Vì sao các thương hiệu xa xỉ đốt hủy hàng ế?

Các thương hiệu xa xỉ thường đốt hủy những sản phẩm tồn kho lâu ngày do bị ế

Các thương hiệu xa xỉ thường đốt hủy những sản phẩm tồn kho lâu ngày do bị ế và xem đây như là cách để duy trì sự khan hiếm hàng hóa và tính độc quyền thương hiệu của họ.

Thiêu hủy hàng ế để giữ gìn giá trị thương hiệu

Cứ đến mùa đông hàng năm, các xưởng sản xuất của thương hiệu thời trang nam cao cấp Stefano Ricci ở vùng Tuscany (Ý) lại gói gém những sản phẩm còn tồn tọng trong năm từ các bộ veston len casơmia, các caravat lụa cho đến những chiếc áo sơ mi bằng vải dệt xa xỉ rồi đưa chúng lên các xe tải để chở đi đốt hủy. Sau đó, các kế toán của Stefano Ricci sẽ làm đơn xin tín dụng thuế cho hoạt động này.

"Đó là một ngày thực sự buồn nhưng chúng tôi hiểu rằng làm như vậy tốt cho công ty", Niccolò Ricci, giám đốc điều hành Stefano Ricci, nói.

Các lãnh đạo công ty Stefano Ricci nói rằng tiêu hủy hàng tồn kho là nhằm duy trì giá trị thương hiêu của họ đối với khách hàng. Công ty này cho biết khách hàng không muốn chi hàng ngàn đô để mua một bộ veston để rồi sau đó vài tháng, họ thấy bộ veston giống y đúc vậy được bán ở một cửa hàng với giá chỉ bằng một nửa.

"Chúng tôi không muốn bán hàng hóa của chúng tôi ở các cửa hàng giảm giá là vì muốn tôn trọng khách hàng", Niccolò Ricci nói.

Ricci cho biết vào cuối năm, các nhân viên công ty sẽ gom áo quần bị ế đặt vào hàng chục thùng để đưa đến một cơ sở thiêu hủy.

Các công ty được thuê để tiêu hủy áo quần cao cấp này phải quay phim quá trình đốt hủy để giúp các thương hiệu cao cấp chứng minh với các cơ quan thuế ở Ý rằng hàng tồn kho của họ đã thực sự trở thành... tro bụi, một điều kiện bắt buộc để được hưởng tín dụng thuế.

Ricci cho biết công ty ông cũng đốt hủy hàng không bán được ở Mỹ và Trung Quốc.

Ricci nói công ty ông cũng muốn đem một số hàng tồn kho phục vụ các hoạt động từ thiện nhưng bị bó buộc bởi các quy định về tín dụng thuế. Ông nói nếu muốn được hưởng tín dụng thuế thì các hàng tồn kho phải bị đốt hủy để giá trị tồn kho bị loại bỏ khỏi sổ sách kế toán.

Ricci cho biết cha của ông, người sáng lập thương hiệu Stefano Ricci không thể chịu nổi và không đi làm vào ngày đốt hủy áo quần bị ế.

"Ông ấy là người đau đớn nhất khi chúng tôi đốt hủy các sản phẩm làm bằng chất liệu cotton và lụa. Ông xem các sản phẩm này như những đứa con của ông", Ricci nói.

Burberry tiên phong chấm dứt đốt hủy hàng ế

Giá trị hàng tồn kho bị đốt hủy (tính theo đơn vị triệu bảng) ủa thương hiệu thời trang cao cấp Burberry tăng dần lên qua các năm. Ảnh: WSJ

Tiêu hủy hàng ế là một kỹ thuật được tiến hành rộng rãi nhưng ít khi được thảo luận của các công ty sản xuất hàng xa xỉ nhằm duy trì sự khan hiếm hàng hóa và tính độc quyền thương hiệu của họ. Tại Ý và nhiều nước khác, họ có thể xin tín dụng thuế sau khi tiêu hủy hàng tồn kho.

Hôm 6-9, thương hiệu thời trang cao cấp Burberry (Anh) thông báo sẽ ngay lập tức chấm dứt hoạt động đốt hủy hàng tồn kho trước sức ép của các tổ chức bảo vệ môi trường vốn xem đây là hành động lãng phí.

