Olympic Việt Nam trước trận bán kết ASIAD: Tại sao phải cúi đầu?

Cuộc đối đầu Olympic Hàn Quốc lúc 16h sẽ vô cùng khó khăn, song đối với Olympic Việt Nam, để có thể vươn tới chức vô địch...

Cuộc đối đầu Olympic Hàn Quốc lúc 16h sẽ vô cùng khó khăn, song đối với Olympic Việt Nam, để có thể vươn tới chức vô địch, khó khăn nào cũng phải vượt qua.


HLV Park Hang-seo và 'ma thuật' thay người Từ vòng chung kết U23 châu Á đến ASIAD 2018, nhiều lần chiến lược gia Park Hang-seo thể hiện tài thay người vô cùng "mát tay" của mình.


"Olympic Việt Nam đã vào tới bán kết, giờ đây đã trở thành 1 trong 4 đại diện mạnh châu Á, nên cả đội sẽ không run sợ trước bất cứ đối thủ nào", lời khẳng định của Văn Toàn như tiếp thêm sức mạnh cho các đồng đội, những người đã phải đổ máu và nước mắt, chiến đấu đến những bước chạy cuối cùng để mang về chiến thắng cho đội nhà.

Dẫu biết đối thủ tại bán kết là Olympic Hàn Quốc, đại diện xuất thân từ một trong những đất nước được xem là cường quốc bóng đá châu Á, thầy trò HLV Park Hang-seo cũng chẳng có lý do gì phải sợ hãi. Bởi lẽ, Olympic Việt Nam giờ đây đã trưởng thành hơn, già dơ hơn và không dễ gì "chịu trận" trước đối thủ đã đánh bại họ trên đất Thường Châu.

 


Olympic Hàn Quốc có thành tích vượt trội hơn Olympic Việt Nam tại ASIAD. Đồ họa: Minh Phúc.

 

Hàn Quốc đã chạm tới World Cup

Từ những năm 60 của thế kỷ XX, Hàn Quốc đã được biết đến như một thế lực hàng đầu của bóng đá châu Á. Thời điểm đó, xứ sở kim chi đã phát triển nền bóng đá vươn lên tầm thế giới, điển hình là việc lần đầu tiên lọt vào vòng chung kết World Cup năm 1954.

Kể từ đó trở đi, Hàn Quốc đã trở thành đội bóng châu Á thành công nhất trong lịch sử với 10 lần tham dự giải đấu lớn nhất hành tinh, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào cùng châu lục. Đỉnh điểm của thành công là khi “The Red” có tên trong danh sách 4 đội mạnh nhất tại World Cup 2002 được tổ chức trên sân nhà.

Thành công này đến từ việc xây dựng mô hình bóng đá học đường bằng cách tổ chức các giải đấu học sinh, sinh viên nhằm nuôi nấng tài năng trẻ từ trong trứng nước. Son Heung-min là một trong số gương mặt tiêu biểu đó. 15 tuổi, anh đã đã lọt vào mắt xanh của Soner Uysal, HLV dẫn dắt đội trẻ Hamburg và có chuyến phiêu lưu tại học viện bóng đá lớn của châu Âu.


Trước Son, Hàn Quốc đã sản sinh ra nhiều thế hệ cầu thủ được tiếp cận với bóng đá đỉnh cao từ khá sớm và từng thi đấu ở các giải đấu lớn của châu Âu như Hà Lan, Đức, Anh.

Trong đó, không thể không kể đến huyền thoại Cha Bum-kun, cầu thủ Hàn Quốc đầu tiên thi đấu tại châu Âu trong màu áo Bayer Leverkusen hay Lee Young-pyo, Ki Sung-yueng, Seol Ki-hyeon, Lee Chung-yong. Nổi bật nhất chắc chắn không thể thiếu Park Ji-sung, người từng có 134 trận khoác áo Man Utd và được mệnh danh là “vũ khí bí mật” hay “Park 3 phổi” của Sir Alex Ferguson.

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, chiến công mới nhất của Hàn Quốc là biến đội tuyển Đức, nhà vô địch thế giới 2014, trở thành cựu vương ngay từ vòng bảng. Dù đội bóng xứ sở kim chi sau đó cũng bị loại trong sự thất vọng của khán giả nhà, HLV Shin Tae-yong và các học trò vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao về sự quyết tâm cùng tinh thần chiến đấu quả cảm.

"Tuyển Hàn Quốc đã thi đấu quá tuyệt vời và xuất sắc", cựu tuyển thủ Vũ Như Thành phát biểu khi chứng kiến đội bóng xứ sở kim chi vượt qua thầy trò HLV Joachim Loew, đồng thời khiến đội tuyển từng 4 lần xưng vương thế giới phải dừng bước ngay tại vòng bảng ở một kỳ World Cup sau 80 năm.


