Quán nước mía ngoại ô TP.HCM có doanh thu hơn nửa tỷ đồng mỗi tháng

Mỗi ngày, quán nước mía ở ngoại thành TP.HCM bán hơn 1.000 ly, cuối tuần và dịp lễ, số lượng tăng gấp 2-3 lần

Mỗi ngày, quán nước mía ở ngoại thành TP.HCM bán hơn 1.000 ly, cuối tuần và dịp lễ, số lượng tăng gấp 2-3 lần. Nếu tính trung bình, doanh thu mỗi tháng hơn nửa tỷ đồng.

Quán nước mía bình dân ngoài thành TP.HCM bán hơn 1.000 ly mỗi ngày Nằm ở vùng ven TP.HCM, mỗi ngày, quán nước mía sầu riêng cạnh quốc lộ 22, thuộc huyện Củ Chi có thể bán được 1.000 ly. Cuối tuần, con số này tăng gấp 3 lần.

Trưa 21/7, quán nước mía sầu riêng có tuổi đời 25 năm, nằm cạnh quốc lộ 22, thuộc địa bàn xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM tấp nập người ra vào. Hàng trăm ghế nhựa, ghế tựa lưng cho khách được đặt “tứ phía” xung quanh quán gần như kín chỗ.

Ngày cuối tuần, nhân viên chạy bàn của quán nước mía bình dân này lên đến hơn 50 người, ai cũng luôn tay, luôn chân giao nước và tính tiền cho khách.

Ở ngoại ô, cuối tuần bán 3.000 ly

“Tôi mở quán nước mía này được 25 năm rồi. Để hút khách, tôi đã nghĩ ra việc pha thêm sầu riêng đã được xay nhuyễn để thêm thơm, béo và có vị đậm đà. Thời thời điểm đó, nước mía sầu riêng rất lạ với mọi người nên có lẽ tiếng tăm vẫn duy trì được đến bây giờ”, bà Mai Thị Nền, chủ quán nước mía này cho hay.

Tồn tại suốt 25 năm và luôn đông khách, chỉ riêng doanh thu từ nước mía, mỗi tháng quán này đã có hơn nửa tỷ đồng. Ảnh: Phúc Minh.

Bà Nền cũng tiết lộ thêm ngoài nguyên liệu chính là nước mía và sầu riêng, điểm đặc biệt của thức uống bình dân này ở quán của bà còn có thêm đậu xanh đãi vỏ được xay nhuyễn và nước cốt dừa.

“Mía này tôi lấy trực tiếp từ vùng Tây Ninh, di chuyển từ đó lên đây cũng không quá xa do cùng nằm ở trục quốc lộ 22 nên chi phí cũng không cao. Sầu riêng bao gồm nhiều loại, tất cả đều được mua của các tỉnh miền Tây”, chủ quán này cho hay.

Hiện tại, mỗi ly nước mía sầu riêng ở quán có giá 15.000 đồng. Bà cho rằng, với nguyên liệu tươi ngon nhưng giá không quá cao, quán nước của mình chủ yếu lấy số lượng bán được để làm lời.

“Ngày thường, số ly nước mía sầu riêng bán cho khách dùng tại chỗ và mang đi là khoảng 1.000 ly. Tuy nhiên, vào những ngày cuối tuần và dịp lễ, con số này chắc chắn tăng gấp 3 lần”, chị Như Nguyệt, con gái bà Nền cho hay.

Như vậy, với giá 15.000 đồng/ly, mỗi ngày bán khoảng 1.000 suất, con số này tăng gấp 3 lần vào dịp cuối tuần, nhẩm tính, chỉ riêng nước mía sầu riêng, mỗi tháng doanh thu của quán nước bình dân này đã nửa tỷ đồng.

Đặc sản vùng đất Củ Chi, khoai mì hấp nước cốt dừa có giá 5.000 đồng/dĩa, mỗi ngày, quán sử dụng khoảng 100 kg khoai nguyên liệu. Ảnh: Phúc Minh.

