Cây cảnh gắn bằng nhựa, đinh tái xuất dịp gần Tết

Yêu cây cảnh, chị Hạnh Hoa (Ba Đình, Hà Nội) đã chi 250.000 đồng mua một chậu hải đường bé xinh. Tuy nhiên, hàng về tới nhà, chồng chị phát hiện 2/3 nụ hoa trên cây gắn nhựa.

Yêu cây cảnh, chị Hạnh Hoa (Ba Đình, Hà Nội) đã chi 250.000 đồng mua một chậu hải đường bé xinh. Tuy nhiên, hàng về tới nhà, chồng chị phát hiện 2/3 nụ hoa trên cây gắn nhựa.

Nhìn những nụ hoa được gắn lên thân cây thật dần rời ra, cuống trơ nguyên lớp keo và đinh, chị Hoa chia sẻ: "Tiếc tiền thì ít mà ấm ức thì nhiều. Mua của hàng rong, giờ có muốn tìm chủ hàng để nói phải trái một câu cũng không được". Song chị Hoa không phải là khách hàng duy nhất gặp sự cố cây gắn nhựa nói trên.

Chiều 27/1, anh Lê Vượng (Hà Đông, Hà Nội), thành viên một hội thích trồng cây trên mạng xã hội cũng chụp lại ảnh rổ hoa và nụ hải đường đầy ắp bên cạnh thân cây xanh tươi nhằm cảnh báo bạn bè nên cảnh giác khi mua cây cảnh ngày cuối năm. Anh Vượng chia sẻ, sáng cùng ngày, vợ anh mua chậu hoa này từ một hàng rong trên đường. Chủ hàng hét giá 200.000 đồng nhưng sau vài câu mặc cả đã đồng ý bán lại cây với giá chỉ 80.000 đồng.

Thấy cây hải đường khá đẹp, lá xanh lại nhiều nụ, nhiều hoa nên anh Vượng sinh nghi, kiểm tra mới phát hiện toàn bộ số hoa, nụ đều được gắn bằng keo và đinh. "Tiếc mà không làm gì được, chỉ biết rút kinh nghiệm", anh Vượng ngậm ngùi. 

Tại Hà Nội, mốt chơi cây cảnh trồng trong chậu đã thịnh hành từ nhiều năm nay, đặc biệt vào dịp Tết. Các năm trước, những loại cây được yêu thích, đắt hàng trong dịp Tết là mai trắng, mai đỏ, đào Nhật Tân... Sang tới năm nay, thị trường phong phú, đa dạng hơn về kiểu cách lẫn giá bán nhờ sự xuất hiện của nhiều loại cây mới trồng trong chậu như trà, quất, hồng cổ, hải đường...

Cây cảnh gắn bằng nhựa, đinh tái xuất dịp gần Tết
Chậu hải đường có nụ hoa gắn bằng nhựa được khách hàng mua về với giá 80.000 đồng. Theo chia sẻ của nhiều chủ hàng, hải đường là loại cây bị "làm giả" nhiều nhất năm nay.y. Ảnh: NVCC.

Giá các loại cây cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) rất đa dạng, loại chục nghìn đồng cũng có, vài chục triệu cũng có. Anh Tuấn Anh, chủ cửa hàng cây, cá cảnh trên phố này cho biết, còn khoảng 3 tuần nữa mới đến Tết nên hiện tại, giá bán nhiều loại cảnh vẫn ổn định, gần Tết mới tăng. Thông thường, đào, mai, quất sẽ đắt nhất, khoảng 500.000-600.000 đồng đến vài triệu đồng/chậu. Cá biệt có những chậu được đầu tư cầu kỳ giá bán lên tới 10-20 triệu đồng. Các loại hồng cổ, trà, hải đường là hàng bình dân nên rẻ hơn. 

Cũng theo chủ hàng, những ngày gần đây, các loại cây giá rẻ được khách hàng tìm mua nhiều hơn hẳn hàng có giá "sang chảnh" như đào, quất, mai. Bán chạy nhất là hải đường và trà với sức tiêu thụ khoảng 20-30 chậu cây/ngày, gấp 10 lần ngày thường trong năm và gấp đôi các loại cây cảnh khác. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều chủ hàng và khách chơi cây, hải đường cũng là loại cây được "làm giả" nhiều nhất năm nay, đặc biệt là dòng hải đường trồng trong chậu bán sẵn.

Chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng hoa đầu phố Hoàng Hoa Thám cho biết, nhờ giá cả vừa túi tiền, thế cây lại đẹp, nụ hoa thắm đỏ tròn đầy, tượng trưng cho sự may mắn trong năm mới nên hải đường hiện là một trong những loại cây cảnh bán chạy vào mùa Tết. "Ăn theo" mốt chơi cây cảnh nhỏ được ưa chuộng trong năm nay, mấy chục chậu hải đường mini được chị Lan nhập từ đầu tháng về đã bán hết với giá 200.000-350.000 đồng/chậu. Hiện, cửa hàng chỉ còn lại những cây to, giá bán đắt hơn, khoảng 500.000-700.000 đồng/chậu.

Cây cảnh gắn bằng nhựa, đinh tái xuất dịp gần Tết
Một cây hải đường xịn có giá bán trung bình 200.000-350.000 đồng.   Ảnh: Diệp Sa.

"Giờ tìm hải đường nhỏ mà có nhiều hoa ở phố này cũng khó vì ngoài hàng nhà tôi thì các hàng khác cũng hết cả rồi. Còn nếu mua của hàng bán rong, khách cũng nên cẩn thận để tránh gặp phải hàng giả. Giá hải đường nhỏ trồng chậu rẻ hơn đào, quất nhưng không thể xuống tới mức chỉ vài chục nghìn một cây. Mua ở cửa hàng, khách còn được bảo hành cây chứ mua ở hàng rong mà gặp cây giả là xác định mất luôn", chị Lan thẳng thắn.

Nói về mánh khóe làm hải đường giả, chị chủ cũng là cử nhân ĐH Nông nghiệp, cho biết, do các hàng bán rong chỉ xác định "lấy lãi 1 lần" nên thường bất chấp chiêu trò để bán được cây với giá cao. Cây bonsai muốn sai hoa, quả, nụ, thường phải là cây ghép hoặc cây giống, được chăm sóc trong điều kiện đặc biệt với các loại phân bón, đất, nước phù hợp từng giai đoạn. Do đó, giá bán của những loại cây này không hề rẻ, chưa kể nếu ở dạng bonsai được tạo dáng, thế, giá thậm chí còn lên tới hàng chục triệu đồng. 

Tuy nhiên, với cây cảnh giả thì người bán không cần mất công đến vậy. Với hải đường, chủ hàng thường lấy thân của cây bạch thiên hương (lá tương tự như hải đường nhưng nhỏ hơn, màu xanh đen) rồi gắn nụ, gắn hoa hải đường vào. Khách mua nếu không sờ tận tay, thậm chí không bứt thử hoa, nụ sẽ rất khó phát hiện.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.