Trong khi nhiều chủ hiệu méo mặt vì ế ẩm thì những cửa hàng này lại hốt bạc tháng cô hồn

Một số chủ hiệu thì tháng này lại là tháng hốt bạc.

Tháng 7 âm lịch, nhiều cửa hàng ế ẩm chỉ muốn đóng cửa vì người mua không mặn mà mua sắm trong tháng cô hồn, thế nhưng với một số chủ hiệu thì tháng này lại là tháng hốt bạc.

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch, Diêm Vương sẽ mở Quỷ Môn Quan để các vong hồn thoát khỏi chốn địa ngục khổ đau lên ngao du nhân gian. Vì lẽ đó, nhiều người cho rằng đây là thời điểm họ dễ gặp nhiều xui xẻo nhất trong việc làm ăn. Thậm chí, nhiều người cứ gặp điều gì không may là đổ tại cho tháng cô hồn.

Để tránh những điều không may có thể xảy ra, nhiều người thường kiêng kỵ mua đồ mới. Chính quan niệm này khiến một số mặt hàng như xe máy, ô tô, điện thoại, quần áo… rơi vào cảnh ế ẩm. Tuy nhiên, đây chính là thời điểm những mặt hàng gắn liền đời sống tâm linh như hoa quả, đồ cúng lễ, đồ ăn chay được rất nhiều người chọn mua.

Đồ vàng mã

 

Tháng 7 âm lịch (còn gọi là tháng cô hồn) được coi là “Tết của cõi âm", vậy nên đây chính là dịp “ăn nên làm ra” của các tiểu thương kinh doanh đồ vàng mã.

Chị Nga – chủ cửa hàng kinh doanh đồ vàng mã trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) cho biết: “Mặc dù tháng cô hồn chỉ kéo dài nửa tháng thế nhưng lại kiếm lời bằng cả năm kinh doanh.Chỉ riêng tháng 7 âm lịch đã có 3 ngày lễ lớn: cúng cô hồn, lễ Vu Lan và rằm tháng 7”.

Với quan niệm “dương sao âm vậy”, những năm gần đây thị trường đồ vàng mã rất nhộn nhịp với mẫu mã đa dạng từ: siêu xe, biệt thự, iphone, tủ lạnh, ti vi, áo vest, giày âu,… đủ cả. Cùng với mẫu mã mới là giá cả cũng leo thang, có những món hàng lên đến tiền triệu nhưng vẫn được nhiều người mua về để gửi xuống thế giới bên kia.

Giá của một ngôi biệt thự giấy, một con siêu xe giấy lên tới 1 – 3 triệu đồng tùy kích thước. Mua trọn bộ đồ cúng lễ cũng có giá lên tới cả chục triệu đồng.

Theo chị Nga, dù giá cả khá đắt đỏ nhưng do những sản phẩm được làm kì công, giống y thật nên người tiêu dùng vẫn móc hầu bao ra mua mà không cần đắn đo. Để chuẩn bị đủ hàng hóa buôn bán cho tháng cô hồn dân kinh doanh phải bắt đầu chuẩn bị từ sau tết Nguyên Đán, nhiều mặt hàng cầu kì, tinh xảo còn không đủ để bán cho khách.

Đồ ăn chay

 

Với quan niệm hạn chế sát sinh các loài động vật để xá tội vong nhân, nhiều gia đình chọn cách ăn chay để tâm thanh tịnh và cầu may mắn. Khác với những ngày mồng Một hoặc ngày Rằm thông thường, số lượng thực khách tìm tới những cửa hàng bán đồ chay đều gia tăng đột biến trong tháng Bảy âm lịch.

Trung bình một đĩa đồ chay đang có giá từ 30.000 – 90.000 đồng tùy thuộc vào món thực khách lựa chọn, còn một mâm cỗ chay thường có giá dao động 600.0000 – 1.500.000 đồng tùy theo thực đơn và nhà hàng.

