Vào “thủ phủ” hàng dởm, hàng nhái siêu rẻ ở Thổ Tang

Đang vào cao điểm tiêu thụ hàng Tết, cả thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, khu vực buôn bán hàng hóa tổng hợp lớn nhất miền Bắc như không ngủ.

Đang vào cao điểm tiêu thụ hàng Tết, cả thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, khu vực buôn bán hàng hóa tổng hợp lớn nhất miền Bắc như không ngủ. Thổ Tang được người dân ví như Trung Quốc thu nhỏ, bởi đầy rẫy các mặt hàng “Made in Trung Quốc” được bày bán tràn lan, đầy đủ các loại mặt hàng, mẫu mã ở Thị trấn này.

Hàng hiệu siêu rẻ.

Trong vai nhà buôn cần đánh hàng lớn đi các tỉnh, những ngày đi thực tế tại đây, phóng viên Pháp luật Plus tận mắt chứng kiến các kho hàng khổng lồ với đủ loại, “hàng đắt”, “hàng rẻ”, “hàng công ty”, “hàng nhà máy” theo cách gọi của dân buôn Thổ Tang.

Tuy nhiên, tất cả các cửa hàng ở đây đều bày bán “hàng rẻ”, “hàng nhà máy” do có giá mềm siêu rẻ, được lái buôn ưa chuộng.

Trước khi đi tìm hiểu, người bạn của tôi sống tại Thổ Tang không quên dặn dò: “Dân ở đây rất kỵ Nhà báo, nếu muốn tìm hiểu, tốt nhất không hỏi nhiều, đặc biết không được chụp ảnh, quay phim, đa số các đại lý đều có camera để soi, bất kỳ kẻ lạ mặt nào vào đây cũng đều bị phát hiện”.

Đúng 11h sáng, ngày18/12/2015, chúng tôi đến cửa hàng nhà Liên Cơ, đúng như người bạn tôi đã dặn dò trước, vừa bước vào cửa hàng, bà chủ nhìn tôi với vẻ mặt rất lạnh và không muốn bán hàng, bởi vì dù vai dân buôn lấy hàng với số lượng nhiều nhưng nhìn khuôn mặt lạ họ đã cảnh giác.

Theo quan sát của PV, các mặt hàng được bày bán với số lượng lớn, bánh kẹo đều đóng trong những túi to và không có ghi ngày sản xuất, nơi sản xuất, hạn sử dụng. Phải chăng, đó cũng là lý do mà họ không hồ hởi bán hàng và đã dè chừng với những người lạ như tôi.

Chưa dừng lại ở đó, chúng tôi tiếp tục đến cửa hàng Hằng Thức ở gần cổng chợ Thị trấn Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Đây là 1 trong những cửa hàng buôn bán lớn nhất về các mặt hàng  bánh kẹo, thuốc lá, rượu, bia…có tiếng tại Thổ Tang.

Gần 12h trưa, chúng tôi bước vào cửa hàng hỏi để mua hàng, vừa cầm gói bánh trên tay, chưa kịp hỏi, thì bà chủ quán đang ngồi đếm tiền, với vẻ mặt lạnh lùng nói: Mua hàng gì giờ này, không bán đâu? 14h30 mới bán, nếu mua thì giờ đấy quay lại. Chúng tôi nói muốn mua với số lượng lớn, nhưng bà chủ không thiết tha gì.

Nghe bà Hằng nói vậy, chúng tôi ra cổng chợ mua cam và hỏi người dân bán hàng ở đây, thì được biết nhà bà Hằng Thức không những bán buôn mà còn tự sản xuất ra các loại mặt hàng như: bánh kẹo, bột giặt, mỳ chính…vv. Chính vì thế mà cửa hàng này bán với giá siêu rẻ.

Trong thời gian chờ để quay lại cửa hàng Hằng Thức, chúng tôi tìm đến quán cà phê ở gần đấy, ngồi uống cà phê và tiếp cận bà chủ quán.

Theo như lời bà chủ quán cà phê tâm sự: “Tôi ở đây bao nhiêu năm nhưng không dám mua hàng ở Thị trấn Thổ Tang, nhất là nước mắm, mỳ chính, bột canh, bánh kẹo, vì đây toàn hàng giả, hàng nhái, ăn vào sợ lắm, mà làm cũng giống nhau nên khó phát hiện và không biết đường nào mà lần, tôi toàn mua người thân quen ở các siêu thị lớn, đắt một tí nhưng yên tâm và an toàn”.

