Dưới đây là chia sẻ về quyết định đầu tư khoản tiền khá lớn của chị Thùy Dương ở Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cách đây 3 năm:
Tôi và chồng cưới nhau năm 2013. Cả hai vợ chồng đều có công ăn việc làm ổn định, với khoản thu nhập tổng cộng trên dưới 25 triệu đồng/tháng. Sau một năm, chúng tôi có đứa con đầu lòng. Mỗi tháng, vợ chồng tôi tiêu hết 15 triệu đồng cho chi phí sinh hoạt và thuê nhà. Số tiền còn lại, chồng tôi mở tài khoản tiết kiệm online để tự động gửi tiền tiết kiệm mỗi tháng. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn có khoản tiền mừng cưới 200 triệu của hai vợ chồng gửi ngân hàng với dự định, khi tiết kiệm tiền được khoảng 1 tỷ sẽ mua nhà để ở, thoát kiếp đi ở thuê.
Song, ngân hàng lãi suất thấp, gửi 200 triệu/năm mà mỗi năm chỉ được hơn chục triệu tiền lãi, số lãi từ khoản tiền lương tiết kiệm còn được ít hơn vì gửi theo kỳ hạn 1 tháng. Cứ như thế, biết bao giờ vợ chồng chị mới mua được nhà, đó là chưa kể tiền càng để càng mất giá.
Lúc đó tôi nghĩ hay là đầu tư làm ăn gì đó từ khoản tiền tiết kiệm để nhanh sinh lời hơn. Song, chồng tôi gạt phắt đi với lý do, lãi thì không sao, nhỡ lỗ thì mất cả cả chì lẫn chài. Sau đó, tôi cũng không nghĩ gì đến chuyện đầu tư kinh doanh buôn bán vì chồng tôi không muốn mạo hiểm.
Chị Dương đã thu được khoản tiền lớn sau quyết định đầu tư mạo hiểm là rút tiền tiết kiệm đầu tư mua ô tô tải chạy hàng thuê (ảnh minh họa) |
Bẵng đi một thời gian, sang đến đầu năm 2014, khi về Bắc Ninh chơi, thấy tôi than thở chuyện phải đi ở nhà thuê và chắc vài năm nữa vẫn chưa thể mua nhà ở Hà Nội, vợ chồng anh họ tôi liền rủ tôi góp vốn mua xe tải để chuyên chở hàng cho công ty điện tử. Giá xe tải loại cần mua chỉ hơn 450 triệu đồng.
Vợ chồng anh họ tôi nói, chở hàng linh kiện điện tử nên khá nhàn, không hư hại xe như chở vật liệu xây dựng. Trong khi đó, công chở được công ty điện tử trả khá cao, nếu việc đều mỗi ngày 1 chuyến thì sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng có thể dư trên 30 triệu đồng.
Anh chị bảo nếu tôi thích thì góp vốn làm chung, mỗi người chỉ hơn 200 triệu. Tháng nào làm được chia lãi tháng luôn sau khi trừ chi phí thuê lái xe, tiền dầu xe, tiền bảo dưỡng xe,...
Tôi và vợ chồng anh họ thống nhất, tôi góp 200 triệu, còn số tiền còn lại anh chị góp, hàng tháng hạch toán thu chi, nhận đơn hàng như nào anh họ tôi làm hết, coi như tôi chỉ góp vốn. Song, đổi lại, một năm có 12 tháng thì chúng tôi chỉ chia nhau lãi 10 tháng, còn hai tháng anh họ tôi hưởng trọn do góp vốn nhiều hơn và do anh ấy bỏ công sức quản lý các kiểu.
Quyết định làm, sau một tháng chúng tôi có chiếc xe tải để bắt đầu chạy thuê cho một công ty điện tử. Theo đó, tháng đầu tiên sau khi hạch toán chạy thử 20 ngày, chúng tôi để ra được 22 triệu tiền lãi, vì có ngày chở 2 chuyến, có ngày chở 3 chuyến.
Công việc chạy hàng khá đều đặn nên hết năm 2015, tôi thu hồi được lại toàn bộ số vốn bỏ ra đầu tư ban đầu. Coi như lãi được cái xe đang chạy và từ năm 2016 sẽ có khoản thu đều đặn. Lúc đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm, bởi khi đem tiền đầu tư tôi cũng sợ sẽ mất trắng khoản đó.
Đến nay, sau 3 năm, xe tải vẫn chạy chở hàng đều đặn. Lãi cũng thu đều đều hàng tháng với mức trung bình từ 15-20 triệu/tháng, tùy thuộc vào xe chạy nhiều hay chạy ít. Cuối năm 2017 vừa rồi, cộng mấy quyển sổ tiết kiệm của tôi thu được từ tiền xe, tôi có gần 300 triệu đồng, chưa kể tài sản là cái xe đang chung nhau với vợ chồng anh họ.
Cũng may, trong thời gian đầu tư không xảy ra vấn đề gì nên dịp Tết vừa rồi, tôi đã công khai với chồng về việc rút khoản tiền mừng cưới trước đó gửi tiết kiệm để đầu tư vào xe tải chạy hàng và giờ sinh lời được gần 300 triệu đồng.
Chồng tôi tỏ ra bất ngờ nhưng thấy có lãi cao hơn rất nhiều so với gửi tiết kiệm ngân hàng nên cũng hài lòng.
Hiện chúng tôi đang cùng bàn nhau chung vốn mua thêm một chiếc xe tải nữa để chạy hàng vì công ty có nhu cầu tăng thêm xe chuyên chở hàng hóa. Nếu thống nhất được thì tháng tới, chúng tôi sẽ đặt mua thêm 1 chiếc xe tải mới. Và cứ đà làm ăn được như chiếc xe tải thứ nhất thì chỉ 1-2 năm nữa, chúng tôi sẽ mua được một căn hộ chung cư, thoát kiếp đi ở trọ.
Theo VietNamNet