Cơn sốt cau non: Từng lỗ 700 triệu đồng vì thương lái Trung Quốc ngừng lấy hàng

Làm nghề này rất bấp bênh vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái Trung Quốc.

Làm nghề này rất bấp bênh vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái Trung Quốc. Năm 2013 tôi cũng từng lỗ 700 triệu đồng vì tồn hơn 50 tấn cau sấy khô do thương lái Trung Quốc ngừng lấy hàng.


Cau non sau khi được sấy khô chờ đóng bao xuất sang Trung Quốc

Cau non sau khi được sấy khô chờ đóng bao xuất sang Trung Quốc

Lùng sục khắp nơi tìm cau non

Thời gian gần đây, các thương lái ở Khánh Hòa đã có dịp “ăn nên làm ra” nhờ nghề đi thu mua cau non. Để có cau non cung ứng cho các đại lý, các thương lái lùng sục khắp nơi để tìm nguồn hàng.

Theo các thương lái, thu nhập nghề mua cau tùy thuộc vào nguồn hàng mua được nhiều hay ít. Nếu ai mua được nhiều thì kiếm được 8-10 triệu đồng/tháng, người nào ít hơn thì 4-6 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Thanh Minh (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), một thương lái mua cau cho biết, bình quân mỗi tháng ông thu mua được khoảng 1 tấn cau non, lãi khoảng 10 triệu đồng. “Thấy đi mua cau có ăn, tôi chuyển sang đi mua cau cũng đã được một thời gian. Ngày nào tôi cũng đi đến các vườn cau ở Nha Trang, Diên Khánh… để hỏi mua”, ông Minh cho biết.

Ông Nguyễn Quốc Chí, một chủ cơ sở thu mua cau non trên QL1A, đoạn qua xã Diên Thạnh (huyện Diên Khánh), cho biết, sở dĩ giá cau tăng mạnh là vì thương lái Trung Quốc đang cần một lượng lớn cau non để sản xuất kẹo cau xuất sang các nước Đông Nam Á.

Cận cảnh cau sấy khô ở huyện Diên Khánh, Khánh Hòa
Cận cảnh cau sấy khô ở huyện Diên Khánh, Khánh Hòa

 “Nhiều người nói thương lái Trung Quốc thu mua cau non là gây hại cho chúng ta, nhưng thực tế không phải. Chúng tôi có loại kẹo cau này, ăn rất thơm họng, mát và rất ngon”, ông Chí nói. Để minh chứng, ngay lập tức ông Chí đã trưng ra cho chúng tôi xem một bịch mà ông gọi là kẹo có in chữ Trung Quốc. Ông này khẳng định đó là loại kẹo cau được sản xuất từ cau sấy khô.

Gói này thương lái gọi là kẹo cau sản xuất từ cau khô
Gói này thương lái gọi là kẹo cau sản xuất từ cau khô

Theo các chủ đại lý thu mua cau non ở huyện Diên Khánh, cau non sau khi nhập tại đại lý sẽ được một chủ đầu nậu ở Hải Phòng mua lại rồi chuyển đến xã Diên Bình để sấy khô bán sang Trung Quốc. Hiện nay “lò” sấy này đang tạo việc làm cho gần chục người, với mức lương 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Lê Thị Mai (thôn Lương Phước, xã Diên Bình), cho biết, công việc hàng ngày của chị ở lò sấy cau là thực hiện việc tách cau non ra khỏi buồng. “Mỗi ngày tôi tách được 10-12 bao tải (loại 40kg/bao - PV). Nhờ nghề vạch trái cau mà tôi kiếm được trung bình 3 triệu đồng/tháng”, chị Mai chia sẻ. Theo chị Mai, do công việc nhẹ nhàng nên nhiều người lớn tuổi đang làm ở đây.

 Thấp thỏm lo thương lái Trung Quốc ngừng lấy hàng

Theo một số người làm công ở lò sấy, hiện lò này có 2 lò hấp, 4 sàn sấy, mỗi sàn dài 15-20m. Theo đó, cau non sau khi được tách ra khỏi buồng thì đưa vào lò hấp chín rồi sấy khô.

Hiện nay các chủ nậu có thể thực hiện việc sấy cau bằng 2 cách, hoặc sấy bằng lò hơi hoặc bằng lò than (than đá). Bà Đồng Thao (xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), chủ lò sấy cau nói trên cho biết, cau luộc chín sẽ được sấy nguyên quả và sấy liên tiếp 5 ngày mới có 1 mẻ ra lò.

“Cứ 6 tấn cau tươi thì sấy còn được 1 tấn cau khô. Giá cau khô hiện khoảng 80.000 đồng/kg”, bà Thao nói và cho biết cau sấy khô được bán cho thương lái Trung Quốc làm kẹo cau.

“Làm nghề này rất bấp bênh vì phụ thuộc hoàn toàn vào các thương lái Trung Quốc. Năm 2013 tôi cũng từng lỗ 700 triệu đồng vì tồn hơn 50 tấn cau sấy khô do thương lái Trung Quốc ngừng lấy hàng. Bây giờ giá cau đang hạ nên tôi cũng mua rất dè chừng”, bà Thao tâm sự.

Lò sấy cau non bằng than
Lò sấy cau non bằng than

Trao đổi với PV Dân trí, Lại Văn Tài, Phó phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, cho biết, thời gian gần đây ông có nghe thông tin thương lái thu gom cau non trên địa bàn để bán sang Trung Quốc. Ông Tài không cho biết cụ thể diện tích cau trên địa bàn là bao nhiêu nhưng khẳng định cau tập trung nhiều ở một số xã như Diên Sơn, Diên Toàn, Diên An…

Theo ông Tài, trước đây cau có giá rất rẻ, người dân chỉ mua cau vào các dịp lễ tết, đám cưới… Giá cau đang tăng, theo ông Tài là “có lợi” cho người dân nhưng phải cần phải thận trọng.

“Cau không phải là cây trồng thiết yếu nên chúng tôi không nắm được giá cả của nó. Tôi có biết giá cau hiện đang tăng và như thế thì sẽ có lợi cho người dân thôi”, ông Tài nhận định.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, người dân không nên thấy cau được giá mà đốn những cây trồng có giá trị kinh tế để trồng cau. Thực tế là, thời gian qua các địa phương đã từng xảy ra nhiều sự việc tương tự như “cơn sốt” cau non ở các tỉnh miền Trung lần này. Đến khi thương lái Trung Quốc đột ngột dừng mua thì người dân mới là người chịu nhiều thiệt hại nặng nhất.

Theo Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.