U.23 Việt Nam và những tình yêu lý trí

Sau khi U.23 Việt Nam nhận thất bại trước U.23 Hàn Quốc, nhiều CĐV đã lên tiếng chỉ trích HLV Park Hang-seo và các cầu thủ trên mạng xã hội, đó là những ứng xử không xứng đáng và thậm chí là đáng xấu hổ, với những người đã chiến đấu vì màu cờ sắc áo.

Sau khi U23 Việt Nam nhận thất bại trước U23 Hàn Quốc, nhiều CĐV đã lên tiếng chỉ trích HLV Park Hang-seo và các cầu thủ trên mạng xã hội, đó là những ứng xử không xứng đáng và thậm chí là đáng xấu hổ, với những người đã chiến đấu vì màu cờ sắc áo.

Từ mạng xã hội

Tôi từng chứng kiến nhiều thất bại quan trọng của BĐVN, và khán giả luôn là những người quyết định tính chất trầm trọng ra sao. Sau SEA Games 28, HLV Miura từng hứng chịu làn sóng chỉ trích, đòi sa thải khi chỉ giúp Việt Nam có HCĐ.

Đến lượt HLV Hữu Thắng không thể đưa U.22 Việt Nam vượt qua vòng bảng ở kỳ SEA Games kế tiếp cũng hứng chịu những chỉ trích còn nặng nề hơn. Thậm chí, quá khứ của HLV Hữu Thắng còn bị bới móc với những sự xuyên tạc không thể tồi tệ hơn đến từ cộng đồng mạng.

Chỉ trích, nhiếc móc và góc nhìn méo mó, đó là điều nhiều cầu thủ, HLV đã quá quen, coi như một áp lực mà họ phải vượt qua khi chấp nhận ở môi trường bóng đá.

Bây giờ, đến lượt HLV Park Hang-seo nhận thất bại trong một giải đấu mà U.23 Việt Nam tiếp túc thành công với những bất ngờ. Họ xứng đáng nhận được nhiều hơn những lời ngợi khen, ca tụng khi dừng bước trước đối thủ hơn hẳn về đẳng cấp như U.23 Hàn Quốc.

Thế nhưng bên cạnh những chia sẻ thì số còn lại đưa ra những lời chỉ trích trên mạng xã hội, dù không ít người mới chỉ hôm qua còn không tiếc lời khen ngợi.

Một bình luận viên truyền hình từng chia sẻ thì “khi mạng xã hội chưa phát triển, các tương tác của người hâm mộ có thể không đến được với các cầu thủ. Thực tế thì những bình luận vẫn xuất hiện, chẳng kém so với bây giờ. Điều khác biệt là khi mạng xã hội, đặc biệt là Facebook xuất hiện thì những bình luận xuất hiện tràn lan trên các diễn đàn, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhiều ý kiến trái chiều cũng đã gây ra những tranh luận gay gắt. Và rõ ràng nhờ có mạng xã hội mà người hâm mộ đã có tiếng nói, sức mạnh hơn rất nhiều. Phản ứng của họ có ảnh hưởng nhất định đến cầu thủ và ban huấn luyện.

Tất cả đều nỗ lực làm hết sức, nhưng khi thấy người hâm mộ họ nói câu gì đó, khiến họ phải suy nghĩ. Thực sự làm thì khó, khi bình phẩm chỉ cần lên mạng xã hội cần 5-6 giây gõ ra thôi và không quan tâm những gì diễn ra sau đó. Và một bộ phận anh hùng bàn phím ấy đang khiến cho nhiều giá trị bị đảo lộn, kể cả những tình yêu màu cờ sắc áo chân chính”.

Và những câu chuyện từ khán đài

Tại Indonesia, tôi đã chứng kiến những câu chuyện thật hơn về tình yêu chân chính. Dù thất bại trước U.23 Hàn Quốc tại bán kết ASIAD 18 nhưng các cầu thủ U.23 Việt Nam tiến lại khu vực khán đài B sân Pakansari, nơi có đông đảo CĐV Việt Nam để tri ân. Như thường lệ, điệu Viking được tất cả sẵn sàng. Thế nhưng lần này không phải là các CĐV ăn mừng chiến thắng mà là mừng vì U.23 Việt Nam đã là người chiến thắng trong lòng người hâm mộ.

