Cam sành rụng đầy đường ở Hà Giang

Tác động tiêu cực từ thời tiết khiến hơn 8.000 tấn cam sành tại Hà Giang bị rụng. Không những vậy, đầu ra cho mặt hàng nông sản này cũng đang gặp khó khăn.

Gần đây, một clip ghi lại cảnh cam sành rụng đầy đường tại Hà Giang thu hút sự quan tâm lớn trên mạng xã hội. Hình ảnh hàng nghìn quả cam rụng vàng dưới gốc, bên vệ đường khiến nhiều người xót xa, kêu gọi “giải cứu”.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Giang, lượng cam sành bị rụng trên địa bàn tỉnh lên đến hơn 8.000 tấn.

Hơn 8.000 tấn cam sành bị rụng ở Hà Giang

Sở NN&PTNT Hà Giang cho biết huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình có số lượng cam sành bị rụng nhiều nhất, lần lượt là 7.000 tấn và 1.200-1.300 tấn. Nhiều hợp tác xã và nhà vườn thiệt hại khoảng 30-40%, thậm chí có vườn lên đến 70%.

Nguyên nhân được đánh giá sơ bộ do mưa kéo dài từ ngày 28/1 đến ngày 11/2, đồng thời kèm theo có sương muối. Việc thay đổi thời tiết đột ngột làm cho quả cam bị sốc nước, qua kiểm tra cho thấy một số quả trên cây bị rạn vỏ gây nấm mốc làm cho quả cam bị thối và rụng.

Cam sành rụng đầy đường ở Hà Giang-1

Cam rụng đầy đường ở Hà Giang. Ảnh: L.H.T.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang, cho biết thời tiết bắt đầu ấm lên, chu kỳ xuân hóa của cây bắt đầu. Vì vậy, việc tự điều chỉnh sinh lý của cây để huy động dinh dưỡng cho chu kỳ mới dẫn tới rụng quả.

Đồng thời, một số vườn không nghe theo khuyến cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang, đã tự ý để quả bán muộn với mục đích được giá cao. Tuy nhiên, không may gặp phải thời tiết xấu.

Vị giám đốc sở bác bỏ thông tin người dân bón nhiều phân kali dẫn đến cam bị rụng như một số bình luận trên mạng xã hội. Gia đình ông Vinh cũng trồng cam và ông khẳng định “không người dân nào dám bón nhiều phân kali” vì chi phí rất cao.

Sở NN&PTNN Hà Giang đã đề nghị UBND huyện Bắc Quang, Quang Bình chỉ đạo các chủ vườn khẩn trương dọn sạch toàn bộ số cam bị rụng khỏi khu vực vườn, đào hố chôn xử lý bằng vôi và chế phẩm để tránh ảnh hưởng đến môi trường. Sau đó, mua vôi bột rắc lên mặt vườn.

Các vườn khi tiêu thụ cũng cần thu hoạch theo hình thức tỉa quả theo cây để tránh gây áp lực về dinh dưỡng khi cây vào chu kỳ ra hoa, đậu quả dẫn đến hiện tượng rụng quả.

Sức mua giảm mạnh, cam sành chờ “giải cứu”

Cũng theo Sở NN&PTNT Hà Giang, việc tạm đóng cửa biên giới khiến xe vận chuyển hàng hóa 2 chiều không có, dẫn đến sức tiêu thụ cam sành giảm mạnh. Chị Đ. - một người ở Hà Giang - cho biết năm nay lượng xe tải chở cam từ Hà Giang đi bán ít hơn hẳn.

Trong khi đó, giá bán cam tại vườn chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg, một số vườn cam đẹp, ngon hơn thì giá 8.000-9.000 đồng/kg.

"Cam của Hà Giang không xuất sang Trung Quốc mà chỉ tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, nếu như các cửa khẩu không bị ảnh hưởng bởi dịch cúm virus corona thì các xe container chở hàng qua biên giới khi quay đầu sẽ tiện chuyến mua cam để đưa vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ", Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Giang ông Nguyễn Đức Vinh nói.

Việc cả nghìn tấn cam sành rụng ồ ạt đã gây thiệt hại lớn cho bà con. Chính quyền địa phương các huyện chịu ảnh hưởng đang tìm đầu ra cho nông dân để đẩy nhanh thu hoạch diện tích cam còn lại.

Cam sành rụng đầy đường ở Hà Giang-2

Việc tiêu thụ cam sành hỗ trợ nông dân gặp nhiều khó khăn. Ảnh: FB Nguyen Nga.

Một số tổ chức, cá nhân cũng bày tỏ sẵn sàng “giải cứu” cam sành. Tuy nhiên, việc đưa cam sành từ Hà Giang về Hà Nội gặp nhiều khó khăn và tốn nhiều chi phí. Một người bán nói vì “đường xá xa xôi” nên chuyển từ vườn rừng ra chỗ bán, lại về Hà Nội mất khoảng 2 ngày rưỡi.

Trong chuyến công tác Hà Giang của mình, chị Nguyễn Nga đã chở về hàng trăm kg cam sành (con số cụ thể không được tiết lộ) về để ăn và bán. Với ai tự đến lấy, chị Nga bán 14.000 đồng/kg và 16.000 đồng/kg nếu ship từ 10 kg trở lên.

Theo chị Nga, hành động này một phần hỗ trợ người trồng cam tiêu thụ nông sản, đồng thời người tiêu dùng có cơ hội thưởng thức cam sành Hà Giang với giá rẻ.

Hiện tại, cam sành Hà Giang đang rất ngọt nhưng nếu không bảo quản tốt sẽ nhanh hỏng. “Mưa cả tuần, vỏ cam sũng nước giờ lại nắng nồm nên rất dễ mốc, dù ruột vẫn rất ngọt”, chị Nga nói.

Người bán này cho rằng cần để cam trong tủ lạnh, kiểm tra thường xuyên. Với những quả có dấu hiệu, nên vắt lấy nước đựng vào trong chai.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://news.zing.vn/cam-sanh-rung-day-duong-o-ha-giang-post1047532.html

cam sành


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.