Dân buôn sim VIP bỏ nghề

Bán cắt lỗ chỉ bằng hai phần ba lúc nhập hàng, vậy mà một số chủ buôn sim số đẹp vẫn còn tồn kho cả trăm triệu đồng tiền vốn.

Bán cắt lỗ chỉ bằng hai phần ba lúc nhập hàng, vậy mà một số chủ buôn sim số đẹp vẫn còn tồn kho cả trăm triệu đồng tiền vốn.

Sau 3 năm hành nghề buôn sim số đẹp, vừa rồi anh Huy, Đại La, Hoàng Mai quyết định chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. "Những sim số đẹp đã trót ôm từ trước, đợt rồi mình đã thanh lý bớt. Số còn lại vẫn túc tắc rao trên mạng nhưng bán rất chậm, cả tháng may ra được một, hai chiếc", anh cho hay.

Nhiều sim từng ôm giá đắt, nay anh phải cắt lỗ với mức bằng hai phần ba khi nhập để thu hồi vốn. "Hiện chỉ những số giá trên dưới một triệu đồng thỉnh thoảng còn có người mua, chứ loại càng đắt, càng khó bán", anh Huy nói.


Nhiều người buôn sim số đẹp chuyển nghề do tình hình kinh doanh ế ẩm. Ảnh: Anh Quân

Theo lý giải của các chủ buôn, kinh tế khó khăn, mọi người đều cắt giảm chi tiêu là nguyên nhân khiến thị trường sim VIP ế ẩm. Anh Hải là một khách hàng từng rất mê săn những số điện thoại đẹp. Đến nay tuy sở thích không thay đổi nhưng giữa lúc làm ăn không suôn sẻ, anh cũng không có nhu cầu bỏ tiền triệu để sở hữu một thuê bao VIP như trước nữa.

"Do là khách quen của nhiều chủ buôn nên tôi thường xuyên nhận được chào mời mua số đẹp của họ. Tuy nhiên, chi vài triệu chỉ để mua một số điện thoại vào lúc này là quá xa xỉ. Đó là không kể, nhiều thuê bao, chủ buôn hét giá lên tới vài chục đến hàng trăm triệu đồng", khách hàng này cho hay.

Trên một số diễn đàn, website rao vặt... nhiều chủ buôn sim số đẹp nghỉ kinh doanh cũng rầm rộ đăng tin thanh lý các thuê bao tam hoa, tứ quý, lộc phát, ngày sinh... "Nếu ai có nhu cầu lấy buôn, số lượng nhiều, tôi sẽ tính giá rẻ hơn", anh Hoàng, đang thanh lý khoảng 200 sim số đẹp cho hay.

Chủ buôn này cho biết, anh làm công việc này từ năm 2008. Do có người nhà làm trong một nhà mạng nên năm 2009-2010, có nhiều tháng, anh Hoàng thu lãi vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, nay thị trường bão hòa, người làm nghề này ngày một đông, cạnh tranh nhiều hơn nên anh quyết định "giải nghệ".

Trong khi đó, những người vẫn đang bám trụ với nghề cho biết, tình hình kinh doanh hết sức ảm đạm. Anh Trường, Cầu Giấy, Hà Nội, chuyên buôn sim VIP 4 năm nay cho biết, từ khi bắt đầu kinh doanh, chưa bao giờ bán hàng lại ế ẩm như hiện nay. Theo chủ buôn này, năm ngoái tình hình kinh doanh bị sụt giảm hai phần ba so với trước đó, thì nay còn thê thảm hơn. Chính vì thế, cửa hàng của anh hiện thu nhập chủ yếu từ việc kinh doanh, sửa chữa điện thoại và bán thẻ.

Từ đầu tháng 4 đến nay, anh Trường mới bán được 6 chiếc sim số đẹp, trong đó chỉ có đúng một số đắt tiền nhất giá 3 triệu đồng. 5 chiếc còn lại chủ yếu là số năm sinh, tam hoa, giá trên dưới một triệu đồng. "Những năm trước, các số tam hoa, chẳng mấy khi tôi bán tiền trăm nhưng bây giờ vẫn phải hạ giá, không thì chẳng có người mua", chủ buôn này cho hay.

Tuy không phải là loại có thể hỏng nhưng kinh doanh ế nên vốn của anh Trường đang tồn hàng trăm triệu đồng. Nhiều thuê bao, anh đã phải bán giá bằng lúc nhập, thậm chí lỗ từ vài trăm đến tiền triệu để thu vốn. "Rất nhiều thuê bao trong số này tôi nhập vào không dưới 6 triệu đồng nhưng mãi chẳng có ai mua. Hiện chỉ thuê bao tầm dưới 1 triệu là dễ bán hơn cả", anh Trường nói.

Những năm trước, khi thị trường còn xôm, không chỉ bán sim trong kho của mình, anh còn xông xáo lùng sim số theo yêu cầu cho khách. Nhưng năm nay lãi lờ chẳng được bao nhiêu, mà tìm được số vừa đúng ý, vừa tầm tiền của khách chẳng dễ nên anh Trường cũng không hào hứng với công việc này.


Theo VNE


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.