Theo sát chặng đường học tập, thấy con quá nhiều áp lực, chuyện thi cử ngày càng khó khăn, chị Trần Thị Ngát (37 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) bàn với chồng "giữ chỗ" cho con trai đang học lớp 9 tại trường liên cấp THCS-THPT Newton và THCS-THPT Nguyễn Siêu trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Đây là hai trường tư thục mà gia đình chị cho rằng "khá phù hợp với con"lại gần nhà, thuận tiện đi học.

Năm nay, phí đặt chỗ tại trường THCS-THPT Newton được niêm yết công khai 12 triệu đồng/học sinh cho tất cả các hệ đào tạo và khối lớp. Nếu học sinh nhập học, số tiền này được khấu trừ vào các khoản đóng phí khác. Nếu không nhập học, phụ huynh không được lấy lại tiền. Tại trường THCS-THPT Nguyễn Siêu, mức phí 6-8 triệu đồng.

Như vậy phụ huynh phải bỏ ra 20 triệu đồng tiền phí giữ chỗ tại cho con, tương đương gần 2 tháng lương. "Không ai mong con mình trượt trường công lập, nhưng đó là khả năng có thể xảy ra. Thay vì để mọi thứ bị động và khiến con rơi vào khủng hoảng tâm lý, gia đình tôi cần chuẩn bị sẵn những phương án dự phòng", chị Ngát nói.

Nữ phụ huynh cho rằng, nếu không ghi danh, đặt chỗ, sau khi Hà Nội tổ chức kỳ thi vào lớp 10 và công bố kết quả, các trường tuyển sinh sớm đã chốt hồ sơ, học sinh khó có cơ hội đăng ký. Dù số tiền bỏ ra không hề nhỏ, nhưng để con có suất trong trường tư chất lượng, chị chưa từng do dự. Với phương án này, chị Ngát tin con trai sẽ bớt áp lực tâm lý trong kỳ tuyển sinh sắp tới.

Áp lực thi vào lớp 10 Hà Nội, nhiều phụ huynh nhanh chóng chốt trường tư dự phòng cho con. (Ảnh minh hoạ)

Áp lực thi vào lớp 10 Hà Nội, nhiều phụ huynh nhanh chóng chốt trường tư dự phòng cho con. (Ảnh minh hoạ)

Những năm gần đây, ngày càng nhiều gia đình tại Hà Nội chủ động lựa chọn đứng ngoài kỳ thi lớp 10 công lập. Đối với họ, đây không phải bỏ cuộc mà là sự tính toán thực tế, căn cứ vào năng lực học tập của con, điều kiện kinh tế gia đình.

Anh Trịnh Xuân Anh (45 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, con trai anh sẽ không dự thi vào bất kỳ trường công lập nào trong kỳ tuyển sinh tới. Thay vào đó, gia đình quyết định tìm hiểu và nộp hồ sơ sớm vào một số trường tư thục chất lượng cao trên địa bàn thành phố.

"Con học trung bình khá, càng ép học nhiều càng bị stress. Sau một thời gian cố gắng theo các lớp luyện thi, con có dấu hiệu sợ học, thậm chí mất ngủ. Vợ chồng tôi nhận ra, nếu cứ cố đi theo 'đám đông' thì có khi không chỉ mất chỗ học, mà còn mất luôn cả sức khỏe và tinh thần của con”, anh Xuân Anh chia sẻ lý do đứng ngoài cuộc đua vào lớp 10 công lập.

Đồng quan điểm với anh Xuân Anh, chị Bùi Thị Nhàn (43 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) nói mỗi năm, hàng chục nghìn học sinh bị loại khỏi công lập. Vì thế thay vì ép con học ngày học đêm, gia đình chị chọn trường tư.

"Tôi nói với con rất rõ, cứ thi hết sức mình, nhưng nếu không đỗ, con sẽ học trường tư. Không có gì phải xấu hổ hay buồn bã cả. Tôi không muốn con bị ám ảnh bởi thất bại, vì mỗi đứa trẻ có một con đường riêng", chị Nhàn nói và cho biết đã chủ động tìm hiểu và nộp hồ sơ vào một số trường tư thục. Con gái chị vẫn học và ôn thi nghiêm túc, nhưng không còn lo lắng đến mức mất ăn mất ngủ như một số bạn cùng lớp.

Theo cô Nguyễn Thảo Linh, giáo viên trường THPT Cổ Loa (Hà Nội), kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội hiện nay thực sự khốc liệt, với tỷ lệ cạnh tranh thậm chí còn cao hơn một số kỳ thi đại học. Do đó, việc chuyển hướng sang các trường tư thục không đơn thuần là né tránh áp lực thi cử, mà được xem như lựa chọn có chủ đích và được cân nhắc kỹ lưỡng.

"Phụ huynh ngày nay thực tế hơn, họ quan tâm đến nhiều yếu tố như sức khỏe tinh thần, điểm mạnh cá nhân của con, cũng như định hướng dài hạn trong tương lai. Các trường tư hiện rất đa dạng về mô hình, được đầu tư bài bản, nên hoàn toàn có thể trở thành lựa chọn đáng tin cậy", cô Linh nhấn mạnh.

Trong bối cảnh áp lực thi cử ngày càng nặng nề, việc chọn trường tư không còn là giải pháp bất đắc dĩ, mà trở thành hướng đi chủ động, có tính toán. Nữ giáo viên cũng lưu ý rằng, trước sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của các trường tư, phụ huynh cần lựa chọn một cách kỹ lưỡng, cân nhắc đến chất lượng giáo dục, triết lý đào tạo cũng như sự phù hợp với năng lực và định hướng của học sinh.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, nếu học sinh chỉ có nguyện vọng vào trường tư thục chỉ xét tuyển học bạ cấp THCS thì có thể không cần phải tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Tuy nhiên, nếu học sinh có nguyện vọng trúng tuyển vào trường THPT tư thục xét tuyển bằng điểm thi thì bắt buộc phải đăng ký tham dự kỳ thi này.

Năm nay, 77 trường THPT tư thục trên địa bàn thành phố được giao tuyển 635 lớp với 27.919 chỉ tiêu.

Theo VTC News