17 người chết vì sốt xuất huyết

Dịch sốt xuất huyết lan rộng đến 61 tỉnh, thành với gần 59.000 trường hợp nhiễm bệnh, 17 người đã tử vong nhưng vẫn chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng đến 61 tỉnh, thành với gần 59.000 trường hợp nhiễm bệnh, 17 người đã tử vong nhưng vẫn chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh.

>> Sốt xuất huyết tăng cao, bệnh nhân doạ ‘tính sổ’ với BV

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết (SXH), chiều 24-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì hội nghị trực tuyến bàn các giải pháp phòng chống dịch bệnh này.

Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2017 cả nước ghi nhận gần 59.000 trường hợp mắc SXH, trong đó 17 trường hợp đã tử vong. So với cùng kỳ, số trường hợp SXH nhập viện tăng gần 13%, tử vong tăng 3 trường hợp. Hiện 61 tỉnh, thành đã ghi nhận có người mắc SXH. Riêng tại TP Hà Nội, tuần qua, ghi nhận gần 1.400 bệnh nhân SXH và 2 ca tử vong. Bộ Y tế dự báo trong những tháng cuối năm 2017, dịch SXH vẫn diễn biến phức tạp.

17 người chết vì sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Ảnh: Ngọc Dung

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lo ngại tình trạng quá tải ở bệnh viện tuyến cuối có thể khiến người bệnh nhiễm chéo SXH, làm tăng nguy cơ tai biến và tử vong. Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cơ sở y tế phân loại, chuyển bệnh nhân nhẹ về tuyến dưới điều trị ngay từ khi khám sàng lọc. Hiện căn bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị và vắc-xin phòng bệnh.

Riêng tại TP HCM, từ đầu năm đến nay phát hiện 10.652 trường hợp mắc SXH, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ riêng trong tuần vừa qua, đã có 454 người mắc bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân khiến dịch SXH gia tăng bất thường là do người dân còn lơ là, chủ quan. Qua điều tra cho thấy ổ bọ gậy (lăng quăng) truyền bệnh SXH tập trung chủ yếu trong dụng cụ chứa nước ở chậu cây cảnh, lốp xe, lọ hoa, chum, vại đựng nước không có nắp đậy và những bãi đất trống. Đặc biệt, nhiều hộ dân không hợp tác với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi.

Cùng ngày, ông Trần Văn Hoàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, cho biết bệnh SXH trên địa bàn tỉnh này tăng đột biến. Tỉnh Quảng Nam hiện có 1.375 ca SXH (tăng gấp 1,3 lần so với cùng kỳ năm 2016). Thời gian tới, bệnh sẽ tiếp tục tăng cao vì sắp bước vào mùa mưa, thuận lợi cho sự phát triển của bọ gậy.

Còn tại tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện 61 ổ dịch với 504 ca mắc SXH, chủ yếu tập trung ở TP Quảng Ngãi, huyện Tư Nghĩa và Đức Phổ. Để ngăn chặn dịch lây lan, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi đã cấp gần 400 lít hóa chất diệt muỗi để phun ở các ổ dịch và môi trường; tuyên truyền cho người dân phòng chống dịch.

Đề phòng sốc sốt xuất huyết

TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết trong các tháng 6 và 7, lượng bệnh nhi mắc SXH nhập viện gia tăng (khoảng 10%-15% so với tháng 5). Khi mắc bệnh này, 70% bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú. Trong nhóm bệnh nhân còn lại, có khoảng 5% sẽ phải đối diện cơn sốc SXH rất nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng. Cơn sốc có thể đến bất ngờ nên nếu bệnh nhân thuộc nhóm chỉ cần điều trị ngoại trú thì người nhà vẫn phải theo dõi sát. Từ ngày thứ 3 trở đi, cơn sốt thường hạ bớt, nhưng nếu bắt đầu hạ sốt mà bệnh vẫn không đỡ, mệt nhiều, đau bụng, bỏ ăn... thì cần nhanh chóng nhập viện, vì đó có thể là dấu hiệu báo trước của một cơn sốc. Mỗi người có thể mắc SXH tối đa 4 lần, tương đương với 4 type virus Dengue gây bệnh.

Theo Người lao động

tử vong

sốt xuất huyết

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.