Son Heung-min là ngôi sao sáng nhất của Olympic Hàn Quốc tại giải lần này. Ảnh: Quang Thịnh.

Thực lực của các cầu thủ Hàn Quốc tại ASIAD

Trong 3 lần tổ chức giải U23 châu Á, Hàn Quốc lọt vào top 4 đội mạnh nhất tới 2 lần (2014 và 2018). Tại đại hội thể thao lớn nhất châu lục, họ từng có 4 lần giành HCV, cân bằng thành tích với Iran. Ở kỳ ASIAD gần nhất, đội bóng này cũng lên ngôi vô địch ngay trên sân nhà. Điều đó đã cho thấy nguồn lực bóng đá trẻ của xứ sở kim chi luôn được duy trì ở cấp độ dẫn đầu châu lục.

Tại Indonesia năm nay, sau khi đánh bại Olympic Iran với tỷ số 2-0, đoàn quân của HLV Kim Hak-bum tiếp tục chứng tỏ sức mạnh bằng việc vượt qua Olympic Uzbekistan trong trận cầu kịch tính có tới 7 bàn thắng kéo dài hơn 120 phút.

HLV trưởng của Uzbekistan, người mang tới ASIAD 18 dàn cầu thủ với lực lượng nòng cốt vừa vô địch giải U23 châu Á, cũng phải dành những lời khen tặng cho đối thủ: "Xin chúc mừng Hàn Quốc, các bạn là một đội bóng thực sự mạnh. Chỉ vài sai lầm đến từ các cá nhân đã khiến chúng tôi phải trả giá".

Trong số những cầu thủ Hàn Quốc tới Indonesia lần này, chỉ có 5 người từng tham dự vòng chung kết U23 châu Á. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến đội trưởng Hwang Hyun-soo với chiều cao 1,83 m. Dù chỉ mới 22 tuổi, "hòn đá tảng" Hyun-soo đã có 4 mùa bóng chinh chiến tại K.League, giải đấu số một Hàn Quốc, trong màu áo CLB Seoul.


Ông Kim Hak-bum từng vô địch K-League vào năm 2006. Ảnh: Telerreport.


Tuy nhiên, sức mạnh lớn nhất trong tay HLV Kim Hak-bum phải kể đến hàng công “huỷ diệt” với 2 cầu thủ đều trên 23 tuổi. Một người là Hwang Ui-jo, 26 tuổi, đang khoác áo CLB Gamba Osaka tại Nhật Bản. Tiền đạo này đã cho thấy bản năng săn bàn sát thủ, khả năng khống chế bóng cực tốt và dứt điểm gọn gàng với 8 bàn thắng tính từ đầu giải đến nay.

Người còn lại là Son Heung-min, ngôi sao được mệnh danh là "Ronaldo của Hàn Quốc". Đẳng cấp của Son không còn gói gọn ở trong nước hay châu lục mà đã vươn ra tầm thế giới. Khoác áo Tottenham Hotspur, anh là đồng đội của Harry Kane, chinh chiến tại giải đấu khắc nghiệt nhất xứ sở sương mù và cả Champions League, đấu trường đẳng cấp nhất châu Âu.

Cùng với 2 người đàn anh là Ui-jo và Heung-min, các cầu thủ U23 Hàn Quốc cũng chứng minh được tài năng của mình tại sân chơi ASIAD năm nay. Hwang Hee-chan, 22 tuổi, đã có cú đúp cho đội tuyển, trong đó có một bàn thắng trên chấm penalty đầy căng thẳng để mang về chiến thắng cho Olympic Hàn Quốc ở trận đấu trước.

Trong đội hình của HLV Kim Hak-bum, điểm yếu lớn nhất có lẽ là vị trí gác đền. Thủ thành số một của họ, Jo Hyeon-woo, đã dính chấn thương trong trận thắng Iran và buộc phải vắng mặt ở cuộc đối đầu với Olympic Uzbekistan. Khả năng ra sân của thủ môn 25 tuổi này vẫn đang bỏ ngỏ.


Thầy trò HLV Park Hang-seo đang sở hữu hàng thủ mạnh nhất tại ASIAD 18. Ảnh: Việt Hùng.

Đừng coi thường Olympic Việt Nam


U23 Hàn Quốc có thể đánh bại Việt Nam ở giải U23 châu Á, song họ đã "thay máu" hàng loạt cầu thủ so với đội hình hồi đầu năm. Cụ thể, HLV Kim Hak-bum chỉ giữ lại 4 cầu thủ cho đội hình dự ASIAD 18. Trong đó, chỉ duy nhất đội trưởng Hwang Hyun-soo đá chính ở trận thắng U23 Việt Nam.

