Cá rồng châu Á và chuyện ly kỳ 'báo trước hiểm họa' khiến giới siêu giàu chi tiền tỷ săn lùng

Bị hấp dẫn bởi chuyện ly kỳ cá rồng nhảy vọt khỏi bể nước để cảnh báo chủ nhân về rủi ro kinh doanh

Bị hấp dẫn bởi chuyện ly kỳ cá rồng nhảy vọt khỏi bể nước để cảnh báo chủ nhân về rủi ro kinh doanh, nhiều đại gia sẵn sàng chi tiền tỷ để sở hữu loài cá quý hiếm này.

Chi tiền tỷ ‘săn’ cá rồng, phẫu thuật thẩm mỹ cho cá cưng

Du thuyền, biệt thự hay máy bay phản lực giờ đây đã trở thành những thứ quá đỗi bình thường với giới siêu giàu. Theo CNBC, giới tinh hoa châu Á gần đây có niềm khát khao mới mang tên “cá rồng”. Họ sẵn sàng chi số tiền không nhỏ để sở hữu loài cá quý hiếm này.

Cá rồng châu Á và chuyện ly kỳ báo trước hiểm họa khiến giới siêu giàu chi tiền tỷ săn lùng-1

Cá rồng châu Á có thân hình cong mềm mại tựa như rồng, bộ vảy sáng lấp lánh. (Ảnh: CNBC)

Với thân hình cong mềm mại và bộ vảy lấp lánh, cá rồng châu Á là một trong những loài thủy sinh đắt nhất thế giới, được cho là có giá lên tới 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng). Tuy không phải con nào cũng có giá bạc tỷ, nhưng một con cá rồng con ở Singapore được bán với giá 300 USD (7 triệu đồng), cá rồng bạch tạng trưởng thành có giá từ 70.000 USD (1,6 tỷ đồng) trở lên.

Cá rồng không phải loại cá cảnh phổ biến. Chúng được lai tạo ở Đông Nam Á và có thể dài khoảng 90cm. Một số người “cuồng” cá rồng tới mức chi hẳn tiền phẫu thuật thẩm mỹ cho cá cưng. Họ sẵn sàng bỏ ra 90 USD (2 triệu đồng) để nâng mí mắt và 60 USD (1,4 triệu đồng) độn cằm cho con cá của mình.

Nhiều người tin rằng cá rồng mang lại may mắn và sự giàu có. Không chỉ vậy, họ còn bị hấp dẫn bởi những câu chuyện ly kỳ như cá rồng hy sinh tính mạng, nhảy vọt ra khỏi bể nước để cảnh báo chủ nhân về các phi vụ làm ăn rủi ro và nhiều mối nguy hiểm khác.

'Cá tặc' lộng hành, sẵn sàng giết người cướp cá

Cá rồng trong tự nhiên gần như đã bị tận diệt. Nó nằm trong danh sách được bảo vệ bởi Đạo luật Các loài nguy cấp (Endangered Species Act) của Mỹ. Năm 1975, 183 quốc gia ký hiệp ước phân loại cá rồng là loài quý hiếm và cấm buôn bán quốc tế đối với loài cá này.

Hiệp ước này bỗng chốc biến cá rồng thành một mặt hàng xa xỉ. Nỗi ám ảnh cá rồng kéo theo thị trường chợ đen phát triển mạnh và tình trạng bạo lực gia tăng ở một số nơi.

Singapore, vốn tự hào là một trong những nơi có tỷ lệ tội phạm thấp nhất, từng xảy ra 4 vụ trộm cá rồng trong một tuần. Có trường hợp kẻ trộm táo tợn đấm một phụ nữ lớn tuổi để cướp xô cá rồng của người này.

Ở Malaysia cũng ghi nhận trường hợp trộm đột nhập nhà một phụ nữ và đánh cắp 5 con cá rồng. Trường hợp khác, một chủ cá bị kẻ gian sát hại dã man. Tại các cuộc thi sắc đẹp dành cho cá, người ta thậm chí phải bố trí các vệ sĩ có vũ trang để hộ tống các giống cá quý hiếm.

Các quy định liên quan đến cá rồng được nới lỏng vào cuối những năm 1980, cho phép buôn bán cá rồng với điều kiện chúng được sinh sản trong môi trường nuôi nhốt. Doanh số cá rồng nuôi nhốt tăng mạnh đến những năm 2000. Tuy nhiên, năm 2012, giá cá rồng giảm đáng kể do thị trường tràn ngập các loại cá rồng lai tạo. Những người nuôi cá rồng ở Singapore cho biết, giá cá rồng đỏ đã giảm 1/3 kể từ thời điểm đó.

Dẫu vậy, nhu cầu mua cá rồng vẫn rất cao. Theo Công ước về Buôn bán quốc tế các loại động, thực vật nguy cấp (CITES), hơn 200.000 giao dịch mua bán cá rồng được ghi nhận trong năm 2016, gấp 3 lần so với năm 2006. Phần lớn cá rồng được mua từ Indonesia hoặc Malaysia với đích đến là các bể cá ở Trung Quốc.

Theo CNBC/ VTC News


cá rồng

giới nhà giàu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.