Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm đã tiến hành tiêu hủy 1.234 sản phẩm, chủ yếu là các sản phẩm thời trang (túi xách, ví) làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Toàn bộ số tang vật vi phạm được tịch thu trong đợt thanh tra vừa qua của Thanh tra Bộ KHCN kết hợp với PC46 của Công an Hà Nội tại ba cơ sở kinh doanh tại Hà Nội.
Đây đã là đợt tiêu hủy các sản phẩm hàng giả, hàng nhái thứ 3 trong năm 2015 này, theo Chánh thanh tra Bộ KHCN Trần Minh Dũng.
Trong năm qua, Thanh tran Bộ KHCN đã tiến hành 54 cuộc thanh tra về sở hữu công nghiệp trên phạm vi toàn quốc, phát hiện 40 cơ sở vi phạm, xử phạt số tiền trên 1,6 tỉ đồng.
Ông Trần Minh Dũng cho hay, ngoài phạt hành chính, một số sản phẩm vi phạm sẽ phải loại bỏ yếu tố vi phạm trước sự chứng kiến của cơ quan thẩm quyền. Tuy nhiên, đối với hàng giả mạo như các trường hợp trên thì buộc phải tiêu hủy.
Ông Dũng cũng cho hay, việc xử lý vi phạm đối với hàng giả, hàng nhái hiện nay chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của chủ thể quyền (đại diện các nhãn hàng bị làm nhái, đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp). Bên cạnh đó, việc xử lý cũng chỉ dừng lại với các cơ sở kinh doanh (hàng giả, hàng nhái) chứ không phải các cơ sở sản xuất.
Một trong những lý do của thực trạng này, theo ông Dũng là do hàng giả, hàng nhái chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Với cửa khẩu giao thương hàng hóa với Trung Quốc rất lớn như vậy thì khó tránh hàng hóa giả mạo tràn vào.
Trong khi đó, các đối tượng kinh doanh trong nước vẫn làm vì có lợi nhuận cao. Người tiêu dùng trong nước cũng vẫn có nhu cầu đối với loại hàng hóa này vì giá rẻ, ông Dũng phân tích.
“Chúng ta chỉ có thể phối hợp các biện pháp để giảm bớt (hàng giả, hàng nhái vi phạm) chứ không thể làm triệt để được”, Chánh thanh tra Bộ KHCN kết luận.
Theo VietNamNet