Có thể nói, đối thủ của Olympic Việt Nam lần này là một đội bóng hoàn toàn mới so với những gì đã thể hiện ở Thường Châu, Trung Quốc. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa họ là đội bóng yếu hơn bởi lẽ giờ đây, Hàn Quốc đã có sự phục vụ của bộ đôi Son Heung-min và Hwang Ui-jo.

Song, thầy trò HLV Park Hang-seo có lý do để tự tin trong trận đấu này. Kể từ thất bại trước U23 Uzbekistan ở trận chung kết, họ chưa thua trận đấu nào tính đến nay. Đặc biệt hơn, Olympic Việt Nam giờ đang sở hữu hàng phòng ngự hay nhất giải khi chưa để thủng lưới bàn nào sau 5 trận đấu đã qua.

Bên cạnh bộ khung thi đấu một cách nhuần nhuyễn kể từ đầu năm với nòng cốt là lứa cầu thủ đã chinh chiến tại U23 châu Á trước đó, Olympic Việt Nam còn có sự bổ sung của Văn Quyết và Anh Đức, những tiền đạo giàu kinh nghiệm có thể tỏa sáng bất cứ lúc nào.

Sự tổ chức và ổn định là điều mà thầy trò HLV Park Hang-seo có được. Ngay cả khi mất Đoàn Văn Hậu do dính 2 thẻ vàng liên tiếp, Phạm Xuân Mạnh hoàn toàn đủ khả năng để thay thế hậu vệ thuộc biên chế CLB Hà Nội. Trong khi đó, bộ ba trung vệ Duy Mạnh - Đình Trọng - Tiến Dũng đã thi đấu cạnh nhau suốt một thời gian dài.


HLV Kim Hak-bum tự tin rằng các học trò của ông sẽ xuyên thủng được hàng phòng ngự phía trước khung thành của Bùi Tiến Dũng, song vị chiến lược gia này dường như quên rằng đội bóng của ông đã để cho Olympic Uzbekistan ghi tới 3 bàn thắng ở trận tứ kết.

Tổng số bàn thắng mà Olympic Hàn Quốc ghi được tính đến nay là 12, con số này ở Olympic Việt Nam là 8. Sự chênh lệch là không quá lớn trong khi cả 2 đội đều có 6 cầu thủ nổ súng tại ASIAD 18. Có thể nói, sự đa năng, đa dạng của các cầu thủ sẽ giúp ích rất nhiều cho những toan tính chiến thuật của HLV Park Hang-seo.

Cựu trợ lý của HLV Guus Hiddink đã cho thấy mình "mát tay" thế nào trong việc thay người. Bằng chứng là những "quân bài tẩy" như Anh Đức, Văn Toàn, Công Phượng của ông khi vào sân từ băng ghế dự bị đều tỏa sáng hoặc ít nhất là tạo ra những tình huống nguy hiểm.

Bên cạnh đó, cả 2 đội bóng đều phải trải qua 120 phút thi đấu ở tứ kết, do đó sự chênh lệch về thể lực là không đáng kể. Theo chuyên gia Steve Darby nhận định: "Yếu tố thể lực theo tôi mới chính là điều quyết định trận đấu. Vận mệnh của tuyển Olympic Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều vào điều này".

Ngoài ra, kể cả khi Quang Hải và các đồng đội bất lực trong việc xuyên thủng mành lưới đối phương, Olympic Việt Nam hoàn toàn có khả năng kéo đối thủ qua 2 hiệp phụ tới loạt sút luân lưu. Khi đó, "chuyên gia bắt penalty" Bùi Tiến Dũng sẽ có cơ hội trổ tài và chẳng có lý do gì để không hy vọng vào một chiến thắng cho đội bóng của HLV Park Hang-seo.


Chiến thắng của Olympic Việt Nam đã phải trả giá bằng cả máu và nước mắt. Ảnh: Quang Thịnh

Sức mạnh đến từ tinh thần


Nếu thất bại ở trận đấu này, Son Heung-min sẽ phải nói lời tạm biệt với bóng đá đỉnh cao một thời gian khi anh chính thức chia tay Spurs để thực hiện nghĩa vụ quân sự cho tổ quốc. Đó là lý do khiến đội trưởng Olympic Hàn Quốc nhiều lần la hét đồng đội khi để Olympic Uzbekistan ghi tới 3 bàn thắng hay thậm chí yêu cầu HLV cho mình thi đấu dưới hàng phòng ngự.

