơi của đội tuyển Nhật Bản là khi đối phương tràn lên tấn công, chơi áp sát tay đôi. Đấy là lúc hàng thủ Nhật Bản như thanh nam châm hút cầu thủ tấn công của đối phương về phía mình, như các cách mà judo "mượn lực" để quật ngã đối phương, để rồi tung ra đòn phản công chí mạng.

Trước Nhật Bản, nếu thầy trò HLV Park Hang Seo tiếp tục chơi như trong trận gặp Jordan, với thế trận nghiêng về tấn công, chắc chắn họ sẽ là "miếng mồi ngon" cho lối chơi mà Nhật Bản dày công sắp đặt để đi đến trận cuối cùng. Kết quả ấy, hoàn toàn trùng khớp với nhận định của các nhà cái châu Á.

Nhật Bản buông kiếm, HLV Park Hang Seo sẽ phải hi sinh để mở đường sống cho Việt Nam?-4

Chơi như Saudi Arabia, thầy trò HLV Park Hang Seo chắc chắn trở thành "miếng mồi ngon" cho Nhật Bản.

Thay vào đó, để khắc chế món "judo" của người Nhật, để không cho đội tuyển Nhật Bản "điểm tựa" để "quật ngã" chính mình, Việt Nam chỉ còn một con đường là chơi phòng ngự khu vực, giữa khoảng cách, thiết lập hàng phòng ngự bọc lót nhiều lớp để bắt Nhật Bản phải tấn công, thay vì nhao lên tìm bàn thắng.

Nhưng làm thế liệu có dễ không?

Gần 17 năm về trước, Hollywood cho ra đời bộ phim Kẻ thủ trước cổng (Enemy at the gates), tái hiện lại chiến công của xạ thủ huyền thoại người Liên Xô - Vasily Grigoryevich Zaitsev trong trận đánh Stalingrad.

Giống như đội tuyển bóng đá Việt Nam dưới tay HLV Park Hang Seo, Vasily Zaitsev từ một thợ săn chó sói vô danh, vụt trở thành anh hùng quân đội với kỹ năng bắn tỉa siêu việt của mình, và chiến công lớn nhất của anh là tiêu diệt thiếu tá Erwin Konig - tay súng bắn tỉa huyền thoại của quân đội Đức.

Hơn 8 tháng về trước, thầy trò HLV Park Hang Seo từng hạ gục U23 Nhật Bản ở Asiad 2018, như cái cách mà Vasily Zaitsev từng hạ con trai của thiếu tá người Đức - kẻ thù lớn nhất trong chiến trận của mình.

Với HLV Park Hang Seo, bóng đá như chiến tranh, và mỗi trận bóng là một cuộc chiến. Có cuộc chiến này mà không phải chứng kiến những mất mát, hi sinh đâu. Đằng sau chiến thắng của Vasily Zaitsev, là sự hi sinh của người bạn là chính trị viên Danilov. Trong phim, Danilov tự nguyện "lộ diện" để tay súng người Đức bắn chết, giúp Vasily Zaitsev tiêu diệt kẻ thù cực kỳ nguy hiểm.

Để đối đầu với với Nhật Bản, người phải hi sinh chính là HLV Park Hang Seo. Trong cuộc họp báo sau trận đấu với Jordan, nhà cầm quân người Hàn Quốc đã dành khá nhiều thời gian để phản bác lại luận điệu của cây viết trẻ Akshat Mehrish của tờ FOX Sport Asian, rằng đội tuyển Việt Nam chỉ biết chơi phòng ngự tiêu cực.

Nhưng giờ đây, đã đến lúc HLV Park Hang Seo phải làm đúng như những gì báo chí châu Á, nhất là tờ FOX Sport Asian "lên án" ông, không phải chỉ ở Asian Cup 2019, và còn từ giải U23 châu Á hơn một năm về trước kia.

Nhật Bản buông kiếm, HLV Park Hang Seo sẽ phải hi sinh để mở đường sống cho Việt Nam?-5

Trước Nhật Bản, HLV Park Hang Seo phải cho đội tuyển Việt Nam tái hiện lại một U23 Việt Nam từng dùng lối chơi phòng ngự khiến cả châu Á phải "lắc đầu lè lưỡi", với tỷ lệ sở hữu bóng lần lượt qua 5 trận là 28%, 24%, 41%, 46% và 36% để chế ngự lối chơi của đội tuyển Nhật Bản.

Bằng mọi giá, đợi tuyển Việt Nam phải dùng "khẩu súng ngắn" như Vasily Zaitsev đã dùng, không phải để "tiêu diệt" đối thủ, mà để giữ cho "võ sĩ judo" Nhật Bản xa mình ra, tránh để đối phương áp sát để rồi ra đòn chí tử quật ngã.

Xuyên suốt bộ phim "Kẻ thù trước cổng" là những màn đấu súng bắn tỉa, với những khoảng cách xa diệu vợi, cùng những đường đạn chính xác để ghê người. Nhưng rốt cuộc, phát đạn mà Vasily Zaitsev dùng để kết liễu Erwin Konig ở cuối phim lại đến từ khoảng cách rất gần, sau khi đã "đánh lạc hướng" được đối phương, khiến tay thiếu tá người Đức mắc phải sai lầm chưa từng có trong đời binh nghiệp.

Trong tay HLV Park Hang Seo không thiếu những "phát đạn gần" như thế, là cú sút phạt của Quang Hải, hay một cú chạm bóng đổi hướng của Công Phượng. Biết đâu, đấy là chính là "phát đạn" quật ngã Nhật Bản?

Vòng 1/8 Asian Cup 2019: Nhật Bản 1-0 Saudi Arabia (nguồn: AFC)

Theo Trí Thức Trẻ


Asian Cup 2019


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.