Quang Hải là gương mặt điển hình và thành công nhất của lò đào tạo trẻ Hà Nội - một sản phẩm được đầu tư bởi bầu Hiển. Ảnh: AFC. |
SEA Games 2013, U23 Việt Nam tới Myanmar với gần 100% đội hình tới từ các lò đào tạo trẻ hoạt động bằng kinh phí nhà nước. SLNA - biểu tượng của cách đào tạo cũ, là đội bóng sở hữu nhiều tuyển thủ nhất với 5 cái tên. Đội trưởng U23 Việt Nam năm ấy là Nguyễn Văn Quyết - vốn trưởng thành từ lò đào tạo Thể Công.
Nhờ các ông bầu, đào tạo trẻ ở Việt Nam đã lột xác
Nửa thập kỷ sau, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.
U23 Việt Nam làm chấn động châu Á với gần 80% đội hình tới từ các lò đào tạo có nguồn vốn tư nhân. Cầu thủ duy nhất đến từ hệ thống đào tạo cũ được đá chính là thủ môn Bùi Tiến Dũng. SLNA chỉ đóng góp 2 cái tên là Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh. Đội trưởng của U23 Việt Nam là Xuân Trường, trong khi ngôi sao lớn nhất là Quang Hải. Người đầu tiên là quân bầu Đức, người thứ hai là lính bầu Hiển.
Sự khác biệt ấy là bằng chứng cho thấy đào tạo trẻ ở Việt Nam đã thay đổi chóng mặt như thế nào trong vài năm trở lại đây. Nhờ nguồn tiền của các ông bầu, những lò đào tạo trẻ mới đã liên tục ra đời. HAGL, Viettel, PVF và Hà Nội đều được xây dựng ở nửa sau thập niên trước. Sau một thập kỷ phát triển, những trung tâm mới này đã thay thế dần SLNA, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Đồng Tháp.
Bùi Tiến Dũng (số 1), Phan Văn Đức (số 14) và Phạm Xuân Mạnh (hàng trên, ngoài cùng bên phải) là những cái tên hiếm hoi tới từ các hệ thống đào tạo cũ. Ảnh: AFC. |
Người của bầu Đức, bầu Hiển đứng chật các đội tuyển trẻ và tuyển quốc gia. Trong xu thế xã hội hóa ngày càng mạnh mẽ của thể thao Việt Nam, bóng đá đã làm ngọn cờ đầu.
Dòng tiền mạnh mẽ của các ông bầu không chỉ làm thay đổi cán cân quyền lực trong hoạt động đào tạo trẻ. Nó còn dẫn tới hàng loạt thay đổi khác, đồng thời mở đường cho những thành công tột bậc ở đấu trường châu lục và thế giới.
Từ cục bộ địa phương tới toàn quốc
Nhờ nguồn tiền lớn từ các ông bầu, những lò đào tạo mới không còn phải bó hẹp trong phạm vi địa phương. HAGL, PVF hay Viettel đã không ngừng bành trướng sức mạnh. Họ tổ chức tuyển quân trên phạm vi cả nước, theo dõi cầu thủ trẻ từ chính lò đào tạo đối thủ và không ngại “bốc” các tài năng nhí nhờ những khoản tiền kếch xù.
HAGL từng bỏ ra 200 triệu để “mua” đứt 4 tài năng nhí của Hải Dương, PVF tuyển được Bùi Tiến Dụng từ Thanh Hóa, Viettel có hợp đồng tài trợ cho lò Hải Dương, trong khi bầu Hiển đã mở một cơ sở chân rết tại Cửa Lò (Nghệ An).
Trước khi về HAGL, Văn Toàn (phải) là sản phẩm của lò đào tạo trẻ Hải Dương vô địch U11 quốc gia 2007. Ảnh: Việt Hùng. |
Cách làm quyết liệt của những quyền lực mới dẫn tới sự sụp đổ của các hệ thống đào tạo cũ. SLNA, Đà Nẵng, Khánh Hòa lần lượt thất thế trong cuộc chiến ở sân chơi trẻ. Họ mất người, mất thành tích tại các giải trẻ và không còn cạnh tranh nổi với đối thủ ở V.League.
Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Thanh của SLNA thừa nhận: “Quá trình tuyển quân toàn quốc là rất quan trọng với các lò đào tạo này. Họ cũng có chế độ riêng cho những tuyển trạch viên có thể phát hiện các tài năng nhí trên toàn quốc. Chế độ cầu thủ trẻ của họ cao gấp 3, 4 lần SLNA. Những cách làm đột phá ấy phải có nguồn tiền khổng lồ. SLNA không thể theo nổi”.
Thay sân đất bằng sân trong nhà, thay kinh nghiệm bằng giáo trình châu Âu
Không chỉ tuyển quân tốt hơn, những hệ thống đào tạo mới còn có cơ sở vật chất tốt hơn, cách làm hiện đại hơn.
HLV Nguyễn Hải Biên của Viettel kể lại: “Ngày xưa, mình huấn luyện cầu thủ trẻ đều chỉ dùng kinh nghiệm. Nhưng từ khi có giáo trình chuẩn và các lớp huấn luyện viên của VFF, anh em có nhiều thay đổi trong cách nghĩ. Những sự thay đổi này rất thuận lợi cho việc huấn luyện. Người thầy được nâng cao trình độ, học trò cũng vì thế mà giỏi lên. Cùng một buổi tập, bài tập của HLV nước ngoài bao giờ cũng hiệu quả hơn người Việt”.