Bất an với hạt rừng bán giá "trên trời" dịp giáp tết

Nhiều loại hạt rừng như dổi, mốc mật, mắc khén, bí, óc chó,… dịp sát tết đang được bán với giá cao cùng quảng cáo nguồn gốc thiên nhiên

Nhiều loại hạt rừng như dổi, mốc mật, mắc khén, bí, óc chó,… dịp sát tết đang được bán với giá cao cùng quảng cáo nguồn gốc thiên nhiên, thu hoạch từ rừng. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm này không có nhãn mác, thương hiệu.

Mua vì "tin là chính"

Lợi dụng tâm lý của nhiều người tiêu dùng rằng “cứ thực phẩm được lấy từ rừng thì sẽ ngon, chất lượng an toàn”, các cửa hàng online đang rao bán nhiều loại hạt được cho lấy từ rừng, tìm đủ mọi cách để thu hút khách.

Cửa hàng Thực Phẩm Lành Mạnh (đường Hiền Vương, Q.Tân Phú, TP.HCM) hiện đang bán hạt dẻ Trùng Khánh, quả óc chó, hạt mắc ca được cho lấy từ rừng. Khách đặt mua rất đông vì hạt dẻ tại đây không quá to như hạt dẻ Trung Quốc trên thị trường. “Ở Trùng Khánh (Cao Bằng), hạt dẻ được trồng theo kiểu “trồng rừng”, ít có sự đầu tư chăm sóc bài bản, không có công nghệ bảo quản nên hạt nhỏ, chất lượng không đồng đều, chỉ để một tuần là hỏng” T. - chủ cửa hàng nói. Tại trang web cửa hàng, ông T. hướng dẫn người mua: “Hạt dẻ rang nên để tủ lạnh, khi ăn đem hâm nóng lại để tránh hư hỏng” nên được đông đảo khách tin tưởng.

Bất an với hạt rừng bán giá 'trên trời' dịp giáp tết

Đa số các loại hạt rừng trên thị trường không nhãn mác, chỉ dán một cái tem giới thiệu sơ về sản phẩm, khách mua bằng “niềm tin” là chính

Tại một gian hàng thực phẩm tết tại chợ Bình Tây (Q.6), chúng tôi được người bán giới thiệu hạt mắc ca rừng với giá 400.000đ/kg. Theo người bán, hạt này lấy từ vùng núi rừng Tây Nguyên, số lượng ít nhưng chất lượng ngon nên giá đắt hơn hạt mắc ca Úc. Khi nhìn vỏ thùng giấy đựng hạt mắc ca chi chít chữ Trung Quốc, chúng tôi hỏi thì chủ sạp giải thích tại đây bán hạt mắc ca Trung Quốc, nhưng đã hết hàng, sẵn cái thùng giấy để không nên đổ hạt mắc ca vào bán. Đây là mắc ca rừng 100%. Loại hạt mắc ca này lớn (gần gấp đôi hạt mắc ca bán trong siêu thị), trơn bóng, vỏ dày.

Năm nay, mặt hàng hạt bí đen (bí Mèo) trên thị trường khá nhiều, thay thế cho loại hạt bí vỏ trắng thông thường. Chị Lan, tiểu thương chợ Tân Định (Q.1, TP.HCM) cũng đặt hàng từ miền Bắc để bán với giá khá đắt 300.000đ/ kg. Chị Lan khẳng định, loại hạt bí đen này được người dân tộc H’mông trồng tại Hà Giang, Tuyên Quang, có vỏ màu đen đặc trưng, một số nơi gọi là bầu nhung. Vỏ đen nhưng bên trong màu trắng, rất chắc, ngậy và thơm, to gấp đôi hạt bí thường. Tại các trang bán hàng online như lazada.vn, nhommua.com… hạt bí Mèo được rao bán giá 125.000đ/400g nhưng luôn trong tình trạng cháy hàng.

Ngoài các loại hạt để ăn chơi trong dịp tết, nhiều loại hạt gia vị rừng để tẩm ướp thức ăn dịp tết như dổi, mốc mật, mắc khén, thông… cũng được săn lùng dù giá khá cao. Chị Phương, ngụ Q.Phú Nhuận (TP.HCM) cho biết, món ăn ngày tết được tẩm ướp các gia vị rừng sẽ mang vị lạ, đậm đà, ngon hơn. Ngoài ra, một số hạt có thể dùng chế biến nước chấm khá độc đáo nên tết nào chị cũng tìm mua ở những nơi “tin là chính”.

Nhiều cửa hàng online cũng rao bán dổi rừng với giá mỗi nơi mỗi kiểu, từ 2 đến 2,5 triệu đồng/kg. Ông Nguyễn Minh Điền - Giám đốc Công ty cổ phần Đặc sản ba miền (Phan Văn Trị, P.2, Q.5, TP.HCM) giải thích: dổi rừng làm gia vị thường là dổi nếp, có nhiều loại. Loại một, cực kỳ hiếm vì thu hoạch từ cây dổi cổ, giá bán khoảng 4 triệu đồng/kg. Loại kém hơn được thu hoạch từ những cây có tuổi đời ít hơn. Loại thứ ba là thu hoạch từ cây trồng, hạt có mùi hắc, nướng lên không nở căng như dổi rừng. Riêng loại thứ tư là nhái dổi rừng vì hạt to, bóng, đen, nướng lên không nở, mùi rất khó chịu”.

Coi chừng hàng giả

Đặc sản rừng nói chung, các loại hạt rừng nói riêng đang lưu hành trên thị trường hiện phần lớn không có nhãn mác, thương hiệu. Số cửa hàng và công ty chính có tên và địa chỉ đứng ra bán chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chủ yếu là sản phẩm tự phong.

Như mặt hàng hạt bí Mèo đen hiện chỉ có công ty TNHH SX và TM Phú Cao Dương đứng ra thu mua, chế biến, sản xuất, đóng gói; một số cửa hàng thực phẩm như Kim Ấm, Hana Food… trực tiếp thu mua rồi chế biến, đặt tên sản phẩm theo cửa hàng của mình.

Với mặt hàng hạt dẻ, theo số liệu thống kê từ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh, Cao Bằng, hiện cả huyện chỉ có gần 250ha cây dẻ, sản lượng 180-200 tấn/ vụ/năm, quá ít để cung cấp cho thị trường. Lâu nay, chưa có doanh nghiệp, đơn vị nào đứng ra thu mua các loại hạt rừng và dán tem nhãn bảo đảm thương hiệu. Điều đó khiến người tiêu dùng khó lòng phân biệt đâu là hạt rừng thật đâu là hạt rừng giả.

Ông Nguyễn Minh Điền cho biết thêm, để có nguồn hạt rừng đưa ra thị trường, Công ty Đặc sản ba miền phải có nhân sự tại các địa phương, thu mua trực tiếp từ người dân. Sản phẩm vẫn là đặc sản địa phương, nhưng được đóng gói bởi công ty để khách hàng truy xuất nguồn gốc nếu sản phẩm không đạt chất lượng.

Theo Phụ nữ TP.HCM

thực phẩm Tết

hạt rừng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.