Ngân hàng 'nhìn nhau' thu phí ATM nội mạng

Các ngân hàng chưa thu phí ATM nội mạng từ 1/3 đã rầm rộ công bố, bằng cách này hay cách khác. Những đơn vị khác vẫn khá dè dặt, hoặc "nước đôi" dù được "bật đèn xanh".

Các ngân hàng chưa thu phí ATM nội mạng từ 1/3 đã rầm rộ công bố, bằng cách này hay cách khác. Những đơn vị khác vẫn khá dè dặt, hoặc "nước đôi" dù được "bật đèn xanh".

Một số ngân hàng như VPBank, SHB đã thông báo chưa thu phí ATM nội mạng từ 1/3. Còn tại TienPhongBank, một cán bộ cho biết, sẽ “chấp nhận thương đau” để có thêm khách hàng. Các loại phí giao dịch nội mạng và liên mạng của ngân hàng này vẫn được miễn phí và khẳng định việc thu phí nội mạng “không có bất cứ khó khăn gì với ngân hàng nhưng vẫn miễn phí với mục tiêu khuyến khích mở rộng cơ sở khách hàng sử dụng thẻ”. Tại nhà băng này, phí phát hành thẻ ATM là 50.000 đồng/thẻ chuẩn, 100.000 đồng/thẻ VIP, phí thường niên 50.000 đồng/thẻ.

Về danh tính 34 ngân hàng sẽ thu hoặc miễn thu phí ATM, Vụ trưởng vụ Thanh toán Bùi Quang Tiên cho biết các đơn vị này sẽ công khai trên website hoặc có thông báo tại chi nhánh, phòng giao dịch. Với những ngân hàng thu phí, số liệu công khai sẽ là mức phí, loại phí, còn với nhà băng miễn phí sẽ là hình thức áp dụng, thời hạn… Tuy nhiên, đến hôm nay, chưa có nhiều ngân hàng thu phí công khai biểu này trên website. Riêng về tổng tiền thu được sau khi các ngân hàng áp dụng phí rút tiền nội mạng 1.000 đồng/lần, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng như Hội thẻ đều từ chối tiết lộ.

 

Lãnh đạo Hội thẻ ngân hàng cho biết,  với mỗi lần giao dịch qua ATM miễn phí, số tiền ngân hàng bị mất từ 7.000 đồng đến 9.000 đồng, do đó việc thu phí 1.000 đồng cũng phần nào để bù đắp vào khoản này. Ảnh: Lan Anh.

Ông Tiên cho biết, đợt này, sẽ có 2 ngân hàng thương mại nhà nước bắt đầu thu phí. Rục rịch cho kế hoạch thu phí nội mạng từ 1/3, Vietcombank phát đi thông báo cho mức phí nội mạng là 1.100 đồng. Còn các giao dịch bên ngoài như truy vấn số dư là 550 đồng, in sao kê/vấn tin là 550 đồng, chuyển khoản 5.500 đồng, tăng so với trước. Về ý kiến cho rằng phí chồng phí, lãnh đạo Vietcombank cho biết, thực tế, các loại phí mà mức phí đều rạch ròi.

Ông Nguyễn Văn Tuân - Phó tổng giám đốc Vietcombank (Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng) nói, thực tế, việc khuyến mại miễn phí để thẻ ATM thâm nhập thị trường và người dân quen với việc dùng thẻ, chưa loại dịch vụ nào bị hạn chế thu phí như ATM. Sau 5 năm, đề xuất thu phí ATM nội mạng đã được đưa lên, nhưng Nhà nước phải hoãn lại vì lo ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, đồng thời muốn cho “thuận mua vừa bán”, lãnh đạo này bày tỏ.

