Nóng hổi chuyện tô bún bò Huế

Ngày 13-7 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”. Bản quy chế này lập tức gây tranh cãi trong dư luận.

Ngày 13-7 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế”. Bản quy chế này lập tức gây tranh cãi trong dư luận.

Việc ban hành quy chế về quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cũng như nhãn hiệu tập thể đối với các mặt hàng đặc sản, nông sản thời gian qua đã được một số địa phương tiến hành để giám sát, đảm bảo chất lượng, tính nguyên bản, đánh bóng thương hiệu các mặt hàng nông sản, sản phẩm truyền thống địa phương mình.

Khách hàng không xa lạ gì với nhãn hiệu thanh long Bình Thuận, chè Thái Nguyên, tơ lụa Bảo Lộc, rau Đà Lạt…

Việc đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể thường đi kèm một hệ, khung tiêu chí rõ ràng trong sản xuất, kỹ thuật chế biến và nhất là sử dụng hình ảnh, biểu tượng nhận diện, đại diện thương hiệu (logo). Logo và khung tiêu chí nói trên đã được chứng nhận đăng ký theo đúng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp và Luật Khoa học công nghệ.

Nhưng vì sao chè Thái Nguyên, thanh long Bình Thuận… không gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận mà “Bún bò Huế” lại “gây sốc” đến vậy?

bún bò huế, sử dụng nhãn hiệu, tranh chấp nhãn hiệu, thương hiệu bún bò huế

Một quán ăn có bán hai món đặc sản địa phương, gồm bún bò Huế và mì Quảng ở đường Lâm Văn Bền, quận 7, TPHCM. Ảnh: Nguyễn Huệ Nghi

Có thể ngay ban đầu, việc quy chế này ban hành cùng với các điều khoản của nó đã bị “diễn dịch” sai bởi một số báo chí vài ngày qua. Các báo đã khai thác theo hướng “suy diễn thái quá”, có bề “giật gân” như: muốn bán bún bò Huế phải về Huế đăng ký, Thừa Thiên-Huế muốn quản lý quán bún bò Huế khắp nơi... đã đẩy vấn đề đi quá xa.

Cách thông diễn khiến dư luận hiểu rằng, bằng quy chế trên, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế muốn quản lý tất cả những tiệm bún ở khắp nơi có gắn bảng “Bún bò Huế”.

Nếu vậy, thì gây sốc thật. Ai lại chấp nhận được việc có trên đời một thứ quy chế bảo thủ và độc quyền địa phương đến mức như thế, lại hướng vào một thứ đặc sản quá phổ biến trong xã hội, không chỉ riêng tại Việt Nam mà du hành khắp nơi trên thế giới.

Ai cũng hiểu, mỗi nơi, bản thân tô bún bò Huế hay tô bún chả Hà Nội đều phải thay đổi, biến tấu để phù hợp với khẩu vị, văn hóa từng vùng. Vậy thì, nếu cái điều (diễn dịch) nói trên là có thật, nhiều tỉnh khác cũng làm theo, giả dụ Hội An đăng ký quản lý mì quảng, cao lầu, Hà Nội dành quản lý phở, Vũng Tàu đăng ký bánh khọt… và người khắp nơi muốn kinh doanh các món ấy phải đến những địa phương gốc để xếp hàng đăng ký, gắn đúng logo địa phương đó quy định thì,… ôi thôi rồi, điên loạn mất!

Điều đáng nói hơn, trong khi báo chí cố tình diễn dịch trượt đi sự việc, thì bản thân diễn ngôn của những cơ quan chức năng được trích dẫn trên báo cũng cho thấy, các nhà quản lý Thừa Thiên-Huế cũng đang hiểu sai vấn đề. Ví dụ, trên Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế, đơn vị được giao soạn thảo quy chế nói trên - cho biết quy chế chỉ là một phần nhỏ của đề án tạo lập quản lý và phát triển chứng nhận cho sản phẩm bún bò Huế của tỉnh Thừa Thiên-Huế, tất cả đang trong quá trình thực hiện.

bún bò huế, sử dụng nhãn hiệu, tranh chấp nhãn hiệu, thương hiệu bún bò huế

Mẫu logo do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đăng ký nhãn hiệu Bún bò Huế. Ảnh: Tuổi Trẻ Online.

