Bí quyết kiếm 30 triệu đồng mỗi tháng nhờ bán quà vặt online

Bán quà vặt online, phục vụ tận nơi không đơn giản. Tuy nhiên, nếu biết cách làm, đây sẽ là công việc đem lại thu nhập tốt

Bán quà vặt online, phục vụ tận nơi không đơn giản. Tuy nhiên, nếu biết cách làm, đây sẽ là công việc đem lại thu nhập tốt

Phạm Hồng Ngọc (28 tuổi) - chủ cửa hàng online ở Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội - ví công việc bán hàng ăn trực tuyến như chuyện “đi câu” do đơn hàng hôm ít, hôm nhiều. 

Tuy nhiên, sau 2 năm trải nghiệm và đúc rút được cả kho bí quyết lận lưng cho riêng mình, hiện “mẹ Khủng Long” (tên các khách hàng nhí gọi chủ quán theo hình logo dán trên sản phẩm) đã có được lượng khách thân thiết ở Hà Nội. Chỉ bán đồ ăn trực tuyến mỗi tháng, sau khi trừ các chi phí và lương nhân viên, Ngọc thu về khoảng 30 triệu đồng.

Theo chia sẻ của Ngọc và nhiều chủ hàng thực phẩm online tại Hà Nội, mức thu nhập cá nhân này thuộc tốp cao trong nghề, thậm chí gấp 3-4 lần mặt bằng thu nhập chung của các cửa hàng cùng quy mô.

Chọn hướng đi riêng để loại bớt đối thủ

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, trải nghiệm 5 năm làm qua nhiều nghề như PG, bán quần áo, mở quán cà phê, bán mỹ phẩm… nhưng không hiệu quả, Ngọc nhận ra cơ hội khởi nghiệp tốt từ việc bán quà vặt online. “Những năm 2010-2011, mảng bán thực phẩm online còn khá mới lạ tại Hà Nội. Nếu chọn hướng kinh doanh này, mình sẽ mở được lối đi riêng, ít đối thủ cạnh tranh”, cô cho biết.

Bí quyết kiếm 30 triệu đồng mỗi tháng nhờ bán quà vặt online
Chủ quán quà vặt online chuẩn bị hàng giao cho khách. Hiện trung bình mỗi ngày, Ngọc tiêu thụ hết 40 kg chè, 30-40 đầu bánh và nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn theo mùa. Ảnh: NVCC.

Tận dụng kinh nghiệm và khả năng trong gia đình kinh doanh thực phẩm, Ngọc bắt đầu sự nghiệp bán đồ ăn từ món chè Sài Gòn. Thời điểm đó, người Hà Nội đang khá hào hứng với các món giải khát đặc sản Sài Gòn. Tuy nhiên, những trưa hè nắng nóng, việc ra khỏi nơi làm việc để đi ăn chè là “bất khả thi” đối với những người làm văn phòng.

“Ngày đầu ra mắt sản phẩm, nhờ cung ít hơn cầu nên mình có ngay lượng khách đặt hàng kha khá. Khách ăn chè có khen, có chê nhưng nhìn chung tương đối ổn. Dựa trên nhận xét của số đông khách hàng, mình dần điều chỉnh, nêm nếm gia vị cho phù hợp”, Ngọc nhớ lại.

Thành công với sản phẩm đầu tiên, Ngọc tiếp tục bổ sung thêm nhiều món quà vặt mới. Các món được chọn đều được cân nhắc kỹ, luôn tuân thủ tiêu chí ngon, sạch, độc đáo, có phong cách riêng và đặc biệt, không cần rẻ.

Chủ cửa hàng cho rằng, thực khách ở Hà Nội không đặt tiêu chí rẻ lên đầu bởi vốn các món ăn vặt đã có khung giá hợp lý. Tâm lý khách hàng mua online thường hay băn khoăn với chất lượng đồ ăn “khuất mắt trông coi”. Do vậy, để tạo được uy tín lâu dài, Ngọc tập trung đầu tư cho tiêu chí ngon và sạch.

Để sản phẩm của mình có phong cách riêng, ở mỗi món tưởng như phổ biến, Ngọc đều có bí quyết tạo nên hương vị đặc trưng chỉ hàng nhà cô mới có.

Muốn có khách đông, phải tung chiêu “độc”

Sau 2 năm vừa học chế biến, thực hành và bán quà vặt online, Ngọc đồng thời rút ra các bí quyết để xây dựng được cộng đồng khách hàng thân thiết và mở rộng thêm nguồn khách mới.

Cô chủ trương tận dụng mọi phương tiện truyền thông online để xây dựng thương hiệu của mình. Hai kênh chính được lựa chọn là Facebook, Fanpage và diễn đàn kinh doanh trực tuyến. Riêng với facebook, Ngọc tích cực up ảnh quy trình chế biến món ăn để tạo niềm tin ở khách hàng.