Không chỉ ăn ngay tại các tiệm ăn chay, nhiều khách hàng chọn phương án mua đồ về nhà. Một số bà nội trợ cũng tự mua đồ về nấu để nhằm tiết kiệm chi phí và đảm bảo hương vị theo đúng sở thích của mình. Vậy nên, lượng mua các mặt hàng đồ chay tại các chợ, siêu thị cũng tăng đáng kể.

Ngoài ra, một loại hình kinh doanh mới thu hút sự chú ý của nhiều người là những cửa bán đồ ăn chay online. Chỉ cần ngồi tại nhà và thực hiện một vài thao tác giao dịch đơn giản, các nhân viên của cửa hàng sẽ giao những món đồ tới tận địa chỉ khách hàng yêu cầu.

Hoa quả

 

Ngay từ đầu tháng, các shop hàng phục vụ việc lễ bái ngày mồng một, rằm tháng 7, lễ Vu Lan đua nhau mở hàng rầm rộ. Năm nay, các loại trái cây rừng, đặc sản vùng miền “lên ngôi”.

Chị Ánh Hồng (Long Biên, Hà Nội) tranh thủ nhà có cây thị lâu năm, sai trái, chị trẩy thị vườn nhà mang lên thành phố bán và nhận đặt hàng tiếp theo cho dịp rằm tháng 7, lễ Vu Lan.

Ban đầu chị Hồng chỉ nghĩ thị là loại hoa quả ngày xưa, giờ không được bày bán phổ biến nữa nên thử rao bán xem sao. Giá thị chỉ 3.000 đồng, lại thơm hương, hợp làm đồ cúng lễ nên được nhiều khách hàng chọn mua. Tương tự như thị, những loại hoa quả phổ biến hàng chục năm trước giờ trở thành “hàng hiếm” ở chợ như trứng gà, chuối ngự, ổi đào,… nay trở thành mặt hàng ăn khách.

Quần áo Phật tử

 

Theo quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch là tháng “cô hồn”, đây được cho là tháng sẽ không gặp nhiều may mắn nên nhiều người dân thường lên chùa để cầu an cho gia đình, người thân.

Tháng 7 còn có ngày Lễ Vu Lan vào ngày 15/7 âm lịch, đây được xem là ngày rằm lớn nhất trong năm của người dân theo đạo Phật.

Chính vì những lý do trên mà nhu cầu mua quần áo Phật tử của người dân cũng tăng cao trong tháng này.

Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, quần áo phật tử được may sẵn với nhiều chất liệu, kiểu dáng cách tân khác nhau, không chỉ đơn thuần một màu xanh lam hay màu nâu đất như trước. Với giá thành tầm trung, giao động từ 100.000 – 300.000 đồng/bộ nên người mua cũng không phải quá đắn đo về giá cả.

Vật phẩm phong thủy

 

Những món đồ phong thủy ngoài ý nghĩa trang trí còn có công dụng tâm linh khác như: trấn an tinh thần, bảo vệ, đem lại may mắn cho người sử dụng. Với mong muốn tránh những xui xẻo, hiểm nguy rình rập xung quanh, nhiều người đã tự tìm mua cho mình các vật phẩm có tác dụng đem lại bình an,may mắn.

Các mặt hàng như đá thạch anh, tỳ hưu, tượng phật quan âm... Dù có mức giá rất cao, song không vì thế mà sức hút của chúng giảm bớt. Sản phẩm được ưa chuộng nhất là tỳ hưu và vòng tay làm bằng đá phong thủy. Giá trị của mỗi vòng đá phong thủy phụ thuộc loại đá được sử dụng để tạo ra chiếc vòng.

Song mức giá phổ thông nằm trong khoảng từ 700.000 tới 1 triệu đồng/chiếc. Nhiều gia đình còn mua một đôi, đeo mỗi tay một chiếc vòng cho bé để đảm bảo bé được an lành, ngủ ngon, ăn khỏe.

Theo Giadinh.net.vn

vàng mã

đồ chay

tháng cô hồn

Lễ Vu Lan

rằm tháng 7


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.