Sau “bún mắng, cháo chửi”, Hà Nội lại ngao ngán vì có thêm “hotdog chửi”, “buffet lẩu nướng chửi”... Điều này chứng tỏ văn hóa ứng xử giữa nhà hàng với thực khách cần được nhìn nhận, xem xét lại.
Các xung đột dẫn đến chuyện chủ quán chửi khách “vuốt mặt không kịp” đa phần đều bắt nguồn từ một lý do đơn sơ. Thời đại internet phát triển, nhiều người có thói quen sau khi đi ăn về lại đăng lên facebook thông tin địa điểm, viết lại những trải nghiệm về hương vị món mới, đánh giá về không gian quán ăn, chất lượng phục vụ... để bạn bè, lẫn những người yêu ẩm thực biết đến. Tuy nhiên, nếu nhận xét ấy không phải lời khen ngợi, họ phải gánh cơn lôi đình của chủ quán, thậm chí chủ quán còn kéo đông thêm nhân viên vào “đổ thêm dầu”.
Khi “Thượng đế” không kịp vuốt mặt
Những ngày gần đây, mạng xã hội “nóng” bởi chuyện một cô gái trẻ mua hotdog (bánh mì xúc xích) tại một cửa hàng trên phố Hàm Long, Hà Nội về ăn và đăng ảnh vào album đồ ăn của riêng mình trên Facebook kèm một đoạn cảm nhận ngắn.
Văn hóa ứng xử giữa nhân viên nhà hàng với thực khách cũng cần được nhìn nhận, xem xét lại (ảnh minh họa) |
Đoạn cảm nhận không tỏ rõ thái độ chê bai, nhưng cô gái cũng nêu những nguyên nhân khiến cô không thấy ngon: “Ngoài xúc xích kẹp giữa bánh mì ra còn có một phần tám quả bơ cắt lát phủ một dải bên trên, nhưng thêm bơ nó cũng không có gì đặc sắc thêm lắm”, kèm lý giải “có thể bình thường mình cũng không đặc biệt thích bơ”.
Cô cũng đề cập một nguyên do khác khiến cô không thích “bánh mì ruột cũng hơi khô, xúc xích bình thường không có gì đáng kể” và kết đoạn bằng việc nói đến nỗi nhớ một hàng bán hotdog khác cũng ở Thủ đô.
Việc tưởng như là bình thường, bởi mỗi người một khẩu vị. Nhưng đoạn nhận xét này đến tai chủ quán khiến chuyện “bé xé ra to”. Vợ chồng chủ quán chia sẻ ngay đoạn nhận xét về trang cá nhân của mình, cùng nhân viên phản pháo lại bằng những lời lẽ gay gắt. Một “cuộc chiến” lời lẽ từ đó được nổ ra, không chỉ người review (nhận xét) bị chửi tới tấp mà những người vào bình luận bênh vực người nhận xét cũng bị nhà chủ quán cho phiền lòng.
Người được cho là ông chủ của cửa hàng còn dọa dán ảnh khách lên cửa, cấm phục vụ tại cửa hàng. Thay vì mất một khách, hoặc cư xử điềm đạm để nhận ra vấn đề, coi đó là cơ hội cải thiện quán tốt hơn, chủ quán lại tiếp tục mất rất nhiều khách hàng tương lai.
Trường hợp đôi co thiếu văn minh giữa chủ quán và khách như trên không phải là trường hợp hy hữu. Một khách hàng sau khi dùng bữa tại một nhà hàng lẩu nướng ở Thanh Xuân, Hà Nội và đăng tải những bình luận không mấy tích cực về chất lượng món ăn, phong cách phục vụ của nhân viên nhà hàng lên Lozi - cộng đồng chia sẻ trải nghiệm về địa điểm dành cho các bạn trẻ Việt Nam cũng nhận được phản ứng tương tự.
Những tưởng với một lời nhận xét chân thành bình thường, chỉ mang tính tham khảo cho người đã đến và có dự định đến trải nghiệm thì khách hàng lại ngỡ ngàng khi bị một chủ tài khoản vào mạt sát, đe dọa với những lời thô tục không thể chấp nhận. Nhiều người tin rằng nhân vật thích gây hấn kể trên chính là chủ của chuỗi nhà hàng này.
Khen chê là lẽ thường tình
Đánh giá về hiện tượng này, Tiến sĩ Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học ứng dụng nói: “Thuận mua vừa bán là giao dịch dân sự, câu chuyện chủ nhà hàng đôi co với khách trên mạng xã hội là hành vi dân sự, tuy nhiên, họ cần tuân thủ những nguyên tắc về văn hóa”. Tiến sĩ Nhạc Phan Linh phân tích cụ thể: “Hà Nội đã ban hành “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng”, trường hợp khách hàng viết nhận xét trên mạng cũng cần cân nhắc kỹ nên viết trên trang cá nhân, gửi riêng nhận xét hay viết thẳng trực tiếp trên trang của nhà hàng là phù hợp”.
Khen chê là lẽ thường tình, khách hàng văn minh là khách hàng giữ được bình tĩnh với quan điểm cá nhân của mình, góp ý trên tinh thần xây dựng để nhà hàng tốt hơn. Khi nhà hàng nhận được lời chê cần rút kinh nghiệm, bởi đôi khi lời chê thẳng thắn đó là sự quan tâm của khách hàng. Đồng thời, đó là cơ hội để nhà hàng đổi mới, nâng cấp, hoàn thiện hơn. Nếu nhà hàng phản ứng thái quá, phản ứng ngược sẽ thu được hậu quả khó lường. Mà hậu quả đáng tiếc nhất là cộng đồng bất bình và tẩy chay.
Nhìn lại, những người kinh doanh dịch vụ ẩm thực không nằm lòng nguyên tắc không đôi co với thực khách, tỏ thái độ không đúng mực kia, liệu nhà hàng của họ sẽ tồn tại được bao lâu? “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” tưởng chừng như câu đã quá quen thuộc với tất cả, song, không phải ai cũng biết nhớ và áp dụng khi cần.
Theo An ninh Thủ đô