Ngoài nước mía sầu riêng được gọi nhiều nhất, khách hàng cũng rất thích món khoai mì (sắn) hấp nước cốt dừa. Khoai mì được hấp chín vừa phải, chan ngập trong nước cốt dừa và rắc thêm ít mè.

Giá món này tại đây khá bình dân, chỉ 5.000 đồng/đĩa. “Mỗi ngày, cửa hàng bán hết khoảng 100 kg khoai mì nguyên liệu, vì vậy, tôi cũng không thể biết chính xác số lượng đĩa bán được cụ thể là bao nhiêu”, chị Nguyệt tiết lộ.

Với lượng khách quá đông, hiện nhân viên chạy bàn cho quán nước bình dân này cũng thuộc hàng khủng, với khoảng 25 người mỗi ngày. Riêng cuối tuần và dịp lễ, con số này phải tăng gấp đôi mới phục vụ xuể. Mặc dù mỗi người một công đoạn, nhưng ai cũng phải hoạt động luôn tay, luôn chân mới phục vụ kịp.

Không có ý định ra nội thành và mở thêm quán

“Ở ngoại thành nhưng khách hàng của chúng tôi rất đông, bán từ sáng cho đến tận khuya. Họ là người lao động tại địa phương, ngoài ra, đông nhất là những đoàn khách du lịch đi từ hướng Tây Ninh hoặc địa đạo Củ Chi lên trung tâm TP.HCM”, bà Nền giải thích.

Mặc dù kinh doanh hiệu quả, bà Mai Thị Nền (chủ quán) cho hay không có ý định mở cửa hàng ở nội thành. Ảnh: Phúc Minh.

Đúng như bà chia sẻ, khá đông người dừng chân bên quốc lộ 22, ghé vào quán nước nghỉ trưa là khách du lịch từ Tây Ninh về. Đậu phía sau quán là hàng chục xe du lịch, trong đó, không thiếu những đoàn khách nước ngoài cũng dừng chân thưởng thức.

“Đoàn chúng tôi vừa tham quan vài ngày ở Tây Ninh, trên đường về thì ghé vào đây uống nước, ăn khoai mì hấp. Nước mía sầu riêng rất thơm, vị đậm đà, khoai cũng vậy. Mỗi năm khi đi Tây Ninh về, chúng tôi đều dừng lại đây cả”, bà Kim Thoa (53 tuổi, quận Tân Phú), nói.

Không chỉ khách du lịch, người địa phương cũng rất thích món nước mía sầu riêng của gia đình bà Nền. Nhiều người đến gọi mua mang về và trên tay lúc nào cũng có từ 3-5 ly nước mía.

“Đây là món khoái khẩu của các nhân công làm ở nhà tôi. Cứ cách ngày, tôi lại đến đây mua nước. Mùa nóng, đây là thức uống giải nhiệt rất hiệu quả, giá cũng rất bình dân”, ông Hai (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) nói trong lúc đợi nước mía mang về.

Nhiều thực khách cho biết, nước mía sầu riêng đặc biệt vì có hương và mùi vị đặc trưng của sầu riêng. Ảnh: Phúc Minh.

Địa điểm kinh doanh của bà có vị trí khá thuận lợi, do đó, thu hút đông người nghỉ chân. Tuy nhiên, bà cho hay quán vẫn luôn giữ giá ổn định như vậy để giữ khách và phục vụ món đặc sản của vùng đất Củ Chi cho mọi tầng lớp, nhất là người lao động.

Kinh doanh tại nơi vùng ven và có doanh thu khủng mỗi tháng, nhưng bà chủ quán nước mía này vẫn không có ý định mở thêm cửa hàng ở trung tâm TP.HCM.

“Tôi thấy như vậy là hài lòng lắm rồi. Quán nước mía 25 năm ở đây, vẫn chỉ có một thương hiệu, một địa điểm duy nhất. Vào trung tâm, chi phí mọi thứ khá cao, giá thành sản phẩm cũng cao. Trong khi đó, tôi chỉ muốn phục vụ những món ăn đặc sản của đất Củ Chi với mức giá hợp lý cho mọi người”, bà Nền nói.

Theo Zing


quán nước mía

khách hàng

doanh thu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.