"Các cầu thủ trẻ đã rất nỗ lực tại giải đấu lần này. Tuy vậy, chừng đó vẫn là chưa đủ. Với tư cách đội trưởng, tôi muốn họ phải cố gắng tiến bộ sau từng trận và sẽ thúc đẩy họ nhiều hơn nữa", Son Heung-Min khẳng định.

Tuy nhiên, cánh én nhỏ thì không làm nên mùa xuân trong khi Olympic Việt Nam là cả một đàn chim én. Chưa đầy một năm, từ lứa cầu thủ chẳng được ai ngó ngàng, Olympic Việt Nam đã viết nên kỳ tích trên đất Thường Châu khi trở thành Á quân châu Á, làm sống lại tình yêu bóng đá của người hâm mộ Việt Nam đồng thời mang trong mình niềm hy vọng mà cả dân tộc gửi gắm.

Sau chiến thắng trước Syria, Văn Toàn chia sẻ: "Trước giải đấu, chúng em đã vào tới trận chung kết U23 châu Á tại Trung Quốc. Do đó em nghĩ chẳng có lý do gì để nghĩ đội không thể tiến sâu. Chúng em hoàn toàn tự tin vào bản thân và đội bóng". Trong khi đó, đồng đội của anh, Bùi Tiến Dũng, cũng cho biết: "So với hồi đá giải U23 châu Á, giờ đây tâm lý của cả đội tự tin hơn rất nhiều".

Văn Toàn: Bàn thắng giúp em giải tỏa áp lực sau thời gian dài Bàn thắng duy nhất của Văn Toàn giúp Olympic Việt Nam có mặt tại bán kết ASIAD. Anh chia sẻ, bàn thắng giúp anh giải tỏa áp lực sau thời gian dài không ghi bàn ở cấp đội tuyển.
Những giọt mồ hôi đã rơi đã đổ để đánh đổi lấy tấm vé vào bán kết. Song, điều đó cũng không thể ngăn cản sự tự tin lan tỏa trong khắp phòng thay đồ của đội tuyển Olympic Việt Nam trước trận đánh lớn.

Đã bao lần Olympic Việt Nam đối mặt để rồi vượt qua "cửa tử"? Ở giải U23 châu Á, Phan Văn Đức và Hà Đức Chinh tỏa sáng giúp U23 Việt Nam vượt qua Iraq trong hiệp phụ tại tứ kết. Trận đấu sau đó, Quang Hải đã ghi bàn gỡ hòa ở phút 88 để rồi "người nhện" Bùi Tiến Dũng thể hiện đẳng cấp của mình trong loạt sút luân lưu.

Và kể cả khi trải qua hơn 240 phút đầy căng thẳng và đau đớn, U23 Việt Nam vẫn chơi sòng phẳng với đối thủ trong một trận cầu được phủ đầy tuyết trắng. "Cầu vồng trong tuyết" vẫn được tiền vệ sinh năm 1997 vẽ nên trong niềm tự hào của cả dân tộc. Họ có thể thua U23 Uzbekistan, nhưng đã thắng được trái tim của người hâm mộ.

“Chưa bao giờ toàn đội kiệt sức như hôm nay. Đỗ Duy Mạnh bị chuột rút toàn thân, người cứng đơ như cục gạch, nhìn mà xót xa. Đoàn Văn Hậu thì không bật nhảy được nữa, yêu cầu đưa Phạm Xuân Mạnh vào. Nguyễn Quang Hải thì toét máu đầu. Trận đấu kết thúc, Văn Thanh đổ gục xuống sân, còn Đức Huy thì liên tục nôn khan", trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa chia sẻ.

Họ đã làm tất cả để có thể đi đến ngày hôm nay. Vào đến vòng này, ranh giới giữa đội mạnh và đội yếu là rất mong manh và Việt Nam cũng không ngoại lệ. "Chúng ta đã làm hết sức, tại sao phải cúi đầu?", lời động viên lấy đi nước mắt hàng triệu con người của HLV Park Hang-seo sau thất bại trước U23 Uzbekistan vẫn còn nghe rõ như chỉ vừa mới xảy ra.

Hôm nay, trước Olympic Hàn Quốc, nơi chôn rau cắt rốn của mình, "thầy Park" rất có thể sẽ nhắc lại câu nói đó, nhưng với một ý nghĩa hoàn toàn khác. Tại sao phải cúi đầu, tại sao cứ mãi tự gán cho mình cái mác "cửa dưới" khi giờ đây Việt Nam đã trở thành 1 trong 4 đội bóng mạnh nhất châu Á?


Lịch thi đấu 2 trận bán kết nội dung bóng đá nam tại ASIAD 2018. Đồ họa: Minh Phúc.



Theo Zing 


Olympic Việt Nam

HLV Park Hang-seo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.