Các món ăn cô bán ra cũng là những món chính con trai nhỏ thưởng thức hàng ngày. Những mẩu chuyện về quá trình thử nghiệm món ăn mới, những câu nhận xét của con trai khi ăn các món “mẹ Ngọc” làm được đăng tải dần giúp Ngọc đến gần hơn với khách hàng.

“Mẹ con mình là fan hâm mộ đồ nhà Ngọc hơn một năm nay rồi. Từ các món cho khách phổ thông đến dòng thực phẩm handmade dành riêng cho người ăn kiêng đều rất hợp khẩu vị. Mà nhất là mấy món tặng kèm, nhiều khi còn ngon hơn cả món mua chính”, thực khách Nguyễn Thị Xuân (Quan Hoa, quận Cầu Giấy) chia sẻ.

Với chị Xuân và nhiều khách khác, điểm khác biệt lớn nhất của hàng quà vặt này nằm ở những món tặng kèm. Thông thường, các món đồ khuyến mại không được khách đánh giá cao. Tuy nhiên, với “mẹ Khủng Long” lại khác. Ngọc cho biết, cách quảng cáo hữu hiệu nhất cho một món mới chính là "tặng quà" để khách dùng thử.

Bí quyết kiếm 30 triệu đồng mỗi tháng nhờ bán quà vặt online
Bên cạnh thông tin về các món ăn, chủ quán coi việc tích cực chia sẻ những câu chuyện thú vị xung quanh chuyện làm bánh và đăng tải ý kiến nhận xét tích cực của khách hàng là một cách quảng cáo hữu hiệu. Ảnh: NVCC.

“Nhưng mình ít khi tặng quà miễn phí cho khách. Bởi đồ tặng miễn phí thì có mấy ai chê đâu nên những nhận xét từ khách thu về trong các trường hợp này không có giá trị. Ngược lại, nếu mình kết hợp tặng quà khách khi mua món này hay món kia, khách thường có xu hướng nhận xét rất thật, giúp mình điều chỉnh lại món ăn hợp với khẩu vị số đông”, chủ quán bày tỏ.

Thêm nữa, để khách hàng không nhàm chán các bài bán hàng của mình, mỗi ngày, Ngọc lại nghĩ ra một thông điệp “rao hàng” trên Facebook khác nhau. Nội dung bài rao tập trung miêu tả món ăn một cách tỉ mỉ, hấp dẫn để kích thích vị giác của khách.

Kèm với hình ảnh mỗi món ăn được cập nhật hàng ngày, Ngọc không quên công khai hàng loạt nhận xét tích cực của khách hàng. Bởi, theo cô: “Không có lời quảng cáo nào hiệu quả và đáng tin hơn lời khen của chính thực khách”.

Bên cạnh những bí quyết bán hàng online nói trên, cô chủ hàng quà nhấn mạnh tuyên ngôn trong kinh doanh ẩm thực của mình: “Khách hàng luôn đúng”. Đi kèm tuyên bố ấy, Ngọc luôn trung thành thực hiện cam kết: “Nếu đồ ăn không ngon, nhà hàng sẽ hoàn lại tiền hoặc đổi đồ mới cho khách”.

Bán thực phẩm ngoài chất lượng chủ quan từ đồ ăn còn chịu ảnh hường từ nhiều yếu tố như thời tiết, cách bảo quản, vận chuyển hàng… Tuy nhiên, bất cứ điều kiện nào ảnh hưởng tới đồ ăn đến tay khách, không khiến thực khách hài lòng, cửa hàng đều chấp nhận. “Cái thiệt trước mắt không thể sánh với nguồn khách lâu dài”, Ngọc tâm sự.

Trải qua gần 2 năm học hỏi, trải nghiệm, nhận mức lãi suất chỉ khoảng 100.000 đồng một ngày, đến nay, Ngọc đã có thu nhập ổn định khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng. Mùa hè, lượng chè cô bán ra mỗi ngày trung bình khoảng 40 kg, tiêu thụ 30-40 đầu bánh và nhiều món ăn vặt khác trên địa bàn Hà Nội.

Thậm chí, vào những tháng nắng nóng, cao điểm hoặc lễ Tết, lợi nhuận trên có thể tăng hơn nhiều. Để đảm bảo đủ hàng phục vụ khách mỗi ngày, Hồng Ngọc phải thuê thêm 4 nhân viên phụ chế biến và 2 nhân viên ship hàng.

Đứng trước môi trường kinh doanh online cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt, cô chủ trẻ tự tin: “Mình chưa bao giờ lo lắng. Bởi, thành công đến với mình không phải kiểu ăn xổi. Để có được ngày hôm nay, mình đã phải nỗ lực rất nhiều. Và khách hàng với mình giờ không chỉ gắn bó trên quan hệ mua-bán mà còn là những người thân, tri kỷ”.

Bạn đã khởi nghiệp như thế nào? Bạn đã thành công hay thất bại? Tintuconline mời độc giả chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình bằng cách gửi email tới địa chỉ  tintuconline@vietnamnet.vn hoặc comment bên dưới bài viết.

Theo  Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.