Khi trúng thưởng đến 16,2 triệu USD, anh đã nghĩ mình là người đàn ông may mắn nhất trên thế giới. Nhưng...
Giải thưởng bất ngờ
Cuộc đời của ông Post có thể nói là bất hạnh ngay từ khi sinh ra. Có cha là một người đàn ông cờ bạc, vô tâm, mẹ ông đã phải rất vất vả để có thể nuôi được con. Ấy thế nhưng, khi Post lên 8, mẹ ông qua đời, một phần do làm việc quá vất vả. Bị cha đẩy vào trại trẻ mồ côi chỉ một thời gian sau đó, ông gần như không bao giờ có được một gia đình đúng nghĩa.
Đến khi lớn lên, ông làm đủ mọi việc để kiếm kế sinh nhai như làm ngư dân, nấu ăn, lái xe cho các rạp xiếc… Kiếm ăn còn chưa đủ nên ông chẳng bao giờ có thể mua được cho mình một căn hộ hay một chiếc xe hơi.
Ông William “Bud” Post. |
“Số” ông đen đủi đến nỗi khi “túng quá làm liều”, ông đã sử dụng séc giả mạo để mua đồ nhưng bị phát hiện ngay lập tức và bị kết án 28 ngày tù giam về tội lừa đảo. Chưa hết, năm 1987, ông còn bị tai nạn lao động, khiến sức khỏe giảm sút đáng kể. Nhưng bù lại, ông được hưởng trợ cấp cho người tàn tật – khoản tiền cố định duy nhất mà ông có được.
Ngày 24/2/1988, trong cơn tuyệt vọng khi nghĩ về quá khứ và tương lai, ông Post quyết định cầm cố tài sản có giá trị nhất trên người lúc đó là chiếc nhẫn trị giá 40 USD và đưa toàn bộ số tiền này cho bà Ann Karpik – chủ nhà và thi thoảng là bạn gái của ông – để mua 40 chiếc vé số của công ty xổ số bang Pennsylvania. Trong tài khoản của ông khi đó chỉ còn tỏng cộng 2,46 USD. Tiện đường mua vé, bà Ann Karpik cũng mua thêm 20 tấm vé nữa.
Dù mua vé số với hy vọng trúng thưởng nhưng ông Post thực sự không bao giờ mình lại có thể trúng số thật sự. Chính vì vậy nên khi được thông báo đã trúng đến 16,2 triệu USD, ông đã quỵ xuống vì run rẩy.
Ngoài tấm vé của ông, một nhóm thợ ở Phòng thí nghiệm điện hạt nhân Bettis Westinghouse cũng đã mua 1 tấm vé khác, đưa tổng giá trị giải thưởng xổ số mở thưởng ngày hôm đó lên thành hơn 32 triệu USD và là giải thưởng xổ số lớn thứ 2 trong lịch sử bang Pennsylvania.
Mua sắm thả phanh
Sau khi nghe tư vấn từ nhiều người và suy nghĩ kỹ, ông Post quyết định nhận thưởng thành 26 lần trong 26 năm, trong đó mỗi năm ông sẽ nhận được 500.000 USD. Sau khi trừ đi các khoản thuế, mỗi năm ông được nhận 4980.000 USD.
Bỗng dưng có một số tiền lớn trong tay, Post từng nghĩ rằng ông chính là người đàn ông may mắn nhất thế giới, rằng từ đó về sau những nỗi lo lắng về tiền bạc của ông sẽ hoàn toàn chấm dứt. Ông không thể ngờ rằng thực tế sau đó lại hoàn toàn khác so với những gì mà ông mường tượng.
Vốn là người nghèo kiết xác nên nhiều người nghĩ rằng khi có tiền như vậy ông ta sẽ biết trân quý hơn từng đồng bạc. Nhưng trên thực tế chỉ nửa tháng sau khi nhận đợt tiền thưởng đầu tiên, Post đã chi đến hơn 300.000 USD. Trong đó, ông ta đã mua một giấy phép mua rượu, thuê một nhà hàng ở Florida, mua một chiếc xe hơi và cả 1 chiếc máy bay 2 động cơ dù không có bằng lái!
Ông William “Bud” Post. |
Ông John Lacher – luật sư về phá sản, người về sau đã giúp làm thủ tục phá sản cho Post vào đầu những năm 1990 – kể lại:
“Từ chỗ đang túng thiếu trở thành triệu phú, ông ta đã ngay lập tức thể hiện mình là một kẻ bốc đồng. Ông ta đã làm tất cả những việc mà bạn có thể tưởng tượng về một người đàn ông trở thành triệu phú chỉ sau 1 đêm. Ví dụ, nếu là bạn, bạn sẽ chỉ mua 1 tiếng máy tính xách tay khi có nhu cầu nhưng ông ta lại mua đến 30 chiếc cùng chủng loại 1 lúc”. Sau 3 tháng trúng số, ông ta đã ôm cục nợ đến 500.000 USD.
