Làm lông vịt bằng... keo lạ

Vịt sau khi cắt tiết, nhổ sơ lông sẽ được trụng vào chất keo lạ để làm sạch lông con. Việc làm này nhanh gấp 3 lần so với làm thủ công, nhưng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vì không biết trong keo chứa chất gì.

Vịt sau khi cắt tiết, nhổ sơ lông sẽ được trụng vào chất keo lạ để làm sạch lông con. Việc làm này nhanh gấp 3 lần so với làm thủ công, nhưng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, vì không biết trong keo chứa chất  gì.

Sáng 27/8, phóng viên PV có mặt tại khu giết mổ tập trung của chợ TP Cao Lãnh (Đồng Tháp). Phía bên ngoài là dãy hàng bán gia cầm sống, phía trong là khu giết mổ. Bên cạnh những nồi nước sôi để làm lông vịt bình thường là những chảo chứa một loại keo màu đen cũng để làm sạch lông vịt.

10 phút làm sạch lông 3 con vịt

Những con gà, vịt sau khi cắt tiết, trụng vào nước sôi để nhổ lông sơ bộ rồi được nhúng vào những nồi chứa chất keo này, sau đó nhúng vào nước lã. Sau một lúc, lớp keo đông cứng lại và người chế biến chỉ cần lột lớp màng đen bao phủ bên ngoài, toàn thân gia cầm sẽ sạch bong, trông bắt mắt. Tất cả công đoạn này chỉ mất vài phút. So với cách nhổ lông truyền thống bằng tay thì cách làm này nhanh hơn rất nhiều.

Vịt được nhúng vào lớp keo lạ sau đó lột sạch lông con. Ảnh: Trung Dân.

Chị Nguyễn Thị Bích đang làm 5 con vịt cho khách, cho biết, cứ 3kg sáp thì trộn chung với 1kg keo để nấu. Sáp mua 60.000 đồng/kg, còn keo để trộn vào thì 80.000 đồng/kg. Lớp keo sau khi gỡ từ vịt ra tiếp tục được bỏ vào nồi nấu lại, và chỉ cần vớt lông con ra là sử dụng tiếp tục. Chất keo đó gọi là nhựa thông, xuất xứ  từ những lò giết mổ lớn ở TP.HCM, thấy tiện lợi nên nhiều người làm vịt thuê mua về sử dụng.

Anh Nguyễn Văn Dũng, nhân công làm vịt thuê tại khu giết mổ, cho biết giá sáp đèn cầy (vì giống cây đèn cầy, loại keo để làm lông vịt- pv) mua ở chợ Cao Lãnh. Nếu nhổ lông bằng tay 10 phút chỉ được 1 con, còn nhúng keo thì làm được 3 con. Còn chủ tiệm tạp hóa Phương Thảo, cũng không biết gọi đó là cái gì mà chỉ gọi là keo. Có người gởi chị bán và nghe nói lấy ở Sài Gòn. Mấy người trong lò giết mổ đến mua rồi đem nấu để làm lông gà, vịt.

Sơ chế chứ không chế biến

Gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý nhiều vụ liên quan đến việc dùng hóa chất độc hại để làm sạch lông gia cầm một cách nhanh chóng như ở Hải Phòng. Chất cấm đó được xác định là nhựa thông, một loại hóa chất nằm trong danh mục “đen” của Bộ Y tế, cấm đưa vào chế biến thực phẩm trong bất kỳ hình thức nào. Vì trong nhựa thông có đến 70% là colofan, chủ yếu dùng chế biến xà phòng, làm keo trong và công nghiệp chế tạo vi mạch điện tử hoặc chất đốt. Nếu dùng trong chế biến thực phẩm sẽ vô cùng độc hại, là mối nguy cơ gây ra các chứng bệnh nan y đối với người dùng thực phẩm tẩm ướp nhựa thông.

Trao đổi với PV ông Võ Thành Đô, cán bộ Chi cục quản lý thị trường (Sở Công thương Đồng Tháp), cho biết có nghe thông tin người dân dùng chất keo gì đó để làm lông vịt, song chưa xác định là loại gì. Chi cục thú y có phát hiện loại keo đó tại TP. Cao Lãnh, gởi mẫu đi xét nghiệm, nếu kết quả có chứa chất cấm sẽ cấm bán và xử lý nơi bán.

Chi cục thú y (Sở NN-PTNT Đồng Tháp) xác nhận, vừa phát hiện và tịch thu khoảng 1kg keo của người bán dạo ở TP Cao Lãnh và đã gởi mẫu đến Trung tâm phân tích thí nghiệm TP.HCM xem có chứa chất độc, chất cấm hay không. Song ông Võ Trọng Phước, Chi cục phó Chi cục thú y, cho rằng nếu có xảy ra ở địa phương thì chỉ là lén lút. Tuy nhiên, ở chợ Cao Lãnh, việc sử dụng loại keo này rất công khai, thậm chí phóng viên còn được hướng dẫn cách sử dụng, giá cả và nơi bán!. Ông Phước còn cho rằng việc sử dụng nhựa thông, mà cụ thể là chất Colofan không nằm trong danh mục kiểm tra theo quyết định của Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, theo quyết định của Bộ Y tế thì chất này cấm đưa vào khâu chế biến thực phẩm. Nhưng làm lông vịt, theo ông Phước mới chỉ là khâu sơ chế chứ không phải chế biến!.
 

Các hộ dân, hộ giết mổ gia cầm nhỏ, lẻ có sử dụng những chất tương tự như sáp ong nguồn gốc không rõ ràng. Chi cục đã chỉ đạo các trạm thú y ở địa phương lấy mẫu kiểm tra. Nếu phát hiện những hóa chất cấm dụng trong thực phẩm hoặc quá trình giết mổ sẽ xử lý. (Ông Võ Bé Hiền, Chi cục trưởng Chi cục thú y Đồng Tháp)

Theo Đất Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.