Trong khi đó, một cán bộ ngân hàng cổ phần khác nằm trong danh sách miễn phí phí rút tiền nội mạng ATM từ 1/3 lại trả lời "nước đôi" khi được hỏi về chính sách này. Vị này cho biết, đang có kế hoạch nhưng cụ thể như thế nào thì sẽ công bố sau. Lo lắng trên là có cơ sở, vì theo vị này, còn phải xem ngân hàng bạn sẽ ngừng thu phí đến thời điểm nào, để tính toán cho hợp lý, cân đối lại.

Chất lượng liệu có là lời hứa?

Không tiết lộ mức tiền sẽ thu về nếu tiến hành thu phí ATM mỗi lần 1.000 đồng, nhưng Chủ tịch Hội thẻ ngân hàng Nguyễn Văn Tuân cho biết, cảm thấy “tự ái” nếu cứ nói mãi về vấn đề thu phí thì chất lượng phục vụ có tốt hơn không. “Có thu hay không thì chất lượng phục vụ khách hàng vẫn phải như thế, vì kinh doanh ngân hàng cũng có cạnh tranh, nếu kém đi là khách sang ngân hàng khác ngay”, ông nói.

Theo tính toán của ông Tuân, mỗi giao dịch ATM sẽ mất từ 7.000 đồng đến 9.000 đồng chi phí. Thu được tối đa 1.000 đồng/lần, số tiền các ngân hàng phải bù khoảng 6.000 đồng đến 8.000 đồng. Trước đó, một vị tổng giám đốc ngân hàng cổ phần cũng đã tính toán chi ly từng khoản phí rót vào vận hành hệ thống ATM và kết luận, phải thu 6.000-7.000 đồng/giao dịch, ngân hàng mới “hòa vốn”. Còn theo chia sẻ của ông Bùi Quang Tiên, trong năm 2012, hoạt động vận hành ATM toàn hệ thống đã lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng.

Vụ trưởng vụ Thanh toán Bùi Quang Tiên cũng có cùng quan điểm. Ông nói, 15 năm nay, các ngân hàng đã bỏ ra lượng phí rất lớn và miễn phí, nay thu để đảm bảo lợi ích chung, tốt hơn. Ông cũng hi vọng, sau ngày 1/3, chất lượng dịch vụ sẽ tăng lên, sự không an toàn trong rút tiền qua ATM được hạn chế. "Nhưng cũng phải nói, việc thu phí nội mạng ATM giống như thu phí bảo trì đường bộ, không đảm bảo 100% khi thu phí thì không còn trục trặc ATM, cũng như không thể nói đã thu phí đường bộ thì đảm bảo không còn ách tắc, tai nạn giảm", lãnh đạo này chia sẻ và nói thêm.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến tái khẳng định, ATM là dịch vụ ngân hàng để cung cấp được cần có chi phí, mức cụ thể đã được công bố. Còn lại, nguồn tiền thu được nếu áp dụng phí trên là bao nhiêu, ông Tiến từ chối bình luận và nói thêm, mức phí tối đa 1.000 đồng/lần đã được cân nhắc, tính toán phù hợp để khuyến khích người dùng, cũng để bù đắp một phần chi phí. "Ở nước ngoài, điều này là quen thuộc và người dân không thắc mắc, nhưng tại Việt Nam, từ việc không thu chuyển sang có thu sẽ có nhiều ảnh hưởng nhưng sẽ làm để đáp ứng lợi ích của cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng, đảm bảo chủ trương giảm tiền mặt và khuyến khích dùng các phương tiện thanh toán khác", ông Tiến bày tỏ.

Giao dịch qua thẻ 2012 gần 235.000 tỷ đồng

Theo thống kê giao dịch qua ATM/POS và thanh toán qua thẻ phát sinh trong quý IV/2012 Ngân hàng Nhà nước công bố, món giao dịch bằng ATM là hơn 132 triệu, với tổng tiền gần 235.000 tỷ đồng, còn qua POS và những thiết bị khác đạt trên 5 triệu món với tổng giá trị hơn 27.600 tỷ đồng. 

Theo Infonet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.