Theo như lời bà chủ cà phê chia sẻ, ở đây không chỉ buôn bán hàng nông sản Tàu, khu vực chợ Thổ Tang, còn là “thánh địa” hàng giả, hàng nhái, từ thông dụng đến cao cấp. Đầy đủ các loại mặt hàng với mức giá rẻ bèo.

Thật giả lẫn lộn.

Mặc dù được coi là “kinh đô” của hàng nhái, hàng Trung Quốc nhưng hàng thật ở Thổ Tang không phải không có. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hàng thật và hàng nhái ở đây được các lái buôn bán đan xen vào nhau.

Trong vai người muốn đánh buôn một số mặt hàng với số lượng lớn, đúng 14h30, chúng tôi có mặt tại đại lý Hằng Thức, qua quan sát, chúng tôi thấy tầng một chất đầy hàng hóa, nằm cách chợ Thổ Tang tầm 0,5km.

Vào trong cửa hàng, phóng viên được một người phụ nữ tầm 37 tuổi phụ trách bán hàng tại đại lý này hỏi và giới thiệu: “Em muốn lấy hàng gì, nhà chị bán toàn hàng công ty đảm bảo chất lượng.

Ở đây nhà chị là đại lý lớn nhất thị trấn, mặt hàng nào cũng có, giá lại rẻ hơn chỗ khác. Em có thể điện thoại đến báo số lượng hàng cần nhập, bọn chị sẽ cho xe chở đến tận nơi, tiền em chuyển vào tài khoản cho bọn chị trước”.

Các loại mặt hàng bày bán tại tầng 1 tại đại lý nhà Hằng Thức (ảnh: Mộc Miên).
Các loại mặt hàng bày bán tại tầng 1 tại đại lý nhà Hằng Thức (ảnh: Mộc Miên).

Tuy nhiên, khi biết phóng viên có ý định lấy hàng “loại 2” hay còn gọi là hàng rẻ, hàng giả, hàng nhái thì người phụ nữ này nhìn trước ngó sau nói: “Em lấy bán ở đâu? Nếu lấy bán ở thành thị, miền xuôi thì hàng giá rẻ này sẽ không giữ được chân khách đâu. Em chỉ bán được ở các tỉnh miền núi, dân tộc”.

Người phụ nữ này tiếp tục giới thiệu: Tuy là hàng “loại 2” nhưng nó hầu như giống hệt hàng công ty, không tinh ý thì khó phát hiện. Còn các loại hàng nhái như mỳ tôm, sữa chua, bánh kẹo…chỉ khác đôi chút về nhãn mác, chất lượng vẫn đảm bảo. Em mà bán được loại hàng này thì lời cao lắm”.

Theo lời người phụ nữ này thì ở đây hầu như mặt hàng nào cũng có hàng “loại 2” với giá rẻ, khiến người mua phải giật mình bởi giá của chúng chỉ bằng 1/3 giá hàng công ty sản xuất.

Chẳng hạn như: Trà xanh 0 độ có giá 56.000 đồng/thùng, bò húc 75.000 đồng/thùng; các loại mỳ tôm, sữa chua…hàng “loại 2” giá thấp hơn hàng chính hãng khoảng 40.000 – 60.000 đồng/thùng.

Nhưng đến khi phóng viên có ý muốn xem trước hàng thì người phụ nữ này trả lời rằng, ở đại lý toàn hàng lấy từ công ty, không có sẵn các mặt hàng giá rẻ. Nếu muốn lấy thì phải điện thoại trước để còn chuẩn bị, số lượng bao nhiêu bên chị cũng đáp ứng đủ.

Đây là mỳ chính loại 2, tức hàng giả hàng nhái. (ảnh: Mộc Miên).
Đây là mỳ chính loại 2, tức hàng giả hàng nhái. (ảnh: Mộc Miên).

 Các cửa hàng ở Thổ Tang tuyệt đối không bán lẻ mà chủ yếu xuất buôn cho những mối quen thuộc. Ngầm sau con phố này là những hoạt động buôn bán với doanh số khổng lồ, hầu hết các mặt hàng đều được nhập từ cửa khẩu Lạng Sơn sau đó sẽ gắn mác Thổ Tang, theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” rồi tỏa đi khắp các tỉnh miền núi phía Bắc.

Theo chân một người lãnh địa, chuyên cấp hàng cho các đại lý ở Thổ Tang (xin được giấu tên) cho biết: “Buôn bán ở Thổ Tang chẳng giống đâu hết. Những xe tải buôn chuyến cỡ lớn tới từng cửa hàng một trên phố, chất từng loại mặt hàng cho đầy xe rồi chở ngược lên miền núi. Họ thả hàng dần cho các cửa hàng bán lẻ dọc đường đi rồi lại quay ngược về Thổ Tang lấy hàng”.