Chuỗi bất hạnh ập tới
Không chỉ vậy, tấm vé số cũng khiến tình cảm giữa Post và những người thân của ông ta sứt mẻ. Một năm sau khi ông ta trúng số, với ý đồ giành được quyền thừa kế số tiền trúng số này, một người anh trai của ông ta tên Jeffrey Post đã thuê người giết chết ông ta và vợ rồi dàn dựng thành một vụ tự sát. Song, âm mưu thất bại, cả người anh và kẻ được thuê đều bị bắt giữ và bị kết án.
Sau vụ việc đó, Post đoạn tuyệt hoàn toàn quan hệ với những người họ hàng còn lại và mua nhà ở một thành phố khác để sinh sống. Tuy nhiên, “vận hạn” của ông ta chưa dừng lại tại đó. Bởi, cũng trong năm này, bà chủ đất Karpik năm nào đệ đơn kiện đòi ông ta phải trả cho bà ta một phần tiền trúng số. Trong đơn kiện, bà Karpik nói rằng trước khi mua vé số, 2 người đã thỏa thuận sẽ chia giải thưởng cho nhau nếu trúng – điều mà ông Post một mực bác bỏ.
Cũng trong năm 1989, quan hệ giữa Post và vợ ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Đỉnh điểm của việc này là việc bà vợ đã đệ đơn ra tòa sau khi bị ông ta vác súng trường nã đạn vào xe hơi. Tòa án sau đó đã yêu cầu Post không được đến gần vợ.
Đến năm 1992, thẩm phán đã ra phán quyết về vụ tranh chấp do bà Karpik đệ trình, theo đó buộc ông Post phải trả 1/3 tổng số giải thưởng xổ số mà ông nhận được cho nguyên đơn nhưng ông ta không có tiền để trả. Sau khi dàn xếp, bà Karpik chấp nhận chỉ nhận số tiền mà ông Post sẽ nhận được trong năm 1992 nhưng ông ta vẫn từ chối, khiến vị thẩm phán ra phán quyết yêu cầu đóng băng toàn bộ những khoản thanh toán vé số còn lại cho đến khi tranh chấp được dàn xếp ổn thỏa.
Để trang trải nợ nần, Post quyết định bán hết những tài sản mà ông ta có, bao gồm ngôi biệt thự đổ nát dán đầy những mảnh báo làm cửa sổ, bể bơi đầy rác rến, chiếc xe hơi cũ rích. Đến năm 1996, ông ta quyết định bán nốt một ngôi nhà còn lại và đấu giá luôn 17 đợt thanh toán vé số còn lại với hy vọng trả được hết nợ và có được một khoản tiền nhỏ phòng thân.
“Đến khi tôi không còn là một người trúng số triệu đô nữa thì mọi người trở mặt, bỏ mặc tôi. Đó là điều tôi đã đoán được trước nhưng khi nó xảy ra thì tôi cảm thấy bình thường và hạnh phúc vì bình yên cuối cùng cũng trở lại với mình” – ông nói.
Nói là vậy nhưng cũng chỉ được đến năm tiếp theo là Post đã tiêu gần hết số tiền 2,65 triệu có được từ năm trước đó vào 2 ngôi nhà, một chiếc xe tải, 3 chiếc xe hơi, 2 chiếc moto, 2 chiếc TV, máy tính và một chiếc thuyền cùng vô số đồ đạc khác.
Lần này, tai họa chưa dừng ở đó bởi Post còn dính vào vòng lao lý. Ông ta bị buộc tội hành hung người khác sau khi nã đạn vào một người đàn ông đến nhà ông ta để đòi nợ. Bị bắt khi đang trốn ở một trại cá, ông ta sau đó phải nhận bản án 24 tháng tù giam.
Sau khi ra tù, lâm vào cảnh túng quẫn cùng kiệt, Post sống chủ yếu nhờ vào khoản trợ cấp tai nạn nghề nghiệp ít ỏi của mình. Trải qua 7 đời vợ nhưng 6 người đã sớm từ bỏ ông ta. May mắn là, lúc này, người vợ thứ 7 tên Debra S. Wice đã không bỏ rơi mà quyết định tiếp tục chung sống với ông ta. “Tất cả mọi người đều mơ ước trúng số nhưng không ai lường trước được những cơn ác mộng hay những vấn đề phát sinh sau đó” – Post từng cay đắng nói về những trải nghiệm của ông ta.
Ngày 15/1/2006, ở tuổi 66, người đàn ông này qua đời vì suy hô hấp tại bệnh viện, chấm dứt một cuộc đời đầy thăng trầm và những biến cố.
Theo Pháp luật Việt Nam