Bí mật của cửa hàng giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm

​Trước khi công bố giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm trong cửa hàng dịp Black Friday, chủ nhân dọn sạch hàng mới và chuyển thêm mẫu cũ, hàng tồn để chờ sẵn.

​Trước khi công bố giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm trong cửa hàng dịp Black Friday, chủ nhân dọn sạch hàng mới và chuyển thêm mẫu cũ, hàng tồn để chờ sẵn.

Buổi sáng cuối tuần, tại siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội), hàng loạt thương hiệu thời trang ở tầng 1 treo biển giảm giá tới 50% dịp Black Friday nhưng vẫn thưa khách ghé thăm. Lúc 9h30, một cặp vợ chồng thay vì ghé thăm một gian hàng thời trang có tiếng, quảng cáo giảm giá khủng lại rẽ vào cửa hàng đối diện không treo biển hiệu khuyến mại gì đặc biệt.

Trao đổi với Zing.vn, chị Nguyễn Thu Hòa (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết: “Cửa hàng đó lần nào có dịp cũng giảm giá như vậy chứ chẳng riêng Black Friday. Nhưng vào đó không có hàng mình thích vì họ chỉ bán hàng tồn, lỗi mốt thôi”.

Phụ trách một cửa hàng thời trang có tiếng, cũng treo biển giảm giá 50% (có một số mặt hàng giảm giá 70%) ở tầng 1 siêu thị Big C Thăng Long thừa nhận: “Khuyến mại 50-70% thì không thể có hàng mới được mà là mẫu cũ, hàng tồn hoặc ngoại cỡ. Thực tế, khi muốn hạ giá 50% trở lên với toàn bộ sản phẩm trong cửa hàng, chúng tôi phải dọn sạch hàng mới ra và đưa thêm đồ cũ vào. Các cửa hàng khác giảm giá toàn bộ sản phẩm ở mức 50% trở lên cũng đều làm như vậy cả”.

Trên đường Cầu Giấy (Hà Nội), trong khi hàng trăm người chen chúc săn hàng giảm giá 50% tất cả sản phẩm tại một shop thời trang ngày Black Friday, chị Thanh (nhân viên văn phòng phố Duy Tân) lại rẽ sang hàng kế bên. Khách hàng này chọn cửa hàng khác vì “mức giảm giá chỉ 10-30% nhưng là thực sự và mẫu mới”.

Tại một trung tâm thương mại lớn vừa mới khai trương trên đường Nguyễn Chí Thanh, khá nhiều gian hàng hiệu cao cấp treo biển khuyến mại Black Friday nhưng mức giảm hầu hết đều 10-20%, cá biệt có 50% nhưng “chủ yếu là mẫu cũ”, nhân viên bán hàng thật thà chia sẻ.

Người bán này cho biết, với hàng mới về, mức giảm không thể tới 50% vì như vậy sẽ lỗ nặng. Cũng vì mức giảm không lớn và chưa vào cao điểm mua sắm, nên hầu hết shop hàng hiệu ở đây thưa khách.

Bí mật của cửa hàng giảm giá 50% toàn bộ sản phẩm
Chương trình giảm giá 50% cho toàn bộ sản phẩm trong cửa hàng. Ảnh: Ngọc Lan.

Trong khi đó, một shop thời trang hiếm hoi tại đây treo biển giảm giá 50% lại đông nghịt người mua. Trước đó một ngày, cửa hiệu này đã kín khách đến và đặt lấy hàng vào ngày vàng mua sắm. Hiện tượng xếp hàng để mua xảy ra ở nhiều cửa hàng khác tại Hà Nội. Thậm chí, tên của thương hiệu còn lọt vào Google Trend.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện của cửa hàng cho biết, những sản phẩm được bán giảm giá đều là hàng đang được ưa chuộng nhưng từ chối bình luận về việc không có những mẫu mới nhất xuất hiện.

Ông Lương Xuân Thắng, Giám đốc sáng tạo thương hiệu thời trang Katori cho biết, các sản phẩm trong chương trình khuyến mại lớn không hẳn là hàng lỗi mốt, tồn kho. Bởi đối với ngành thời trang, khi giảm giá 50-70% cho mỗi sản phẩm, đơn vị kinh doanh vẫn có thể có lời.

"Nhiều khi cửa hàng thanh lý hàng tồn, nhưng cũng nạp thêm những mẫu mới để quảng cáo. Vì lẽ đó, không khó hiểu khi nhiều đơn vị tung những chương trình giảm giá sâu tới mức người mua tưởng tượng họ được cho không. Tuy nhiên, lợi nhuận mà cửa hàng thu về ít hay nhiều phụ thuộc vào chiến lược bán hàng riêng của từng hãng", ông Thắng cho hay. 

