Ngôn ngữ nào mới là giải pháp tốt nhất để người đẹp Việt ghi được điểm trong phần thi ứng xử?
Vậy thì trong một môi trường sắc đẹp quốc
tế hòa nhập nhưng cũng đầy tính cạnh tranh, trả lời ứng xử bằng ngôn ngữ
nào sẽ mang lại hiệu quả cao nhất?
Ứng xử bằng tiếng mẹ đẻ - hay mà cũng... dở
Thông thường, 5 người đẹp xuất sắc nhất
tại một cuộc thi nhan sắc sẽ có cơ hội thi Ứng xử - phần thi mang tính
quyết định người chiến thắng. Với những cuộc thi nhan sắc quốc tế, ban
tổ chức thường phải chuẩn bị sẵn một đội phiên dịch viên để hỗ trợ các
người đẹp, vì không phải ai cũng thông thạo ngôn ngữ quốc tế là tiếng
Anh.
Trả lời ứng xử bằng tiếng mẹ đẻ là chuyện
hết sức bình thường khi thi quốc tế. Điều quan trọng là nội dung trả lời
của các người đẹp có thuyết phục được giám khảo hay không. Nếu câu trả
lời hay thì họ hoàn toàn có cơ hội trở thành hoa hậu.
Trả lời bằng tiếng mẹ đẻ là chuyện bình thường khi thi quốc tế.
Thế nhưng, việc trả lời bằng tiếng mẹ đẻ
không hề đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ, bởi cần phải có một sự tập
trung cao độ. Nếu trả lời bằng tiếng Anh, người đẹp chỉ cần trả lời một
mạch theo suy nghĩ là xong. Nhưng trả lời bằng tiếng mẹ đẻ thì phải chấp
nhận quá trình ngắt nghỉ liên tục, để phiên dịch viên có thể lắng nghe
và dịch lại từng câu. Nếu người đẹp không tập trung thì sẽ bị cuốn theo
phiên dịch viên, hiệu ứng la hét khán đài mà quên đi điều mà mình cần
nói tiếp, dẫn đến nội dung trình bày thiếu logic. Về phía ban giám khảo,
đương nhiên quá trình tiếp nhận nội dung từ những đoạn dịch rời rạc sẽ
khó khăn hơn bình thường.
Đó là chưa kể đến việc trả lời bằng tiếng
mẹ đẻ có thể gặp phải một số sự cố ngoài ý muốn, mà điển hình là trường
hợp của Hoa khôi Nam Em tại cuộc thi Hoa hậu Trái đất 2016 vừa qua.
Phiên dịch viên "non nghề" đã không thể dịch nổi câu hỏi và câu trả lời
của Nam Em một cách trọn vẹn, khiến cô mất ngôi vị cao (thậm chí là
vương miện) chỉ trong gang tấc.
Hoa khôi Nam Em mất vương miện vì gặp phải phiên dịch viên "non nghề".
Một người đẹp khác cũng vô tình bị mất
vương miện chỉ vì sự cố phiên dịch là Ariadna Gutiérrez - đại diện của
Colombia tại Miss Universe 2015. Phiên dịch viên thiếu tế nhị, liên tục
chen ngang vào những lời Ariadna nói dở chừng, khiến cô khó chịu. Khoảnh
khắc người đẹp cau có "nhẹ" với người phiên dịch đã lọt vào mắt giám
khảo... và họ đã thẳng tay đánh trượt cô gái Colombia quá xuất sắc này.
Khó chịu vì phiên dịch chen ngang, Ariadna Gutiérrez mất vương miện Hoa hậu Hoàn vũ 2015.
Ứng xử bằng tiếng Anh - sự lựa chọn vẹn toàn
Như đã phân tích, ứng xử bằng tiếng Anh sẽ
không phải qua thông dịch viên, tránh được nhiều sự cố ngoài ý muốn.
Đôi khi, câu trả lời sau khi phiên dịch - dù vẫn còn nguyên phần nghĩa
nhưng mất đi hết sự tinh tế, mượt mà. Do vậy, việc trả lời thẳng bằng
tiếng Anh khiến cho ban giám khảo cảm thụ được ngay thông điệp ở ngưỡng
sâu sắc nhất.
Còn nhớ trong cuộc thi Hoa hậu Quốc tế
2015, Thúy Vân đã chinh phục được ban giám khảo bằng câu trả lời ứng xử
bằng tiếng Anh rất trôi chảy và sắc bén. Điều đó đã đưa cô lên ngôi Á
hậu 3 chung cuộc, lập kỷ lục thành tích cho Việt Nam trên đấu trường sắc
đẹp quốc tế.
Thúy Vân đoạt giải Á hậu Quốc tế nhờ câu trả lời bằng tiếng Anh hoàn hảo.
Ngoài ra, việc trả lời ứng xử trôi chảy
bằng tiếng Anh cũng giúp các người đẹp thể hiện được một phần nào đó về
trình độ học vấn, cũng như tinh thần hòa nhập quốc tế. Điều đó hứa hẹn
sẽ được khán giả quê nhà đánh giá rất cao.
Tất nhiên, trả lời bằng tiếng Anh là sự
lựa chọn hoàn hảo nhất, nhưng không vì thế mà các người đẹp Việt "cố đấm
ăn xôi". Nếu thực sự giỏi ngoại ngữ, hãy đưa ra một câu trả lời thật
trôi chảy để "ghi điểm" ngay lập tức với ban giám khảo. Còn không thực
sự thành thạo, hãy dùng tiếng Việt để thể hiện được nội dung một cách rõ
ràng nhất, tinh tế nhất, tránh gây ra "thảm họa ứng xử" trên sân khấu.
Trở lại với Lệ Hằng - người đẹp vừa khẳng
định sẽ trả lời ứng xử bằng tiếng Việt nếu lọt top 5 Miss Universe 2016.
Không có gì đáng chê nếu cô trả lời bằng tiếng Việt. Khi trình độ ngoại
ngữ không phải ở ngưỡng xuất sắc, trả lời bằng tiếng mẹ đẻ chắc chắn là
sự lựa chọn khôn ngoan hơn cả.

Ứng xử bằng tiếng mẹ đẻ là sự lựa chọn khôn ngoan nhất khi ngoại ngữ không quá giỏi giang.
Theo VietNamNet