Bà chị chợ đầu mối tiết lộ bí mật cá chép nuôi gắn mác cá sông bán khắp chợ

Nhiều tiểu thương bán cá chép hám lợi vẫn sẵn sàng gắn mác "cá sông nuôi" thành "cá sông tự nhiên" xịn để lừa khách hàng.

Thời gian gần đây, tại các chợ đầu mối, chợ cóc hay chợ mạng, người rao bán cá chép khá nhiều. Đặc biệt, tiểu thương nào cũng khẳng định chắc như đinh đóng cột đó là những chú cá chép quê được thả tự nhiên ở ao hồ, các sông. Điều này khiến cho nhiều bà nội trợ e ngại.

Bởi hiện nay, diện tích ao hồ sông nước ngày càng bị thu hẹp, làm sao có quá nhiều cá chép tự nhiên? Hơn nữa, trong thực tế nhan nhản những câu chuyện nuôi cá chép và các loại thủy hải sản khác lạm dụng chất kháng sinh hoặc được bảo quản bằng cách tẩm ướp phân urê.

Chính vì điều này, để yên tâm ăn món cá quê, nhất là cá chép mà không lo sợ cá còn tồn dư những chất độc hại, nhiều người tiêu dùng chuyển sang săn lùng các loại cá chép sông tự nhiên vì nghĩ sẽ thơm ngon, an toàn hơn hẳn so với cá chép nuôi.

Bà chị chợ đầu mối tiết lộ bí mật cá chép nuôi gắn mác cá sông bán khắp chợ-1

Cá chép sông thả tự nhiên giờ cực hiếm, người bán cá thi thoảng cũng mới thu mua được 1 mẻ về bán

Song nắm bắt được tâm lý này, nhiều tiểu thương bán cá chép hám lợi vẫn sẵn sàng gắn mác "cá sông nuôi" thành "cá sông tự nhiên" xịn để lừa khách hàng. Thực tế tại các chợ hay trên chợ mạng, các loại cá chép nuôi được rao bán khá nhiều.

Nhưng tất cả các chủ hàng đều khẳng định rằng cá chép mình bán là cá ao, cá sông tự nhiên, cá được dân dùng lưới đánh bắt từ sông Đà… Hầu như chẳng một ai nhận mình bán cá sông nuôi.

Tại chợ đầu mối Hà Đông, chị Lê Thị Hà ở Hà Trì, Hà Đông vừa bỏ ra số tiền hơn 100 ngàn đồng để sở hữu chú cá chép được quảng cáo là cá chép đồng 1,4 kg về nhà.

Song khi hỏi về cá chép này có thực sự là cá chép quê không, chị Hà cho rằng, đây chỉ là cá chép nuôi. Vì cá chép nuôi mới có giá 70.000 đồng/kg.

Bà nội trợ này kể lại: "Có nhu cầu mua cá, mình đi tới hàng cá chép thì thấy những người bán chào mời đây là cá chép nuôi sông tự nhiên, chỉ còn mấy con. Vì thế mình vào xem thử. Song mình cũng thừa biết cá chép này chỉ là cá nuôi. Về nấu canh dưa cá, mình thấy rõ khi hương vị, chất lượng không ngon ngọt như cá chép đồng tự nhiên".

Chị Hà cũng bức xúc: "Đi chợ như mình nhiều khi toàn bị mất tiền oan khi mua cá và các loại tôm, cua, ghẹ khác. Ai cũng nói đó là hàng ngon. Nhiều khi người mua như mình sẵn sàng trả giá cao để mua đúng cá tôm quê, thả tự nhiên ở ao hồ, sông. Nhưng vẫn nhiều lần phải ngậm trái đắng vì mua tốn nhiều tiền mà vẫn sở hữu tôm cá kém chất lượng".

Bà chị chợ đầu mối tiết lộ bí mật cá chép nuôi gắn mác cá sông bán khắp chợ-2

Những chú cá chép sống ở sông, hồ, ao được đánh bắt tự nhiên thì thân của chúng cứng, phần bụng nhỏ.

Chia sẻ về điều này, cô Minh, 55 tuổi – một người bán cá ở chợ 365 nhận định: Những năm trước, nếu đi thu mua cá chép ao, hồ, sông thì vẫn có. Lượng cá chép quê này chiếm khoảng 10-20% số hàng về mỗi đêm. Song hiện nay, diện tích đồng ruộng, sông suối ngày càng thu hẹp, tôm cá bị khai thác cạn kiệt nên thời gian qua, cá đồng nói chung và cá chép quê rất hiếm.