Mức giảm giá 50% cộng với marketing online tốt khiến nhiều người lao vào mua sắm khiến nhân viên phải đóng cửa sếp. Ảnh: Khánh Linh
Mức giảm giá 50% cộng với marketing online mạnh là nguyên nhân giúp một số cửa hàng rất đông khách. ​Trong ảnh là một khách hàng cố chui qua cửa sếp đã khép để vào mua hàng giảm giá tại một cửa hiệu trên đường Giảng Võ (Hà Nội). Ảnh: Khánh Linh.

Tuy nhiên, ông này cũng bổ sung, nhiều chương trình khuyến mại của nhãn hàng không hấp dẫn bởi người tiêu dùng đã quen thuộc với điều đó khi nhiều lần ghé thăm (từ thời trang, đồ gia dụng, hàng điện máy.... ). Thêm nữa, nhiều giảm giá ảo khiến khách hàng ít hứng thú. "Vì thế, một số thương hiệu lớn đã ngừng các chương trình giảm giá, hoặc giảm giá rất ít để giữ uy tín", ông Thắng cho hay.

Ông Lê Quang Vũ, Tổng giám đốc hệ thống siêu thị điện máy MediaMart phân tích, ở Mỹ, việc giảm giá hơn 50% có được là do các nhãn hàng hỗ trợ khoảng 20-30% với các sản phẩm lỗi mốt hoặc không sản xuất tiếp. Thêm vào đó, các nhà phân phối giảm bớt lợi nhuận của mình từ 15-25% (tùy thuộc) để đưa ra khuyến mại cực lớn dịp Black Friday. “Không ai bán sản phẩm mới ra mà có mức khuyến mại 50% cả, tất cả đều là hàng cũ mà thôi. Việc giảm giá mạnh vào cuối năm nhằm mục đích đẩy hàng tồn, lỗi mốt và kết hợp quảng bá thương hiệu tới khách hàng”, ông Vũ khẳng định.

Dẫn chứng Apple chỉ khuyến mại iPad Air 2, CEO này phân tích: “Vì sao không có giảm giá 50% với iPhone 6S hoặc 6S Plus? Vì người ta đâu cần làm vậy”. Chuyên gia này cho rằng, nếu mức giảm giá hàng điện tử mới mà lên tới 50% thì người bán chắc chắn đã nâng giá sản phẩm để có ưu đãi ảo cho khách hàng.

Giải thích việc cùng ngành, và cùng giảm giá tới 50% nhưng cửa hàng thì vắng còn nơi lại đông, ông Lê Quang Vũ nhận xét, điều này phụ thuộc vào thực chất giảm và phương thức marketing của từng thương hiệu. Bình luận về một nhãn hàng thời trang rất đông khách tại Hà Nội trong ngày Black Friday, ông Vũ cho biết: “Họ làm marketing online rất mạnh nên nhiều người biết. Thêm vào đó, tần suất giảm giá tới 50% cho toàn bộ sản phẩm trong cửa hàng không diễn ra thường xuyên trong năm nên người mua sẽ háo hức hơn. Ngoài ra, các cửa hàng đều nằm ở vị trí tốt nên thuận lợi hơn khi thu hút khách. Và cũng có thể họ giảm giá thực chất”.

Tuy nhiên, chuyên gia bán hàng và marketing này lưu ý, khuyến mại ngày Black Friday với mức giảm lớn thì không nên mong chờ hàng thời thượng. Việc giảm giá khủng chủ yếu đến từ các mặt hàng trong nước, khó xác định mức giá chuẩn có thể so sánh với nơi khác. Ông Vũ tiết lộ, mức giảm giá thực chất mà các thương hiệu có thể chịu được chỉ khoảng 20% với hàng mới, còn hàng tồn cần phải bán tháo để tránh đọng vốn là chuyện khác.

Trong ngày cuối tuần, vợ chồng chị Nguyễn Thu Hòa (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) không tìm được món đồ ưng ý ở các cửa hàng giảm giá khủng dịp Black Friday tại khu trung tâm thương mại. Thay vào đó, chị đến một cửa hàng thời trang không có khuyến mại để mua 2 chiếc quần mùa đông cho con gái. Còn anh chồng rẽ vào chỗ bán sách trong siêu thị mua 2 quyển và cũng không có giảm giá. “Mua được cái mình thích và an tâm sẽ tốt hơn là đổ xô mua theo phong trào rồi phải lấy thứ mình không ưng”, anh Quang (chồng chị Hòa) chia sẻ.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.