Nhiệt độ xuống thấp, dân buôn online “xả hàng” giữ nhiệt

Đợt rét kỷ lục tại Hà Nội trong những ngày gần đây trùng với mùa “sale off” của các cửa hàng thời trang dịp giáp Tết.

Đợt rét kỷ lục tại Hà Nội trong những ngày gần đây trùng với mùa “sale off” của các cửa hàng thời trang dịp giáp Tết. Đây được coi là “cơ hội trời cho” để các cửa hàng có thể “xả kho” hàng tồn và đẩy nhanh tiến độ bán hàng, quay vòng vốn.

Theo thông tin từ cơ quan khí tượng thủy văn, bắt đầu từ ngày 23/1, nền nhiệt tại các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ xuống thấp đột ngột. Nhiệt độ trong ngày tại khu vực Hà Nội có thời điểm xuống còn 4 độ C, ban ngày phổ biến ở mức 6-8 độ C. Bắt đầu sang ngày thứ 5 (28/1), thứ 6 (29/1), nền nhiệt sẽ dần tăng lên khoảng 12 đến 15 độ C.

Sản phẩm được săn lùng nhiều nhất trong những ngày rét mướt hiếm có này ở miền Bắc là quần áo giữ nhiệt. Phần lớn, các cửa hàng hoặc cá nhân kinh doanh trực tuyến đều rao bán sản phẩm được cho là có xuất xứ Nhật Bản. Tuy nhiên, giá cả thì cũng mỗi nơi một ý.

Chẳng hạn như áo giữ nhiệt nữ được nhiều nơi rao bán với mức giá 350 nghìn đồng/chiếc. Tuy nhiên, một số cửa hàng tại đường Cầu Giấy, Hà Nội lại khẳng định, giá bán chỉ 119 nghìn đồng/chiếc và đây là mức giá niêm yết.

Áo giữ nhiệt được nhiều cửa hàng rao bán trên mạng xã hội
Áo giữ nhiệt được nhiều cửa hàng rao bán trên mạng xã hội

Để hút khách hơn, chủ cửa hàng còn đưa ra chính sách khuyến mại, cứ mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm cùng loại. Thế nên không mấy chốc, album sản phẩm này trên fanpage của cửa hàng đã được 32.000 lượt thích (like) và 2.500 lượt bình luận đặt hàng (comment).

Thậm chí, có nơi, sản phẩm này được bán với mức giá 59 nghìn đồng/chiếc và chủ hàng cam kết "chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp"!

Với sản phẩm áo giữ nhiệt dành cho nam giới, mức giá được nhiều nơi niêm yết là 400 nghìn đồng/sản phẩm. Trong khi đó, giá bán hiện tại được nhiều nơi áp dụng phổ biến ở mức 230 nghìn đến 250 nghìn/sản phẩm.

Trong khi đó, quần tất giữ nhiệt là lựa chọn của nhiều chị em công sở trong thời tiết rét mướt hiện nay. Phần lớn các cửa hàng thời trang đều đưa ra mức giá khoảng 230 nghìn đồng/hộp hai đôi hoặc 120 nghìn đồng/đôi.

Chủ một cửa hàng tại phố Chùa Bộc cho biết, mức giá này đã được chiết khấu mạnh tay cho khách so với mức giá niêm yết trước đó là 200 nghìn đồng/đôi.

Thậm chí, để khuyến khích khách đặt hàng, một số cửa hàng còn đưa ra chính sách khuyến mại theo số lượng, người mua càng nhiều càng được giảm giá mạnh. Theo đó, cũng với sản phẩm trên, nếu khách hàng mua 2 đôi chỉ còn 199 nghìn đồng và mua từ 5 đôi trở lên chỉ còn 95 nghìn đồng/đôi; mua 10 đôi trở lên chỉ còn 90 nghìn đồng/đôi…

Ăn theo việc nhiều địa phương xuất hiện tuyết rơi, những địa chỉ bán hàng cho phượt thủ cũng tranh thủ quảng cáo các loại găng tay, giày phượt, áo khoác phượt (chống nước, chống gió, giữ nhiệt)… Một số mặt hàng khác như bình giữ nhiệt cũng được rao bán rộng rãi, chủ yếu nhắm vào khách hàng làm việc văn phòng, giá bán từ 120 nghìn đến 200 nghìn đồng/bình.

Bình giữ nhiệt được bán với mức giá từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng/chiếc tùy chủng loại
Bình giữ nhiệt được bán với mức giá từ 150 nghìn đến 200 nghìn đồng/chiếc tùy chủng loại

Ngoài ra, nhân đợt rét đậm, các cửa hàng kinh doanh đồ trẻ em cũng nhanh tay đẩy mạnh các đơn hàng miếng dán giữ nhiệt, túi sưởi, tất tay, tất chân… Riêng miếng dán giữ nhiệt tiêu thụ mạnh, được bán giá thị trường từ 140 nghìn -150 nghìn đồng/hộp 10 miếng. Tuy nhiên, không ít cửa hàng đã chấp nhận “phá giá” xuống còn 80 nghìn đồng.

“Do đợt rét này trùng với đợt xả hàng cuối năm nên rất may là sản phẩm bán được rất nhanh. Tuy nhiên, đa số khách hàng quen của cửa hàng đều đặt hàng online hoặc qua điện thoại vì ngại đến mua trực tiếp, trời quá lạnh” – chị Hà, nhân viên tại một hệ thống bán hàng mẹ và bé tại Hà Đông cho biết.

Chị Thanh Mai, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi chia sẻ, năm nay, thực tế mùa đông đến muộn và đợt rét này cũng sẽ nhanh chóng qua. Do đó, đây được coi là “cơ hội trời cho” để các cửa hàng có thể “xả kho” hàng tồn và đẩy nhanh tiến độ bán hàng, quay vòng vốn.

“Chỉ những cửa hàng nhập hàng ít hoặc đơn thuần kinh doanh theo mô hình truyền thống (không giao hàng tận nơi cho khách) thì người ta mới thổi giá hoặc bắt chẹt khách mua chứ khi kinh doanh thường xuyên, có địa chỉ rõ ràng, nếu đẩy giá lên rất khó kéo và giữ khách. Bây giờ cạnh tranh khốc liệt lắm, mất lòng khách là lỗ vốn như chơi!” – chị Mai nói

Theo Dân Trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.