Bà Vy nói: “Về nguyên tắc, khi mà nhãn hiệu đã được bảo hộ với cụm chữ “Bún bò Huế” thì các đơn vị phải đăng ký với tỉnh. Khi ấy hiệp hội sẽ xem thử quy trình chế biến của họ có hợp vệ sinh hay không, đã tạo ra hương vị đặc trưng của bún bò Huế hay không, nguyên liệu để chế biến nên sản phẩm có đảm bảo các tiêu chí an toàn với sức khỏe hay không... Lúc đó họ có thể sử dụng chữ “Bún bò Huế”... Nếu không đảm bảo các tiêu chí đó thì họ có thể sử dụng “Bún Huế”, “Bò Huế” hay “Huế bò” gì đó... chứ không phải là “Bún bò Huế”!”.

Trên thực tế, nếu quy chế về quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đối với mặt hàng bún bò Huế được thừa nhận và đi vào thực tế, thì sự việc không dẫn đến “nghiêm trọng hóa” như cách một số báo chí và những người soạn quy chế này diễn dịch (và mong đợi!?).

Bấy giờ, tư cách pháp lý của chủ sở hữu của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế với bún bò Huế sẽ không can thiệp quyền sở hữu của tất cả những quán bún ở khắp mọi nơi có bảng gắn chữ “Bún bò Huế”, không áp đặt được khung tiêu chí với sản phẩm “Bún bò Huế” ở mọi nơi, mà chỉ dừng lại ở những quán bún có treo, niêm yết, sử dụng logo nhận diện nhãn hiệu “Bún bò Huế” do tỉnh này đăng ký quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm bún bò Huế mà thôi.

“Bún bò Huế” được hiểu là định danh chung của sản phẩm, khái niệm đó rộng hơn rất nhiều lần “Bún bò Huế” đi kèm bộ nhận diện nhãn hiệu do UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế sở hữu.

Theo đó, những nơi sử dụng logo nhận diện này sẽ đi theo tiêu chuẩn khung về món bún bò Huế mà bản quy chế trên đã đăng ký và được chấp thuận về mặt sở hữu trí tuệ. Đồng nghĩa với việc, nếu không treo logo, gắn nhãn hiệu “Bún bò Huế” theo thiết kế, quy cách của UBND Thừa Thiên-Huế đã đăng ký sở hữu trí tuệ, thì các quán để bảng bán bún bò Huế với thiết kế nhận diện, nấu bún bán bình thường, chẳng việc gì sốt ruột hay nao núng.

Bảng quy chế ký ngày 13-7-2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế” nêu rõ: “Các quán ăn muốn được treo logo nhãn hiệu chứng nhận phải đạt tiêu chuẩn khung về món bún bò. Cụ thể, nước dùng phải trong, dậy mùi thơm của thịt, sả, hành quyện vào nhau. Trong đó mùi sả thơm nồng hơn và có mùi thơm nhẹ của các loại rau gia vị, ruốc.

Nước dùng được ninh bởi lửa nhỏ với nồi nấu có miệng vum để xương và thịt tiết ngọt từ từ.

Bún tươi phải là bún làm từ tinh bột gạo với phụ gia bột lọc. Thịt bò và giò heo không ninh quá kỹ. Các viên chả chín tới, săn, ngọt, kích cỡ đều, đẹp mắt. Rau tươi.

Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức kiểm tra chất lượng của các cơ sở dùng nhãn hiệu chứng nhận”

Câu chuyện đến đây thì đã rõ. Việc diễn dịch của truyền thông và chính những người làm ra quy chế (qua phát biểu trên truyền thông) không nắm rõ tác động, phạm vi của quy chế đối với xã hội đã dẫn đến những việc nhỏ như… tô bún bò bị phóng đại quá mức.

Điều đáng bàn hơn, có lẽ là ở chỗ, một khi các cơ quan nhà nước ở địa phương đứng ra soạn thảo và ban hành quy chế, đăng ký sở hữu các đặc sản địa phương mình, độc quyền đóng chuẩn và khai thác các mặt hàng đặc thù truyền thống của vùng mình quản lý mà không có một hệ tiêu chí cụ thể, không qua sự thẩm định chuyên môn và độ thuyết phục về chất lượng thì điều gì sẽ xảy ra? Nhưng đây là một vấn đề sẽ mổ xẻ trong một dịp khác; nó đi quá xa… tô bún bò Huế đang nóng hổi thời sự vài ba hôm nay.

Theo Thesaigontime


kinh tế

thị trường

bún bò Huế


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.