Chính bởi thế, người bán cá này khuyên khi đi mua tôm cá cua ếch đồng, nhất là cá chép đồng, người tiêu dùng cần nhận dạng đúng, tránh mua nhầm, không có chuyện đâu đâu cũng bày bán cá chép đồng?

Tiểu thương bán cá lâu năm ở chợ này còn tiết lộ cách phân biệt, nhận dạng cá chép sống tự nhiên với cá chép nuôi: "Những chú cá chép sống ở sông, hồ, ao được đánh bắt tự nhiên thì thân của chúng cứng, phần bụng nhỏ. Nhất là nếu chúng đang chửa, có trứng sẽ càng dễ nhận biết. Bởi trứng của cá chép đồng nằm sát đáy bụng trong khi cá nuôi trứng nằm hết ở bụng trên. Ngoài ra, cá chép sông da hơi vàng, da bụng hồng. Còn cá chép nuôi có bụng to hơn, thân ngắn và thân màu trắng".

Bà chị chợ đầu mối tiết lộ bí mật cá chép nuôi gắn mác cá sông bán khắp chợ-3

Trứng của cá chép đồng nằm sát đáy bụng trong khi cá nuôi trứng nằm hết ở bụng trên. Ngoài ra, cá chép sông da hơi vàng, da bụng hồng.

Ngoài ra, cô Minh cũng hướng dẫn cách bà nội trợ có thể phân biệt cá chép nuôi hay cá sông bằng mắt thường.

Thông thường cá nuôi theo lứa, khi đi mua sẽ thấy các con cá chép tương đối bằng nhau về cân nặng. Nếu nhìn vào một chậu cá của người bán, người tiêu dùng thấy cùng một loại cá chép mà các con cá đều nhau thì phần lớn là cá nuôi.

Hoặc khi đi mua cá chép, có thể dựa vào địa lý, nếu chợ nào gần sông, hồ nhiều thì thi thoảng cũng có thể có cá chép sông.

Bên cạnh đó, khi nhìn vào chậu cá bán ở chợ, nếu cá chép nào bơi chậm, lờ đờ thì đó cũng là cá nuôi. Bởi cá chép tự nhiên do sống trong ao, hồ rộng rãi nên sẽ bơi nhanh và khỏe.

"Khi mua phải cá chép nuôi về chế biến, người tiêu dùng càng thấy rõ. Bởi về độ ngon, thơm thì cá sông hơn hẳn. Nguyên nhân do cá ăn thức ăn tự nhiên. Không như cá chép nuôi, chỉ ăn một số loại thức ăn mà người chủ cho và thường được trộn thêm các loại thức ăn nhằm tăng trọng, nuôi trong một ao nhỏ. Chưa kể, nhiều khi người nuôi cũng sẽ phun thuốc phòng và chữa một số bệnh của cá. Vì thế nếu quá trình chuyển hóa thuốc kháng sinh này trong cá chưa hết, thì ít nhiều sẽ tồn dư và người có thể ăn vào", người bán cá này nói.

Bà chị chợ đầu mối tiết lộ bí mật cá chép nuôi gắn mác cá sông bán khắp chợ-4

Khi chế biến, cá chép đồng sẽ rất chắc thịt, giòn và thơm ngon

Cuối cùng, giá bán cá chép cũng có thể tiết lộ phần nào về giá trị của cá tự nhiên hay cá nuôi: "Cá sông tự nhiên thường có giá cao hơn gấp 2 lần so với giá cá chép sông nuôi. Ở chợ, cá chép nuôi được bán phổ biến ở mức 60-70 ngàn đồng/kg. Thế nhưng nếu là cá chép đồng thật sự, chúng tôi sẽ bán với giá 110-120 đồng/kg. Dù có mức giá vậy nhưng cá chép đánh bắt tự nhiên vẫn khá hiếm, không phải lúc nào cũng có hàng cung cấp đủ cho khách. Vì thế bà nội trợ mua cá chép phải hết sức cảnh giác vì dễ mua phải cá chép nuôi được gắn mác cá sông tự nhiên".

Theo Nhịp sống Việt

Xem link gốc Ẩn link gốc http://toquoc.vn/nhan-nhan-ca-chep-nuoi-gan-mac-ca-chep-song-tu-nhien-nguoi-ban-ca-cho-dau-moi-tiet-lo-cach-chon-ca-chep-que-khong-lech-con-nao-222020138652139.htm

tiểu thương

cá chép


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.