Số lượng hàng tồn kho bị đem đi tiêu hủy của Burberry tăng mạnh trong những năm gần đây từ mức 5,5 triệu bảng trong năm 2013 lên 28,6 triệu bảng (37 triệu đô la) trong năm ngoái.

Hồi tháng 7, Kirsten Brodde, người đứng đầu cuộc vận động loại bỏ sử dụng hóa chất độc hại trong ngành thời trang có tên gọi Detox My Fashion ở tổ chức Hòa bình Xanh chỉ trích hoạt động đốt hủy hàng ế cùa Burberry là "không tôn trọng các sản phẩm của chính hãng này và sức lao động vất vả và các nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng để tạo ra chúng".

Trong thông báo về quyết định chấm dứt việc tiêu hủy hàng tồn, Marco Gobbetti, giám đốc điều hành Burberry nói: "Tính xa xỉ hiện đại có nghĩa là phải trách nhiệm về mặt xã hội và môi trường".

Thông báo của Burberry có dụng ý nhắm đến những khách hàng trẻ, những người có ý thức bảo vệ môi trường cao và ngày càng trở thành nhóm khách hàng quan trọng của ngành kinh doanh hàng hóa xa xỉ.

Các thương hiệu xa xỉ cũng đang từ bỏ việc sử dụng lông thú cho các sản phẩm của họ. Cũng trong hôm 6-9, Burberry cũng tuyên bố từ bỏ việc sử lông thú để sản xuất hàng hóa thời trang.

Sau thông báo của Burberry hôm 6-9, Ricci ra tuyên bố khẳng định: "Chúng tôi chỉ tiêu hủy một lượng nhỏ hàng tồn kho theo luật Ý và chúng tôi tiến hành việc này rất có trách nhiệm để tôn trọng môi trường, các bên liên quan của chúng tôi và đạo đức đằng sau thương hiệu của chúng tôi".

Thói quen khó từ bỏ

Việc đốt hủy các hàng hóa đắt tiền là một thói quen mà nhiều thương hiệu trong ngành công nghiệp hàng xa xỉ khó từ bỏ. Các thương hiệu cao cấp cho rằng tiêu hủy hàng tồn kho dù không tốt đẹp nhưng cần thiết phải làm.

Họ lo ngại hàng hóa cao cấp, nếu bị bán ế, có thể bị ăn cắp hoặc bị bán với mức giá bèo ở các hàng bán lẻ hoặc trên thị trường xám (grey market), một thuật ngữ kinh tế ám chỉ các hoạt động trao đổi hàng hóa một cách hợp pháp nhưng không chính thức, không được ủy quyền và ngoài mong muốn của nhà sản xuất.

Điều này chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho tính cao cấp và xa xỉ của các thương hiệu này.

Các thương hiệu xa xỉ khác bao gồm Richemont và Louis Vuitton, từng bị tố cáo tiêu hủy những chiếc đồng hồ và túi xách tay bị ế để tránh nguy cơ chúng bị bán rẻ.

Compagnie Financière Richemont , tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ của Thụy Sĩ, sở hữu thương hiệu đồng hồ và trang sức Cartier, đã chi hàng trăm triệu euro trong những năm gần đây để mua lại những chiếc đồng hồ không bán được đang tồn đọng tại các cửa hàng bán lẻ vì nhu cầu của khách hàng Trung Quốc sụt giảm.

Sau khi được mua lại, những chiếc động hồ này được cạy ra để thu hồi các viên đá quý rồi sau đó sẽ được nung chảy để thu hồi vật liệu và tái sử dụng.

Francois-Henri Pinault, giám đốc điều hành tập đoàn hàng xa xỉ Kering (Pháp), công ty mẹ của thương hiệu Gucci, cho biết Kering đã cố gắng giảm tối đa việc tiêu hủy lãng phí hàng tồn kho bằng cách tái sử dụng vải vóc và da từ các sản phẩm bị ế.

"Phần thực sự bị tiêu hủy là tương đối nhỏ. Thật sốc khi hủy các sản phẩm chất lượng cao", Pinault nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào năm ngoái.

Sau khi Burberry đưa ra thông báo dừng tiêu hủy hàng ế, Kering cho biết công ty đang bán áo quần bị ế với mức giảm giá cho bạn bè, người nhà của các nhân viên và các cửa hàng bán lẻ.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn


thời trang cao cấp

hàng hiệu

thương hiệu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.