Buôn đồ cổ từ Châu Âu về Việt Nam: Bất ngờ với những món hàng 'độc'

Lâu nay, người ta vẫn quen việc giới sưu tầm, kinh doanh đồ cổ hay khai thác, mua bán đồ cổ tại Việt Nam rồi chuyển ra nước ngoài.

Lâu nay, người ta vẫn quen việc giới sưu tầm, kinh doanh đồ cổ hay khai thác, mua bán đồ cổ tại Việt Nam rồi chuyển ra nước ngoài.

Nhưng trong mấy năm gần đây, cũng có xu hướng ngược lại: Có những hội, nhóm sưu tầm, kinh doanh đồ cổ từ nước ngoài, nhất là từ các nước Châu Âu như Đức, Anh...về Việt Nam, bán cho những người say mê cổ vật.

Nhìn cổ vật từ góc độ thân phận

Tại Châu Âu, từ năm 2014, Mạng lưới chơi đổ cổ Đức và Châu Âu đã được hình thành và đến nay đã có gần 2000 thành viên tham gia, trong đó có khá nhiều người Việt Nam. 

Dù cách xa về mặt địa lý, các thành viên của mạng lưới vẫn thường xuyên giao lưu, trao đổi về kinh nghiệm sưu tầm cổ vật của mình. Tuy mất thời gian, công sức và cả tiền bạc, các “tay chơi” vẫn luôn đầy tâm huyết với thứ đam mê rất riêng biệt. Họ chấp nhận chờ đợi hàng tuần, thậm chí cả tháng trời chỉ để có trên tay món đồ yêu thích.

Buôn đồ cổ từ Châu Âu về Việt Nam: Bất ngờ với những món hàng độc-1

Người Việt ở nước ngoài sưu tầm đồ cổ, đưa về Việt Nam 

Thông qua kênh giao lưu chủ yếu là mạng xã hội, trên 2 group được lập song song cho cả người Việt và người nước ngoài, những cổ vật tìm thấy được đăng tải liên tục.

Và chỉ một thời gian ngắn sau, chúng đã nhanh chóng tìm được chủ nhân. Nhà khảo cổ Nguyễn Ngọc Chất - Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết “Biết được mạng lưới qua người bạn đồng nghiệp, tôi thấy ở đây có rất nhiều món đồ đẹp, tinh xảo, điển hình của văn hóa Pháp, Đức, Hà Lan thuộc giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Hơn nữa, các cổ vật đều có hồ sơ, lý lịch rõ ràng tạo cho người chơi sự yên tâm để sở hữu những món đồ yêu thích của mình”.

Đến nay, riêng ở mạng lưới này, đã có trên 5000 món cổ vật đã được trao đổi thành công. Trong đó chủ yếu là đồng hồ, tượng, ấm, tách,... có niên đại lâu đời và nguồn gốc rõ ràng. Tất cả đều là bằng chứng cho những sáng tạo kỳ vĩ qua hàng trăm, hàng ngàn năm của nhân loại.

Theo một thành viên tham gia nhóm này, tất cả thành viên ở đây không đặt nặng tính mua bán trong việc giao lưu đồ cổ. Cái cốt yếu họ quan tâm là tìm được những món đồ “chất” thực sự. Vừa phải có tính niên đại, vừa phải có gốc tích để làm nổi bật nét tuyệt phẩm cho món đồ, đó mới đích thị là “chơi” đồ cổ!

“Để chơi cổ vật, ngoại trừ khả năng tài chính, nó còn là nét văn hóa. Tức là người ta phải am hiểu về các món đồ đấy, về lịch sử, về xuất thân của chúng. Giá trị của cổ vật là ở thân phận. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa một món đổ cổ và món đồ cũ. Đồ cổ phải có gốc tích, có câu chuyện đi cùng với nó hàng trăm năm, hàng nghìn năm. Còn nếu không nó chỉ là thứ không hồn, không cốt, trơ trọi, cũ kỹ mà thôi” - nhà sưu tầm cổ vật Lê Ngọc Sơn - người sáng lập mạng lưới chia sẻ.

Có niềm đam mê đồ cổ từ nhỏ, anh Phạm Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng là một nhà sưu tập cổ vật lâu năm của mạng lưới, và có tiếng trong giới chơi cổ vật. Anh Đồng đã sở hữu cho mình hàng trăm chiếc đồng hồ cổ và nhiều bức tượng cổ quý hiếm.

“Mỗi cổ vật là một tác phẩm nghệ thuật mà người xưa thả hồn mình vào trong đó. Tác phẩm ấy giúp cho ta hiểu hơn về văn hoá, về phong tục tập quán của cha ông. Sự tích mà cổ vật đó thể hiện, dấu ấn thời gian mà nó lưu giữ càng làm chúng ta khâm phục hơn tài năng trác tuyệt của những nghệ nhân” - anh Đồng chia sẻ.

Có bao nhiêu món đồ cổ từ châu Âu về Việt Nam mỗi năm?

Mạng lưới chơi đồ cổ Đức và Châu Âu ban đầu được hình thành ở nước ngoài, sau đó mới kết nối với những người ở Việt Nam. Không đặt nặng vấn đề về số lượng hay việc mua-bán, mục tiêu chính của Mạng lưới là tạo ra sân chơi trao đổi tri thức về đồ cổ, gắn kết những người thực sự yêu thích, thực sự muốn sưu tầm cổ vật đích thực.

Buôn đồ cổ từ Châu Âu về Việt Nam: Bất ngờ với những món hàng độc-2

Những món đồ cổ được sưu tầm, nhập về Việt Nam với giá cũng không quá đắt 

“Việc có mạng lưới kết nối giữa những người chơi cổ vật Châu Âu có ý nghĩa lớn, tạo mối liên hệ giữa các cá nhân, quy tụ những người chơi có hiểu biết mang tính đẳng cấp về trình độ chuyên sâu và tính cách riêng trong nghiên cứu đồ cổ” - nhà khảo cổ Nguyễn Ngọc Chất chia sẻ.

Hiện tại mỗi tháng, mạng lưới này đưa về Việt Nam khoảng 120-150 món đồ. Tuy nhiên, không phải là không có những khó khăn nhất định trong sưu tầm cổ vật.

“Có những lần hẹn đến mua xong người bán lại đổi ý, rồi cạnh trạnh khốc liệt giữa những người sưu tầm với nhau. Mặt khác, vận chuyển về nước đôi khi cũng gặp sự cố ngoài ý muốn. Đã từng có vụ tôi gửi cái đèn dầu cổ 400 năm về Việt Nam mà bị đóng gói sơ sài nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính nguyên trạng của nó.” - anh Lê Ngọc Sơn cho biết.

Nhà sưu tầm trẻ tuổi này cũng cho biết những trăn trở về câu chuyện chơi đồ tại Việt Nam. Theo đó, thị trường đồ cổ trong nước hiện đang rất phức tạp. Người chơi dễ bị đánh lừa bởi vẻ ngoài hào nhoáng của các món đồ, cùng chiêu trò thổi giá của người bán. Trong khi đó, trình độ để thẩm định giá trị của món đồ cổ thực sự với nhiều người vẫn còn hết sức khó khăn.

Đó cũng chính là lý do, Mạng lưới chơi đồ cổ Đức và Châu Âu chưa tiến hành mở cơ sở tại Việt Nam dù điều đó chắc chắn thuận lợi cho việc vận chuyển. Nhưng đánh đổi cho sự tiện lợi này có lẽ là không đáng với việc dễ bị đánh đồng với sự hỗn loạn kể trên của thị trường.

Theo Dân trí


đại gia

đồ cổ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.