Lật tẩy công thức làm giả.

Nổi bật hơn cả trong số hàng nhái ở Thổ Tang là nước mắm và mỳ chính. Mỳ chính ở đây chủ yếu là hàng nhập từ Trung Quốc, sau đó xuất lên miền núi. Nước mắm đa phần là những viên nước mắm của Trung Quốc thả vào chai nước lã bình thường.

Các loại tạp hóa khác như: nước ngọt, mỳ chính, bánh kẹo, mỳ tôm, xà phòng…đều xuất buôn với mức giá rẻ hơn giá chính hãng 3 đến 4 lần.

 “Trong việc sản xuất nước mắm, chỉ cần mua các loại nước mắm rẻ tiền được đựng trong các can 100 lít, sau đó mang về cho thêm các dung dịch như chất bảo quản, dung dịch hương liệu, đường hóa học, pha theo “công thức” thì sẽ cho ra một loạt nước mắm “thương hiệu” mà nhìn bằng mắt thường không thể phát hiện ra.

Sau đó đóng vào các chai nước mắm chính hãng được thu mua lại của dân sau khi dùng hết, đóng vào, dùng máy dập nắp, đưa ra thị trường tiêu thụ. Việc “sản xuất” chỉ mất khoảng 10 nghìn, nhưng bán ra thị trường theo giá “hàng xịn” nên số lãi là rất lớn.

Đối với việc sản xuất mỳ chính giả cũng vậy, các đối tượng mua mỳ chính Trung Quốc dạng bao trọng lượng 50 kg, đóng vào các bao bì nhãn mác giả các sản phẩm trong nước sau đó cung cấp ra thị trường. Nếu tiêu thụ trót lọt, nguồn lợi thu về rất lớn, nên mặc dù nhiều đối tượng làm giả hàng hóa bị bắt giữ, xử lý trước pháp luật nhưng tình trạng buôn bán bán hàng giả vẫn tồn tại,

Các loại bánh kẹo được bán tại đại lý Hằng Thức (ảnh: Mộc Miên).
Các loại bánh kẹo được bán tại đại lý Hằng Thức (ảnh: Mộc Miên).

Chúng tôi có mua các loại bánh kẹo, mỳ chính được bán ở Thổ Tang để mang về, không dừng lại đó, tại Hà Nội, chúng tôi vào các siêu thị và đại lý lớn mua đúng các loại bánh như ở Thổ Tang mang về so sánh và nhận thấy có sự khác biệt hoàn toàn về mẫu mã đến chất lượng.

Các loại bánh kẹo phóng viên Pháp Luật Plus mua tại Thị trấn Thổ Tang (ảnh Mộc Miên).
Các loại bánh kẹo phóng viên Pháp Luật Plus mua tại Thị trấn Thổ Tang (ảnh Mộc Miên).

Theo một người dân sống gần chợ Giang, có tới 90% dân Thị trấn giàu lên nhờ bán và “chế” hàng nhái, thế nên, dù đã không có ít người bị bắt nhưng vẫn không thấy có ai bỏ nghề.

Mặc dù sống giữa “thủ phủ” các loại hàng nông sản, những sản phẩm tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp, nhưng người dân sinh sống tại Thị trấn Thổ Tang thường phải đi siêu thị mua đồ để dùng, không ai dám mua đồ ở chợ Giang.

Dãy trên cùng PV mua tại Thổ Tang mang về so sánh với bánh bán tại siêu thị ở Hà Nội có sự khác biệt (ảnh: Mộc Miên).
Dãy trên cùng PV mua tại Thổ Tang mang về so sánh với bánh bán tại siêu thị ở Hà Nội có sự khác biệt (ảnh: Mộc Miên).

Hàng ngày, có hàng trăm chuyến xe lớn nhỏ chuyên chở hàng hóa từ Thổ Tang đi các tỉnh thành, nhưng đa phần là hướng đến những người có thu nhập thấp, thiếu hiểu biết thuộc những tỉnh miền núi, dân tộc ít người như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu…

Các loại xe tải lớn chở hàng ở Thị trấn Thổ Tang (ảnh: Mộc Miên).
Các loại xe tải lớn chở hàng ở Thị trấn Thổ Tang (ảnh: Mộc Miên).

Càng cận kề ngày Tết, dọc hai bên đường từ quốc lộ 2 kéo dài suốt từ khu phố mới đến hết địa phận chợ, khung cảnh mua bán diễn ra tấp nập, cả khu phố dường như đông đúc, náo nhiệt...

  Theo Pháp Luật Plus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.