Kiếm 500 tỷ đồng từ Facebook, Google nhưng ‘quên’ thuế

Những cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh.

Những cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh.

Cục Thuế TP.HCM vừa quyết định truy thu và phạt một cá nhân số tiền 4,1 tỷ đồng, do trong hai năm 2016 và 2017 nhận hơn 41 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube… nhưng không kê khai và nộp thuế.

Cá nhân này viết chương trình trò chơi được tải nhiều trên mạng. Google, Facebook, YouTube đã chạy quảng cáo trên các chương trình này và trả hơn 41 tỷ đồng trong hai năm.

Sẽ còn nhiều đối tượng bị “sờ gáy”

Đây là lần đầu tiên một cá nhân nhận thu nhập từ nước ngoài bị truy thu thuế với số tiền lớn như vậy. Tuy nhiên, ngành thuế cho biết đã bắt đầu phát hiện thêm nhiều trường hợp nhận tiền khủng từ Google, Facebook... nhưng không khai thuế.

Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, khẳng định: Không chỉ có 1-2 cá nhân nhận vài chục tỷ đồng từ Facebook, Google, YouTube... mà con số còn lớn hơn nhiều.

Chỉ qua rà soát tại bốn ngân hàng đã phát hiện có tới hơn 500 tỷ đồng được các tổ chức trên chuyển trả cho hàng nghìn cá nhân tại Việt Nam. Trong đó có người nhận vài chục triệu, có người nhận hàng tỷ đồng.

Điều này cũng có nghĩa không chỉ có cá nhân, doanh nghiệp trong nước trả tiền quảng cáo cho Facebook, Google, YouTube... mà tổ chức này cũng trả số tiền rất lớn cho các cá nhân, doanh nghiệp tại Việt Nam.

Ví dụ, một cá nhân có hộ khẩu tại tỉnh Quảng Nam, tạm trú ở TP.HCM được Facebook, Google, YouTube... trả khoản tiền ước tính 20-30 tỷ đồng nhưng chưa kê khai nộp thuế. Khi cơ quan thuế mời đến làm việc thì cá nhân này không còn ở địa chỉ tạm trú. Do vậy cơ quan thuế đã gửi thông tin cho Cục Thuế tỉnh Quảng Nam để tiếp tục xử lý.

“Luật Quản lý thuế đã nêu rõ cá nhân có kinh doanh thì phải tự giác kê khai, nộp thuế chứ không quy định riêng cho các thu nhập từ mạng xã hội. Nhiều cá nhân chưa ý thức được nghĩa vụ của mình nên không kê khai. Cơ quan thuế có trách nhiệm kiểm tra, rà soát… các trường hợp có khoản thu nhập nhưng không khấu trừ thuế”, ông Bình nói.

Các cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức như Facebook, Google, YouTube… từ 100 triệu đồng  một năm trở lên thì phải nộp thuế.

Đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng cho hay với những trường hợp mà Cục Thuế TP.HCM đã nắm được thông tin thu nhập “khủng” qua tra soát sẽ được chuyển về cho các chi cục thuế tại TP.HCM hoặc các cục thuế khác trên cả nước tiếp tục xử lý.

“Các cá nhân nhận thu nhập từ các tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp vào dạng cá nhân kinh doanh. Theo quy định hiện hành, nếu thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì phải nộp thuế. Mức thuế là 7% trên thu nhập gồm 5% thuế giá trị gia tăng, 2% thuế thu nhập cá nhân”, ông Nguyễn Nam Bình giải thích thêm.

Nên rà soát các khoản tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng

Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho hay tới đây sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát cá nhân, doanh nghiệp trong nước được Facebook, Google, YouTube... trả tiền quảng cáo với số tiền rất lớn.

Ví dụ, có rất nhiều người nổi tiếng, hot facebooker… thu nhập cao từ các trang mạng xã hội, YouTube. Hiện nay, những khoản thu nhập này phần lớn không được kê khai, nộp thuế hoặc nộp thuế không đầy đủ. 

Tuy nhiên, chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cho rằng đây là nguồn thu thuế mà các cơ quan thuế Việt Nam gặp lúng túng về quản lý, rà soát thu trong thời gian qua.

Để khắc phục tình trạng này, ông Sơn cho rằng các cơ quan chức năng trước mắt có thể căn cứ theo Luật Quản lý thuế để đề nghị các ngân hàng kiểm tra lại dòng tiền được chuyển về Việt Nam từ các ông lớn công nghệ như Google, YouTube hay Facebook. Từ đó nắm được thông tin các cá nhân, doanh nghiệp nhận thu nhập khủng từ nước ngoài nhưng không kê khai thuế để có giải pháp phù hợp, tăng nguồn thu thuế.

“Còn với những cá nhân như nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, thu nhập từ quảng cáo nhờ đăng bài viết, clip… thì cũng rất khó quản nếu các cá nhân này nhận tiền mặt. Vì vậy, cơ quan thuế có thể rà soát thu nhập qua các khoản tiền giao dịch qua tài khoản ngân hàng”, ông Sơn nói thêm.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cũng đánh giá cơ quan thuế rất khó kiểm soát được dòng tiền thanh toán từ các công ty có trụ sở tại nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, YouTube, Facebook, hay của cá nhân trong và ngoài nước. Bởi các khoản tiền thanh toán này chủ yếu được thanh toán bằng thẻ tín dụng, một số ít bằng thẻ điện thoại hay ví điện tử.

“Nếu không xác định được tài khoản của các 'chợ' ứng dụng trên thì cơ quan thuế cũng khó có thể xác định tài khoản đích (tài khoản nhận thanh toán) để truy thu. Do đó, ngành thuế cần phối hợp với nhiều cơ quan chức năng mới có thể làm được”, ông Xoa nói.

Chỉ truy thu, phạt 19,5 tỷ đồng với kinh doanh trên mạng

Trong năm 2017, Cục Thuế TP.HCM đã gửi 14.543 thư mời chủ trang bán hàng qua website, Facebook, YouTube, Zalo… để vận động họ thực hiện nghĩa vụ thuế. Từ số liệu này, ngành thuế chỉ xác định được 3.999 trường hợp kinh doanh hàng hóa qua Internet, truy thu và xử phạt 19,5 tỷ đồng. Con số trên được đánh giá là quá khiêm tốn so với thực tế.

Ông Trương Ngọc Hiệp, Chi cục phó Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, cho biết sau khi mời các cá nhân bán hàng trên mạng đến kê khai thuế, hiện nay cơ quan thuế không còn gửi thư mời nữa mà chủ yếu thông báo để các cá nhân tự ý thức đến kê khai thuế. Tuy nhiên, số cá nhân kê khai nộp thuế vẫn chưa đáng kể.

“Trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tiếp tục phối hợp với ngân hàng để rà soát, tăng cường cơ chế phối hợp nhiều hơn để kiểm soát nguồn tiền từ gốc. Qua đó đảm bảo yếu tố công bằng, minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế”, ông Hiệp cho hay.

Theo Pháp luật TP.HCM

 


Thuế thu nhập cá nhân

bán hàng online

bán hàng qua mạng


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.