Những ai có mặt tại sân Pakansari, ở lại đến phút cuối cùng mới cảm nhận được bầu không khí cuồng nhiệt mà hàng nghìn CĐV Việt Nam đã tạo ra.

Họ chính là những người yêu đội tuyển, sẵn sàng chạy theo cảm xúc để lựa chọn và sang Indonesia rồi về luôn với mức giá dao động từ 12 - 15 triệu đồng, số tiền không phải nhỏ trên mặt bằng chung xã hội để xem một trận đấu bóng đá. Bởi với số đông, việc ủng hộ đội một chiếc vé 150.000 hay một chiếc áo chính hãng 400.000 đồng cũng là điều xa xỉ.

Trong hành trình cùng tôi đến Indonesia theo dõi trận bán kết, vợ chồng anh Huy An là 2 CĐV từng có mặt cổ vũ thầy trò HLV Park Hang-seo tại Thường Châu trong trận chung kết giải U.23 Châu Á. Dù bận rộn với công việc nhưng họ vẫn có mặt tại Indonesia để cổ vũ cho U.23 Việt Nam ở trận đấu với U.23 Hàn Quốc.

Đi Indonesia - đó là chuyến đi rất vất vả của hàng nghìn CĐV Việt Nam khác. Họ mất thời gian, tiền bạc nhưng sau trận thua không hề kêu ca lời nào. Thậm chí, khi sân bay Jakarta đã không phản ứng nhanh với việc check in vì lượng CĐV quá đông kéo theo việc hoãn chuyến kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ tạo ra cảnh mệt mỏi, vật vờ, tất cả các CĐV vẫn bình thản và chỉ nói về U.23 Việt Nam, về những cảm xúc thầy trò HLV Park Hang-seo mang lại.

Anh Huy An nói rằng, khi xác định đi chuyến này cổ vũ cho U.23 Việt Nam cũng đã không quan tâm đến vấn đề thắng thua lắm. Bởi U.23 Việt Nam lọt đến trận bán kết ASIAD đã là một kỳ tích, và trong đời cũng có mấy ai được chứng kiến một trận đấu lịch sử như vậy.

Với những người như anh, được ủng hộ đội tuyển như thế là vui rồi. Chiến thắng ai cũng mong muốn nhưng nhìn thực tế, phải chấp nhận; anh cũng như nhiều CĐV khác, rất thương các cầu thủ khi phải vắt kiệt sức để chiến đấu.

Chị Quỳnh người Hải Phòng thì bày tỏ quan điểm: Mỗi HLV khi đã nhận một công việc, mỗi giải đấu sẽ giống như dự án kinh doanh, chẳng ai dại gì lại tự cho mình thất bại. Bởi khi thua, họ là người chịu trách nhiệm lớn nhất. HLV suy cho cùng cũng là con người, họ có thể thành công đến 9 trận và sai số 1 trận là chuyện rất bình thường.

Đó là quy luật của bóng đá, của cuộc sống và nên chia sẻ nhiều hơn là chỉ trích. Và có chứng kiến các cầu thủ thi đấu trực tiếp trên sân với thể lực bị bào mòn và thua thiệt đối phương về thể hình mới thấy thương họ đến nhường nào.

Thế nên với nhiều CĐV Việt Nam, hãy lưu giữ sự lý trí bằng cách chia sẻ cả thành công và thất bại. Hãy ở bên cạnh những người hùng hôm nào, khi họ thất bại, khi U.23 Việt Nam đã chứng minh tinh thần tập thể, đoàn kết và những thứ tốt đẹp nhất của bóng đá...

Theo Lao Động


ASIAD 2018

U23 Việt Nam

HLV Park Hang-seo


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.