Điều chưa biết ở làng trồng nếp đặc sản, bí đao 'khủng' 100kg/quả

Vùng đất Bàu Chánh Trạch (huyện Phù Mỹ, Bình Định) được xem là nơi sản sinh ra các đặc sản xưa nay hiếm ở đất võ Bình Định

Vùng đất Bàu Chánh Trạch (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) được xem là nơi sản sinh ra các đặc sản xưa nay hiếm ở đất võ Bình Định. Đó là bí đao “khổng lồ” có trọng lượng lên đến 100kg/quả và nếp 3 tháng thơm ngon nức tiếng.

Nông dân làng Chánh Trạch 1 và Chánh Trạch 2 (xã Mỹ Thọ) nổi tiếng cả nước vì trồng được giống bí đao “khổng lồ” có trọng lượng trung bình 60kg/ quả, có quả nặng gần 100kg.

“Điều kỳ lạ, giống bí đao được trồng ở làng có kích thước rất lớn. Đến nỗi, một vườn bí cả làng ăn không hết phải mang đến các chợ vừa bán, vừa cho”, nông dân Nguyễn Văn Trung (xã Mỹ Thọ) cho hay.

Theo bà Nguyễn Thị Đảm (68 tuổi, thôn Chánh Trạch 1), giống bí đao này chỉ khi trồng trên đất Bàu Chánh Trạch thì mới cho ra quả to như vậy. Đưa hạt giống đến ươm trồng ở nơi khác thì quả lại có kích thước bình thường.

Người dân cho hay, bí đao đã có từ lâu đời và để có loại nông sản đặc hữu này, phải nhờ vùng đất với thổ nhưỡng kỳ lạ tạo nên. Tại đây, ba bề núi bao bọc, hướng mặt ra biển, đặc biệt bên dưới có được mạch nước ngầm tốt.

Ngoài thu hoạch quả, nước từ thân bí dùng để thanh nhiệt, mát gan trị các loại bệnh thông thường như lang ben, hắc lào.

Bình hoặc bao ni lông sẽ được đặt ở nơi thân cây bí để lấy nước.

Để tạo ra bí đao “khổng lồ”, mỗi dây bí nông dân chỉ để duy nhất 1 trái và “thúc” chúng lớn bằng cách đầu tư mạnh chất dinh dưỡng có sẵn từ địa phương như: phân chuồng, xác bánh dầu (xác ép dầu phộng) trong vòng 5 tháng liền.

Bí đao “khổng lồ” ở Bàu Chánh Trạch có lẽ là đặc sản “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay đến nay vẫn chưa có một chỗ đứng thương hiệu, để khích lệ người dân phát triển và gìn giữ giống bí kỳ lạ này. Nông dân đang lo lắng, nếu bí đao có giá thành rẻ thì họ sẽ chuyển sang trồng cây trồng khác.

“Vợ chồng tôi già rồi nên không còn sức để khiêng những quả bí đao đó vào nhà được. Vụ rồi, bí cho quả lớn quá, ông nhà tôi phải thuê nhiều người về để chuyển bí vào nhà”, bà Trương Thị Nguyệt (60 tuổi) cho hay.

Vì trọng lượng quá “khủng” nên bí đao được nông dân ở Bàu Chánh Trạch níu giữ bằng võng tự chế.

Ngoài bí đao, Bàu Chánh Trạch có một loại đặc sản khác cũng khá nổi tiếng là nếp 3 tháng. Cái tên này xuất phát từ việc nếp chỉ làm một vụ trong năm, thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến đầu tháng 8 (âm lịch). Đến nay, nếp 3 tháng của Bàu Chánh Trạch đã theo chân người dân sang đến tận trời Tây, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản. Bàn về độ thơm ngon của nếp Chánh Trạch, nhiều người bảo: “Chỉ một nhà nấu xôi, cả làng đều thơm nức mũi”.

“Trồng nếp 3 tháng rất tốn công, việc làm mạ và cấy, đòi hỏi người nông dân phải kỹ lưỡng thì nếp mới mang lại hiệu quả cao. Ngoài bón phân hợp lý, phải thường trực theo dõi, xử lý kịp thời khi có sâu bệnh. Nhờ sự cần cù của nông dân cộng với thổ nhưỡng thích hợp đã sản sinh ra loại đặc sản thơm ngon”, bà Nguyễn Thị Hà (45 tuổi) chia sẻ.

 

Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.