Ngân hàng Nhà nước cảnh báo rủi ro cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

Trước việc nhiều nhà băng cho vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn theo quy định

Trước việc nhiều nhà băng cho vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn theo quy định, NHNN yêu cầu các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là vay cầm cố sổ tiết kiệm.

Mới đây, Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (không bao gồm Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) về việc cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Theo đó, qua quá trình thanh tra, giám sát, NHNN nhận thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là TCTD) cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo rủi ro cho vay cầm cố sổ tiết kiệm-1

Nhằm ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm. NHNN sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm.

Mặt khác, NHNN cũng yêu cầu các TCTD tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt lưu ý đến các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm. Chủ động xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.

Đồng thời, các TCTD cũng được yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ, bao gồm cả quy định cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng, nếu có những khó khăn, vướng mắc, các TCTD phải báo cáo kịp thời cho NHNN để có biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn hoạt động.

Cho vay cầm cố sổ tiết kiệm là hình thức cho vay phổ biến tại các ngân hàng. Hiện nhiều ngân hàng đưa ra những lời chào mời vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm với nhiều ưu điểm như: thủ tục đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, thậm chí không phải chứng minh phương án sử dụng vốn vay; hạn mức lên tới 100% giá trị sổ tiết kiệm và được giải ngân thậm chí ngay trong ngày...

Thực tế cho thấy, việc cầm cố sổ tiết kiệm để vay vốn ngân hàng hiện cũng không hề khó. Ở nhiều ngân hàng, nhân viên còn chủ động đề nghị người gửi tiền cầm cố sổ tiết kiệm để vay. Việc cầm cố sổ tiết kiệm ở một số ngân hàng còn cho khách hàng sử dụng online một cách dễ dàng dưới hình thức đăng ký vay thấu chi mà không quan tâm đến việc khách hàng sẽ sử dụng số tiền vay đó để làm gì.

Tuy nhiên, đã từng xảy ra những vi phạm về việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm gây thiệt hại cho ngân hàng. Trong đó có vi phạm do một số khách hàng có sự móc nối với chính nhân viên ngân hàng liên tiếp quay vòng dòng tiền gửi - vay cầm cố sổ tiết kiệm để hưởng chênh lệch lãi suất.

Do đó, NHNN yêu cầu lãnh đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm.

Theo VietNamNet


ngân hàng

sổ tiết kiệm

ngân hàng nhà nước


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.